Nhà Thờ Bình An

HHBinhAn 1

Lược sử Giáo xứ Bình An.

Cuối năm 1954, hàng trăm ngàn người miền Bắc di cư vào Nam sinh sống. Trong đó, gần mười ngàn người đa phần là giáo dân gốc Phát Diệm, dưới sự dẫn dắt của Cha Phaolô Hoàng Quỳnh và một số quí Cha gốc Phát Diệm, qui tụ và định cư trên dải đất Bình Xuyên, dọc Bến Phạm Thế Hiển, Quận 8, Sài Gòn, chạy dài hơn 5km từ cầu chữ Y giáp huyện Nhà Bè đến Bến Đá giáp huyện Bình Chánh.

Church BA01Khi mới đến dải đất này, người dân Bình An sống tạm trong hai gian nhà của kho Trần Đông Á (nay là đất trống của nhà máy cơ khí Nông-Lương), gọi là trại định cư Bình Xuyên và Cha Giuse Đoàn Phi Hùng được Cha Phaolô Hoàng Quỳnh chỉ định làm Trại trưởng. Đầu năm 1955, vì số người đến trại định cư ngày càng đông nên để ổn định cuộc sống và thi hành Mục vụ, Cha Phaolô Hoàng Quỳnh đã chia giáo dân và lập các trại riêng, sau đó hợp thức hóa thành giáo xứ trong hệ thống tổ chức của Giáo Phận Sài Gòn.

Ngày 1 tháng 5 năm 1955, giáo xứ Bình An chính thức được thành lập, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm Quan Thầy của giáo xứ (Đức Mẹ Mân Côi cũng là Quan Thầy của Giáo Phận Phát Diệm). Đức Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền bổ nhiệm Cha Phaolô Hoàng Quỳnh làm chính xứ kiêm Hạt trưởng hạt Bình An.

Linh mục chính-phó xứ phục vụ GX Bình An từ năm 1955 đến nay

1955 - 1977: Lm. Phaolô Hoành Quỳnh, chính xứ, Hạt trưởng hạt Bình An (Rip)

1955 - 1967: Lm. GB. Hoàng Tất Đắc, giúp xứ (Rip)

1956 - 1959: Lm. Phêrô Vũ Đức Tăng, giúp xứ (Rip)

1955 - 1966: Lm. Giuse Đoàn Phi Hùng, phó xứ, Hiệu trưởng Trường Đồng Tâm (Rip)

1955 - 1958: Lm. Giuse Vũ Hữu Văn, giúp xứ (Rip)

1960 - 1962: Lm. Pascal Vũ Hoàng Bát, phó xứ, Hiệu trưởng Trường Đồng Tâm (Rip)

1977 - 1999: Lm. Luca Trần Khánh Tích, chính xứ, Hạt trưởng hạt Bình An (Rip), từ năm 1962 – 1975: HT Trường Đồng Tâm

1966 - 1980: Lm. Giuse Đinh Công Huỳnh, phó xứ

1988 - 1992: Lm. GB Nguyễn Văn Hiếu, phó xứ

1992 - 1998: Andrê Trần Minh Thông, phó xứ

1998 - 2001: Tôma AQ Hoàng Ngọc Công, phó xứ

Church BA lmTVV011999 - đến nay: Lm. Giuse Trịnh Văn Viễn, chính xứ, Hạt trưởng hạt Bình An

2001 - 2006: Lm. Giuse Đỗ Mạnh Cường. phó xứ

2006 - 2010: Lm. Giuse Lê Ngọc Đa, phó xứ

2010 - đến nay: Lm. Giuse Nguyễn Văn Long, phó xứ

2013 - đến nay Lm Phêrô Nguyễn Ngọc Châu, phó xứ

Cơ cấu tổ chức và điều hành giáo xứ

Ngay từ những ngày mới thành lập, giáo xứ Bình An đã có linh mục chính, phó xứ và Hội đồng giáo xứ, nay gọi là Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (HĐMVGX). Nhiệm vụ chính của HĐMVGX là cộng tác với linh mục trong việc điều hành giáo xứ.

1/ Ban thường vụ HĐMVGX có nhiệm kỳ 4 năm, gồm:

* Chủ tịch (chánh trương)

* Phó chủ tịch Nội vụ và phó chủ tịch Ngoại vụ (phó trương)

* Tổng thư ký.

* Tổng thủ quỹ

* Tuần kiểm

Nhiệm vụ chính của Ban thường vụ (BTV): hợp lực với linh mục chính xứ trong việc quản trị và điều hành công việc chung của giáo xứ.

BTV HĐMV giáo xứ họp mỗi tuần một lần (đầu tuần)

HĐMVGX họp định kỳ mỗi tháng một lần (tối thứ tư đầu tháng)

Mỗi năm họp Đại hội một lần vào cuối năm để tổng kết và lên kế hoạch cho năm mới. Thành phần tham dự gồm:

2/ Các giáo họ (giáo khu):

Giáo xứ Bình An được chia thành 8 giáo họ gồm: Họ IA (Họ Thánh Tâm Chúa), Họ IB (Họ Thánh Phêrô Tông đồ), Họ 2 (Họ Thánh Giuse), Họ 3 (Họ Thánh Phanxicô Xavie), Họ 4 (Họ Thánh Phaolô Tông đồ Trở lại), Họ 5A (Họ Thánh Gioan Baotixita), Họ 5B (Họ Thánh Gioan Tông đồ), Họ Đồng Xá (Họ Thánh Phêrô Tông đồ). Mỗi Họ có BCH gồm: Trùm chánh, trùm phó, thư ký. Tùy thời điểm, hoàn cảnh, số lượng thành viên trong BCH ở mỗi giáo họ có khác nhau và do Đại hội trong họ quyết định. BCH giáo họ có nhiệm kỳ 4 năm, nhiệm vụ chính là phối hợp, điều hành công tác chung của giáo họ mình, thi hành các quyết định của Cha xứ và BTV HĐMV GX.

3/ Các hội đoàn, đoàn thể, các ban, các giới:

Giáo xứ thành lập các hội đoàn, ca đoàn, các ban, các giới nhằm mục đích phục vụ tốt hơn cho công tác mục vụ, phối hợp điều hành và thi hành công việc chung theo chỉ đạo của Cha xứ, của BTV HĐMV GX. Giáo xứ Bình An hiện nay có 25 hội đoàn, đoàn thể, các ban các giới đang sinh hoạt: Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Con Đức Mẹ, Hội Bảy Sự, Hội Khấn Martinô, Hội Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Hội Khấn Thánh Giuse, Ban Lễ Sinh, Ban Loan Báo Tin Mừng, Ban Mục Vụ Ơn Gọi, Ban MV Di Dân, Ban MV Truyền Thông, Ban MV TNTT, Ban Âm Thanh Ánh Sáng, Ban Phụng Vụ, Ban Kèn Đồng, Ban Giáo Lý, Giới Gia Trưởng, Nhóm Lòng Thương Xót Chúa, Gia Đình Lêgiô Marie, Ca Đoàn Lêgiô, Ca Đoàn Hiền Mẫu, Ca Đoàn Thánh Thể, Ca Đoàn Phanxicô, Ca Đoàn Thiên Thần, Ca Đoàn Hiệp Hội Thánh Mẫu.

Sinh hoạt công giáo tiến hành của các hội đoàn, các ban, các giới theo tôn chỉ và mục đích riêng, tự chọn ra BQT theo mỗi nhiệm kỳ gồm: Hội trưởng, trưởng ban, ca trưởng (đoàn trưởng), hội phó, thư ký, thủ quỹ…

Church BA09

Cơ sở vật chất

Nơi phụng tự, sinh hoạt mục vụ: Trong những năm đầu thành lập, mặc dù đời sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng việc thờ phượng và các sinh hoạt tôn giáo không hề bị gián đoạn. Khởi đầu, quí Cha đã dùng hai căn nhà kho giáo dân tạm cư làm nơi dâng lễ, cử hành các nghi thức phụng tự.

Năm 1956, giáo xứ mua dàn khung kho cũ, lợp ngói đã qua sử dụng, xây tường, tráng ciment (diện tích khoảng 400m2). Bằng nhiều hình thức, Cha xứ vận động giáo dân chắt chiu đóng góp xây dựng Nhà thờ. Đến năm 1958, ngôi Thánh đường đầu tiên của giáo xứ hoàn thành và được Đức Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền về chủ tọa lễ khánh thành.

Năm 1970, ngôi Thánh đường bằng vật liệu cũ xuống cấp. Nhằm đáp ứng số giáo dân ngày một đông, Cha xứ lại tiếp tục kêu gọi giáo dân đóng góp công-của, quyết tâm xây dựng ngôi Thánh đường mới khang trang, kiên cố hơn. Cho đến nay, ngôi Thánh đường vẫn còn giá trị sử dụng, dài 42m, rộng 21m, đến đỉnh Thánh giá cao 20m (diện tích 882m2). Qua hai năm xây dựng khẩn trương, ngày 27 tháng 4 năm 1972, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã chủ tọa lễ khánh thành.

Dịp Nhà thờ giáo xứ tròn 25 tuổi, Cha chính xứ Luca Trần Khánh Tích cùng cộng đoàn giáo dân đồng tâm, nhất trí trùng tu, nâng cấp trong-ngoài Nhà thờ. Ngày 27 tháng 4 năm 1997, cộng đoàn giáo xứ hân hoan đón Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật (Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc) chủ sự Thánh lễ đồng tế mừng Ngân khánh, Thánh hiến Bàn thờ và Nhà thờ giáo xứ.

Năm 2004, Cha chính xứ Giuse Trịnh Văn Viễn kêu gọi lòng hảo tâm của giáo dân và các vị ân nhân trong ngoài giáo xứ tiếp tục đại tu toàn diện Nhà thờ nhân dịp đón mừng năm Thánh Thể 2005 (Kim khánh GX)

Song song công trình tái thiết Nhà thờ, Cha chính xứ Giuse Trịnh Văn Viễn, Cha phụ tá Giuse Đỗ Mạnh Cường cùng cộng đoàn giáo dân xứ Bình An tiến hành xây dựng Hội Trường Giáo Xứ. Công trình khởi sự ngày 02 tháng 11 năm 2002 (diện tích 800m2). Ngày 05 tháng 6 năm 2004, giáo xứ long trọng trong Thánh lễ tạ ơn mừng hoàn thành tầng trệt và nhân dịp mừng Bổn Mạng giáo xứ năm 2005, lầu 1 được hoàn thành, chính thức đưa vào sử dụng. Hội Trường Giáo Xứ Bình An là trung tâm sinh hoạt không chỉ dành riêng cho giáo xứ mà cho cả toàn giáo hạt.

Church BA10Năm 2002, trong khuôn viên Nhà thờ Bình An, cạnh Hội Trường Giáo Xứ, một dãy nhà trệt được xây dựng khang trang dành đón các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp (gốc giáo phận Phát Diệm) về lập cộng đoàn Mến Thánh Giá Bình An. Cơ sở gồm nhà nguyện, nhà sinh hoạt, sân chơi và nhà trẻ.

Ngoài cộng đoàn Mến Thánh Giá, hiện nay, giáo xứ Bình An còn thêm cộng đoàn tu hội nữa là Tu hội Tôi Tá Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Cơ sở văn hóa-xã hội

Năm 1956, Cha chính xứ Phaolô Hoàng Quỳnh xây dựng ngôi trường đầu tiên trong khuôn viên Nhà thờ làm nơi học tập cho các con em trong giáo xứ. Có 10 phòng học trong hai dãy nhà ghép gỗ, lợp tôn cũ. Cha Giuse Đoàn Phi Hùng (phó xứ) được cử làm Hiệu trưởng, tiếp nhận 200 học sinh tiểu học.

Từ năm 1962 đến năm 1975, Cha Luca Trần Khánh Tích làm Hiệu trưởng, Thời gian này nhà trường không ngừng được nâng cấp về cơ sở vật chất, và ngôi trường trung tiểu học Đồng Tâm, khang trang, tiện nghi có thể tiếp nhận 2.000 học sinh trong khu vực không kể lương giáo đến học tập, rèn luyện. Đó cũng là ngôi trường Tư thục Công giáo duy nhất của hạt Bình An ở cả 3 cấp: tiểu học, trung học đệ Nhất, đệ Nhị cấp.

Hiện nay trường trung tiểu học Đồng Tâm được đổi tên thành trường tiểu học Phạm Thế Hiển, dãy trường học 4 tầng lầu đã ngưng hoạt động nhiều năm nay vì xuống cấp trầm trọng, không thể sử dụng được nữa.

Church BA11

Năm 1966, Cũng trong việc phát triển giáo dục, Cha phó Giuse Đinh Công Huỳnh mở Trung Tâm Xã Hội, nhằm giúp cai nghiện ma túy và hướng nghiệp cho thanh thiếu niên bất kể trong ngoài giáo xứ. Ký nhi viện Bình An cũng được thành lập, tiếp nhận và nuôi giữ trẻ em trong ngoài giáo xứ, giúp phụ huynh yên tâm lao động sản xuất. Trung tâm xã hội và Ký nhi viện đã ngưng hoạt động sau 1975.

Năm 1986, đáp ứng nhu cầu cộng đoàn, một phần Ký nhi viện được dùng để làm nhà hài cốt, hơn 1.000 hũ tro cốt của các gia đình được lưu giữ tại đây. Hiện nay, nhà hài cốt của giáo xứ đã chuyển về dãy sau của nhà xứ, chờ xây nhà hài cốt mới vì số lượng hũ tro cốt do các gia đình gởi ngày một nhiều, dãy Ký nhi viện xuống cấp, ẩm thấp không thể tiếp tục sử dụng được.

Sinh hoạt giáo xứ

1/ Đời sống vật chất:

Giáo dân Bình An vốn xuất thân là nông dân, sống cần mẫn, tiết kiệm và có tinh thần đoàn kết rất cao. Khi hội nhập nếp sống mới ở vùng đất hoàn toàn xa lạ, nhiều người đã thích ứng ngay với các nghề như: trồng lúa, đan lát, dệt chiếu cói, đánh bắt cá trên kênh rạch trong khu vực và các vùng phụ cận; Cũng trên nền hội nhập, nhiều người chuyển ngành nghề phù hợp với hoàn cảnh như công nhân viên chức, kinh doanh sản xuất… Cuộc sống ngày một phát triển, thăng hoa, việc đầu tư cho con cái ăn học được lưu tâm hàng đầu nơi các gia đình, và ngày nay, rất nhiều gia đình trong giáo xứ có con em trưởng thành ngoài xã hội với nhiều bậc học, nhiều lĩnh vực như: kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học, tin học, văn hóa xã hội…

Mặc dù các gia đình trong giáo xứ xuất thân từ tầng lớp lao động, nhiều gia đình có cuộc sống trung bình, nhưng cũng nhiều gia đình phát triển kinh tế và có cuộc sống khá giả.

Do xã hội ngày một phát triển, trong nhiều năm gần đây, số lượng các gia đình Công giáo nhập cư, di dân tạm trú tại giáo xứ Bình An ngày một tăng. Đa phần các gia đình nhập cư di dân hành nghề tự do, một số buôn bán nhỏ, lao động tại các cơ sở sản xuất, cơ quan, xí nghiệp…với mức sống trung bình, một số ít gia đình nhập cư di dân có hoàn cảnh khó khăn phải nhờ đến sự trợ giúp của giáo xứ.

2/ Đời sống tinh thần:

a/. Tôn giáo: Vốn là một cộng đoàn Công giáo truyền thống nên giáo xứ luôn có quí linh mục chăm sóc về mặt tinh thần. Các nghi thức phụng vụ trong giáo xứ luôn liên tục căn cứ theo lịch phụng vụ của Giáo hội. Ngoài các Thánh lễ như lễ an táng, lễ cưới, lễ ngoài giờ theo nhu cầu giáo dân, từ thứ hai đến thứ bảy, mỗi ngày có hai Thánh lễ sáng-chiều (04:30 và 17:15), chủ nhật có 5 Thánh lễ, 4 Thánh lễ dành cho người lớn (04:30, 06:00, 16:00, 18:00) và 1 Thánh lễ dành cho thiếu nhi lúc 07:30.

Church BA06

Việc dạy giáo lý, kinh bổn trước đây thường do các ông bà quản giáo trong giáo khu đảm trách, chủ yếu giúp các con em thiếu nhi trong giáo khu của mình chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, Bí tích Thêm sức, kinh bổn còn được dạy trong các lớp học của trường Tư thục Công giáo trong giáo xứ. Hiện nay, do đời sống đức tin ngày một phát triển, việc dạy giáo lý cho các em thiếu nhi, các thanh thiếu niên, tân tòng đều do một ban chuyên môn đảm nhiệm dưới sự dẫn dắt của Cha xứ, quí soeurs, quí tu sĩ.

Đời sống đức tin còn được thể hiện sinh động qua các sinh hoạt trong giáo xứ như ngắm nguyện vào mùa chay, kiệu tháng hoa kính Đức Mẹ, kiệu Thánh Thể, lễ hội giáng sinh, sinh hoạt trại của các hội đoàn, tết trung thu…

Phát triển Ơn gọi Linh mục: để có nhiều nhân sự phục vụ trong cánh đồng truyền giáo, rất cần những thanh niên ưu tú, hạnh kiểm tốt và có tinh thần dấn thân. Cha chính-phó xứ luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các thanh niên trong việc tìm hiểu ơn Thiên Triệu.

Từ ngày thành lập cho đến nay, giáo xứ đóng góp cho cánh đồng truyền giáo được: 21 linh mục, 2 phó tế, 33 nữ tu, 10 nam tu sĩ và 5 dự tu nam.

b/. Xã hội: Các phương tiện truyền thông đại chúng, giao lưu văn hóa-kinh tế-khoa học kỹ thuật trong khu vực và thế giới ngày một phát triển. “Văn minh tiêu thụ” đã cải thiện nhiều mặt của cuộc sống nhưng lại là mối quan tâm lo lắng của quí Cha quản xứ và BTV HĐMV GX. Chính vì thế, việc giáo dục đức tin, rèn luyện nhân cách chủ yếu nơi giới trẻ luôn được quí Cha cập nhật trong các bài giảng lễ và trong công tác hoạt động thường ngày của BTV, BCH các họ, BQT các hội đoàn, đoàn thể, các ban, các giới cụ thể:

  • Trẻ hóa nhân sự trong các BCH
  • Khuyến khích giới trẻ chăm lo học tập rèn luyện
  • Quan tâm giúp đỡ các gia đình nghèo khó, neo đơn
  • Thường xuyên nhắc nhở, nâng đỡ các thành phần cá biệt trở lại với cộng đoàn như: nạn xì-ke ma túy, cờ bạc rượu chè, trộm cắp…

Thông tin về Giáo xứ Bình An

Địa chỉ               : 2287 Phạm Thế Hiển, P.6, Quận 8, Sài Gòn

Chánh xứ          : Linh mục Giuse Trịnh Văn Viễn

Phó xứ              : Linh mục Giuse Lê Ngọc Đa

Phó xứ               : Linh mục Phêrô Nguyễn Ngọc Châu (7/2013)

Tel                     :83-981-2896   -   83-856-9139

E-mail                :

Năm thành lập   : 1955

Lễ Bổn Mạng    : Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Số giáo dân       :

Giờ lễ                :Chúa nhật     : 4:30 - 6:00 - 7:30 - 16:00 - 18:00

                            Ngày thường : 4:30 - 17:00

Lời kết

Nhìn lại chặng đường lịch sử của giáo xứ, bao công sức khó nhọc của các Đấng các Bậc, của cộng đoàn dân Chúa đã dày công vun đắp cả về tinh thần lẫn vật chất, để rồi từ “cánh đồng Bình An” nhiều hạt giống đã tỏa đi khắp nơi như một chứng nhân Tin Mừng của Chúa. Giáo xứ Bình An luôn cảm tạ Hồng ân Thiên Chúa, Đức Mẹ Mân Côi và các Thánh.

Tổng hợp.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com