Lời Chúa CN

Giáo dân tham dự vào đời sống Hội Thánh

NHỮNG TÁC VỤ VÀ SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN TRONG THẾ GIỚI

Chương 4 của Hiến chế tín lý Lumen gentium là bản văn công đồng đầu tiên của cả Giáo hội dành cho ơn gọi của người giáo dân. Nhiều đoạn trong các tài liệu khác cũng nói đến vấn đề này, chẳng hạn Apostolicam actousitatem, Gaudium et spes, Ad gentes, và hình như tất cả đều quan tâm đưa ra ánh sáng hai vấn nạn chính: Ai là người giáo dân? Đâu là vai trò của họ trong Giáo hội?

Một đàng, Công đồng Vaticanô II đã soi sáng tính chất Kitô của ơn gọi giáo dân trong tương quan với Đức Kitô, qua việc tham dự vào ba nhiệm vụ: ngôn sứ, tư tế và vương đế; đàng khác, Công đồng cũng đã tìm cách minh định đặc tính của ơn gọi giáo dân, "tính chất" giáo dân trong tương quan với thế giới.

Trong thực tế, việc suy tư ngay sau công đồng đã quan tâm nhiều đến con đường thứ hai. Mối quan tâm ấy rất rõ ràng: đó là tìm cách đồng hành với tiến trình tách ra khỏi hàng giáo sĩ cách êm đẹp bằng cách trao cho người giáo dân sứ mạng trong thế giới như lĩnh vực hoạt động chính yếu và nguyên thủy của họ. Nhưng một vài vấn nạn có thể được đặt ra, đó là liệu người giáo dân có ý thức hơn mình là những chứng nhân đích thực của Tin mừng trong thế giới không? Hay là vẫn có một sự trốn chạy "trong Giáo hội", ngay cả qua sự tăng trưởng của tác vụ dưới nhiều hình thức mới mẻ khác nhau?

Một khẳng định chín mùi hơn và tổng hợp tất cả được tìm thấy trong Tông huấn Christifideles laici: "Điều kiện Giáo hội của người tín hữu giáo dân được định nghĩa cách triệt để nhờ sự mới mẻ Kitô, được làm rõ nét nhờ bản chất trần thế của họ" [1].

Bởi vậy, không một tác vụ giáo dân nào trong Giáo hội phải phủ bóng trên bản chất trần thế, bởi vì địa bàn hoạt động của mỗi Kitô hữu giáo dân là thế gian.

Điểm quy chiếu căn bản về Đức Giêsu Kitô nghĩa là gợi lên việc theo Chúa, một cuộc đời sống theo Tin mừng, trong cách thế phục vụ như hình thức sống của mình vì người khác.

Nếu một vài giáo dân được mời gọi thi hành một việc phục vụ đặc biệt nào đó, chẳng hạn như một thừa tác vụ trong cộng đoàn thì điều đó còn trở nên một động lực mạnh hơn nữa để sống sứ mạng của mình trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống hằng ngày. Thừa tác vụ chẳng những không làm yếu đi bản chất trần thế, mà còn làm cho nó mạnh hơn, bởi vì tính chất thừa tác đặt người giáo dân vào trong con đường của ân sủng và của ý thức về tính chất chứng tá và sư phạm của chính Giáo hội. Cung cách phục vụ được sinh động trong việc thi hành một thừa tác vụ cần trở nên tinh thần phục vụ trong mọi tương quan hằng ngày của người giáo dân trong thế giới, và đó chính là con đường nguyên thủy của việc nên thánh.

 

NHỮNG THỪA TÁC VỤ NÀO CHO TƯƠNG LAI CỦA CÁC GIÁO HỘI CHÚNG TA

"Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước" (Lc 10, 1). Ngoài các tông đồ, Chúa Giêsu còn sai những môn đệ khác, những người bắt đầu đi vào con đường mới mẻ của Nước Chúa và đã được chuẩn bị để ra đi "như chiên con vào giữa bầy sói" (Lc 10, 3). Không gì hơn. Việc sai đi không chỉ dành cho Nhóm Mười Hai: đây là công trình lớn lao của dân Chúa trong lịch sử thế giới; rồi đến lượt mỗi Giáo hội địa phương, điều này đã được Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở trong Tông huấn Redemptoris missio.

Như vậy, việc sai đi không kêu gọi người giáo dân nhập cuộc vì hàng ngũ linh mục trở nên khan hiếm, nhưng là vì cơ cấu tạo nên tính năng động lan tỏa đã được Chúa Giêsu đề ra trong kế hoạch của Người về Giáo hội.

Tính cách sẵn sàng ngày càng tăng của người giáo dân là một ân huệ của Chúa Thánh Thần cho Giáo hội hôm nay. Đây là thời điểm Giáo hội muốn vượt qua thời Công đồng Trentô, bởi vì lúc bấy giờ cần phải chú trọng đến thừa tác vụ linh mục. Nhưng chúng ta cần lưu ý! Điều mà Giáo hội cần phải xây dựng hôm nay không phải là một loại phục thù của người giáo dân sau nhiều thế kỷ bị lãng quên.

Bởi vậy, Giáo hội của Công đồng Vaticanô II đưa ra ba viễn ảnh ơn gọi lớn vì một sứ mạng duy nhất. Những viễn ảnh này kêu mời mọi cộng đoàn hãy nỗ lực tham gia nếu không muốn mình lỡ hẹn với lịch sử:

  1. a) Tính cách thừa tác của người Kitô hữu giáo dân: nhờ ý thức về bản chất trần thế về sứ mạng của riêng mình trong thế gian, nên họ luôn sẵn sàng cho việc chứng tá phục vụ trong Giáo hội;
  2. b) Tính cách thừa tác của những người thánh hiến: họ được mời gọi vào đặc sủng về một "đời sống-dấu chỉ" của Đức Kitô trinh khiết, nghèo khó và vâng lời;
  3. c) Tính cách thừa tác của các linh mục: "thể hiện Bí tích" của Đức Kitô mục tử và thủ lĩnh của Giáo hội Người, ngoài ra còn có thừa tác vụ của các phó tế vĩnh viễn, dấu chỉ của việc phục vụ đa dạng của Đức Kitô.

Ngày nay, số người giáo dân tham dự vào các thừa tác vụ ngày càng đông, tại Ý có khoảng 2/3% và đang tạo ra một bộ mặt mới cho cộng đoàn. Nhưng điều này đòi hỏi phải có một viễn ảnh mục vụ để mở rộng lĩnh vực hoạt động của thừa tác vụ hướng về những công việc mới của sứ mạng. Tuy nhiên, tưởng tượng việc mở rộng thừa tác vụ giáo dân vượt khỏi những "thừa tác vụ đã được thiết lập" (đọc sách và giúp lễ) và ngoài "thừa tác vụ hôn nhân" nhằm phục vụ sự sống và gia đình (Familiaris consortio) không có nghĩa là hòa lẫn ý nghĩa của nó vào trong tính sẵn sàng phục vụ cách chung.

Trong thực tế, mọi thừa tác vụ đều thấy trước một việc phục vụ hữu ích cho cộng đoàn, kéo dài trong thời gian và với sự đồng ý mặc nhiên hay minh nhiên của đáng bản quyền [2]. Nhưng trong Giáo hội, ngay từ buổi ban đầu, cũng đã có một sự hiện diện dấu chỉ khác của những người nhiệt tâm sống theo Tin mừng, đó là những người gọi là đã được "thánh hiến". Họ là những người mang bộ mặt nhân ái của người Samaritanô tốt lành, và việc phục vụ của họ không chỉ dừng lại trong nhiều công trình đáng khâm phục bên cạnh những người nghèo lúc bấy giờ, nhưng vẫn tiếp tục đến với những người nghèo trên toàn cõi địa cầu. Thật vậy, lịch sử cho chúng ta thấy có rất nhiều đặc sủng xuất hiện qua các dòng tu nhằm phục vụ cho người nghèo và đã gây ngỡ ngàng cho nhiều người.

Tuy nhiên, việc phục vụ của các tu sĩ nam nữ mang tính nội tại đặc biệt ở chính việc thánh hiến như dấu chỉ ưu việt thuộc về Thiên Chúa. Tóm lại, những người thánh hiến là một sự tưởng niệm sống động của tình yêu Thiên Chúa và của những điều chung cuộc, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, trong một thế giới quá chạy theo những điều chóng qua.

Bởi vậy, thừa tác vụ của những người thánh hiến gồm hai mặt: một mặt, "phục vụ" các công trình, tuy nhiên việc này người giáo dân cũng làm được; mặt khác, "phục vụ" việc thánh hiến bằng sức mạnh gặp gỡ với nền văn hóa đang lãng quên Thiên Chúa. Các công trình phải là trung gian trong suốt, có khả năng bày tỏ thừa tác vụ nội tại về ý nghĩa của đặc sủng.

Việc làm tăng trưởng lĩnh vực thừa tác vụ giáo dân không lãng quên việc phục vụ của những người thánh hiến cũng như thừa tác vụ linh mục. Những thừa tác vụ này rất cần cho sự hiện hữu của Giáo hội, bởi vì chỉ nơi nào có Thánh Thể, nơi đó thật sự có Giáo hội Chúa. Nơi nào có Đấng Phục Sinh, nơi đó có cộng đoàn tín hữu.

Tuy nhiên, ngày nay còn có những lĩnh vực mới được mở ra, những khả năng mới hướng về người giáo dân. Chúng ta có thể đưa ra sáu thách đố đối với một cộng đoàn thừa tác: ministerium Verbi (Dei Verbum 24), thừa tác viên phụng vụ, thừa tác viên giáo dục gia đình, thừa tác viên đức ái, thừa tác viên nữ giới và thừa tác viên phục vụ những cộng đoàn nhỏ không có linh mục thường trú.

1. THỪA TÁC VIÊN LỜI CHÚA "MINISTERIUM VERBI" (Dei Verbi 24)

Khi nói đến Lời Chúa người ta thường nghĩ ngay đến các linh mục, vì các ngài là những người đầu tiên phục vụ Lời Chúa. Sắc lệnh Presbyterorum ordinis không thiếu việc nhắc nhở trước hết như quyền của dân Chúa là được nuôi dưỡng bằng Lời, và bổn phận của linh mục là loan truyền Lời Chúa: "Dân Chúa được đoàn tụ trước hết là nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống, Lời này phải được tìm thấy nơi miệng lưỡi các linh mục". Do đó, "các linh mục trước tiên có nhiệm vụ loan báo cho mọi người Phúc âm của Thiên Chúa" [3].

Nhưng Hiến chế Mạc khải (Dei Verbum) - "Thánh kinh trong đời sống của Giáo hội" - nhắc nhở rằng "Thánh Công đồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, các riêng các tu sĩ hãy năng đọc Thánh kinh để học biết "khoa học siêu việc của Chúa Giêsu Kitô" (Phil 3, 8) [4].

Với Công đồng Vaticanô II, Lời Chúa đã tìm lại trọng tâm của mình trong Giáo hội, sau cả một thiên niên kỷ sống xa nhà (Enzo Bianchi). Và giờ đây là mùa gieo hạt với bao hy vọng và công lao khó nhọc.

Phương dược giải độc chủ nghĩa tục hóa, nhất là cho lứa tuổi thiếu niên, trước và sau khi được thêm sức, là Lời Chúa. Thật vậy, chính Lời Chúa nhắc nhở cho chúng ta rằng thầy dạy đầu tiên trong hành trình đức tin chúng ta là Thiên Chúa. Bởi vậy, các tín hữu "hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh kinh nhờ phụng vụ thánh dồi dào Lời Thiên Chúa, hoặc nhờ sốt sắng đọc Thánh kinh hay nhờ những tổ chức học hỏi thích hợp hoặc bất cứ phương thế nào mà ngày nay đã được các chủ chăn trong Giáo hội chấp thuận và ân cần phổ biến khắp nơi" [5].

Tất nhiên, người Kitô hữu đã có nhiều cơ hội gần gũi Lời Chúa, qua việc học hỏi giáo lý, tham dự vào phụng vụ, lectio divina. Và chúng ta cũng đừng quên biết bao người đã dấn thân cho Tin mừng bằng việc giảng dạy giáo lý cho trẻ em trong các cộng đoàn Kitô hữu. Đó là một tài nguyên lớn nói lên bộ mặt mới của giáo xứ và mời gọi giáo dân tham gia vào việc giáo dục của cộng đoàn. Nhưng giai đoạn mới hôm nay của lịch sử càng thúc bách việc mời gọi người tín hữu giáo dân có được một sự hiểu biết thật sự về Lời Chúa, ngoài việc đọc và lắng nghe trong khi tham dự thánh lễ Chúa nhật.

Tin mừng đòi phải đi vào trong mỗi nhà. Và thách đố của thời đại hôm nay là làm thế nào để quy tụ các bạn trẻ cũng như người lớn quanh Lời Chúa trong mỗi giáo xứ. Việc làm này đòi hỏi các linh mục và những nhà giáo dục khả năng thực thi ministerium Verbi.

Ngay cả sứ mạng "với dân" và "vì dân" cũng nằm trong chiều hướng này: những trung tâm lắng nghe Lời Chúa thật sự là một di sản lớn lao của những nỗ lực đã và đang hình thành trong các cộng đoàn chúng ta nhờ lao nhọc vun xới của nhiều người.

Lời Chúa giúp cho cộng đoàn tăng trưởng như "trường dạy cầu nguyện", để thiết lập sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người trong việc lắng nghe và đáp lại Lời Ngài.

2. THỪA TÁC VIÊN CỦA VIỆC PHỤNG VỤ

Về việc canh tân phụng vụ, Công đồng đã có nhiều nhận xét khác nhau và nhiều lúc còn nghịch nhau. Chúng ta cũng thử nhìn vào phụng vụ và các buổi cử hành của chúng ta ngày nay như thế nào. Nhờ hoạt động mục vụ của nhiều giám mục và tất nhiên cả sự nhạy bén của các linh mục, trong phần lớn các giáo xứ, các nghi thức phụng vụ được cử hành cách trang trọng, với sự cộng tác của một số thừa tác viên giáo dân: những người đọc sách, điều khiển ca đoàn, phụ giúp cho việc rước lễ.

Tuy nhiên, vẫn không thiếu bóng tối trong việc cử hành, nên cần phải nỗ lực hơn nữa để phụng vụ có được phẩm chất tốt. Trước hết, chúng ta có thể tìm hiểu về nguyên do của sự câm lặng nơi cộng đồng: không hiểu ngôn ngữ và các dấu chỉ phụng vụ, xa lạ với các bài hát của ca đoàn, thụ động trong cách tham dự, thiếu nghiêm trang hoặc quá bất động nơi các tác viên quanh bàn thờ.

Muốn có được phẩm chất tốt cần phải bắt đầu từ việc học biết ý nghĩa thần học-phụng vụ theo sự hướng dẫn của sách lễ Rôma, trong đó có đoạn viết: "Thánh Thể 'à "hành động của Đức Kitô và của dân Chúa đã được xếp đặt cách phẩm trật". Cả cộng đồng cùng cử hành và mỗi người là chủ thể tích cực trong đó và bằng cách thế khác nhau (Mariano Magrassi).

Một thắng lợi lớn của Công đồng Vaticanô II là cử hành phụng vụ bằng ngôn ngữ của từng địa phương. Tiếng La-tinh qua nhiều thế kỷ đã là lý do khiến cho cộng đồng xa lạ với bàn thờ. Nhưng ngày nay cần phải có một cuộc vượt qua khác: từ việc xa lạ với ngôn ngữ và các dấu chỉ phụng vụ đến sự hiểu biết qua việc giảng dạy giáo lý về Bí tích Thánh Thể.

Nhưng để có thể thực hiện được điều đó, thì cộng đồng cũng phải đóng vai trò chính và đặc biệt đòi hỏi sự cộng tác của một số thừa tác viên: về việc đọc Lời Chúa, giúp lễ, người điều khiển ca đoàn và cộng đồng.

Ca đoàn hoặc làm cho cộng đồng sinh động hơn hoặc làm cho cộng đồng trở thành câm lặng thụ động. Nếu chỉ một vài lần vào ngày Chúa nhật ca đoàn làm cho cộng đoàn linh hoạt hơn thì chưa đủ: cần phải kiên nhẫn hơn nữa trong việc tập luyện, chọn lựa những bài ca với cung điệu dễ dàng hát cộng đồng hơn. Sự canh tân đích thực cần nhiều năm để có thể trở thành văn hóa phụng vụ mới theo tinh thần của Công đồng Vaticanô II.

3. THỪA TÁC VIÊN GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

Chính Tông huấn Familiaris consortio đã giới thiệu trong gia đình có một thừa tác vụ đích thực và riêng biệt đã được thiết lập trên Bí tích Hôn Phối: "Nhờ Bí tích Hôn Phối, sứ mạng giáo dục được nâng lên thành phẩm giá và ơn gọi của một "thừa tác vụ" đích thực trong Giáo hội để phục vụ việc xây dựng các chi thể của Giáo hội" [6].

Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã không ngần ngại trích dẫn thánh Tôma để so sánh thừa tác vụ hôn nhân với thừa tác vụ linh mục: "Có những người truyền bá và nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng bằng một chức vụ thừa tác thuần túy tô, và điều đó thuộc về Bí tích Truyền Chức; những người khác thực hiện việc làm ấy đối với đời sống vừa thể lý vừa thiêng liêng, và điều đó được thực hiện bằng Bí tích Hôn Phối, trong đó người nam và người nữ kết hợp với nhau để sinh ra con cái và giáo dục cho chúng biết thờ phượng Thiên Chúa" [7].

Bởi vậy, nhờ thừa tác vụ giáo dục ấy (educationis ministerium), đối với biểu lộ qua chứng tá đời sống, các bậc cha mẹ "là những người đầu tiên loan báo Tin mừng cho con cái" [8]. Hơn nữa, chính nhờ thừa tác vụ ấy "đời sống gia đình trở thành con đường đức tin, và một cách nào đó, trở thành sự khai âm Kitô giáo và là trường học đời sống, dạy cho ta noi gương Đức Kitô. Trong một gia đình ý thức được về ơn Chúa ban như vậy, thì đúng như Đức Phaolô VI đã viết: "Mọi phần tử đều loan báo Tin mừng và đều được loan báo Tin mừng" [9]. " [10].

Hội đồng Giám mục Ý trong cuốn "Hướng dẫn mục vụ gia đình" cũng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần về tính chất thừa tác vụ của gia đình. Đồng thời nêu lên những bổn phận của gia đình trong Giáo hội và trong xã hội: "vợ chồng sẽ có thể khám phá và sống thừa tác vụ của họ trong sự cộng tác hài hòa với mọi thừa tác viên khác và các gia đình sẽ thực thi bổn phận của mình trong Giáo hội và trong xã hội như những chủ thể tích cực và có trách nhiệm" [11].

Công đồng Vaticanô II và huấn quyền hậu công đồng nhiều lần đã lặp lại hai điểm mới mẻ này: mỗi người trong cộng đoàn đều có một ơn gọi và mỗi ơn gọi đều có một chiều kích thừa tác riêng. Do đó, hôn nhân cũng là ơn gọi và tác vụ. Như những ơn gọi khác - linh mục, tu sĩ, giáo dân - vợ chồng được mời gọi, với danh xưng khác, để làm chứng phục vụ trong việc xây dựng nước trời. Vậy, thừa tác vụ hôn nhân là gì? Đâu là nội dung của nó?

Trước hết, là phục vụ sự sống. Vợ chồng đã được Thiên Chúa ủy thác kế hoạch tạo dựng. Trong khi cử hành Bí tích, họ nói lên tiếng vâng với sự ủy thác này, chấp nhận thừa tác vụ phục vụ sự sống, trong mọi giây phút và dưới mọi hình thức của nó. Điều đó có nghĩa là tin vào quyền ưu tiên của con người, ngay từ trong dạ mẹ; tin vào việc tôn trọng đối với sự sống và đón nhận sự sống như một ân huệ lớn lao của Thiên Chúa.

Ngày nay, thừa tác vụ này còn có tính chất ngôn sứ trong một xã hội muốn giới hạn số con cái, bỏ rơi người già cả, khuyết tật. Sự sống hình như bị xếp vào hạng cuối cùng, sau sự vui chơi giải trí, việc làm và lợi nhuận.

Việc phục vụ sự sống có nhiều hình thức: như tiếp nhận chính sự sống bằng cách chống lại tâm thức phá thai; trả lại cho con cái tình huynh đệ, chống lại quan niệm con một; khám phá đặc sủng của tuổi già, thay vì bỏ rơi họ; quan tâm đến những hoàn cảnh neo đơn, vượt khỏi thái độ dửng dưng đối với người khác. Vợ chồng được mời gọi để cống hiến cho xã hội bộ mặt của tình phụ tử và mẫu tử, nhất là trong một thời đại thiếu vắng tình thương này.

Tiếp đến, Bí tích Hôn Phối thiết lập cả thừa tác vụ giáo dục. Ngày nay còn có một hiện tượng đáng lo ngại mà nhiều cha mẹ không để ý đến: đó là hiện tượng "phó mặc việc giáo dục", để con cái được giáo dục bởi những người khác: nơi trường học, qua phương tiện truyền thông xã hội, các dịch vụ giáo dục. Ngược lại, cha mẹ không được ủy quyền hay chuyển nhượng sứ mạng và vai trò giáo dục của mình.

Thừa tác vụ giáo dục gồm việc lấy lại ơn gọi bẩm sinh của những người huấn luyện, là sự hiện diện mô phạm, gần gũi và thường xuyên bên cạnh con cái đang lớn, nhất là trong những giai đoạn tế nhị của cuộc đời, chẳng hạn như tuổi niên thiếu; là thông truyền các giá trị và giúp con cái khám phá căn tính làm con Chúa; là bổn phận đối thoại và hợp tác với tất cả những cơ quan liên hệ đến tiến trình giáo dục, như trường học, cộng đoàn giáo xứ, những nhóm sinh hoạt [12].

Tất nhiên, còn có những khía cạnh khác được xem như nội dung của thừa tác vụ hôn nhân, chẳng hạn như phục vụ gia đình, dấu chỉ của tình yêu trung thành trong một xã hội đang mất dần ý nghĩa của gia đình; như chủ thể tích cực và chủ động về chính trị gia đình trong một xã hội chỉ hướng đến việc nhìn nhận quyền lợi của cá nhân.

Ngày nay, điều gia đình cần hơn cả là làm sao lấy lại vai trò của cha mẹ đối với con cái, vì hiện tượng phó mặc việc giáo dục là mối nguy lớn làm cho xã hội ngày càng thiếu nhân bản.

4. THỪA TÁC VIÊN ĐỨC ÁI

Nói về đức ái thì dễ và cũng thật là đúng khi đồng hóa đức ái như chiều kích chính yếu của kinh nghiệm Kitô giáo: người tín hữu nghe Lời Chúa, đi vào đối thoại với Chúa trong cầu nguyện và đặc biệt trong Thánh Thể, và làm chứng cho Đức Kitô bằng những hành động yêu thương của mình. Đức ái là linh hồn nói lên tính chất nguyên thủy Kitô về ơn gọi xã hội của người tín hữu; là khía cạnh rất có giá trị, là ngôn ngữ hùng hồn hơn cả, là chứng tá khẩn thiết nhất. Và đó chính là tất cả bổn phận của mỗi Kitô hữu và trở nên phần tử của ADN (ẩn số di truyền), nhất là trong tương quan với thế giới.

Tuy nhiên, cũng có đức ái như thừa tác vụ, nghĩa là không những chỉ việc làm chứng tá riêng của mỗi Kitô hữu nhờ Bí tích Thánh Tẩy, mà còn việc phục vụ nhân danh một cộng đoàn được mời gọi sánh vai trong lịch sử với những hoàn cảnh khẩn thiết và nghèo khổ.

Một cộng đoàn Kitô mang tính chất thừa tác và truyền giáo không thể thiếu những thừa tác viên được công khai nhìn nhận và khuyến khích mà bổn phận của họ không được ủy quyền, nhưng phải lãnh nhận trách nhiệm làm ngôn sứ trong chính cộng đoàn và trong xã hội.

Thật vậy, thừa tác viên là linh hoạt và cổ võ các việc mục vụ tương trợ trong cộng đoàn, bằng cách nhìn đến sự nghèo khổ của địa phương, đến những việc khẩn thiết của thế giới, và làm tiếng nói cho những người bần cùng trong cộng đoàn và trong hội đồng mục vụ.

Hai lĩnh vực khẩn thiết cần chứng tỏ việc phục vụ của một cộng đoàn thừa tác:

- Lĩnh vực sự sống, cần có những gia đình rộng mở đế tiếp đón những trẻ em cần được làm con nuôi hay bảo trợ, những người khuyết tật và già yếu;

- Lĩnh vực nghèo đói và công lý trong thế giới, nơi những người Kitô hữu được mời gọi đi tiên phong trong nỗ lực giải quyết vấn đề hòa bình, công lý và nghèo đói.

Bởi vậy, thừa tác viên đức ái có thể phục vụ dưới nhiều hình thức tự nguyện. Những việc làm này luôn có trong các cộng đoàn Kitô hữu dưới hình thức cá nhân cũng như tập thể (đoàn thể và hiệp hội giáo dân). Chúng ta cũng đừng quên nhiều hình thức của đời sống thánh hiến qua các thế kỷ nhằm phục vụ đức ái bên cạnh những kẻ khốn cùng.

Tuy nhiên, việc thiện nguyện ngày nay vẫn có một nghịch lý nào đó: một đàng, người ta thường thấy có những việc thiện nguyện không bám rễ sâu, không có lý tưởng cao, chỉ làm theo cảm hứng; đàng khác, cách khách quan, chúng ta lại có một cội nguồn phong phú, đặc biệt là Thánh Thể, nhưng lại không ân cần trong việc phục vụ. Đó chính là điều nghịch lý: một việc thiện nguyện không có Thánh Thể và một Thánh Thể không có việc thiện nguyện.

Bởi vậy, để có thể nói đến một thừa tác vụ đích thực, thì cần làm sao cho việc phục vụ phải phát xuất từ Thánh Thể. Từ đó, trước hết cần phải có sư phạm trong việc giáo dục về một cộng đoàn thừa tác: kết quả của một đức tin đích thực là chứng tá phục vụ; nhất là vào tuổi thiếu niên, cần khơi dậy sự chọn lựa việc thiện nguyện như kết quả của việc lắng nghe Lời Chúa và tham dự thánh lễ. Và đó cũng là kinh nghiệm dự bị cho việc thiện nguyện lâu dài trong những chọn lựa sau này như một kế hoạch ơn gọi của cuộc đời.

5. THỪA TÁC VIÊN NỮ GIỚI

Tin mừng Luca đã lưu ý nhiều về sự hiện diện của người nữ bên cạnh Chúa Giêsu cách sống động như thừa tác vụ. Bối cảnh ở chương 8 có vẻ nghèo nàn, nhưng rất có ý nghĩa. Chúa Giêsu loan báo Tin mừng Nước Trời từ thành này sang thành khác (Lc 8, 1) với sự hiện diện của Nhóm Mười Hai (Lc 8, 2) và một số người nữ đi theo như để "phục vụ" bằng việc sử dụng cả của cải của mình (Lc 8, 3). Một việc phục vụ sẵn sàng vì Tin mừng không những chỉ có của cải vật chất, mà cả trực giác, tiếp đón, nhạy bén, tài lực, kể cả việc loan báo và làm chứng (Ga 20,17-18).

Sự hiện diện đông đảo của người nữ trong các cộng đoàn chúng ta là điều không thể chối cãi được. Đức Gioan Phaolô II trong Mulieris dignitatem đã dùng một từ ngữ rất ý nghĩa để nói lên sứ mạng của người nữ trong Giáo hội và trong thế giới: năng khiếu nữ giới. Nói đến năng khiếu tức là đi vào cội nguồn của bí nhiệm cá nhân, sức mạnh của trực giác, khả năng yêu thương, óc sáng tạo.

Trong nhiều hình thức của tính chất thừa tác đang có trong Giáo hội, người nữ đóng những vai trò giáo dục rất quan trọng: trong gia đình, cộng đoàn, trường học. Những vai trò này ngày càng chịu nhiều thách đố cần phải được học hỏi, bổ sung thêm những giá trị mới, hội nhập với nam giới nếu muốn gây ảnh hưởng trên việc huấn luyện các thế hệ trẻ đang phải đối đầu trước những lý lẽ phức tạp của nền văn hóa hiện nay. Hình ảnh thân thiện nhất của những thế hệ mới vẫn là hình ảnh của người nữ, cho dù hình ảnh ấy bị nhiều lạm dụng.

Tuy nhiên, lĩnh vực của thừa tác viên nữ giới cũng có thể mở rộng hơn việc linh hoạt phụng vụ, giáo lý và bác ái xã hội. Trong thế giới hôm nay, cần có sự hiện diện của người nữ hơn bênh cạnh những bệnh nhân, gần gũi với các gia đình đang gặp khó khăn, đặc biệt những nơi đang cần biểu hiện bộ mặt tương trợ của cộng đoàn, nhất là nơi sự sống bị đe dọa, hòa bình đang lâm nguy và đối với người di dân đến trong giáo xứ.

Những cộng đoàn không có linh mục thường trú thì chính những người nữ, vì lòng yêu mến Giáo hội, có thể chăm nom và làm cho giáo xứ sinh động hơn. Tuy nhiên, sự hiện diện của nữ giới không chỉ trong lĩnh vực Giáo hội bằng những vai trò mới để đáp ứng những nhu cầu của một cộng đoàn thừa tác, mà còn chứng tỏ óc sáng tạo của chính năng khiếu làm tăng thêm nhân bản và sự hài hòa tại những nơi mà họ được mời gọi tham dự vào việc hoạt động.

Ngay cả cộng đoàn Kitô hữu cũng có thể bị người ta chỉ trích vì quá khép kín hoặc vì chú trọng đến hiệu năng, hình thức và nhiều thủ tục. Người phụ nữ, như Đức Maria tại Cana lúc bấy giờ, bằng cách âm thầm cảm thông, can thiệp và giúp đỡ con người vượt qua những khó khăn và có những quyết định sáng suốt hơn.

Cũng trong chiều hướng ấy, người những sống đời thánh hiến còn đóng một vai trò quan trọng hơn nữa. Họ hiện diện khắp nơi trong Giáo hội, đặc biệt trong lĩnh vực bái ái: sống bên cạnh người đau khổ, tiếp đón, giúp đỡ, giảng dạy giáo lý, hướng dẫn giới trẻ, phục vụ những giáo xứ không có linh mục.

Người nữ sống đời thánh hiến, nhờ kinh nghiệm về việc cầu nguyện sâu xa trong đời sống hằng ngày, có thể trở thành nguồn mạch quý giá, nơi cộng đoàn có thể đến kín múc để giải đáp cho những vấn nạn hôm nay về việc sống đạo, và trở nên người đồng hành thiêng liêng đơn sơ, nhưng rất cụ thể.

6. THỪA TÁC VIÊN NƠI CÁC "CỘNG ĐOÀN NHỎ"

Nhiều giáo phận ngày nay vẫn còn những giáo xứ, giáo họ không có linh mục, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, thậm chí không có nhà thờ. Trong những trường hợp này, cộng đoàn cần có những người cộng tác với linh mục và trở thành những điểm quy chiếu cho dân Chúa. Bởi vậy, việc tuyển chọn thừa tác viên giáo dân cho những cộng đoàn bé nhỏ là một trong những mục tiêu cần thiết và mang tính chất truyền giáo: làm cho nước Chúa hiện diện tại địa phương.

Vậy, ai là thừa tác viên giáo dân của những cộng đoàn nhỏ? Họ là những người nam và những người nữ, tốt nhất là mỗi cộng đoàn nên có hai hay ba người, được giám mục mời gọi qua sự giới thiệu của linh mục.

Có bốn điều kiện để có thể thực thi việc phục vụ này: tốt lành và chứng tá trong việc sống đạo; sẵn sàng phục vụ cộng đoàn, tinh thần hiệp thông và cộng tác với linh mục và những giáo dân khác; được bài sai của giám mục và được giới thiệu cho chính cộng đoàn.

Với những bổn phận nào? Với các môn đệ tương lai được sai đi từng hai người để loan báo Nước Trời, Chúa Giêsu đã đưa ra một vài chỉ dẫn cụ thể nói lên đặc tính của sứ mạng. Năm động từ được dùng là: hãy cầu nguyện (Lc 10, 2), hãy ra đi (c.3), hãy nói (c.5), hãy ở lại (c.7), hãy chăm sóc (c.9).

Đó là những điều cần được áp dụng vào hoàn cảnh Giáo hội chúng ta hiện nay. Thật vậy, không phải do tình cờ mà trước khi nói đến các động từ về sứ mạng hoạt động, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến việc cầu nguyện. Trong khi làm việc, mỗi người cần ở trước mặt Chúa, để đi vào thông hiệp sâu xa với Ngài. Cầu nguyện là nền tảng của mọi việc mục vụ. Nếu không cầu nguyện thì đó chỉ là việc làm bên ngoài không mang lại lợi ích gì; và không cần thiết cho Nước Chúa.

Mỗi thừa tác viên, nam cũng như nữ, và cả mỗi Kitô hữu phải là một người cầu nguyện, một chứng nhân của Thiên Chúa, có bổn phận làm cho việc cầu nguyện trở nên sống động trong cộng đoàn.

Bởi vậy, các thừa tác viên giáo dân của những cộng đoàn nhỏ có hai mục tiêu lớn: gìn giữ "ký ức lịch sử", truyền thống tốt lành của gia sản đức tin từ cha ông để lại; và tìm cách làm cho "mới" để ghép vào thân cây cổ thụ. Làm như vậy, các động từ được Chúa Giêsu đề nghị có thể phác họa lên một hình ảnh của thừa tác viên. Đó là cầu nguyện và linh hoạt việc cầu nguyện; đi vào những nhà đang cần đến; loan báo Lời Chúa; ở lại nơi mình sống; yêu thương dân chúng; chăm sóc sự tăng trưởng của cộng đoàn quanh Thánh Thể, nhất là gần gũi những người đau khổ.

(TGM. Enrico Masseroni

Lm. Augustino Nguyễn Văn Dụ (chuyển ngữ)

Trích "Người Kitô hữu giáo dân, căn tính và những thách đố mới", tr.117-132)

7. THỪA TÁC VIÊN GIÁO LÝ

Tông thư dưới dạng Tự sắc Antiquum Ministerium, nghĩa là Thừa Tác Vụ cổ xưa, nhằm thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên trong Giáo Hội Công Giáo. (11.5.2021)

_______________________________

[1] Gioan Phaolô II, Christifideles laici 15.

[2] Conferenza epis.

[3] Công đồng Vaticanô II, Presbyterorum ordinis (Sắc lệnh công đồng 1965) 4.

[4] Công đồng Vaticanô II, Dei Verbum (Hiến chế tín lý 1965) 25.

[5] Công đồng Vaticanô II, Dei Verbum (Hiến chế tín lý 1965) 25.

[6] Gioan Phaolô II, Familiaris consortio 38.

[7] Th. Thoma Aquinô, Summa contra Genrtes, IV, 58.

[8] Gioan Phaolô II, Familiaris consortio 39.

[9] Phailô VI, Evangelii nuntiandi 71.

[10] Gioan Phaolô II, Familiaris consortio 39.

[11] Augustino Nguyễn Văn Dụ, Hướng dẫn mục vụ gia đình, Lời giới thiệu của ĐHY GB Phạm Minh Mẫn, lưu hành nội bộ, Tòa Tổng Giám mục TPHCM 2006, 2007.

[12] Xem Enrico Masseroni, "Signore, mostraci il Padre".

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com