Chia sẻ hành đạo

Bài chia sẻ chứng nhân Ultreya 16/04/2016

SỐNG CHỨNG NHÂN LÒNG THƯƠNG XÓT
GIỮA CUỘC ĐỜI

Ultreya1604 06

Thưa cha và anh chị em,

Tôi là Terêsa Nguyễn thị Liên, dự # 2 Sài Gòn, hiện là nhóm trưởng Nhóm Dấn Thân. Tôi xin chia sẻ trải nghiệm về Lòng Thương xót giữa cuộc đời.

Khi Giáo hội bước vào Năm Thánh Lòng Thương xót với lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hãy thương xót như Cha Thương Xót”. Tôi liên tưởng đến những người nghèo khổ đói ăn thiếu mặc, bệnh tật, cô đơn, và siêu nhiên hơn là những người đang sống trong tình trạng đói lương thực thường tồn là Lời Chúa và Thánh Thể Chúa. Có lúc tôi tự hào thầm nghĩ: những điều Đức Giáo Hoàng kêu gọi, thì Nhóm Dấn Thân của tôi và một số anh chị em khác đang thực hiện sứ mạng Loan Báo Tin Mừng cho người dân ngoại vùng sâu vùng xa. Hàng tuần nhóm chúng tôi đến với những người nghèo khổ, giúp đỡ hộ phần nào về những của ăn lương thực trần gian nhằm bồi dưỡng thân xác họ. Chúng tôi giúp dựng lại, sửa chữa những căn nhà xiêu vẹo, mục nát cho những tân tòng, những giáo dân, để họ có nơi chốn cư ngụ vững chắc. Chúng tôi cũng đã mang đến cho họ của ăn tinh thần, thứ lương thực không hư nát là Lời Chúa qua sự chia sẻ cảm nghiệm của mình trong bài Phúc Âm, và kết hợp với các thầy Dòng Thừa Sai Thánh Mẫu đến từngđiểm có những giáo dân già yếu, xa xôi để cho họ rước Mình Thánh Chúa. Mỗi tuần cứ sau buổi sáng ra công làm việc cho Chúa, chúng tôi quy tụ lại với nhau trong giờ cơm trưa tại nhà một giáo dân, để chia sẻ sự vui mừng khi nhìn thấy hoa trái trổ sinh từ sự bình an, và niềm vui của những người chúng tôi tiếp xúc. Sau giờ cơm chúng tôi chia nhau thăm viếng, động viên và cầu nguyện cho những anh chị em dự tòng, giáo dân đang gặp hoàn cảnh khó khăn, cũng như tìm hiểu nguyên nhân những người vắng mặt trong những buổi học giáo lý, học Lời Chúa. Sau khi biết nguyên do, chúng tôi thông tin cho nhau để cùng cầu nguyện cho những nan đề của họ trong suốt một tuần. Với những công việc tông đồ như thế, tôi nghĩ mình và anh chị em đang đi đúng hướng nên rất an tâm !!!

Nhưng..... Thưa cha và anh chị em, nếu công việc tông đồ giáo dân của tôi cứ tiếp tục như thế, có lẽ tôi sẽ không bao giờ nhận ra dấu chỉ tình yêu mà Chúa tỏ Lòng thương xót tôi và muốn tôi thể hiện Lòng Thương xót của Chúa đối với anh em một cách thiết thực và chân thành hơn.

Phải, tôi đã nhận ra điều này khi tôi trải qua một cơn đau phải nằm viện chín ngày. Trong những ngày nằm bệnh viện tôi cảm nhận ra mình đang được Chúa tỉa gọt và dạy dỗ nhiều điều về sự yêu thương. Những tưởng mình đã có lòng thương xót ư, tưởng mình đang thể hiện tình yêu thương qua những việc làm tích cực đem người khác đến với Chúa ư, tất cả chỉ là bên ngoài, chỉ là ra công làm việc để kiếm nén bạc đem về trình cho Chúa, khi ngày Chúa gọi tôi ra khỏi thế gian, như tôi vẫn tự nhủ và thậm chí khuyên người khác theo câu TM thánh Ga 6, 27 : " Anh em hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh." Lời Chúa tôi hiểu, nhưng tôi quên đi ý chính, là làm việc cho Chúa mà trái tim không biết rung động, không biết xót thương thì cũng không sinh ích gì cho phúc trường sinh.

Những khiếm khuyết đó Chúa đã yêu thương tôi, đã bổ sung cho tôi qua một biến cố nhỏ đó là: Những ngày đầu năm dương lịch năm 2016, ngày mọi người được nghỉ ngơi, tôi cũng được nghỉ ngơi, nhưng oái oăm thay, nơi mà Chúa ban cho tôi được nghỉ lại là bệnh viện. Một nơi mà trước đây tôi rất ngại khi phải đặt chân đến. Tôi cho nơi đó không khí đầy sự ô nhiễm của mọi loại vi trùng do những bệnh nhân đang mắc bệnh. Nơi đó đầy sự phức tạp và luôn ồn ào của những người chuyên sống nhờ những dịch vụ trong và ngoài bệnh viện. Một nơi mà khi đến chỉ nhìn thấy những gương mặt nhăn nhó, đau đớn, buồn phiền!. Chưa kể những người bị tai nạn, phải băng bó từ đầu, chân tay, và thật dễ sợ khi nhìn thấy những người bệnh ung thư thời kỳ cuối chỉ còn da bọc xương. Thật là khốn khổ nếu phải sống trong môi trường đó, điều mà tôi nghĩ không ai muốn.... Vậy mà Chúa muốn tôi phải đến nơi ấy trong những ngày đầu năm của Năm Thánh Lòng Thương xót để làm một bệnh nhân, để trải nghiệm, và cảm thấu những đau đớn, và đau khổ của người bệnh. Để rồi nhờ đó mà tôi nhận ra những bệnh nhân là những người luôn được Chúa yêu thương và quan tâm, cũng là mục tiêu Chúa nhắm đến trong cuộc đời rao giảng.

Ultreya1604 CNhan CLien2

Với những người bệnh thân xác hư hoại không thể chữa lành Chúa đưa các sơ, các anh chị em trong Hội Legio đến chăm sóc và an ủi, để họ nhận ra Tình yêu của Chúa mà tâm hồn được bình an, mà can đảm chấp nhận thánh ý Chúa để linh hồn được cứu. Với những bệnh nhân cô đơn, buồn tủi vì con cái quá bận rộn không ai chăm sóc, đành phải chấp nhận cho người xa lạ chăm lo. Chúa cho những người nghèo không có công việc làm ngoài xã hội, vì sinh kế họ nhận làm những công việc dơ bẩn, cực nhọc, thậm chí chịu đựng những lời cáu gắt, thô lỗ nơi người bệnh mà không dám phàn nàn, không tỏ vẻ gớm ghiếc, không một chút e dè sợ lây nhiễm, chỉ vì sự sống, vì yêu gia đình, mà họ phải chịu cực, chịu khổ. Trong môi trường đó tôi đã nhận ra việc tông đồ mình làm bấy lâu nay vẫn còn thiếu, thiếu trái tim yêu thương, thiếu lòng thương xót thật sự. Và trong những phút thinh lặng nằm trên giường bệnh tôi đã thầm sám hối và cầu nguyện xin Chúa thương tha thứ những lỗi lầm, những thiếu sót của tôi.

Và Chúa đã biến đổi trái tim tôi từ đó.Cụ thể, tôi đã biết cảm thông với những bệnh nhân đang đau đớn vì căn bệnh hoành hành. Tôi không còn cảm giác khó chịu, buồn nôn khi nhìn, hoặc nghe người khác nôn ọe khạc nhổ. Mùi hôi thối từ người bệnh cùng phòng khi phóng uế đã không làm tôi phải bịt mũi, nín thở như trước đây khi gặp phải trường hợp tương tự. Vượt qua được những cảm giác khó chịu đó vì tôi thầm nhủ: Chúa ơi, bệnh của con còn nhẹ nhàng hơn những bệnh nhân khác, con tạ ơn Chúa vì ngọn roi Chúa quất con vẫn còn nương tay. Chính nhờ đó mà tôi cảm thấy chạnh lòng khi nhìn sự đau đớn của những bệnh nhân khác. Và tôi cứ thì thầm liên lỉ với Chúa trong tâm, “ xin Chúa thương xót con và những bệnh nhân trên toàn thế giới.”

Có một điều thật kỳ diệu Chúa đã dùng tôi để chữa lành tâm bịnh của một bệnh nhân cùng phòng, đó là một bà đã 70 tuổi tên là bà Hai. Bà bị bệnh suyễn hoành hành suốt mấy mươi năm, cứ ra vào bệnh viện thường xuyên, bà luôn bất an và hay gắt gỏng, la hét với người em chồng là người đàn ông đã ngót 50 tuổi ở trong bệnh viện thăm nuôi bà. Chuyện bé bà cứ xé ra to và ồn ào cả ngày lẫn đêm, khiến ngày đầu tôi không yên nghỉ được. Ánh mắt bà thật lạnh lùng vô cảm, nhìn ai bà cũng bực bội, cũng tức tối, cả những cô ý tá điều dưỡng trong bệnh viện. Với tôi đương nhiên bà cũng không ưa, tôi nhận thấy thế nhưng không để lòng, mà tôi nghĩ vì bà sống trong bệnh tật kéo dài như thế, nên bà bất an cũng phải thôi, nhưng làm sao cho bà được giải thoát, tôi dâng bà lên cho Chúa mà có lẽ chính Chúa muốn điều đó nơi tôi. Vì Tin Mừng thánh Mc 2, 17: “ Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”. Tôi đã nhận ra thánh ý Chúa, tôi phải giúp bà nhận ra cách sống đã gây cho bà phiền não đớn đau, để bà được giải thoát khỏi cơn tâm bệnh đang hoành hành bà. Nhưng làm thế nào khi tôi và bà không cùng tôn giáo. (Tôi biết điều này khi nghe bà sai người nhà thay trái cây trên các bàn thờ). Tôi sẽ giúp bà cách nào đây? Với tính cách của bà, tôi phải dùng ngôn từ nào phù hợp để đi vào tâm hồn đang biến động của bà ? Tôi chỉ biết dâng bà lên cho Chúa và xin Thánh Thần Chúa hoạt động trong tôi, và rồi Chúa đã nhận lời tôi - khi tôi thiết tha cộng tác với Người. Sau hai ngày thinh lặng tôi bắt đầu chuyện trò với bà và một bà bệnh nhân khác chung phòng cũng ngoài tuổi 70. Khi các bà hỏi tôi về gia cảnh, tôi nói tôi còn một mẹ già tuổi 89 và tôi bắt đầu nói về mẹ mình, một bà già hiện đại lúc nào cũng vui tươi, lạc quan và sống thân tình cởi mở với mọi người.

Ultreya1604 CNhan CLien3Hai bà bệnh nhân có vẻ rất thích nghe về chuyện mẹ tôi nên nhân cơ hội tôi khéo léo khuyên bà Hai nên tập sống cởi mở, bỏ qua những điều phiền toái nhất là hướng về đấng bà thờ để cầu nguyện cho tâm được an lành, hoan lạc. Như có Chúa Thánh Thần hoạt động cùng tôi, bà đã lắng nghe và tán thành theo từng câu tôi nói. Thăm hỏi, an ủi, khuyên lơn và sống thân tình với bệnh nhân cùng phòng, tôi nghĩ mình đang hành đạo khi là bệnh nhân, tôi rất vui. Càng vui hơn khi tôi thấy kết quả không ngờ là sau buổi sáng nói chuyện, thì đến trưa bà thay đổi đến bất ngờ, bà không rên la quát mắng người em chồng nuôi bệnh, mà nói nhẹ nhàng hơn khi gặp điều không vừa ý. Trưa không ngủ được bà ngồi thinh lặng trên giường, miệng cứ lép nhép lầm thầm có vẻ như đang niệm Phật. Đó cũng chính là mục tiêu của tôi muốn hướng bà xét lại cách sống để Sám hối, để bớt đi lời cay độc bà ném vào người khác một cách không thương xót, cũng là để bà bớt gây nên tội. Và cuộc chuyện trò của tôi đã đem lại kết quả thật lạ lùng. Đêm đó không khí trong phòng tôi thật yên ắng, bệnh nhân và người nuôi bệnh được một đêm ngủ thật ngon lành. Thỉnh thoảng tôi chợt thức giấc, nhìn thấy bà ngồi gần như suốt đêm mắt nhìn thẳng vào bức tường trước mặt, miệng cứ lép nhép, trông bà thật hiền từ và phúc hậu khi để yên cho người nuôi bệnh được ngủ say. Tôi thầm tạ ơn Chúa nhân từ đã yêu thương hết thảy mọi người, đã dùng tôi để đánh động một tâm hồn có lẽ bị đóng kín từ lâu vì cuộc sống chi phối quá nhiều bởi tính xác thịt thế gian, bởi nghiêng về duy vật hơn duy tâm làm cho bà trở nên độc đoán, ích kỷ, sân si, thù hằn, ghen ghét, làm cho người với người xa cách nhau, và Chúa muốn bà được giải thoát. Những ngày sau đó tôi được cha phó Giuse vào thăm và trao Mình Thánh Chúa cho tôi, cha đến chúc lành cho hai bà, với thái độ thân thiện, các bạn bè thân hữu đến thăm tôi nghe chúng tôi cầu nguyện cho các bệnh nhân, nhất là nghe tôi nói anh chị em cầu nguyện cho hai bà, họ rất cảm động, trong lúc vui vẻ bà Hai nói: “ Ba tôi là người đạo Công giáo, mẹ tôi đạo Phật, lớn lên tôi không biết theo ai, nên theo Phật cho dễ”. Tôi nghe mà lòng rộn lên niềm vui khi thấy thánh ý Chúa đã thể hiện nơi bà, từ đó tôi luôn nghĩ đến bà trong giờ cầu nguyện của tôi và tiếp tục gieo giống bằng cách sống thể hiện mình là người Công giáo là đạo của Yêu thương. Và rồi trước ngày tôi được xuất viện, bác sĩ đã chuyển bà đến phòng khác, phòng mới của bà chỉ có 2 giường, bệnh nhân chung phòng với bà, là bà cố mẹ của Linh mục Nguyễn Ngọc Bích Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế. Phòng này các cha đến thăm bà cố liên tục, chắc chắn các Ngài cũng sẽ thăm hỏi bà an ủi bà Hai nhiều. Ý Chúa thật nhiệm mầu. Trước khi xuất viện tôi cũng đến thăm bà và hứa sẽ luôn cầu nguyện cho bà được khỏi hẳn bệnh tật, và xin cho bà có được niềm vui và bình an. Bà nói lời cám ơn tôi mà mắt rưng rưng ngấn lệ. Tôi đã gieo hạt giống yêu thương, phần còn lại là của Chúa vì tôi tin vào Lời Chúa qua thánh Mc 4, 27 “ Hạt giống đã được gieo dù người gieo ngủ hay thức, đêm hay ngày hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên người đó cũng không hay biết.Tạ ơn Chúa đã dùng tôi trong mọi hoàn cảnh.

Thưa cha và anh chị em qua chuyện bà Hai tôi đã nghiệm ra Chúa chọn tôi cộng tác với Chúa, làm cánh tay nối dài cho Chúa, để kêu gọi mọi người sám hối, ăn năn để đón nhận lòng thương xót của Chúa, thì chính Chúa đã thương xót tôi trước và đã dạy tôi bài học về lòng thương xót giữa cuộc đời. Để từ đây trong cuộc sống và làm việc cho Chúa tôi cần làm với trái tim biết thương xót hơn chứ không phải chỉ bằng những thành quả thu được. Vì thế trong giờ cầu nguyện với Thánh Thể tôi hằng nguyện xin với Chúa: “xin cho con có trái tim biết thương xót như Chúa đã thương xót con.”

Xin cám ơn cha và anh chị em đã lắng nghe bài chia sẻ của tôi.

Terêsa Nguyễn thị Liên #2 - Nhóm Dấn Thân

Ultreya 16/04/2016

 

Echo Chia sẻ chứng nhân Ultreya 16/4/2016

Ultreya1604 08

Bố mẹ tôi năm nay: cụ ông được 91 tuổi, cụ bà được 86 tuổi đang sống với các em trên quê.

Bố mẹ vợ cũng còn sống và do hoàn cảnh đặc biệt mẹ vợ đang sống với vợ chồng tôi, năm nay cũng được 82 tuổi. Bà cụ bị liệt, chỉ quanh quẩn trong phòng ngủ và nhà vệ sinh. Hằng tuần đều có qúy Sơ đến trao Mình Thánh Chúa tại giường. Suốt ngày ngoài những khi lần hạt, đọc kinh phụng vụ.. cụ chìm vào các bộ phim truyền hình dài nhiều tập của Hàn Quốc, Việt Nam … Nhiều khi vừa xem phim vừa ngủ lẫn lộn và đan quyện vào nhau… Lâu dần tôi nhận thấy càng ngày cụ phát sinh một số nhận định tiêu cực:

  • Sự nhàm chàn và đơn điệu trong lối sống.
  • Cụ thường cầu xin Chúa sớm gọi về vì sợ làm phiền con cháu, vì đau đớn và chán sống.

Tôi cũng nhận ra rằng: Chăm sóc, nuôi dưỡng người lớn tuổi không chỉ là lo cơm ăn áo mặc về phần xác mà còn là đời sống tinh thần, đời sống đức tin. Từ đó tôi tập sống Lòng Thương xót Chúa một cách cụ thể nơi chính người thân trong gia đình, tôi quyết tâm thay đổi chính mình trong việc chăm sóc “Mẹ vợ” chu đáo hơn, bằng cách:

  1. Trang bị cho cụ máy nghe các bài giảng để cụ thấy được gần gủi với Lời giảng dạy sống động của các Cha, để tâm trí hướng về các Thánh lễ Misa nhiều hơn. Thế là cụ vừa nghe giảng Lời Chúa cách sống động , lời giảng cứ phát ra và cụ cứ ngáy pho pho cũng thấy vui. Và giờ xem tivi cũng được điều chỉnh lại cách hợp lý.
  2. Tôi in ra bài đọc, bài giảng mà phong trào gửi hoặc trang web “lang thang chiều tím” gửi để cụ đọc hằng ngày.
  3. Tôi tự nhận công việc phơi quần áo cho cụ từ máy giặt vào mỗi sáng, và bưng bê thức ăn của cụ xuống khi cần, hỏi thăm sức khỏe, trao đổi vài câu chuyện hằng ngày…

Tôi cũng trao đổi với Mẹ vợ cách chân tình để cụ nhận ra rằng: Cuộc sống của cụ hiện nay có một giá trị rất lớn vì:

  • Lời cầu nguyện kết hợp với những đớn đau, thánh giá cụ gánh chịu từng giờ, từng phút là một lời cầu nguyện rất hữu hiệu trước mặt Chúa. Lời cầu nguyện sẽ chỉ là những lời cầu nguyện xuông, đầu môi chót lưỡi nếu không được kết hợp với lòng thành và gắn liền với đau khổ thánh giá Chúa trao. Vì chính Chúa Giê su cũng cầu nguyện liên lỉ và cũng phải chịu đau khổ khốn cùng đến chết khổ nhục trên thập giá. Vì thế tôi nói với cụ: Mẹ không nên cầu xin Chúa cho chết sớm vì điều đó không hợp ý Chúa mà Mẹ phải cầu xin để Mẹ biết vác thánh giá vui tươi vâng theo ý Chúa. Xưa kia trước cái chết, Chúa cũng sợ đến toát mồ hội máu, cũng muốn xin Chúa Cha cất chén đắng này. Nhưng tiên vàn Xin vâng ý Chúa Cha.
  • Sự hiện diện của Mẹ trong gia đình Con là một hồng ân Chúa gửi đến để chúng con noi gương Mẹ sống tốt hơn, để con cháu sống “biết ơn” , vì hiện nay giới trẻ cứ nghĩ việc được nuôi dưỡng chăm sóc là điều tất yếu, đương nhiên của ông bà, cha mẹ đối với con cái. Nếu không có hình ảnh chăm sóc cụ hằng ngày, các cháu sẽ dễ vô cảm với những cô đơn và đau đớn của tuổi già. Từ đây tôi thấy các cháu bưng cơm, nước cho bà, biết hỏi thăm trò chuyện với bà mỗi ngày …

Thưa cộng đoàn, từ những suy nghĩ và hành động tích cực nhỏ bé trên, gia đình tôi ngày càng đầy ắp tiếng vui cười hạnh phúc hơn. Và người hạnh phúc nhất chính là Vợ tôi và vì Vợ tôi hạnh phúc nên cũng làm cho chồng và các con hạnh phúc hơn. Hàng xóm, bạn bè, người quen cũng thấy lạ: Mẹ Vợ già yếu, liệt lào mà con rể chăm sóc yêu thương như vậy thật đáng ngưỡng mộ.

Riêng Tôi chỉ nghĩ đơn giản: Ta có thể làm phúc, từ thiện, bác ái, chăm nom rất nhiều người có hoàn cảnh neo đơn, nghèo khổ… một cách khá dễ dàng. Nhưng chăm sóc, thương yêu, sống bác ái với chính người thân thì thật khó khăn… Chúng ta hãy sống noi gương Lòng Thương xót của Chúa từ trong chính gia đình mình. Từ đây sẽ là nền tảng và nghị lực giúp ta lan tỏa Lòng thương xót của Chúa ra những người chung quanh và tha nhân.

Xin chân thành cám ơn cộng đoàn đã lắng nghe.

Giuse Phạm Xuân Chiến #1

Ultreya ngày 16/4/2016


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com