Giáo lý Công giáo

Đầu năm hành đạo

Têrêsa Nguyễn Thị Liên

 

Chiều mồng 2 Tết Bính Thân (2016), tôi nghe nhói đau trên ngực và cả sau lưng. Biết là đã đến lúc không thể coi thường sức khoẻ, tôi kêu con gái đưa vào bệnh viện khám bệnh. Sau khi xét nghiệm tổng quát, tôi được bác sĩ cho nhập viện vào Khoa Nội Hô Hấp để điều trị bệnh.

Thế cũng tốt, nhập viện trong lúc này để được nghỉ ngơi, để được Chúa chữa lành thân xác cho khoẻ mạnh hơn. Tôi cũng tạ ơn Chúa vì say mê công việc cả đạo lẫn đời mà tôi quên cả thân xác mỏng dòn, yếu đuối của mình để cố gắng hoàn thành trách nhiệm với anh chị em trong Nhóm Kinh thánh và nhiệm vụ với giáo xứ trong những ngày tháng cuối năm vừa qua. Nếu Chúa không nâng đỡ thì tôi đã không hoàn thành trách nhiệm được giao. Thật tạ ơn Chúa vô cùng, tôi được chữa bệnh khi mọi người đã tạm ngưng hoạt động, không áy náy, không tiếc nuối, tôi nằm nghỉ dưỡng mà cứ ngợi khen Chúa đã hết tình yêu thương tôi. Càng nghĩ tôi càng thấm thía câu Lộc Chúa mà tôi đã nhận và xem đó là Thánh ý Chúa dạy tôi trong năm mới "Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa Vinh Quang, anh em sẽ trở nên mạnh mẽ, để kiên trì chịu đựng tất cả." (Ck 1,11).

Vâng tôi phải được mạnh mẽ thì mới có thể chiến đấu nơi cuộc sống trần gian này. Vì thế mà Chúa đã chọn ngày giờ cho tôi được nghỉ ngơi dù không phải là nơi hoang vắng thinh lặng, ngược lại môi trường cho tôi nghỉ ngơi là bệnh viện, là một nơi ồn ào đầy những tiếng rên la đau đớn. Lúc này tôi càng cảm nghiệm thêm một điều; việc Chúa làm thật bao điều kỳ lạ. Trong không khí ồn ào - lòng tôi lại lắng đọng, Chúa đã đưa tôi đến với những người dân nghèo khổ vùng sâu để thấu hiểu cái khó nghèo, cái thiệt thòi của người bất hạnh, dù cũng một kiếp người. Bắt đầu năm mới trong cuộc hành trình về nhà Cha, Chúa cho tôi làm một bệnh nhân để cảm thấu nỗi đau của người bệnh. Khoa tôi điều trị tương đối nhẹ nhàng nhất. Ngoài cái đau bên trong thể xác đã khổ, còn phải chịu thêm cái đau bên ngoài của những mũi kim tiêm, có lúc tôi phải cắn răng chịu đựng sự đau điếng của những mũi kim vụng về của các y tá chưa kinh nghiệm khi tìm ven để chích thuốc hoặc lấy máu để xét nghiệm v.v.. Cánh tay tôi nhiều dấu kim tiêm bị sưng tấy và dấu tím bầm cả tuần cũng không hết. Thảo nào Chúa luôn thương xót những bệnh nhân, cũng chính là mục tiêu Chúa nhắm đến trong cuộc đời rao giảng. Không biết Chúa muốn dùng tôi vào việc gì và thánh hoá tôi ra sao. Có lẽ vì tôi chưa cảm thông được nỗi đau thân xác của một bệnh nhân, vẫn còn cảm giác xa cách với người bệnh hoạn, vẫn còn e dè, phân biệt khi tiếp xúc từng loại bệnh. Thể hiện tình người tôi chỉ thăm hỏi họ trong chốc lát rồi thôi, quả là trái tim tôi vẫn còn nhiều khiếm khuyết. 

Đây là lần đầu tiên trong đời, tên tôi ghi vào danh sách bệnh nhân trong bệnh viện. Trước đây thỉnh thoảng vẫn bị đau ốm, nhưng tôi chỉ đến bác sĩ khám cho uống thuốc vài ngày là hết nên tôi chưa thật sự sống trải nghiệm cái đau đớn, khổ sở của một bệnh nhân.

Ngày đầu nhập viện, vì th khó và nhọc mệt nên tôi không buồn nhìn đến những người nằm chung phòng là ai, nam hay nữ, già hay trẻ. Mắt cứ nhắm nghiền, trí lan man cầu nguyện những ý không tròn câu. Đêm đầu tiên ở bệnh viện thật lạ, hình như cả dãy phòng liên tiếp rộ lên nhiều tiếng ho, tiếng người nôn oẹ, tiếng khạc đàm liên tục, tiếng rên siết vì khó thở (vì khu tôi nằm là Khu Nội Hô Hấp). Riêng phòng tôi có một bà bệnh xuyễn 70 tuổi, bà bị tiêu chảy mỗi lần người nhà làm vệ sinh mùi ô uế xông lên nồng nặc. Tất cả điều này nếu là trước đây có lẽ tôi không bao giờ chịu đựng nổi, chỉ cần nghe tiếng nôn oẹ, chứ đừng nói chi mùi hôi thối là ruột gan tôi cuộn lên từng cơn, và bao nhiêu thức ăn nước uống trong người tôi lập tức tuôn ra sạch. Nhưng lần này quả là ơn Chúa, tôi lại không thấy khó chịu mà nghĩ mình vẫn còn may mắn vì cái đau đớn của tôi vẫn còn nhẹ hơn bà và nhiều người khác. Thế là tôi thầm cảm tạ Chúa, và xin Chúa thương xót đến những người đang khổ sở vì bệnh tật hoành hành. Đêm đó tôi không ngủ được vì suốt đêm cứ nghe hai bà bệnh nhân cùng phòng liên tục ho khạc từng cơn, bà kia thì cứ la mắng, quát tháo người em trai vụng về chăm sóc bà không được như ý.

Ngày thứ nhất trôi qua, tôi vẫn thinh lặng nằm yên lắng nghe tiếng rên rỉ của hai bệnh nhân chung phòng và ráng cắn răng chịu đựng cái đau nhói ngực của mình theo từng nhịp thở, tôi lầm thầm cầu nguyện liên tục mỗi một câu: "Xin Chúa thương xót con và những bệnh nhân trên toàn thế giới". Và rồi Chúa đã nhậm lời tôi cầu nguyện. Chúa đưa tôi vào giấc ngủ sau khi y tá điều dưỡng tiêm chích, vô thuốc kháng sinh mọi thứ xong xuôi. Tôi nằm yên và ngủ say giữa những tiếng ồn ào của bệnh viện trong giờ làm việc.

Ngày thứ hai tôi tỉnh táo hơn, nằm yên lắng nghe cuộc chuyện trò của hai bệnh nhân cùng phòng, nhận ra hai người này đạo Phật. Bà bệnh nhân 70 tuổi bệnh xuyễn tên H.... Bà kể nhà bà chưng cúng trái cây bàn thờ Đức Phật, bà Quan Âm, và các thần từ trên lầu xuống đất… cả mười mấy bàn thờ. Trái cây cúng xong ăn không hết có khi cho, có khi đem bỏ. Bà ít khi đi chùa, chỉ ở nhà thắp nhang các bàn thờ thôi, vì bà ra vô nhập viện thường xuyên, bà không tin tưởng mọi người cả con cháu trong nhà. Những lúc chưa đi vào giấc ngủ tôi nghe tiếng bà phàn nàn kêu trách hết người này đến người khác. Bà luôn muốn trút cơn giận lên bất cứ ai khi bà bực bội. Ánh mắt bà thật lạnh lùng vô cảm. Tôi cảm thấy e dè khi muốn tiếp chuyện với bà, nên rất dè dặt từng lời nói. Trong hai ngày thinh lặng lắng nghe, tôi đã nhận ra nguyên nhân vì sao bà bất an. Tôi không nhìn và nghĩ về bà một cách tiêu cực theo chủ quan, mà nhìn bà qua cách bà đối xử với tha nhân, nhất là khi bà đối xử với người em chồng là người đàn ông đã 50 tuổi đang chăm sóc bà. Nhưng rồi tôi thầm nghĩ tất cả là do tâm bà bất an thôi. Tôi muốn giúp bà tìm được sự bình an trong tâm hồn, cũng là cách làm việc cho Chúa. Lời Chúa Giêsu nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Mc 2,17). Tôi đã nhận ra Thánh ý Chúa rồi. Tôi phải giúp bà nhận ra cách sống đã gây cho bà những bất an, phiền não đớn đau, để bà được giải thoát khỏi cơn tâm bệnh đang hoành hành bà. Nhưng làm thế nào khi tôi và bà không cùng một tôn giáo? Tôi sẽ giúp bà bằng cách nào đây? Thái độ sống của bà tôi phải dùng ngôn từ nào phù hợp để đi vào tâm hồn đang biến động của bà? Tôi không hiểu gì về Đối Thoại Liên Tôn mà Giáo Hội đang quan tâm, nhưng thâm tâm tôi không bao giờ muốn hướng người theo tôn giáo khác nghe về giáo lý Đức Kitô. Tôi tôn trọng niềm tin và tín ngưỡng của họ. Nhưng Lời Chúa trong sách Tin Mừng thánh Mattheu chương 10 câu 8 cứ vang mãi trong trí tôi: "Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh...” Tôi hiểu Chúa muốn tôi giúp bà được chữa lành tâm linh. Chính là làm cho bà được trở về với tính thiện hảo của một con người thuở ban sơ, cũng là làm cho bà thoát khỏi bệnh phong hủi là những tội lỗi đeo bám làm cho bà mất đi vẻ nhân hậu từ tâm của một người phụ nữ, khi đó bà sẽ sống lại với một tinh thần mới, lạc quan bình an hơn và tôi tin rằng với tinh thần đó bà sẽ không phải ra vào bệnh viện thường xuyên nữa vì bà đã được chữa lành tâm linh, thì thể xác của bà cũng sẽ mau chóng được chữa lành. Với sự thôi thúc trong lòng tôi quyết định sẽ giúp bà sau khi tôi cầu xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ và trợ giúp tôi, để tôi làm điều Chúa muốn. 

DaunamHDao1Và rồi sáng mồng 5 tết, tức ngày thứ 3 trong bệnh viện, tôi thoát ra khỏi sự thinh lặng để bắt đầu trò chuyện với hai bệnh nhân chung phòng. Cơ hội cho tôi khi bà H... hỏi thăm tôi về gia cảnh. Tôi đã cố ý nói với hai bà cùng phòng nghe về mẹ tôi: bà cụ năm nay đã 89 tuổi, là một Phật tử rất sùng đạo. Bà sống thọ mà còn rất minh mẫn, luôn an vui, cứu khổ cho người nghèo, lòng bà rất quảng đại và hay thương người, ai gần gũi tiếp xúc với bà đều được hưởng lây niềm vui. Bà xử dụng thành thạo IPhone, Ipad, laptop, vi tính, xem phim, đọc sách từ internet và chuyển đi cho bạn bè con cháu xem những lời hay ý đẹp về cách sống vui, sống khoẻ, sống bình an v.v. Các bà nghe tôi kể một bà già 89 hiện đại họ rất thích thú và ngưỡng mộ. Bà H... nói: nghe chị kể mà tôi thèm sống được như vậy, nhưng mà tôi thấy sao lòng cứ bất an, cứ lo lắng và hay nổi nóng khi ai làm trái ý mình. Tôi cứ nhìn chúng nó làm mà trái tai gai mắt là phải la lối thì tôi mới hả cơn. Tôi hỏi bà thường đi chùa nào, bà nói tôi ít khi đi chùa, phần lớn là ở nhà thắp nhang, dâng cúng trái cây thôi. Khi đó tôi mới nói với bà, mẹ tôi trước đây cũng thế, khi còn trẻ bà như một đầu tàu kéo cả gia đình, bà quán xuyến lo lắng mọi việc nên cũng rất bất an, cũng nóng nảy. Nhưng từ khi về già, bà thờ Phật đi chùa nghe thuyết giảng, tâm hồn bà lắng xuống. Hằng ngày bà tụng kinh niệm Phật, đọc sách, nhờ vậy bà thấm nhuần và trở nên dễ tính, càng ngày trí càng minh quang. Bây giờ bà vui hưởng hạnh phúc bên đàn con đàn cháu, và thêm niềm vui khi hoà nhập vào thế giới văn minh của Internet. Tôi nói mẹ tôi dạy tôi thế này thế khác để sống được bình an hạnh phúc, được yêu thương và để yêu thương là phải luôn tha thứ, cảm thông.... Kể về mẹ, nhưng tôi cũng thêm vào lời chân lý của Chúa Giêsu dạy để chia sẻ với bà, mà bà vẫn nghĩ rằng nhờ mẹ tôi thấm nhuần Phật pháp và đã dạy con cháu cách sống. Bà nghĩ sao cũng được, vì mục tiêu của tôi là hướng cho bà xét lại cách sống của mình mà có thời gian sám hối. Tôi khuyên bà “Trong những cơn đau đớn thì bà niệm câu: Quan Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ Cứu Nạn, thì Bà Quan Âm sẽ làm cho bà bớt đau. Vì bà thờ ai thì hãy kêu cầu đấng ấy, các Ngài sẽ cứu giúp bà”. Tôi nói đại thôi chứ không biết đúng vậy không. Nhưng ý tôi muốn bà cầu nguyện hơn là la lối người phục vụ càng thêm mang tội. 

Tôi còn khuyên bà tuổi đã cao cũng gần đất xa trời rồi nên tìm đến Đấng mình thờ mà nương náu bằng sự chuyên cần tụng kinh niệm Phật để được Phật độ mà đưa về Niết Bàn khi ngày rời khỏi thế gian. Còn con cháu chúng nó lớn hết rồi mình không cần phải lo nữa, mà hãy lo cứu lấy linh hồn mình.... Như có Chúa Thánh Thần hoạt động cùng tôi, bà đã lắng nghe và tán thành theo từng câu tôi nói. Thăm hỏi, an ủi, khuyên lơn, sống thân tình với bệnh nhân cùng phòng, tôi nghĩ, mình đang hành đạo khi là một bệnh nhân, tôi rất vui. Càng vui hơn khi tôi thấy kết quả không ngờ, là sau buổi nói chuyện buổi sáng mồng 5 tết, thì đến trưa bà thay đổi đến bất ngờ, bà không rên la, quát tháo, hay gắt gỏng nữa, mà nói nhẹ nhàng hơn khi gặp điều không vừa ý. Trưa không ngủ được bà ngồi dậy miệng cứ nhép lầm thầm. Tôi nghĩ là bà đang niệm Phật. (hình ảnh này mới có từ ngày bà nhập viện). Đêm mồng 5 không khí trong phòng tôi thật yên ắng, bệnh nhân và người nuôi bệnh được một đêm ngủ thật ngon lành. Thỉnh thoảng tôi cũng thức giấc, nhìn thấy bà ngồi gần như suốt đêm miệng cứ lép nhép, mắt nhìn thẳng vào bức tường trước mặt, trông bà thật hiền từ và phúc hậu, khi để yên cho người em được ngủ say. Tôi mỉm cười và thầm tạ ơn Chúa nhân từ đã yêu thương hết thảy mọi người, đã dùng tôi để đánh động một tâm hồn có lẽ bị đóng kín từ lâu, vì cuộc sống chi phối quá nhiều bởi tính xác thịt thế gian, chứa đầy những tính độc đoán, ích kỷ, sân si, ghen ghét v.v. Bà đang sống cho duy vật hơn là duy tâm, chỉ lo về phần xác mà quên lo cho phần hồn. Bây giờ có lẽ Chúa Thánh Thần tác động bà đang hướng đến "Một cõi đi về", mà tôi đã giúp bà nhận ra khi nói về mẹ tôi, một Phật Tử hiểu giáo lý nhà Phật và sống đúng theo tinh thần của một tín đồ Phật tử.

Ngày mồng 6 tết bà đã vui vẻ, nhẹ nhàng thấy rõ, bà không còn la mắng khi em bà đi mua nước sôi, lấy thức ăn trễ nãi, quá giờ, mà nằm im thinh lặng chờ đợi, bà không chê khen thức ăn ngon dở như thường ngày, bà cười khi thấy sự vụng về, lúng túng của người em trai khi lỡ làm trái ý bà. Thật là một phép lạ, tôi nghĩ bà đang được Chúa quan tâm thương xót. Người đàn ông nuôi bà đã nói: “Thấy hôm nay chị cười mà tui vui lắm luôn” người em nào biết chuyện tôi khuyên bà thế nào đâu.

DaunamHDao2Chiều đến một số anh chị em trong Nhóm Loan Báo Tin Mừng vào thăm và cầu nguyện cho tôi, tôi nói xin anh chị em cùng cầu nguyện cho hai bệnh nhân trong phòng và tôi cũng đã dâng họ lên cho Chúa để xin cho họ được ơn chữa lành. Tôi nói với các bà khi mọi người về hết: Lúc nãy chúng tôi có cầu nguyện cho các chị, các chị có nghe không, các bà gật đầu và có vẻ vui. Vì các bà biết tôi là người theo đạo Công Giáo, từ những ngày đầu thấy cha Hoàng Phúc DCCT vào thăm cầu nguyện cho tôi, khi Ngài về các bà hỏi ông nào mà tướng tá đẹp và sang vậy, tôi nói đó là Linh Mục đến thăm và cầu nguyện cho tôi. Và họ thấy tôi sau khi được cha cầu nguyện sức khoẻ tôi có vẻ khá và nhanh nhẹn hơn, do đó khi nghe nói mình được cầu nguyện nên hai bà đều vui vẻ và tỏ ra thiện cảm với tôi hơn.

Sáng ngày mồng 7 tết cha phó Chí Hòa Giuse Hoàng Tuấn đến trao Mình Thánh Chúa cho tôi, các bà thấy Linh mục mặc chiếc áo chùng đen bước vào phòng, tự nhiên các bà ngồi bật dậy với tư thế thật nghiêm trang. Cha Giuse bước đến giường từng bà thăm hỏi và chúc lành cho hai bà sớm hết bệnh. Khi thực hiện Nghi thức trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, có lẽ thấy hai người cùng phòng đang chăm chú, nên cha giảng về lòng thương xót của Chúa đã đoái thương đến những bệnh nhân trong biến cố này chính là Chúa đã yêu thương đưa những bệnh nhân đến bệnh viện để chữa lành bệnh tật, cho thân xác bớt đớn đau, chữa lành tâm linh để được nghỉ ngơi an dưỡng. Khi cha về, hai bà thay nhau khen cha Giuse cao ráo đẹp hiền và nhân hậu, khen cha giảng hay và dễ hiểu, bà T... cùng phòng tôi nói: Nghe cha giảng tôi mới hiểu hèn chi hổm rày tui nghe Liên nói với mấy bạn (bà lớn hơn tôi 5 tuổi) Liên vào bệnh viện là Hồng ân của Chúa, tui còn thắc mắc. Bây giờ nghe ông cha nói tui mới hiểu. Thì ra bà nghe tôi nói chuyện qua điện thoại và với những người vào thăm câu được câu mất nên nói vậy, chứ tôi chia sẻ với mọi người là: vào nằm viện là một Hồng Ân Chúa ban cho tôi, vì tôi dự định ra tết tôi sẽ đi khám sức khỏe tổng quát nếu có bệnh gì thì chữa cho sớm, để được khỏe mạnh mà phục vụ, vì tôi luôn khao khát được phục vụ. Chúa đã thương và cho tôi một cơn đau để nhân đó tôi phải vào bệnh viện khám và nhờ nằm viện mà tôi đã được xét nghiệm mọi thứ để biết mình có bệnh gì được chữa lành luôn. Nếu Chúa không để tôi phát bệnh thì đến giờ này chưa chắc tôi đi khám tổng quát như tôi dự tính. Cũng là một lời cảnh báo của Chúa dành cho tôi: vì tôi quá coi thường sức khỏe, ăn uống thất thường, ngủ nghỉ rất ít, cứ thức khuya, và dậy thật sớm mặc dù tôi không bị chứng bệnh mất ngủ. Tôi thấy mình ngủ quá ít. Lời Chúa nói trong Tin Mừng là “anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút. Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.” (Mc 6, 31). Vậy mà tôi lại quá xem thường việc ăn uống ngủ nghỉ, quả là tôi biết mà không thực hành Lời Chúa nên lần này bị Chúa đánh cho một roi còn nhẹ. Tôi hứa với lòng khi về nhà tôi phải chỉnh đốn lại giờ giấc để tôi có sức khỏe mà phục vụ, mà làm cánh tay nối dài cho Chúa như lòng tôi hằng mong muốn.

Trong lúc vui vẻ chuyện trò, bà H... nói: Ba tôi theo đạo Công giáo, còn mẹ tôi theo đạo Phật, lớn lên tôi không biết theo ai nên theo đạo Phật cho dễ. Nghe bà nói tôi thầm nghĩ ý Chúa đã thể hiện nơi bà rồi và lòng chợt vui. Tôi sẽ tiếp tục gieo hạt giống của Chúa bằng cách sống thể hiện mình là người theo đạo Công giáo – đạo của Yêu thương. Việc còn lại là của Chúa vì hạt giống được gieo xuống đất dù người gieo ngủ hay thức, đêm hay ngày, 28 hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt (Mc 4, 27-28).

Mồng 8 tết, các bác sĩ vào làm việc đầy đủ. Đến ngày mồng 9 tết tôi và 3 bệnh nhân cùng phòng đã có sự thay đổi. Bà H.. được chuyển qua phòng khác. Phòng mới của bà chỉ có 2 giường. Bệnh nhân chung phòng là bà cố, mẹ của Linh Mục Nguyễn Ngọc Bích, Giám Tỉnh DCCT. Phòng này các cha đến thăm bà cố liên tục, chắc chắn các ngài cũng sẽ thăm hỏi và an ủi bà H... nhiều. Ý Chúa thật nhiệm mầu. Thỉnh thoảng tôi cũng qua thăm hỏi bà thấy bà rất bình an và nhẹ nhàng. Còn bà T... được báo ngày mồng 10 xuất viện vì đã hoàn toàn khỏi bệnh. Còn tôi cũng đã khỏi đau ngực nhưng tôi xin bác sĩ xét nghiệm xem tôi còn bệnh gì xin chữa giúp tôi, và bác sĩ đã lấy máu xét nghiệm. Tạ ơn Chúa. Tôi lại liên lỉ “Lạy Cha xin thương xót con và những bệnh nhân trên toàn thế giới”. Từ nay tôi sẽ nghĩ đến các bệnh nhân trong giờ cầu nguyện.

DaunamHDao3Mỗi ngày trong bệnh viện tôi vẫn cầu nguyện đều đặn theo lịch tôi xếp: sáng tôi đọc Lời Chúa trong ngày rồi dựa vào đó tôi cầu nguyện với Chúa, sau giờ cơm trưa tôi lần chuỗi Kinh Mân côi và 3 giờ chiều tôi lần chuỗi Kinh Thương xót. Ngoài ra tôi thường nằm nhắm mắt để dỗ giấc ngủ bằng câu "Xin Chúa thương xót con và những bệnh nhân trên toàn thế giới”. Trong bệnh viện tôi vẫn có chỗ thanh vắng và thinh lặng thật lý tưởng để cầu nguyện, đó là góc phía sau dãy lầu 5 khu Nội Hô Hấp tiếp giáp với Khu Điều Trị Theo Yêu Cầu. Nơi đó thật vắng vẻ, cứ sau giờ cơm trưa và sau giờ vô đạm xong tôi đến đó đứng lần chuỗi và cầu nguyện mà mắt hướng về cây thánh giá của Ngôi thánh đường Tân Châu và có khi hướng về Thánh đường Đắc Lộ cùng trên con đường Trường Chinh. Tôi rất thích thú và tạ ơn Chúa không ngừng.

Ngày thứ Sáu 12 âm lịch, bác sĩ cho biết ông đã xét nghiệm thấy tôi không có dấu hiệu bệnh nào khác, còn bệnh đau vùng ngực và lưng thì đã ổn, về nhà chỉ cần nghỉ ngơi và uống thuốc là khỏe, hết thuốc có thể ra tiệm thuốc tây mua thêm một toa uống tiếp. Và bác sĩ ký quyết định cho tôi chiều về. Trước khi rời bệnh viện tôi có đến phòng thăm bà H... tôi nói với bà tôi luôn cầu nguyện cho bà, và chúc bà khỏi bệnh lần này bà sẽ không bao giờ đến bệnh viện nữa, mà sẽ đến những nơi có nhiều niềm vui như mẹ của tôi. Bà rất cảm động nói lời cám ơn tôi mà mắt rưng rưng ngấn lệ. Thế là kết thúc một “chuyến đi” kỳ thú trong đời mà tôi cảm nghiệm thêm một lần nữa Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ tôi. Trong mọi hoàn cảnh Chúa vẫn dùng tôi.

Tạ ơn Chúa luôn làm điều kỳ diệu trên cuộc đời con. Nguyện xin Chúa giúp con luôn sống đẹp lòng Cha trên trời và xứng đáng là một Kitô hữu đích thực trong Hội Thánh. Amen.

De Colores!

DaunamHDao4

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com