Bài học từ cuộc sống

Đôi bạn chân tình

BBT: Quý anh chị cursillista rất thân mến

Nếu người Ki tô hữu không thể hoạt động ngoài Giáo Hội, thì người cursillista cũng không thể tách rời khỏi Nhóm Kitô Hữu Hành Động, hơn thế nữa Nhóm này dựa trên nền tảng Tình Bạn. Trong tâm tình đó, chúng tôi xin chia sẻ với Quý anh chị một câu chuyện cao thật cao thượng, hiếm có về Tình Bạn. Ước mong câu chuyện này là lời mời gọi mọi người hãy cùng nhau vun đắp và trân quý Tình bạn.

Thân kính.

 ĐÔI BẠN CHÂN TÌNH

 

Đời nhà Đường, Quách Chấn tự là Nguyên Chấn làm Đại Quốc Công tại triều. Ông có người cháu là Quách Trọng Tường từ dưới tỉnh lên, định nhờ ông tiến cử để lập công danh. Nguyên Chấn khuyên cháu tự lập thân, đừng ỷ lại vào dòng họ.

Trọng Tường có chí khí, có tài năng, nên cho lời khuyên của bác mình là đúng. Lúc bấy giờ quân Man đang hoành hành ở biên giới, triều đình cử Lý Mông làm Đô Đốc kéo quân đi dẹp giặc.

Lý Mông đến từ giã Nguyên Chấn để xin một vài lời khuyên. Sẵn dịp Nguyên Chấn giới thiệu Trọng Tường để anh có cơ hội lập thân. Vị Đô Đốc nhìn tướng tá Trọng Tường thật hùng dũng nên nhận anh ta vào đoàn quân, phong cho chức Tư Mã.

Khi đoàn quân đến quê hương của Trọng Tường thì anh gặp một người bạn tên là Vĩnh Cố đang nhận một chức nhỏ ở quận.

Trọng Tường và Vĩnh Cố lâu nay chưa hề thân mật nhưng đã nghe tiếng tăm của nhau. Vĩnh Cố viết một lá thư nhờ Trọng Tường tiến cử mình để cùng đi dẹp giặc.

Trọng Tường đem nguyện vọng của bạn trình lên Đô Đốc, Lý Mông y lời, mời Vĩnh Cố đến, phong cho chức quản lý quân cụ. Ngay lúc đó có tin báo quân Man đang tràn qua biên giới đốt phá cướp bóc làm cho dân chúng chạy tán loạn.

Lý Mông thúc quân cấp tốc tiến ra biên giới. Đến quận Diên Châu, gặp lúc quân Man không phòng bị, Lý Mông tiến quân đánh bất ngờ. Quân Man thua to kéo nhau rút về xứ. Thừa thắng xông lên, Lý Mông xua quân đuổi theo vào sâu nội địa Man quốc.

Đoàn quân viễn chinh gần cạn lương thực, lại bị sơn lâm chướng khí làm cho quân sĩ mệt mỏi, bị bệnh rất nhiều. Lúc bấy giờ quân Man tủa ra phản công. Quân triều đình thua to, bị chém thây nằm chất đống, máu chảy thành suối. Đô Đốc Lý Mông quẫn trí, đâm cổ tự tử. Còn Trọng Tường cùng đồng đội bị bắt làm tù binh.

Quân Man ra giá, đem vật đổi lấy mạng người. Biết Trọng Tường là cháu của quan Đại Quốc Công tại triều nên ra giá 1000 cây lụa.

Phần Vĩnh Cố vì lo việc hậu cần, đến sau, nên thoát nạn. Nhân có người được chuộc mạng tha về, Trọng Tường vội viết thư cho Vĩnh Cố nhờ về triều đình cho bác mình hay để lo liệu chuộc mạng. Vĩnh Cố hấp tấp chạy về Trường An, nhưng đến nơi mới biết Đại Quốc Công Nguyên Chấn vừa mới qua đời.

Lòng se thắt, Vĩnh Cố vội trở lại quê nhà, bán hết nhà cửa đất đai chỉ mua được 200 cây lụa, khuyên vợ con hãy chịu sống cực khổ để mình đem của cải đi cứu bạn. Vĩnh Cố dùng số vốn có được lo mua bán để kiếm thêm đồng lời. Anh bươn chải ngày đêm lo mua bán trong mấy năm trời mà chỉ kiếm được 700 cây lụa.

Vợ con đói khổ ở quê nhà mà anh không màng tới, chỉ lo sao cứu được bạn. Vợ anh phải dắt con đi ăn xin, khóc nghêu ngao ngoài đường. Tình cờ vị Đô Đốc mới của Diên Châu là Dương An Cư đi ngang qua, thấy tình cảnh bi thiết của người đàn bà, dừng lại hỏi han. Vợ Vĩnh Cố thuật lại chuyện chồng mình vì muốn cứu bạn, bán hết gia sản, bỏ vợ bỏ con đi kiếm tiền.

Đô Đốc thương tình cho mẹ con bà về quán dịch nghỉ ngơi, rồi cho người đi khắp nơi tìm Vĩnh Cố. Khi tìm ra, Vĩnh Cố đã trở thành người khác hẳn, đen đủi, gầy gò vì bao nhiêu năm xuôi ngược bán buôn, nhưng vẫn còn thiếu 300 cây lụa mới có thể chuộc bạn. Ông Đô Đốc liền ứng ra số lụa này. Vĩnh Cố vội tìm người trung gian để chuộc Trọng Tường.

Sau mười năm bị đày ải, giam cầm đói khát, Trọng Tường gầy yếu như khúc củi khô. Hai người bạn gặp nhau, ôm lấy nhau mà khóc nghẹn ngào tức tưởi.

Đô Đốc Diên Châu viết sớ trình lên triều đình kể rõ chuyện của hai người bạn trung nghĩa. Trọng Tường và Vĩnh Cố đều được bổ làm quan hai vùng khác nhau. Vì công vụ nên hai người không có dịp thăm nhau trong quãng thời gian dài. Đến khi thu xếp được công việc, Trọng Tường đi tìm thăm bạn, thì Vĩnh Cố đã qua đời. Ông sống thanh liêm nên gia cảnh nghèo túng, mộ ông chôn ở đất khách, vì gia đình không có tiền đem về quê nhà.

Trọng Tường thương tiếc bạn, ôm mộ Vĩnh Cố khóc than sùi sụt. Sau đó, ông quyết định cải táng, đem hài cốt bạn về chôn quê nhà. Trọng Tường quảy bộ hài cốt bạn trên vai, vừa đi vừa khóc thật thảm thiết.

Một tình bạn cao quý, hy sinh hết cho nhau, trên đời này thật hiếm có.

(Theo Bài Học Người Xưa của Chín Bình Tây)

 

CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY TƯ

            GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC NGÀY NAY

            “Một tình bạn cao quý, hy sinh hết cho nhau, trên đời này thật hiếm có.”

Vâng, đúng thế, phải không các bạn ? Nhất là trong thời buổi đạo đức xuống cấp trầm trọng ngày nay !

Có những câu chuyện chứa đựng những giá trị tinh thần cao quý được lưu lại từ ngàn xưa, thế nhưng nhiều người thời nay khi được nghe kể những câu chuyện ấy, đã không tin là có thật, hoặc bán tín bàn nghi !

Có một lần, một nhóm người tuổi đôi mươi ngồi trò chuyện với nhau, khi nói về tình bạn Lưu Bình - Dương Lễ, có người đã lắc đầu bĩu môi thốt lên: “chuyện hoang đường” !

Nếu chuyện Lưu Bình – Dương Lễ là chuyện hoang đường, thì câu chuyện trên mà các bạn vừa đọc trên đây, chắc nó cũng thuộc loại chuyện của mấy ông tác giả “giàu trí tưởng tượng”, nói nôm na là “chuyện bịa đặt”, khó tin !

Thời gian xa dần, chúng thành những câu chuyện cổ tích… chỉ có tích cách dạy đời, chứ không còn mấy ai tin là sự thật ! “Ai mà tin nổi”

Nên, có người bảo : Hãy nói chuyện “thực tế” một chút đi ! “Hiện đại” một chút đi!

Nhưng, thưa các bạn, cả những câu chuyện “rất hiện đại”, cập nhật “sát sườn”, mới vừa xảy ra “tức thì”, còn “nóng hổi”, nhưng vì nó mang vẻ “đạo đức” quá, nên cũng khó mà tin rằng… “đó là chuyện có thật” !

Cách đây trên 10 năm, trong một lớp Giáo lý Thêm Sức, tôi kể về một tấm gương có thật một trăm phần trăm mà tôi là người “trong cuộc”. Chuyện thế này:

Một buổi sáng tôi đi công việc, cách nơi tôi giúp xứ chừng 10 km, khi về tôi phát hiện mình đã đánh mất cái bóp. Trong bóp có đựng một số giấy tờ tùy thân và một số tiền khoảng 500.000 đồng. Tôi rất lo lắng, vì thời điểm ấy, khi làm lại giấy tờ  cá nhân sẽ mất rất nhiều thời gian.

Vài ngày sau, kể như không còn hy vọng gì tìm lại được, tôi chuẩn bị làm giấy tờ mới, thì một buổi sáng, một phụ nữ độ tuổi ngũ tuần đã đến nhà xứ tìm tôi. Trong bóp không hề có địa chỉ, nhưng thật may mắn, khi tôi ghé tiệm sách của chị ta để mua vài món đồ văn phòng, một người cũng đang mua đồ ở đó biết tôi. Tôi nhớ lại, khi tôi lấy tiền từ trong túi áo trả cho chị, nhưng thiếu, nên mở bóp lấy thêm, khi trả xong, tôi vội vã đi, và bỏ quên cái bóp ở trên bàn tính tiền. Khi chị thấy cái bóp, chị nói, chị có kêu tôi lại, nhưng tôi không nghe và đã lên Honda đi mất. Người đứng gần đó quay lại nói với chị ta : “Ông đó là ông thầy ở nhà thờ”. Chị đã tìm đến Nhà xứ và tận tay trao lại cho tôi cái bóp, với câu nói được lập đi lập lại nhiều lần : “Cái bóp của thầy tôi giữ y nguyên, không có mở ra đâu nhé !”.

Sau giờ học đó, nhiều đứa học trò đã bàn luận với nhau : “Chắc ông thầy đặt chuyện ra để dạy tụi mình chứ ai đâu mà tốt như vậy !”.

Khi đạo đức xã hội đã xuống cấp, thì những giá trị tinh thần giảm dần đi và có nguy cơ mai một.

Ngày nay, thật đáng buồn, chúng ta nghe thấy trên những phương tiện truyền thông những thông tin về những thói đời bịp bợm, những trò lừa thầy phản bạn. Chúng ta chứng kiến trong cuộc đời biết bao sự dối trá lừa lọc, những thứ thâm độc điêu ngoa…

 

Nhìn thế sự “đảo điên”, nhìn nền đạo đức xã hội đang xuống cấp, con người lún sâu vào “nền văn hóa của sự chết”, dần dần con người mất niềm tin vào nhau, sự hoài nghi len lỏi vào tận sâu thẳm lòng người. Nhiều người ngỡ ngàng đặt câu hỏi : - “Người ta có thể tốt với mình như thế sao ?” – Điều mà lẽ ra, tình người phải ứng xử với nhau như vậy, nó lại trở nên một thứ gì đó thật lạ lẫm, khó hiểu, khó tin !

Nói rộng ra, ta hãy quan sát hiện tình thế giới, ta thấy gì trong quan hệ giữa các Nước. Hôm qua là đồng minh, mà nay là kẻ thù. Hôm qua viện trợ giúp nhau, mà hôm nay thành kẻ xăm lăng.

Tình bạn là sự nương tựa, tương trợ, chia sẻ, buồn vui có nhau, nếu chưa cao đến đỉnh điểm chết sống có nhau, thì cũng là đùm bọc lẫn nhau.

Trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số xuân Ất Dậu 2005, có bài thơ Tình Bạn của Lê Minh Quốc như sau:

   Tôi đã có những ngày không nơi trú ẩn
   Bởi linh hồn kia đã vô tận nỗi buồn
   Nắng tốt tươi nhưng lòng tôi cô độc
   Trốn nơi nào rét mướt cũng vây quanh

   May mắn quá vẫn còn nơi tin cậy
   Không phải tình nhân,
   cũng chẳng phải gia đình

   Đơn giản lắm chỉ là người bạn
   Một người anh rộng lượng nghĩa và tình

   Một lời khuyên răn, một câu an ủi
   Dịu dàng như bóng mát của vòm xanh
   Tôi cúi xuống níu dây giày siết lại
   Tự tin hơn mỗi bước bộ hành

   Vâng, đời sống cần tâm hồn chia sẻ
   Thắp lửa cho nhau lúc lạc bến xa bờ
   Tin yêu lắm một điều giản dị :
   Tình bạn lâu bền cũng quý báu như thơ.

Một người bạn mà lúc nào ta cũng sợ phản bội, hãm hại ta, ta không bao giờ thấy bình an khi ở bên người đó, thì người đó có còn là bạn ta không ?

Nếu một Nước được gọi là bè bạn, láng giềng, đồng minh, mà luôn chèm ép Nước ta, gây khó khăn cho dân ta, ta không thấy bình an khi kề cận họ, thì có thật đó là một Đất Nước bè bạn không ? “Lời vàng chữ ngọc” có bảo đảm được tình “hữu nghị, bạn bè” không ?

Tôi nhớ lại một bài báo đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật trước đây, tác giả Phạm Thị Oanh viết : “Nhìn vào nền đạo đức xã hội đang xuống cấp, tôi thiết nghĩ việc giáo dục nhân bản hiện nay là bức thiết. Nó phải là kế hoạch của toàn bộ xã hội, từ trong gia đình đến học đường, và đặc biệt trên các phương tiện truyền thông đại chúng” (TTCN, số 36-99).

Những giá trị cuộc đời chính là những gì thuộc về “Chân-Thiện-Mỹ”. Thời đại kim tiền mất dần những giá trị đạo đức. Những ai thao thức và tha thiết đến sự phục hưng những giá trị đạo đức nhân bản của con người đều phải “lội ngược dòng”, đó là bước vào “con đường hẹp không mấy ai đi” !

Con đường của một nền đạo đức nhân bản cho con người biết sống vì nhau và cho nhau, con đường ấy trở nên xa lạ nếu không có ánh sáng Tình Yêu soi dẫn. Ánh sáng Chân Lý tình yêu của Tin Mừng Chúa Ki-tô.

 “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa… nhưng gọi anh em là bạn hữu”.(Ga.15,15).

Một tình bạn không phải chỉ “hiếm có”, mà là duy nhất - tình bạn của Giê-su chết trên Thật Giá vì yêu nhân loại.

 “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga.15,13).

Đó mới thật sự là một chuẩn mực để con người suy tư và lần bước theo thầy chí thánh Giê-su cùng xây dựng một Tình Bạn cao đẹp dài lâu.

MAI NHẬT THI

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com