Chia sẻ hành đạo

Phạm Xuân Chiến - Can trường rao giảng Tin Mừng - 12/2011

 “ Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Đức Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi .” (Is 12:2)

Trong khung cảnh bài chia sẻ này, tôi muốn thưa chuyện với ACE về một vài trải nghiệm thực tế của mình. Do tính cách đặc thù của công việc, tôi đi gần khắp các tỉnh thành. Trong những chuyến công tác này, tôi làm việc với nhiều đảng viên về những chuyên đề âm nhạc cho ngành giáo dục, chuyên đề về âm thanh cho ngành Văn hoá…  từ đó tôi cũng có dịp sống Tin Mừng giữa những người không tin Chúa, hay chống đối Chúa. Tôi nhận thấy:

  1. Tin Mừng không chỉ để học hỏi, để hiểu biết , để nói… nhưng quan trọng nhất là để Sống. Vì thế Rao giảng Tin Mừng phải chính là Sống Tin Mừng.  Tin Mừng không phải là những khẩu hiệu, để ta hô hoán, phô trương, cũng chẳng là những câu thần chú huyền bí… Tin Mừng chinh là một lối sống theo thánh ý Chúa một cách nhẹ nhàng và thanh thản. Và khi sống được như thế, chắc chắn hiệu quả sẽ đến:

Dẫn chứng1:

Ngày đó, ở nhiều nơi, sau những bài phát biểu khai giảng hoặc sau giờ lớp… Khi bước xuống tôi thường bắt gặp những ánh mắt e dè , rùt rè, và cả những cử chỉ muốn làm quen của các giáo viên, học viên  xa lạ. Cuối cùng điều họ muốn hỏi chính là: Thầy có đạo phải không? Và Thầy là dân tu xuất phải không?” Tôi nhẹ nhàng gật đầu… Và thế là một niềm vui đã rạng ngời trên khuôn mặt họ, một sự thân quen xen lẫn sự hãnh diện của họ… Qua những câu chuyện tiếp theo, tôi cũng khuyên họ hãy vững tin và sống Tin Mừng một cách âm thầm , trọn vẹn và vững mạnh, dù các bạn đang ở rất xa nhà thờ, nhưng Chúa luôn ở bên bạn.

Dẫn chứng 2:

Cảm động nhất là người đồng hành với tôi . Anh là một đảng viên nòng cốt, một chuyên viên của Vụ. Những ngày đầu, Anh dè dặt tiếp chuyện tôi và cùng chia nhau làm các công tác chuyên môn…Sau khoảng hai tuần, trên một chuyến xe từ Lào Cai về Nghệ An, Anh đã tâm sự:  Tôi là một người Công giáo , Cha mẹ tôi vẫn còn sống và giữ đạo rất tốt ở quê nhà. Khi còn trẻ, tôi đã giấu không cho ai biết mình là người công giáo để được vào Đảng, để được thăng chức và cho đến nay tôi đã  60 tuổi (sắp về hưu rồi)… Tôi vẫn có một bàn thờ Chúa nhỏ được giấu kín trong phòng riêng của tôi…Có lẽ sau khi về hưu Tôi sẽ tiếp tục sống đức tin của mình…Một Lời tâm sự thầm thì vì sợ gió mang đi xa, sợ người chung quanh nghe được…

Tôi thật sự sung sướng, một niềm vui không thể tả xiết được vì Giáo hội ở khắp mọi nơi và len lỏi trong từng tâm hồn mỗi người… dù bên ngoài họ có thể rất xa lạ, rất ngại ngùng….

Trong khi tôi tạm hài lòng với nền tảng căn bản về giáo lý đức tin mình đã được hấp thụ và với công vệc hằng ngày của mình. Bên cạnh đó, Chúa ban cho gia đình tôi thật hạnh phúc với 3 người con trai ngoan ngoãn , chăm học…. Thì thánh giá đổ ập đến, khi vào ngày 20.8.2011 người con trai thứ 3 của tôi đột tử qua đời khi cháu mới được 15 tuổi…

Một cơn bão táp về đức tin, về lòng phó thác vào Chúa đổ ập xuống gia đình và đặc biệt là chính tôi.

Từ biến cố này,  tôi cũng nhận ra vài điều:

  1. Sống Tin Mừng là sống theo ý Chúa , chứ không phải chọn lựa ý Chúa để sống… Tin Mừng luôn đòi hỏi tôi sống hơn những điều tôi tưởng đó là Tin Mừng. Ví dụ trước đây tôi đọc Lời Chúa: Ai muốn theo Ta , hãy từ bỏ Mình vác thập giá mỗi ngày theo Ta. Tôi chỉ nghĩ cụm từ: “Từ bỏ mình” tựa như Ta bỏ một tật xấu, ta bỏ một ý riêng, ta hy sinh một vài thú vui… Nhưng Tin Mừng yêu cầu Tôi phải từ bỏ nhiều hơn thế nữa, sâu thẳm hơn, đó là từ bỏ đứa con thân yêu của mình… Ôi thôi sao đớn đau thế ?, sao lại cay nghiệt thế ? Thế thì Ý Chúa muốn tôi làm gì, sống như thế nào qua biến cố đau thương này? Tôi đã suy gẫm và cầu nguyện nhiều hơn để từ từ có thể “Ngộ ra Ý Chúa”

Tôi cũng nhận ra được giá trị của sự Hiệp thông trong thánh lễ. Trong thánh lễ, tôi có thể “hiệp thông” với Chúa Giêsu và với người con thân yêu của mình. Hằng ngày, tôi thu xếp để có thể dự thánh lễ hoặc trong mọi công việc tôi cố gắng thánh hoá để cùng cầu nguyện với cháu … và điều Chúa làm cũng đã tới:

Dẫn chứng 3:

Ngày cháu mất, bên cạnh linh cửu cháu luôn túc trực một thầy giáo dạy Toán. Thầy mới dạy được khoảng 3 tháng hè, nhưng rất quý mến cháu vì cháu vừa học giỏi , rất ngoan, chăm học, lại chịu khó tìm tòi… Thầy không là tín hữu Thiên Chúa Giáo, hoàn toàn xa lạ với mọi nghi thức, thánh lễ , giờ kinh bên công giáo. Nhưng Thầy vẫn dự đầy đủ và xem đó như một lời cầu siêu thoát cho linh hồn học trò mình.. Sau khi chôn cất cháu xong, trong các giờ kinh tối tiếp ,Thầy đến đốt nén nhang và đọc kinh với gia đình. Thỉnh thoảng Thầy dự thánh lễ ngày Chúa nhật.. Thầy có chia sẻ: “Qua những ngày đau thương, Con thấy Cô Chú và các em sống trong bầu không khí yêu thương , đùm bọc lẫn nhau. Dù gia đình cô chú nghèo , nhưng thật hạnh phúc, giữa sự đau khổ cùng cực, vẫn luôn biết nâng đỡ ủi an nhau. Gia đình con không được như vậy và mãi mãi không được như vậy… Con xin được cô chú xem con như một người con, là anh của hai em đây…” Qua những lần nói chuỵện tiếp theo, Tôi luôn là người an ủi Thầy, giải thích về sự sống và sự chết theo Tin Mừng Chúa Kitô… Tôi luôn lấy hình ảnh Đức Mẹ đứng dưới chân thánh giá Chúa để động viên chính mình và gia đình sống thuận theo Ý Ngài.

  1. Thánh giá như vậy đã hết chưa? Sau cái chết của con thơ, tôi luôn tự hỏi: Ngài đã ngừng chưa hay còn tiếp tục?  Tôi không thể nào lường trước được các thánh giá sắp tới? Tôi phải chuẩn bị sao đây?

Từ đó tôi cũng nghiệm ra một điều: quá khứ đã qua không nên quá ưu sầu về nó. Tương lai là của Chúa, tôi có lo lắng, chống đỡ cũng không thể biết được. Vậy chỉ còn hiện tại, tôi phải tập trung hơn nữa, phải thay đổi nhiều hơn, Tôi phải sống yêu thương hơn… phải hoàn toàn Tín Thác để chuẩn bị cho “Giờ Ngài đến” trong hân hoan..

Với mỗi công viêc tôi đều thầm nguyện cầu và xem đây có thể là một hành động sau cùng của tôi, hay là một cử chỉ của tôi dành cho ai đó lần cuối gặp tôi…

                       

           GIUSE PHẠM XUÂN CHIẾN # 1

           Nhóm Gioan Tông Đồ                                                                        


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com