BIẾT CHÚA, BIẾT TA

Chương 6 - Những người môn đệ Chúa sai đi

Chương 6

TRUNG THÀNH – VỚI PHAOLÔ HAY APÔLÔ

 

Lời Chúa:

  • 1Côrintô 1: 10-17
  • Philiphê4: 4-9

Tóm Lược:

1.     Chỉ có một lòng trung thành đáng lưu tâm đến, đó là trung thành với Chúa Kitô.

2.     Trung thành với Chúa Kitô đòi hỏi sự hy sinh, đức bác ái, niềm vui, đức tin, cầu nguyện và lòng chân thành.

3.     Khi chúng ta tỏ lòng trung thành với người nào, vật nào hay ý tưởng nào khác ngoài Chúa Kitô, chắc chắn không tránh khỏi phân hóa và chia rẽ.

Trước khi đi vào đề tài kế tiếp, chúng ta hãy ôn qua những điểm đã bàn tới trong tiến trình nhận thức này.

Trước hết, chúng ta đã nói rằng, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta chọn lấy lý tưởng cao nhất có thể được. Thiên Chúa không muốn chúng ta hài lòng với lý tưởng thấp hơn. Tuy nhiên, muốn theo Chúa Ki-tô, chúng ta phải trả một giá nào đó, nhưng khi chúng ta hạ giá xuống, hạ thấp cả những ước vọng lẫn các lý tưởng trong đời sống thiêng liêng chúng ta, thì đời sống thiêng liêng ấy bị thiệt thòi.

Thứ hai, khi chọn lấy Lý tưởng Ki-tô giáo, chúng ta không thể nào duy trì được đời sống nói trên trong Chúa Ki-tô nếu chúng ta không cầu nguyện. Cầu nguyện là khởi điểm công việc của người môn đệ. Cầu nguyện không phải chỉ cần để nuôi dưỡng cá nhân. Cầu nguyện còn là nguồn dũng lực của hoạt động tông đồ. Cầu nguyện không phải là chuyện cá nhân giữa chúng ta với Thiên Chúa, song nó phải luôn hướng về việc hoàn thành công việc của Chúa.

Thứ ba, là người lãnh đạo, chúng ta được gọi để phục vụ lý tưởng Ki-tô giáo. Noi gương Chúa Giê-su đã giũ bỏ chính mình khỏi mọi quyền lực và địa vị chúng ta cũng được đòi hỏi phải tự giũ bỏ mình khỏi mọi tham vọng.Một người lãnh đạo phục vụ là một người làm cho kẻ khác có quyền lực còn bản thân thì không màng tới địa vị.

Cuối cùng, người lãnh đạo chân chính thì yêu quý đời sống và yêu chuộng làm việc Chúa vì chính công việc ấy chứ không phải vì muốn tìm kiếm kết quả hay tìm kiếm sự nhìn nhận để làm thước đo giá trị việc làm đó. Người lãnh đạo có thể sa vào ba chước cám dỗ cần phái tránh là: ám ảnh về sự an toàn của mình, thích chứng minh mình là cao trọng hơn kẻ khác và ước ao làm người lãnh đạo chứ không làm người phục vụ. Tất cả các chủ đề ấy đều có thể tác động chúng ta khi làm việc Chúa. Thấu hiểu những tác động ấy đối với chúng ta là điều quan trọng bởi vì nó giúp chúng ta và người khác thấy được lòng trung thành chính trực của chúng ta ở chỗ nào.

Trong chương trước chúng ta đã thảo luận bằng cách nào những ràng buộc bám víu có thể làm cho chúng ta trở thành nô lệ đối với một người,một vật hay một ý tưởng nào đó. Tôi tin là nỗi ám ảnh này đã bắt đầu hình thành từ tuổi niên thiếu. Quà Giáng Sinh là một thí dụ. Chúng ta cho trẻ em quá nhiều đồ vật. Nhiều tháng trước lễ Giáng Sinh, các nhà quảng cáo đã rao bán cho con em chúng ta những sản phẩm khiến đứa trẻ tin là nó sẽ được hài lòng với những sản phẩm ấy. Rồi đứa trẻ đòi cho bằng được các đồ chơi, trò chơi ấy, vân vân.Hiện tượng ấy không dừng lại đột ngột khi người ta tới tuổi trưởng thành. Bởi vì người trưởng thành cũng chơi những trò chơi như vậy. Một chiếc xe, một ngôi nhà, áo quần, tiền bạc, thanh thế, các hội nhóm xã hội - tất cá những thứ đó đều có thể làm cho chúng ta hài lòng. Chúng ta làm những điều ấy với người khác. Rồi thì người ta cưới nhau vì tin rằng người đó sẽ làm cho họ hạnh phúc. Họ không thể sống nếu không có được người này hay người nọ bên cạnh.

Những ràng buộc bám víu như vậy dẫn chúng ta tới chỗ kết thành liên minh cam kết trung thành với nhau. Trong phạm vi một cộng đoàn, dù là cộng đoàn tu sĩ hay phần đời, người ta hay tỏ lòng trung thành đối với một hội, một nhóm hay một cá nhân nào đó. Vì vậy, trong nội bộ cộng đoàn thường hay thấy nổi lên nhiều vấn đề khó khăn bởi vì sự trung thành không nhắm vào Lý Tưởng hay việc làm phải thực hiện, mà lại nhắm vào cá nhân con người. Đi theo người này thì có lợi và tôi có thể đạt được điều tôi muốn. Làm như vậy tức là hoàn toàn dung dưỡng sự thiên vị và bất bình đẳng. Từ chốn thương trường đến mái gia đình lẫn trong các tu hội cũng đều có chuyện ấy, và khi nó xảy ra thì cả tập thể sẽ mất đích nhắm, mất phương hướng.

Đó là trường hợp mà Thánh Phao-lô đã chứng kiến khi Ngài đến thăm giáo đoàn Cô-rin-tô. Đó là một đô thị sầm uất thời bấy giờ. Ở Cô-rin-tô thời ấy có nhiều nhân vật thông thái, lỗi lạc, nhưng cũng đầy tham vọng. Ta có thể nói Cô-rin-tô có nhiều bộ mặt có khả năng lãnh đạo Cộng đồng Giáo Hội ở đó sống tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần. Nhưng ở đó cũng có một trục trặc khá lớn là có nhiều phe nhóm, nhiều hệ phái, nhiều người đua nhau địa vị, tìm kiếm vai vế quan trọng. Bạn được ai ban phép rửa tội? Tôi theo Phao-lô! Tôi theo Kê-pha.Tôi theo A-pô-lô! Những kiểu nói như vậy nghe khá quen thuộc phải không? Chính cái chuyện trung thành với người này hay người kia dẫn đến chia rẽ cộng đồng, khiến nhiều người mất phương hướng. Thánh Phao-lô đã phải bực mình vì chuyện ấy. Ngài tự hỏi không biết những thứ đó từ đâu đến Ngài nhắc nhở Giáo Đoàn ấy rằng, họ chỉ phải trung thành với một người mà thôi, một người duy nhất là Chúa Giê-su. Chính Chúa là Đấng độc nhất mà chúng ta không thể thiếu. Bất cứ ai khác đều là phụ thuộc.

Nếu chúng ta sắp làm tông đồ của Chúa Giê-su, chúng ta phải loại ra ngoài tất cả mọi thứ trung thành và ràng buộc bám víu và để chỉ đi theo mỗi mình Chúa Giê-su thôi. Chúng ta chỉ một lòng thờ phượng và trung thành với Chúa. Nếu chúng ta chia rẽ, thì công việc của Chúa, chúng ta chẳng bao giờ hoàn thành được. Bạn hãy nhớ quỷ Sa-tan khai thác cũng cùng một kiểu cách như vậy - chia rẽ để chiếm đoạt. Khi chúng ta cùng chung một lòng trung thành thì chẳng có gì chặn đứng chúng ta lại được! Khi chúng ta để cho sự chia rẽ hoành hành, lập tức chúng ta để lộ nhược điểm chúng ta ra.

Trung thành với Chúa Ki-tô nghĩa là làm sao? Thánh Phao-lô có phác họa một số nét đại cương về những điều kiện cần thiết để phục vụ Chúa Ki-tô với tâm tình dâng hiến. Tiên vàn trung thành với Chúa Ki-tô đòi hỏi chúng ta phải hy sinh và vác thánh giá. Thánh Phao-lô viết: “Chúa Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Chúa Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu. Khi chúng ta theo Chúa Giê-su chúng ta sẽ đi trên nẻo đường khác hẳn con đường của thế gian. Thế giới trần tục thì tìm kiếm quyền lực, danh tiếng, địa vị. Còn chúng ta thì không thể như vậy được. Nếu chúng ta muốn cho Tin Mừng chiến thắng thế gian, chúng ta không được tìm kiếm những thứ phàm tục. Nếu chúng ta chia rẽ và phân hóa như người trần thế, bấy giờ thiên hạ sẽ nhìn vào chúng ta mà nói: “Các người nào có gì hơn chúng tôi đâu và như vậy ta chỉ phục vụ Tin Mừng cho Chúa bằng môi mép mà thôi.”

Thứ hai, trung thành với Chúa Ki-tô có nghĩa là nuôi dưỡng tinh thần bác ái. "Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi (không ích kỷ), Chúa đã gần đến." Khi tiếp xúc với tha nhân trong các môi trường chúng ta sống, và cả khi chúng ta tiếp xúc với nhau, chúng ta phải có đức ái trong mọi sự. Thiếu đức ái sẽ gây chia rẽ, phân hóa và dọn chỗ cho gian tà. Quỷ Sa-tan rất ưa cảnh bất hòa, đặc biệt là bất hòa giữa dân Chúa với nhau. Đức ái phải luôn luôn đặt lên hàng đầu trong mọi công việc ở bất cứ cộng đồng nào, cả trong lúc cần phái có những quyết định khó khăn nặng nề. Chúng ta yêu chuộng và làm những gì đúng.Hãy nhớ lời khuyên của Thánh Âu Tinh: bạn hãy yêu mến Chúa đi đã, rồi thì bạn muốn làm gì thì làm.

Thứ ba, chúng ta chỉ có thể giữ lòng trung tín trong tinh thần đức tin và niềm vui. "Anh em hãy vui trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: “Anh em hãy vui lên... Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.” Dầu chúng ta làm bất cứ điều gì, nếu làm vì Chúa, chúng ta sẽ được chúc phúc. Tin tưởng rằng Chúa luôn ở cùng chúng ta sẽ giúp chúng ta luôn hướng về Người và cũng sẽ giúp chúng ta tránh xa những vướng bận thấp hèn riêng tư. Như chúng tôi đã đề cập trong chương trước, điều quan trọng là thực thi công việc của Chúa. Rồi thì mọi thứ khác sẽ đều suông sẻ. Dĩ nhiên, nói như thế cũng ngụ ý muốn nói rằng bất cứ điều gì chúng ta làm cho Chúa cũng đều phải được bắt đầu bằng cầu nguyện và hy sinh hãm mình. Nếu không có “cái đòn bẫy của người tông đồ" (apalanc), thì công việc của Chúa sẽ bị thất bại.

Cuối cùng trung thành với Chúa Ki-tô có nghĩa là sống đời sống chân thật và chân thành. Nghĩa là chúng ta phải thành thật với chính mình.“Cuối cùng..., những gì là chân thật cao quý, những gì mà chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen thì xin anh em hãy để ý". Khi chúng ta sống một lối sống như vậy, chúng ta sống tiêu chuẩn đạo đức cao tức là chúng ta làm những gì là đúng vì đó là điều đúng chúng ta phải làm. Chúng ta không bị kẻ khác hay dư luận quần chúng giật dây; chúng ta không đầu hàng trước áp lực của những kẻ xung quanh chúng ta. Chúng ta trở thành những con người chính trực. Chúa Giê-su không hề bảo con người phải sống như thế nào. Chúa chỉ kêu gọi đức thiện hảo cốt yếu nơi họ và bảo họ sống tốt lành, chân thật và đích thực. Cái tư tưởng này rất phù hợp cho tôi cũng như cho bất kỳ ai là linh mục. Khi nhiều linh mục khởi sự làm việc, nhiều vị có khuynh hướng đặt nặng vấn đề được người khác hậu thuẫn, tán thành. Khi chúng ta trưởng thành và thăng tiến, thì càng ngày càng rõ ràng hơn rằng, làm điều đúng thì quan trọng hơn làm điều quần chúng ưa chuộng. Một người lãnh đạo phải sẵn sàng bênh vực lẽ phải, chứ không bao giờ thỏa hiệp với nguyên tắc.

Khi quan tâm tới việc phải trung thành với những người khác,những kẻ lãnh đạo nào hay với những ý tưởng nào, chúng ta biến những người ấy hay những thứ ấy thành thần tượng rồi. Những kẻ ấy và những thứ ấy đã trở thành thần thánh, và những thần tượng ấy sẽ nên gánh nặng thừa thãi mà chúng ta phải nai lưng ra gánh thêm vậy. Những thần tượng ấy càng ngày càng đè nặng vai chúng ta và ngăn cản không cho chúng ta thật sự làm việc Chúa nữa. Do vậy, chỉ có một lòng trung thành đáng lưu tâm, đó là thờ phượng và trung tín với Thiên Chúa cũng như với Sứ mệnh của Người. "Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em”. Một khi bình an của Chúa ở cùng chúng ta, thì bình an đó sẽ là tất cả sức mạnh cùng ân sủng mà chúng ta cần có để thật sự phục vụ Thiên Chúa và làm môn đệ của Chúa Giê-su.

Câu Hỏi Để Suy Niệm/ Thào Luận:

1.     Bạn hãy bình luận lời phát biểu sau đây: "Không ai hoặc không gì có thể làm cho bạn hài lòng cả. Chỉ có chính bạn mới làm cho bạn hài lòng".

2.      Hãy nên một, cả trong tâm hồn lẫn tư tưởng, điều ấy có nghĩa là gì đối với một cộng đồng?

3.      Một cộng đồng nên một trong ý chí và tâm hồn có nghĩa là gì?

4.      Bằng cách nào một cộng đồng các người lãnh đạo có thể tránh được những thứ trung thành gây chia rẽ?

 

Mục lục - Chương 5 <> Chương 7


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com