PT Cursillo Sài Gòn Hành hương Năm Thánh Nhà thờ Bình An 03/09/2016

HHBinhAn

PHẦN 1: HÀNH HƯƠNG NĂM THÁNH

I.  KHAI MẠC.

Cộng đoàn tụ họp lại cuối nhà thờ cử hành nghi thức khai mạc.

LM: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

: Amen.

LM: Xin Thiên Chúa là Đấng cứu độ và là niềm an ủi của chúng ta, ở cùng tất cả anh chị em.

: Và ở cùng cha.

LM: Anh chị em thân mến, được gây phấn chấn và được thôi thúc bởi niềm tin vào Chúa Giê-su Đấng Cứu Độ chúng ta, mà Đức Tin ấy đã được chúng ta canh tân trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, và trong sự bảo vệ chở che của Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Đấng chẳng mắc tội tổ tông truyền, giờ đây chúng ta sẽ bước vào cuộc Hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót. Cổng Thánh sẽ được mở ra trước chúng ta: Đó chính là Chúa Ki-tô, Đấng dẫn dắt chúng ta, thông qua trách vụ của Giáo hội, đi vào trong mầu nhiệm ban niềm ủi an của Tình Yêu Thiên Chúa, đó là Tình Yêu vô biên, Tình Yêu ấy bao trùm toàn thể nhân loại. Chúng ta hãy làm cho con tim của mình được trở nên sẵn sàng đối với tác động của Chúa Thánh Thần – trong niềm khát khao được tương ứng với thái độ sẵn sàng của toàn thể ơn gọi Ki-tô hữu: Đó là ơn gọi nên thánh. Giờ đây chúng ta hãy bắt đầu trong sự bình an nhân danh Chúa Ki-tô.

HÁT: CHUNG LỜI TẠ ƠN

LM: Chúng ta hãy cầu nguyện.

Lạy Chúa, Chúa đã mạc khải quyền năng của Chúa trước hết là thông qua Lòng Thương Xót và sự tha thứ. Xin ban cho chúng con, được trải qua một năm ân sủng, một thời gian tốt đẹp, để yêu mến Chúa và yêu thương những người anh chị em của chúng con trong niềm vui của Tin Mừng. Xin tiếp tục đổ tràn Thần Khí Chúa trên chúng con, để chúng con không bao giờ mệt mỏi nhưng hoàn toàn tín thác ngước nhìn lên Đấng đã bị đâm thủng bởi chúng con. Ngài là Con một Chúa đã trở thành người, và là dung nhan ngời sáng phản chiếu lòng nhân hậu vô biên của Chúa, và cũng là nơi trú ẩn chắc chắn cho tất cả mọi tội nhân chúng con những kẻ đang đói khát ơn tha thứ và sự bình an của Chúa – cũng như đói khát chân lý mà chân lý ấy có khả năng giải thoát và cứu độ. Ngài chính là chiếc cổng qua đó chúng con đến được với Chúa. Ngài cũng là nguồn mạch không cùng của niềm ủi an đối với tất cả. Ngài là sự tuyệt vời không biết tới sự cùng tận, là niềm vui tròn đầy không hề có sự kết thúc trong cuộc sống chúng con.

Lạy Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin bảo vệ chúng con, Mẹ chính là hoa trái đầu mùa và vinh quang của chiến thắng Phục Sinh, là hừng Đông ngời sáng của trời mới và đất mới, là đích điểm cuối cùng của cuộc lữ hành dương thế mà chúng con đang thực hiện. Vinh danh Cha Chí Thánh, Con Một Cha - Đấng cứu Độ chúng con, và Chúa Thánh Thần - Đấng ủi an, từ muôn đời cho đến hiện nay luôn mãi đến thiên thu vạn đại.

: Amen.

LM: Đây là cửa dẫn vào nơi CHÚA ngự.

: Chỉ những người Công Chính mới được qua.

LM: Xin mở cửa công chính cho con.

: Để con bước vào tạ ơn Đức Chúa.

LM: Nhưng lạy Chúa, con sẽ được bước vào nhà Chúa nhờ sự tốt lành bao la của Chúa.

: Con kính cẩn phủ phục trước Đền Thánh Chúa.

Đoàn hành hương bước qua cổng thánh tiến vào nhà thờ.

HÁT: CỬA CÔNG CHÍNH

LM: Chúng ta hãy cầu nguyện.

Lạy Cha Chí Thánh, Cha giầu Lòng Xót Thương và có tình thương yêu hải hà, chúng con ca ngợi Cha với trọn tấm lòng, và xin tạ ơn Cha về sự giầu sang ngập tràn của ân sủng Cha. Xin đoái nhìn chúng con là những người hôm nay đã mở Cổng Thánh và đã bắt đầu thời gian Năm Thánh với niềm vui. Chúng con cầu xin Cha ban cho tất cả những ai sẽ đi qua Cổng Lòng Thương Xót với tâm hồn hối cải ăn năn, với việc tuyên xưng Đức Tin, và với niềm tín thác con thảo, được kinh qua một cách sống động sự trìu mến đầy
tình phụ tử của Cha, và được đón nhận hồng ân tha thứ, để bằng cả lời nói lẫn việc làm họ sẽ làm chứng cho dung nhan Lòng Xót Thương của Cha: Chúa Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa chúng con, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Cha tới muôn thuở muôn đời.

: Amen.

LM: Lạy Chúa, xin chúc lành cho dân Chúa, dân này đang đợi chờ ơn Thương Xót của Chúa, đang kiếm tìm sự tốt lành và trọn hảo, mà chính Chúa đã khơi lên trong họ. Chúng con cầu xin Nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con.

: Amen.

II.  SUY NIỆM VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT

LỜI CHÚA: Ga 17, 11-21

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo Thánh Gioan

Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ chúng nhờ Danh Cha, mà Cha đã ban cho Con, ngõ hầu chúng nên một như Chúng Ta. Khi Con ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng nhân Danh Cha, mà Cha đã ban cho Con. Con đã canh phòng, và không ai trong chúng đã hư đi, trừ phi con người hư đốn, để Kinh thánh được nên trọn. Nhưng nay Con đến cùng Cha, và Con nói thế, lúc còn ở thế gian, ngõ hầu sự vui mừng của Con được trọn vẹn nơi mình chúng. Con đã ban cho chúng lời của Cha, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất chúng khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng khỏi kẻ dữ. Chúng không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy tác thánh chúng trong sự thật: lời của Cha tức là sự thật. Như Cha đã sai Con đến trong thế gian, Con cũng sai chúng đến trong thế gian. Và vì chúng, Con xin hiến thánh mình Con, ngõ hầu chúng được tác thánh cách chân thật. Con không chỉ cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho những kẻ nhờ lời chúng mà sẽ tin vào Con, để hết thảy chúng nên một, cũng như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu chúng ở trong Chúng ta, và thế gian tin là Cha đã sai Con.

Đó là Lời Chúa.

SUY NIỆM

HIỆP NHẤT
DẤU CHỈ SỐNG LÒNG THƯƠNG XÓT

1. Câu chuyện Hiệp nhất

Chuyện ngụ ngôn thời xưa kể lại. Có người Cha già muốn dạy các con bài học “HIỆP NHẤT”: “ĐOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT…”. Cụ đưa cho các con một bó đũa đã cột lại làm một và bảo các con bẻ thử, mấy người con cố gắng cũng không thể nào bẻ gẫy bó đũa… Cụ liền bảo hãy tháo bó đũa ra và bẻ từng cái và thế là bó đũa bị bẻ gẫy dễ dàng. Câu chuyện “Anh em nhà họ Điền” cũng dạy chúng ta bài học “HIỆP NHẤT”: “ĐOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT”.

Trong Kinh Thánh Cựu Ước có kể câu chuyện anh em ruột thịt chia rẽ nhau: Vì ghen tức, Cain giết em ruột của mình là Abel… (Kn 4, 1-16). Sau đó là câu chuyện “Tháp Babel” (Kn. 11, 1-9). Từ đó con người chia rẽ nhau, “Không còn nói cùng một thứ tiếng” nữa… và cũng từ đó chiến tranh luôn xảy ra trên thế giới chúng ta, nhân loại không còn là một gia đình yên vui, êm ấm, thuận hòa.

Trong bữa ăn cuối cùng với các Tông Đồ, Chúa Giêsu đã thiết tha cầu nguyện cho sự “HIỆP NHẤT”: “Xin cho tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17, 21-23). Trước đó Chúa Giêsu đã lấy hình ảnh “Cây Nho” để mời gọi mọi người hãy liên kết chặt chẽ với Chúa và với nhau: “Thầy là Cây Nho chúng con là ngành nho, ngành nào “Hiệp Nhất”cùng cây sẽ sinh hoa kết quả, ngành nào lìa cây sẽ khô héo đi…” ( Ga 15,5). Giáo hội Chúa được sánh ví như một “Thân Thể Mầu Nhiệm” (Rm 12,4), Chúa Giêsu là Đầu và chúng ta là các Chi Thể. Tất cả đều sống tùy thuộc vào nhau, chia sẻ cùng một giòng máu yêu thương, cùng một tinh thần là sức sống trong Chúa Thánh Thần. Trong Lễ Thánh Thể, chúng ta cũng được chia sẻ cùng một “Tấm Bánh” (hiệp nhất do muôn ngàn lúa miến), cùng một “Chén Rượu” (hiệp nhất do trăm ngàn trái nho). Trước đó chúng ta đã tuyên xưng cùng một “Đức Tin”, cùng một “Phép Rửa”, và cùng cầu nguyện chung kinh “Lạy Cha chúng con…” rồi cùng chia sẻ dấu hiệu của sự “Hiệp Nhất” yêu thương bằng những cử chỉ chân thành ‘chúc bình an’ cho nhau.

Giáo hội luôn luôn mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện cho sự “Hiệp Nhất” trong gia đình Giáo hội, trong gia đình nhân loại; đặc biệt trong ‘Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất’ vào giữa tháng Một hằng năm.

Hành trình trong cuộc sống là một cuộc ‘Đồng hành’. Chúng ta cùng đi với nhau, nâng đỡ nhau, dìu nhau đi (chị ngã em nâng) giữa bao khó khăn, thử thách của cuộc đời. Thiên Chúa luôn tôn trọng Tự do của con người. Chúng ta nên tôn trọng nhau để chung tay xây dựng hòa bình trên thế giới, trong gia đình, chúng ta mới được sống trong thanh bình, hạnh phúc của Tình yêu Thiên Chúa là Cha mọi người chúng ta.

Thánh Phanxicô khó nghèo đã dâng hiến cả cuộc đời để phụng sự Chúa và nhân lọai. Ngài luôn dâng lời cầu nguyện và tận tâm, tận lực gây dựng sự Hiệp nhất, Tình yêu thương và Hòa bình trên thế giới, trong gia đình và giữa mọi người thuộc mọi màu da, chủng tộc, tôn giáo và văn hóa. Chúng ta hãy luôn thành tâm cầu nguyện với Chúa cho chúng ta biết xóa bỏ hận thù, kỳ thị, tranh chấp, nghi kị, kết án lẫn nhau…để trở nên những ‘Khí cụ bình an của Chúa…Biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi ngừơi…biết đem yêu thương vào nơi oán thù…Đem an hòa vào nơi tranh chấp…’.

2. Hiệp nhất trong yêu thương

Đã hơn 2 ngàn năm rồi, lời nguyện của Thầy Giê-su Chí Thánh vẫn còn vang vọng cho đến ngày hôm nay. Thầy Giê-su ngày xưa đã cầu xin cho các môn đệ và những ai tin vào Ngài được ơn hiệp nhất nên một trong tình yêu. Nếu đặt mình trong bầu khí của bữa tiệc ly hôm ấy, chắc hẳn chúng ta sẽ hiểu được lòng của Thầy Giê-su hơn, hiểu được khao khát của Ngài hơn. Hiểu được vì sao lúc này lòng Ngài lại hướng trọn về các môn đệ thân yêu và cả chúng ta nữa, dù Ngài đang phải đối diện với bao cam go và thách đố khi chuẩn bị đi vào cuộc thương khó. Hiệp nhất là một ơn thật cao quý.

Hiệp nhất không phải là làm cho mọi người đều có cùng một quan điểm, một suy nghĩ, và tất cả đều khoác lên mình một bộ đồng phục giống nhau. Thực tế, chúng ta rất khác biệt nhau. Dù cùng một màu da, cùng một văn hóa, và cùng một ngôn ngữ; nhưng chúng ta được Chúa dựng nên với những nét độc đáo riêng biệt và với kế hoạch rất riêng Chúa dành cho cho cuộc đời mỗi người. Khoa học cũng cho thấy rằng khả năng giống hệt nhau giữa những con người được sinh ra chỉ còn là 1 trên 70 vạn tỷ (1/7.1013). So với khoảng 7 tỉ người trên thế giới hiện nay, khả năng có ai đó giống mình thì rất xa vời.

Hiệp nhất là nên một giữa những khác biệt. Hiệp nhất như một bức tranh mang nhiều màu sắc khác nhau nhưng vẫn hài hòa với nhau và cùng diễn tả một ý nghĩa hay một chủ đề nào đó, như một bản hòa tấu du dương gồm các nốt nhạc cao thấp, mạnh nhẹ khác nhau chứ không phải là tiếng còi tàu một cung hú lên inh ỏi. Chúng ta có thể trở nên hiệp nhất nhờ biết mình đều là con cái Chúa, đều mang nơi mình hình ảnh của Ngài. Khi hiệp nhất chúng ta được ở trong tình yêu của Giê-su, và cũng là ở trong tình yêu của Chúa Cha.

Tình yêu được nhắc đến như điểm quy chiếu, điểm nối kết tất cả. Không thể nói đến hiệp nhất nếu không có tình yêu. Nếu yêu mến và gắn kết với Giê-su một cách thực sự, thì cũng sẽ yêu thương và gắn kết với nhau. Nhờ tình yêu, cũng sẽ khiêm tốn để cảm thông và chấp nhận nhau. Cũng sẽ cùng nhau nghĩ đến lợi ích lớn hơn thay vì chỉ loay hoay với những tính toán nhỏ mọn của riêng mình. Và khi ấy sẽ có hiệp nhất và bình an. Giê-su là cây nho, chúng ta là cành nho, cành nào không gắn liền với cây thì sẽ bị khô héo và tách rời, hiệp nhất hệ tại cành nho liên kết với cây nho. Để hiệp nhất cần có một tình yêu rất riêng với Giê-su. Giêsu phải là trung tâm cho đời sống của mình.

Ước mong nhờ lời cầu nguyện của Thầy Giê-su ngày xưa, bạn và tôi cũng nghe thấy một lời mời nào đó cho chính mình, và cũng biết mau mắn đáp lại. Để rồi chính mình nghiệm thấy niềm vui của sự hiệp nhất và bình an khi được ở trong Chúa là Đấng nhân từ đầy yêu thương.

3. Hiệp nhất trong Lòng Thương xót

Khi tới viếng thăm bà Ê-li-da-bet, được bà chúc mừng “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em." thì Đức Trinh Nữ Matia đã ngay lập tức dâng lời chúc tụng Thiên Chúa bằng bài ca Ngợi Khen “Magnificat”; trong đó có câu: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.” (Lc 1, 50). Quả thật Lòng Thương xót của Thiên Chúa trải dài theo lịch sử loài người, kể từ khi Nguyên tổ phạm tội xa lìa Thiên Chúa, liên tục hết “đời nọ tới đời kia”. Đó chính là vì “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Ngài đã làm ra.” (Kn 11, 24); “Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương.” (Ga 4,2).

Kinh Thánh Cựu Ước đã minh chứng Thiên Chúa giàu lòng thương xót đối với nhân loại, Người sẵn sàng “tha cho dân tội xúc phạm đến Ngài cũng như mọi tội phản bội đối với Ngài” (1V 8, 50; xem thêm 2Sbn 30, 6; 36, 15; Tb8, 17; 13, 5.8; 14, 5; Xh 34, 6; 2 Sm 2, 6; 15, 20; Tv 25, số 10; Tv 40, số 11-12; Tv 85, số 11; Tv 102, 14; Tv 118, số 29; Tv 119, số 156; Tv 138, số 2; Tv 144, số 9…). Sang đến Tân Ước thì phải nói là toàn bộ Kinh Thánh đều tập trung minh họa Lòng Thương xót của Thiên Chúa thông qua công trình cứu độ của Người. Lòng Chúa Thương xót được biểu hiện cụ thể nhất, sinh động nhất nơi Con Thiên Chúa làm người: Đức Giê-su Ki-tô, đúng như lời khẳng định của ĐGH Phan-xi-cô trong Tông thư “Misericordiæ Vultus – Khuôn Mặt Xót Thương” (số 1… 6):

“Chúa Giê-su Ki-tô là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha. Những lời này có thể tổng hợp sâu sắc mầu nhiệm của đức tin Ki-tô. Lòng Thương xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giê-su thành Na-da-rét, và đạt đến đỉnh cao nơi Ngài. Chúa Cha “giàu lòng thương xót” (Ep 2, 4), sau khi đã mạc khải danh Ngài với Mô-sê như là “một Thiên Chúa nhân từ và đầy thương xót, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 6), đã không ngừng thể hiện, bằng nhiều cách khác nhau trong suốt lịch sử, bản tính Thiên Chúa của Ngài. Vào “thời viên mãn” (Gl 4, 4), một khi tất cả mọi thứ đã được sắp xếp theo đúng kế hoạch cứu rỗi của Ngài, Ngài đã sai Con Một Ngài xuống thế gian, sinh bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria, để biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta một cách quyết liệt. Bất cứ ai nhìn thấy Chúa Giê-su cũng là thấy Chúa Cha (Ga 14, 9). Chúa Giê-su thành Na-da-rét, qua lời nói, hành động, và toàn bộ con người của Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa... Trong suốt lịch sử của nhân loại, Thiên Chúa sẽ luôn luôn là Đấng hiện diện, gần gũi, quan phòng, thánh thiện, và thương xót.”

Trong Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Thánh Gio-an Phao-lô viết: “Giáo Hội ngày nay rất ý thức rằng chỉ khi nào dựa trên căn bản là lòng thương xót của Thiên Chúa thì mới có thể thực hiện được những tiêu chí từ giáo huấn Công đồng Va-ti-ca-nô II, và trước tiên là tiến trình Đại kết, nhằm hiệp nhất tất cả những ai tin vào Đức Ki-tô. Khi nỗ lực theo tiến trình này, Giáo Hội khiêm tốn nhìn nhận rằng chỉ có tình thương đó, mạnh hơn sự yếu hèn của những chia rẽ, mới có thể thực hiện được cách dứt khoát sự hiệp nhất mà Đức Ki-tô đã khẩn cầu Cha Người ban và Thần Khí không ngừng khẩn cầu cho chúng ta “bằng những tiếng rên siết khôn tả”.

Tính chất nhất quán của Hội Thánh (từ Hội Thánh toàn cầu tới Hội Thánh tại gia) là “hiệp nhất” từ cội nguồn Thiên Chúa Ba Ngôi như lời kinh nguyện hàng ngày: “Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giê-su Ki-tô Con Cha, Chúa chúng con; Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời.” Giáo xứ là cộng đoàn Hội Thánh địa phương, tất nhiên cũng mang tính chất “Hội Thánh hiệp nhất với nhau trong Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”. Để đạt được mục đích sống hiệp nhất với nhau trong Lòng Thương Xót, từng cá nhân, từng hội đoàn, cũng như toàn thể cộng đoàn thừa sai trong Giáo xứ, hãy sống và làm theo những lời khuyên từ Kinh Thánh:

* Nhắm đến lợi ích chung, không vì tư lợi: Thánh Phao-lô đã tha thiết khuyên răn:“Chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau.” (Rm 14, 19); “Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau.” (1Cr 1, 10).

* Không phê phán, xét đoán, mà hãy sửa lỗi nhau theo tinh thần Tin Mừng: Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô đã nhấn mạnh điều này: “Bạn là ai mà xét đoán tha nhân? Nó đứng hay nó ngã là việc của nó. Nhưng nó sẽ đứng vì có Chúa.” (Rm 14, 4). Chính Đức Giê-su cũng dạy: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” (Lc 6, 37); “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” (Lc 6, 41-42).

Là con người thì không ai tránh khỏi sai lầm thiếu sót, gặp trường hợp có người anh em phạm lỗi, hãy làm theo Lời dạy của Người Thầy chí thánh (Mt 18, 15-17): Bước 1- Đích thân nhắc nhở anh em cách riêng tư. Bước 2- Nếu không được thì kêu thêm vài người nữa, để có những nhân chứng. Bước 3- Cuối cùng vẫn chưa thuyết phục được, mới đưa ra cộng đoàn. Trên tất cả, là hãy biết tha thứ cho nhau, như thánh Phê-rô hỏi Đức Giê-su: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." (Mt 18, 21-22).

Xét cho cùng, cuộc sống này là một cuộc “đồng hành”. Mọi người cùng nhau bước dài trên những nẻo đường trần gian để trở về Quê Trời là nơi ở vĩnh viễn, đích thực. Trên con đường đó có biết bao gian truân, thử thách mà một cá nhân không thể nào tự mình bước hết được. Cần có những bàn tay, đôi chân để tiếp sức; cần có những con tim và bờ vai để cảm thông, sẻ chia những khốn khó trong đời. Và từ đó mới thấy được rằng, tình hiệp nhất thật quan trọng. Nó thể hiện tình yêu Thiên Chúa cách rõ rệt và trung thực nhất, đồng thời cũng thể hiện tính “người” nhiều nhất, vốn là điểm làm cho loài người khác loài vật. Ước mong sao tất cả được nên một với nhau trong Thiên Chúa, không còn bất kỳ sự chia rẽ hay hận thù, đặc biệt giữa chúng ta là những Cursillista.

Lạy Chúa Giêsu, trong một thế giới chỉ thích đề cao cái tôi và thích nghĩ đến ích lợi cá nhân. Xin cho chúng con trở nên đơn sơ và nhỏ bé, biết quên mình nghĩ đến anh em. Trong một thế giới đầy lừa lọc và gian dối. Xin cho con dám sống chân thật như Chúa dù phải gặp nhiều thách đố gian truân. Cuối cùng xin cho chúng con luôn biết chọn Chúa là trên hết và trước hết trong cuộc đời con, để khi gắn kết với Chúa, con được cũng được gắn kết với anh em, khi hiệp nhất với Chúa, con cũng được hiệp nhất với anh em, và tất cả chúng con được nên một trong tình yêu như Chúa hằng ước mong. Amen.

HÁT: BÀI CA HIỆP NHẤT

Cộng đoàn thinh lặng trong giây lát.

III.  XÉT MÌNH – XƯNG TỘI.

Chủ sự: Anh chị em rất thân mến trong Chúa Kitô. Hôm nay, chúng ta cùng họp nhau nơi đây, trong buổi hành hương Năm Thánh Lòng Thương xót cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, để cảm tạ Thiên Chúa vì phẩm giá và ơn gọi Kitô hữu mà chúng ta đã lãnh nhận; đồng thời chúng ta cùng hoà nhịp tâm hồn để hiệp lời cầu nguyện cùng với tất các Kitô hữu trên toàn thế giới với hy vọng: tất cả cùng được hiệp nhất với nhau trong Ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Tình yêu của Chúa Cha và ơn Thông hiệp của Chúa Thánh Thần.

LỜI NGUYỆN VỚI CHÚA THÁNH THẦN

Chủ sự: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến và cư ngụ trong tâm hồn chúng con, giúp chúng con biết lắng nghe tiếng nói của Ngài.

: Lạy Chúa xin ban xuống trên chúng con...

Chủ sự: Lạy Chúa Thánh Thần là Nguồn mạch tình yêu của Thiên Chúa, xin chỉ cho chúng con tình yêu của Chúa Cha.

: Lạy Chúa xin ban xuống trên chúng con...

Chủ sự: Lạy Chúa Thánh Thần là Lửa tình yêu của Thiên Chúa, xin thanh tẩy chúng con, loại bỏ khỏi tâm hồn chúng con những chia rẽ và làm cho chúng con nên một trong Đức Kitô.

: Lạy Chúa xin ban xuống trên chúng con...

Chủ sự: Lạy Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, xin đến ngự trị trong chúng con để chúng con có thể nên một trong sự hiệp thông tình yêu và thánh thiện. Xin làm cho chúng con nên một trong Chúa, là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

: Amen.

LỜI NGUYỆN GIAO HOÀ

Chủ sự: Thiên Chúa luôn kêu mời chúng ta giao hoà để bước vào hành trình hiệp nhất. Chúng ta cùng hối cải về những suy nghĩ, ước muốn và việc làm của chúng ta để lãnh ơn giao hoà; nhờ đó, trổ sinh hoa trái của tình hiệp nhất trong tâm hồn.

Thinh lặng

Xướng: Lạy Thiên Chúa, Ngài đã tạo dựng chúng con giống hình ảnh Ngài. Xin Chúa tha thứ vì nhiều lần trong cuộc sống chúng con đã không nhận ra hình ảnh của Chúa nơi những anh chị em mà chúng con gặp gỡ và ngay cả trong chính bản thân chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

: Xin Chúa thương xót chúng con.

Xướng: Lạy Chúa Kitô, Chúa dạy chúng con phải tha thứ cho anh chị em mình. Xin Chúa tha thứ mỗi khi chúng con chỉ biết sống như người chủ nợ mà quên rằng chính mình là con nợ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

: Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xướng: Lạy Thiên Chúa của tình yêu và bình an, xin tha thứ mỗi khi chúng con gây ra chia rẽ, bất hoà mà quên đi việc xây đắp cho tình huynh đệ trong cộng đoàn chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

: Xin Chúa thương xót chúng con.

Chủ sự: Lạy Chúa là Cha nhân từ, xin rộng lòng tha thứ và đổ tràn ân sủng của Chúa trong tâm hồn chúng con, để chúng con trở nên chứng nhân của tình yêu Chúa ở những nơi chúng con hiện diện. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

: Amen.

LỜI CHÚA: Mt 28,1-10

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy Người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay.” Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ!
Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”

Đó là Lời Chúa.

Chủ sự có thể có vài lời gợi ý.

LỜI MỜI GỌI HỒI TÂM

  • Nhìn lại đời sống nơi cộng đoàn chúng ta hôm nay, điều gì đã khiến chúng ta đang tự nhốt mình trong sự buồn bã, lo âu và thất vọng? Điều gì đang ngăn cản ánh sáng của Đấng Phục Sinh chiếu rọi vào tâm hồn chúng ta?
  • Mỗi khi ta tha thứ là mỗi khi ta được nhẹ nhàng và an vui, mỗi khi ta thứ tha là mỗi khi ta đang kết dệt đời mình bằng tình yêu thương. Chúng ta đã thật sự sẵn sàng để bước vào hành trình hiệp nhất hay chưa

Cộng đoàn đứng.

HÁT: XIN CHỈ CHO CON

Cộng đoàn ngồi, chủ sự gợi ý giúp cộng đoàn xét mình.

* Mọi người hãy biết nhắm đến ích chung, không nhắm đến lợi riêng

Thánh Phaolô đã nói: “chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau” (Rm 14,19). Điểm chung ấy chính là niềm tin vào Đức Kitô và tình yêu lớn lao của Người, một tình yêu đã nối kết tất cả chúng ta làm một trong Giáo Hội và trở thành anh chị em với nhau. Tránh những điểm riêng là đừng tập trung vào cá tính, sở thích, lối giải thích, phong cách sống cá nhân. Thánh Phao-lô đã tha thiết khuyên điều này: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau” (1Cr 1,10).

* Phải thực tế với những ước muốn bản thân

Dietrich Bonhoeffer nói: “Ai yêu mơ ước của mình cho cộng đoàn nhiều hơn yêu chính cộng đoàn của mình đang sống, sẽ là kẻ phá hoại công đoàn của mình.” Thực vậy, nếu mỗi người không biết tạ ơn những gì được trao ban từ Thiên Chúa, gia đình, nhóm hội mà mình tham gia; không biết dấn thân, sắp đặt mục tiêu chung lên trên những ước vọng cá nhân, thì dù có những kinh nghiệm và khả năng lớn lao đến đâu, chúng ta cũng không đạt được bất kỳ thành công nào, nhưng chỉ toàn là những yếu đuối, bất toàn, kém tin, khó khăn. Bên cạnh đó, nếu chỉ biết than phiền, thì chính chúng ta lại trở nên những kẻ “kỳ đà cản mũi” phá tan đi mối tương quan giữa các thành viên với nhau.

* Khích lệ hơn phê bình

Phê phán, xét đoán cách thiên lệch, chủ quan và độc đoán là những thói xấu. Khi phê phán và xét đoán như vậy, chúng ta xen vào công việc của Thiên Chúa! Trong thư Rôma, thánh Phaolô đã nhấn mạnh điều này: “Bạn là ai mà xét đoán tha nhân? Nó đứng hay nó ngã là việc của nó. Nhưng nó sẽ đứng vì có Chúa” (Rm 14,4). Cứ mỗi lần xét đoán hay phê phán ai đó, chúng ta tự biến mình thành mối nguy hại cho sự hiệp nhất.

* Không nghe những lời nói xấu về người khác

Nói hành, nói xấu là những thói xấu làm nguy hại đến tình hiệp nhất, nhưng cả việc nghe người khác nói xấu về anh em của mình cũng là một việc không nên. Mưa dầm thấm đất, dẫu chúng ta có cái nhìn tốt về người khác, nhưng qua thời gian, nếu cứ mãi nghe những lời nói xấu, chúng ta cũng dễ dàng quên đi những điều tốt đẹp nơi họ. Nghe lời nói xấu cũng gián tiếp trở thành kẻ gây xáo trộn. Thực vậy, sách Châm ngôn đã viết: “Phường gian ác để tâm nghe điều bất chính, quân lừa đảo lắng tai nghe những chuyện hại người” (17,4). Để bảo vệ tình yêu thương chân chính, chúng ta phải gạt khỏi tai những lời nói xấu anh em.

* Sửa lỗi nhau theo tinh thần Tin mừng

Khi xảy ra xích mích, đố kỵ, hoặc xúc phạm đến nhau, nên can đảm nhìn lại mình trước khi góp ý sửa sai anh em trong tình thương yêu huynh đệ. Là con người thì không ai tránh khỏi sai lầm thiếu sót, gặp trường hợp có người anh em phạm lỗi, hãy làm theo Lời dạy của Thầy Chí Thánh Giêsu đã nêu ra một tiến trình sửa lỗi nhau đơn giản gồm ba bước: (1) đích thân nhắc nhở anh em cách riêng tư. (2) không được thì kêu thêm vài người nữa. (3) Cuối cùng mới đưa ra cộng đoàn (Mt 18,15-17). Khi xảy ra xích mích, chúng ta thường dễ đi phàn nàn, nói xấu với người khác, hơn là can đảm sửa sai anh em trong tình thương yêu huynh đệ. Việc đi “mách lẻo” chỉ làm cho mọi chuyện xấu thêm chứ không giải quyết được điều gì.

* Yêu thương, nâng đỡ người đứng đầu

Người lãnh đạo chính là hiện thân của sự hiệp nhất. Khi đứng ra lãnh đạo, tuy người ấy đứng ở vị thế cao hơn những người khác, nhưng đó không phải là một vinh dự cho bằng một sự can đảm và quảng đại để đảm nhiệm những công việc chung vốn đầy cam go và thử thách. Càng lên cao, gió càng mạnh. Vì thế, chúng ta hãy yêu thương những người làm công tác chung, đó là những lời của thánh Âutinh trong luật sống đời tu nền tảng. Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Thêxalônica, cũng khuyên mọi người hãy quý trọng những ai đang
vất vả vì việc chung nhân danh Chúa, và hãy lấy tình bác ái mà hết lòng tôn kính những người ấy vì công việc họ làm. (x. 5, 12-13)

HÁT: LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA.

LM ngồi tòa Giải tội, cộng đoàn lãnh Bí tích Hòa giải hoặc thinh lặng cầu nguyện riêng.

-------o0o-------

IV.  THÁNH LỄ

Ca nhập lễ: CHUNG LỜI TẠ ƠN

BÀI ĐỌC I: 1 Cr 4, 6-15

"Chúng tôi chịu đói khát và trần trụi".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy học hỏi nơi tôi và Apollô lời tục ngữ rằng: "Đừng làm quá điều đã chép", để anh em đừng kiêu căng mà theo phe người này chống lại phe người khác. Vì có ai làm cho ngươi được nổi bật đâu? Nào ngươi có điều gì mà không phải là ngươi đã nhận lãnh? Nếu ngươi đã nhận lãnh, lẽ nào ngươi khoe mình dường như ngươi không nhận lãnh?

Phải rồi! Anh em đã được no đầy rồi đấy, đã trở nên giàu có rồi đấy, anh em đã cai trị mà không cần đến chúng tôi. Chớ chi anh em được làm vua, để chúng tôi cùng được cai trị với anh em. Vì tôi nghĩ rằng chúng tôi là những tông đồ rốt hết, mà Thiên Chúa đã phơi bày chúng tôi ra như những người bị tử hình: vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho các Thiên Thần và loài người. Chúng tôi là những kẻ ngu dại vì Đức Kitô, còn anh em là những người khôn ngoan trong Đức Kitô; chúng tôi là những kẻ yếu đuối, còn anh em là những người hùng mạnh; anh em là những người sang trọng, còn chúng tôi là những kẻ hèn hạ. Cho đến giờ này, chúng tôi phải chịu đói khát, trần trụi, bị xỉ vả và long đong, chính tay chúng tôi đã vất vả làm việc; khi bị chúc dữ, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi chịu đựng; bị thoá mạ, chúng tôi năn nỉ. Chúng tôi trở nên như đồ phế thải của thế gian này, và như cặn bã của mọi loài cho đến giờ này.

Tôi viết những điều này, không phải để làm nhục nhã anh em, nhưng tôi khuyến cáo anh em như con cái rất yêu dấu của tôi. Vì dẫu anh em có hàng vạn thầy dạy trong Đức Kitô, nhưng anh em không có nhiều cha đâu; vì nhờ Tin Mừng, tôi đã sinh anh em ra trong Đức Giêsu Kitô.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 17-18. 19-20. 21

Đáp: Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người (c. 18a).

Xướng 1: Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm.   - Đáp.

Xướng 2: Chúa thực hiện ý muốn của những ai tôn sợ Người, Người nghe tiếng họ kêu và Người cứu họ. Chúa gìn giữ tất cả những ai mến yêu Người, và Người hủy diệt hết mọi kẻ bất nhân.   - Đáp.

Xướng 3: Miệng tôi hãy xướng lời ca khen ngợi Chúa, mọi loài huyết nhục hãy chúc tụng danh Chúa tới muôn đời.   - Đáp.

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn ngàn đời. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 6, 1-5

"Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: "Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?" Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Các ông chưa đọc điều Đavit đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi". Và Người bảo họ rằng: "Con Người làm chủ cả ngày Sabbat". Đó là lời Chúa.

Ca dâng lễ: DÂNG LÊN CHÚA

Ca hiệp lễ: CHÚA Ở CÙNG TÔI

Kết lễ: BÀI CA HIỆP NHẤT

-------o0o-------

Phụ trách chương trình: Nhóm Cursillista hạt Bình An.

Chương trình hành hương lần tới: Vào lúc 9 giờ sáng thứ Bảy ngày 17/09/2016 tại Nhà thờ Thị Nghè, Hạt Gia Định.

PHẦN 2: TƯỜNG THUẬT BUỔI HÀNH HƯƠNG.

 

HHBinhAn 1

Nhà thờ Bình An.

HHBinhAn 2

Nội thất nhà thờ Bình An.

HHBinhAn 3

Cộng đoàn tập trung trước cổng chính nhà thờ.

HHBinhAn 4 HHBinhAn 5

Tập hát trước khi bước vào buổi hành hương.

HHBinhAn 6

"Cửa công chính hãy mở cho tôi vào tạ ơn Chúa".

HHBinhAn 7 HHBinhAn 8

Cha Linh hướng giúp cộng đoàn xét mình.

HHBinhAn 9

Thánh lễ - Bài đọc 1.

HHBinhAn 10

Bài giảng thật sống động của cha Linh hướng.

HHBinhAn 11

Cộng đoàn tham dự cách sốt sắng.

HHBinhAn 12 HHBinhAn 13

LM chủ sự mời cộng đoàn tiến lên đứng sát bàn thờ để cùng hiệp dâng của lễ.

HHBinhAn 15

Thánh lễ kết thúc, bình an của Chúa hằng ở với muôn người, mỗi người.

HHBinhAn 16

HHBinhAn 17

Chụp hình lưu niệm.

HHBinhAn 18 HHBinhAn 19

Sau buổi hành hương, cha Sở Bình An mời cộng đoàn ghé thăm nhà xứ và giao lưu.

HHBinhAn 20

Lm Giuse Trịnh Văn Viễn, Chánh xứ Bình An.

HHBinhAn 21

Tạ ơn Chúa, cám ơn nhau.

Ảnh: Kim Thành.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com