Sinh hoạt TLĐ

Vai Trò của Trường Lãnh Đạo

 

“Hãy nói cho tôi biết những người lãnh đạo của bạn sắc bén như thế nào, thì tôi sẽ nói cho bạn biết phong trào của bạn đang ở mức độ nào”

Edward Bonnin

 

TLD01

 

Trong cuốn Tư Tưởng Căn Bản của Phong Trào Cursillo, khi đề cập đến hiệu năng điều hành và phương pháp áp dụng sách lược để đạt mục tiêu, Phong trào Cursillo xác định có hai cơ cấu điều hành tại mỗi giáo phận: đó là Trường Lãnh Đạo và Ban Điều Hành. Khi đề cập đến Trường Lãnh Đạo, cuốn sách kể trên đặc biệt nhấn mạnh rằng Phong trào Cursillo được phát khởi từ Trường Lãnh Đạo, Trường đã thai nghén và nuôi dưỡng Phong trào. Điều này cho ta thấy rằng quan niệm nguyên thủy của Phong trào dường như khác hẳn với những gì hiện hữu.

Trường có 3 chiều kích: thánh thiện, cộng đồng, và đào luyện. Nhưng làm sao để 3 chiều kích đó thấm nhập không những vào các thành viên của Trường mà điều chính yếu là thấm nhập vào mỗi Cursillista, tạo nên những động lực và thăng tiến Phong trào.

Mục đích của Trường Lãnh Đạo là:

-            huấn luyện các người lãnh đạo và giúp họ hoạt động,

-            thiết lập, duy trì, thử nghiệm và khích lệ các nhóm,

-            chuẩn bị và hoàn chỉnh các buổi họp Ultreya,

-            giới thiệu những người từ giai đoạn tiền Cursillo thành hậu Cursillo qua khóa Cursillo,

-            Kiến tạo đời sống Kitô hữu trong mọi môi trường.

Trong cố gắng kiếm tìm, chúng tôi xin thô thiển trình bày vài đường nét liên quan tới sinh hoạt Trường Lãnh Đạo (TLĐ).

I.         Chiều Kích Đào Luyện Của Trường Lãnh Đaọ

Trong ba chiều kích của TLĐ, ta hãy tìm hiểu chiều kích Đào Luyện vì nội dung Đào Luyện không những ảnh hưởng tới các thành viên tham dự Trường mà còn ảnh hưởng tới các Cursillistas khác nữa.

Theo cuốn Hình Thành Trường Lãnh Đạo (How to Program a School of Leaders) của Hoa Kỳ, chương trình Đào Luyện được chia ra hai phần là: học thuyết và kỹ thuật, và chương trình này kéo dài 20 tuần lễ hay 20 kỳ họp.

Trong phần học thuyết có 20 đề tài: (1) Lãnh đạo Cursillo là một ơn gọi; (2) vai trò lãnh đạo Cursillo trong Giáo hội; (3) Thánh Kinh, cầu nguyện, tinh thần tông đồ và đào luyện; (4) người lãnh đạo và chương trình tu đức; (5) mầu nhiệm Giáo hội; (6) dân Thiên Chúa; (7) người giáo dân; (8)  lời mời gọi nên thánh; (9) Đức Maria trong mầu nhiệm Đức Kitô và Giáo hội; (10) Giáo hội ngày nay; (11) hiệp nhất Kitô giáo ; (12) tông đồ giáo dân; (13) việc truyền giáo; (14) – (20) Tông huấn Rao giảng Tin mừng.

Trong phần kỹ thuật Phong trào: (1) lịch sử; (2) mục dích; (3) sách lược; (4) phương pháp; (5)-(8) tiền Cursillo; (9)-(12) khóa Cursillo; (13)-(20) hậu Cursillo.

Nhìn chung, chương trình này chỉ áp dụng cho những TLĐ tân lập, vả lại chương trình này có trước cuốn Tư Tưởng Căn Bản mới nên Phong trào tại Hoa Kỳ đã không có những hướng dẫn tiếp theo. Đối với những TLĐ sinh hoạt lâu năm, khi đã hoàn tất chương trình dành cho 20 kỳ, tất nhiên phải có sáng kiến mới để học hỏi những đề tài khác.

Theo thiển ý chúng tôi, sau khi khảo sát thêm chương trình Đào Luyện của Phong trào Canada cả hai ngành nói tiếng Pháp và tiếng Anh, rút kinh nghiệm những khóa Giáo lý, Giáo hội học, Kitô học, Thánh Kinh học, Thánh Mẫu học mà chúng tôi đã tham dự, phần giáo lý trong TLĐ nên nhắm vào các đề mục sau:

1.     Học hỏi về Thánh Kinh: nên chú trọng đến phần dẫn nhập Tân Ước và Cựu Ước, dẫn nhập và dàn bài các sách Tin Mừng và Thánh Thư cùng tiểu sử tác giả. Sau đó mới học hỏi vào nội dung Thánh Kinh.

2.     Học hỏi về Giáo lý: Tông huấn Fidei Depositum, dàn bài sách Giáo lý cùng đại lược 4 phần: Tuyên xưng đức tin (Tín lý), Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo (Phụng vụ), Sự sống trong Chúa Kitô (Luân lý) , và việc cầu nguyện Kitô giáo (Cầu nguyện).

3.     Học hỏi về giáo huấn của Giáo hội: (a) tài liệu Công Đồng Vaticanô II, đặc biệt là Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế gíơi ngày nay, và Sắc lệnh về Tông Đồ giáo dân; (b) các tài liệu giáo huấn của Đức Giáo hoàng như: Rao Giảng Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi), Người Tín Hữu Giáo Dân (Christifideles Laici), Gia Đình (Familiaris Con-sortio), Anh Quang Chân Lý (Veritatis Splendor), Tin Mừng Sự Sống (Evangelium Vitae), Các tài liệu về Năm Thánh 2000 v.v.

4.     Một vài kinh nghiệm: (a) Trường Lãnh Đạo Venice, Florida, một năm có 10 bài huấn luyện liên tục, với dàn bài, câu hỏi và trả lời, phần thực tập (worksheet), và dàn bài phát sẵn cho kỳ kế tiếp. (b) Trường Montréal mỗi năm có hai kỳ học hỏi đặc biệt vào mùa Xuân và mùa Đông, (c) Liên Trường St. Hyacinthe mỗi năm có 4 kỳ huấn luyện cuối tuần, mỗi kỳ 15 giờ, từ chiếu thứ Sáu đến trưa Chúa nhật, (d) Trường Chicoutimi hợp tác với Phân khoa Thần học Đại học Québec tại Chicoutimi, tổ chức những khóa Thần Học, mỗi khóa 15 giờ trong 5 tối thứ Tư, mỗi tối 3 giờ, có thể cấp tín chỉ đại học.

Về phần kỹ thuật Phong trào:

1.      Nếu chưa nghiên cứu cuốn Tư Tưởng Căn Bản thì nên học hỏi từ đầu và hết cả 9 chương.

2.      Tiếp theo là cuốn Cẩm Nang của Người Lãnh Đạo của Hoa Kỳ. Tại Canada cuốn sách loại này sẽ ấn hành vào giữa năm 2000.

3.      Những tài liệu đăng trong National Mailing của Hoa Kỳ hay trong Fully Alive của Canada cũng rất hữu ích.

4.      Phong trào tại Canada có thể học hỏi cuốn Những Người Đồng Hành Trên Đường (Companions on the Way, Canadian Guide to an Effective Leaders School)

5.      Sau đó là cuốn tài liệu Khóa 3 Ngày của Hoa Kỳ.

6.      Bước sau cùng nên tổ chức các khóa hội thảo về Tiền Cursillo, Hậu Cursillo, Tổ chức Khóa Cursillo, Phúc Âm hóa môi trường, Hoạch định chương trình mục vụ, Dấn thân phục vụ. Cũng nên khuyến khích các Cursillistas tham dự khóa Linh Thao, Giáo lý, Thần học giáo dân v.v. do các linh mục Dòng Tên tổ chức.

II.       Kế Hoạch Mục Vụ Của Phong Trào Do Trường Đảm Trách

1.      Muốn cho công tác mục vụ của Phong trào đi đúng hướng của quốc gia hay giáo phận thì chúng ta phải đi sát kế hoạch mục vụ của quốc gia hay giáo phận. Thông thường Phong trào theo chỉ dẫn đại cương của quốc gia, còn về chi tiết sẽ theo chương trình mục vụ của giáo phận. Mỗi năm hoặc mỗi ba năm, tùy theo giáo phận, có đề ra một chương trình mục vụ. Một cách cụ thể, các Phong trào tại Mỹ nên coi cuốn tài liệu Ơn Gọi và Hồng Ân cho Thiên Niên Kỷ Thứ Ba (Called and Gifted for the Third Millenium) và tài liệu Hãy Đi Làm Tông Đồ (Go and Make Disciples: A National Plan and Strategy for Catholic Evangelization in the US) của Hội Đồng Giám Mục làm căn bản tổng quat.

2.     Nhìn kế hoạch mục vụ của miền XI, Hoa kỳ chẳng hạn, ta thấy có 12 điểm dành cho mục tiêu hiệp nhất, 4 điểm dành cho các chủ tịch Phong trào và 4 điểm dành cho mục tiêu phục vụ.

3.      Trường nên tổ chức một cuộc hội thảo Hoạch Định Chương Trình Mục Vụ chú tâm tới các điểm sau:

1)      Những điều căn bản trong việc soạn thảo chương trình, nhấn mạnh tới tầm quan trọng, lợi ích và những yếu tố của việc hoạch định.

2)      Phác họa chương trình mục vụ, trong đó có những điểm cụ thể đáng lưu tâm là:(a) cầu nguyện, (b) chọn lựa môi trường, (c) xâm nhập môi trường, (d) khám phá và tuyển chọn ứng viên, (e) chuẩn bị ứng viên, (f) đưa ứng viên tham dự khóa Cursillo, (g) đồng hành sau khóa Cursillo, và (h) trách nhiệm của cộng đồng Cursillo đối với Cursillista.

3)      Những điểm thực tiễn đặt ra: (a) trong 2 năm tới Phong trào làm gì, (b) làm sao để đạt mục tiêu, (c) thực hiện như thế nào, (d) ai thực hiện, (e) thực hiện ở đâu và khi nào, (f) tại sao những mục tiêu đề ra được coi là ưu tiên.

III.    Vấn Đề Phúc Âm Hóa Môi Trường

1.      Phúc Âm hóa môi trường là một phần quan trọng và công tác cụ thể rút ra từ chương trình mục vụ của Phong trào.

2.      Từ xưa dến nay Phong trào thường nhấn mạnh đến môi trường gia đình và sở làm. Điều này là cần nhưng không đủ. Vấn đề của con người ngày nay là vấn đề cơ chế và xã hội. Chúng ta có Phúc Âm hóa gia đình của chúng ta và cả sở làm của chúng ta thì xã hội không vì thế mà đột nhiên thay đổi. Những phần thay đổi do một vài ngàn người, thậm chí vài trăm ngàn người tác động, không làm nên một xã hội tốt mà vấn đề là phải thay đối cơ chế và gây ý thức nơi đại chúng, nhiên hậu mới có một xã hội hướng thiện.

3.      Nhìn vấn đề xã hội một cách ngắn gọn, chúng ta thấy ngày nay chủ nghĩa vô thần thực tiễn xem ra đã chiếm chỗ của chủ nghĩa vô thần ý thức hệ Mác xít. Thêm vào đó là thuyết tương đối về luân lý, chủ nghĩa tiêu thụ, và chủ nghĩa hoan lạc đang phổ biến khắp nơi. Sau hết là sự nứt rạn về mối quan hệ giữa lương tâm cá nhân và các giá trị công cộng, thể hiện qua những cách ăn ở và cư xử của con người.

4.      Phong trào giáo phận Orange ngành nói tiếng Anh chẳng hạn, đã chọn 4 môi trường Phúc Âm Hóa là: Giới trẻ, Giáo sĩ, Truyền thông và Giáo dục.

5.      Tài liệu của Trường Lãnh Đạo tại Hoa Kỳ khuyến cáo chọn năm môi trường: truyền thông, quảng cáo, giáo dục, y khoa, và chính trị.

6.      Chúng tôi xin bỏ qua phần lý thuyết mà xin dẫn chứng một trường hợp cụ thể về vấn đề Phúc Âm hóa môi trường của Phong trào Cursillo giáo phận Providence, bang Rhode Island tại Hoa Kỳ do anh Louis Robbio chia sẻ, tóm lược như sau:

a)      Bước đầu tiên là chọn lựa môi trường: Phong trào giáo phận Providence chọn lựa ngành luật pháp là một môi trường vì nó ảnh hưởng tới toàn thể xã hội.

b)     Bối cảnh: Nhiều luật gia đang hoạt động trong ngành tư pháp, nhiều luật gia là những nhà lập pháp và nhiều người trong ngành hành pháp.

c)      Sự kiện: Đối với hầu hết luật sư, hành nghề luật là vị trí tốt nhất cho các cuộc thỏa hiệp. Đa số luật sư ở đây không được coi là “cộng đồng Kitô hữu”. Anh Louis là một luật sư và đối thủ của anh là anh Paul.

d)     Thăm dò: Một lần anh Louis mời anh Paul đi chung xe, như một cử chỉ thân thiện. Trên xe anh Paul than phiền và bất mãn với nghề luật sư. Anh Louis chia sẻ tâm trạng mình, nhưng nói rằng, nhờ kết hợp với Chúa và qua Ngài anh vượt được khó khăn hàng ngày.

e)      Chuyển dịch: Sau đó hai người trở thành bạn thân và anh Louis mời anh Paul tham dự khóa Cursillo.

f)       Kết quả: Hai anh thành lập một nhóm môi trường luật pháp gồm Louis, Paul, một luật sư khác và 2 thẩm phán và tiến tới việc thành lập Hội Luật Gia Công Giáo. Hội được giáo phận chấp nhận nhưng Văn Phòng Chưởng An khước từ. Các thành viên tiếp tục cầu nguyện, làm Palanca, và vẫn kiên trì sinh hoạt. Ba năm sau được Văn Phòng Chưởng An công nhận và hội trở thành Hội Luật Gia Công Giáo Rhode Island, ra mắt bằng một lễ Kính Chúa Thánh Linh. Hội dùng ảnh hưởng của mình dần dà thay đổi cơ chế xã hội.

g)     Chứng từ: Sự hình thành nhóm môi trường luật pháp, khởi sự từ 3 cursillistas, tiến tới Hội Luật Gia Công Giáo tiểu bang Rhode Island.

7.      Trường và Văn Phòng Điều Hành không thể phó mặc cho cá nhân hay nhóm môi trường đơn phương thực hiện chương trình Phúc Âm hóa môi trường mà phải đặt từng công tác Phúc Âm hóa môi trường vào Chương trình mục vụ của Phong trào, phải để tâm theo dõi và hỗ trợ, đặc biệt là việc thực hiện Palanca cho các công tác đó.

IV.    Tổ Chức Trường Lãnh Đạo

Đứng về mặt tổ chức, ngoài phần vụ Tiền Cursillo, Cursillo, và Hậu Cursillo, Trường thường chỉ có một người đảm trách trong khi công việc của Trường lớn lao và phức tạp hơn một khóa Cursillo rất nhiều. Không biết vì đâu mà một khóa Cursillo chúng ta lại tổ chức chu đáo như vậy trong khi Trường Lãnh Đạo lại được tổ chức sơ sài.

V.       Trách Nhiệm Của Trường Lãnh Đạo Đối Với Các Cursillistas

Đọc trong tài liệu Khóa Lãnh Đạo I (CLWI) chúng tôi thấy có một câu nhận xét rất có ý nghĩa: cho đến nay, kết quả của khóa Cursillo là giúp cho người Cursillista cải đổi bản thân, thánh hóa gia đình, và họ dừng lại ở đó, không có một quyết tâm và hành động thực hiện ơn gọi cải đổi môi trường xã hội.

Phải chăng người Cusillista sau khi dự khóa Cursillo rồi đã đón nhận được một hồng lớn hầu như là một phép lạ để cải đổi bản thân, nhưng việc trở thành men nồng, muối mặn thì chưa được bao nhiêu. Phải chăng những gì người Cursillista học hỏi được trong khóa Cursillo đã là đủ để đi “rao giảng Tin mừng” cho người khác. Thiết nghĩ, muốn thánh thiện hơn, Phúc Âm hóa nhiều hơn, cần phải học hỏi mỗi ngày, nói khác đi là gia tăng Đào Luyện.

Trường Lãnh Đạo chúng ta đã làm gì và làm cách nào trong công tác Đào Luyện mỗi người Cursillista?

Sau hết, xin chia sẻ 2 điều chót:

(1) yếu tố thành công của Trường Lãnh Đạo là cậy nhờ ơn Chúa nên việc cầu nguyện, làm Palanca và viếng Thánh Thể phải là trọng tâm của Trường,

(2) phần chót trong bài chia sẻ về Trường Lãnh Đạo trong Khóa Lãnh Đạo Cursillo (CLW I) có một câu như sau: “Trường Lãnh Đạo là cánh tay làm việc của Phong trào, nhưng mọi động lực phải đến từ Trường...”.[1]


[1] “The school is the working arm of the Secretariat, but most of the impetus should come from the school...”.( School of Leaders, CLWI, trang 105, mục V. B)

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com