29/04 - Thánh nữ Ca-ta-ri-na Si-ê-na, đồng trinh, tiến sĩ

(1242-1380)

Truyện thánh nữ Catarina Siêna một lần nữa chứng tỏ ơn Chúa đặc biệt kêu gọi mỗi người. Nhưng để theo tiếng Chúa gọi, con người nhiều khi gặp phải những trở lực lớn lao: phải chiến đấu gay go với chính bản thân, với những người thân quyến trong gia đình.

Catarina01

Thánh nữ Catarina sinh ngày 25-3-1342. Ông thân sinh Giacômô Bênincasa là một người thợ nhuộm hiền lành, nết na. Thân mẫu là bà Lapa, con gái một nhà thi sĩ. Bà có một đức tính cương nghị hiếm có của một người phụ nữ. Catarina đã thụ hưởng đức tính cương nghị của mẹ, lòng đạo đức và sự dịu hiền của cha. Kể cả con nuôi và con đẻ, hai ông bà có tất cả 24 người con. Trong số đó, có một người con nuôi tên là Tômasô Fontê sau này làm linh mục dòng Đaminh, là người đã gieo một ảnh hưởng sâu rộng vào tâm hồn Catarina. Một buổi tối kia, Tômasô đọc cho Catarina nghe một truyện hay trong cuốn Sử vàng mà ông đã có dịp đọc. Từ đó, cô bé Catarina ngày càng ôm ấp ý định được đi tu dòng để theo gương bắt chước thánh nữ Êuphôsina.

Năm lên sáu tuổi, cô được thị kiến lần đầu tiên và lúc đó cô như vẳng nghe tiếng Chúa mời gọi. Từ đó, Catarina chỉ mơ màng một ngày kia được vào một cánh rừng thâm u để làm một nhà nữ ẩn sĩ. Thế rồi một ngày kia cô bé ấy bỏ nhà trốn đi tới một cái hang ở chân một hốc đá mà cả nhà không ai hay biết.

Lên 12 tuổi, cái tuổi xuân xanh mơn mởn, Catarina là một thiếu nữ xinh đẹp, Vẻ đẹp đó còn tăng thêm đậm đà, ý vị nhờ ở tư cách đoan trang thùy mị của Catarina, khiến cô đã lọt mắt nhiều chàng trai. Gia đình cũng bắt đầu nghĩ đến chuyện gây dựng cho Catarina. Nhưng tất cả những đám cầu hôn trước sau đều bị Catarina cự tuyệt. Người ta phải nhờ đến sự can thiệp của Tômasô bấy giờ đã là linh mục dòng Đaminh và làm cha giải tội của Catarina. Với người bạn hồi niên thiếu đó, Catarina đã cởi mở tâm hồn và giãi bày cho ngài biết rằng mình đã khấn giữ mình đồng trinh, vì thế sẽ không kết duyên với một người trần nào. Theo lời khuyên của Tômasô, Catarina cắt tóc ngắn và trùm trên đầu một khăn trắng; đó là dấu hiệu một thiếu nữ đã khấn dâng mình cho Thiên Chúa. Bà Lapa biết điều đó lắm, nhưng bà vẫn giả điếc làm ngơ; bà lột khăn choàng của con ra và nói: “Tóc cô sẽ mọc và cô sẽ phải lấy chồng”. Từ đó cả gia đình cũng hùa theo với bà để làm khổ Catarina; cô không còn được một phòng riêng như trước để thi hành những việc mà người ta gọi là những việc “đạo đức rởm”; trái lại cô phải làm việc như một tôi tớ trong nhà và nhiều khi còn bị hành hạ diếc mắng: nhưng Catarina lại cho đó là dấu Chúa thương yêu cách riêng.

Một đêm kia, Catarina chiêm bao thấy thánh Đaminh cho biết chắc chắn rằng cô sẽ được mặc áo dòng ngài. Sáng dậy, trong bữa ăn họp mặt của gia đình, cô tuyên bố cho mọi người biết không ai có thể làm cho cô thay đổi được ý định. Ông Giacômô trước đây đã được trông thấy một chim câu bay liệng trên đầu con gái mình và ông cho đó là dấu hiệu của ý Chúa mà không ai có thể chống cưỡng được. Ông bắt đầu ra mặt bênh con và nói: “Thôi từ nay không ai được làm khổ con gái yêu quí của tôi nữa. Hãy để cho nó được tự do và an vui phụng sự Tình Quân của nó, để cầu nguyện cho chúng ta”. Từ đó người ta cho phép Catarina được chọn lấy một phòng ở căn nhà bếp để làm nơi tĩnh tu. Ở đó, một mình trong vắng lặng, Catarina tha hồ thực hiện những việc hãm mình ép xác như các vị tu rừng xưa.

Bà Lapa trước đây đã vâng lời chồng để cho con gái được tự do, lúc này bà lại lo sợ vì thấy con hãm mình và sống khổ hạnh quá. Lòng thương con của người mẹ một lần nữa lại thúc đẩy bà hành động để ngăn cản đà sốt sắng của con gái. Bà lột áo nhặm và bắt cô phải nằm trên giường đàng hoàng chứ không được nằm ở ghế. Catarina chỉ vâng lời mẹ lúc đó, sáng ra người ta lại thấy cô nằm ngay dưới chân giường. Bà không ưng thuận cho Catarina làm một nữ tu Đaminh chút nào. Vì thế, bà đã vận động với bà bề trên dòng ở Siêna để người ta không nhận Catarina. Đúng như ý bà mong muốn; người ta trả lời cho bà biết rằng ở đây chỉ nhận những quả phụ chứ không thể tiếp nhận một thiếu nữ trạc tuổi như Catarina. Buồn rầu vì thấy ý định của mình không thành công, Catarina ngã bệnh. Ma quỷ thừa dịp đó tấn công hết sức, hy vọng làm cho cô đổi ý định tu dòng. Cuối cùng, cha Batôlômêô Montucci đành chấp thuận cho Catarina được mặc áo dòng ba Đaminh. Nhưng quỷ dữ vẫn chưa chịu lui, chúng còn cố sức gợi lên trong trí óc Catarina những hình ảnh dâm ô nhơ bẩn mà cô phải chiến đấu mãnh liệt, và dùng khí giới là kêu tên cực trọng Chúa Giêsu mới đánh lui được chước cám dỗ. Cũng chính trong dịp đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với Catarina dưới hình một người bị đóng đinh mình còn bê bết những vết thương đẫm máu. Thừa dịp đó cô thưa với Chúa: “Lạy Chúa Giêsu nhân từ và dịu hiền, khi tâm hồn con bị dằn vật quấy rối như thế thì Chúa ở đâu? - Cha ở ngay trong tâm hồn con chứ còn ở đâu nữa, vì Cha không hề xa cách người nào, trừ khi người đó bỏ rơi Cha trước. - Lạy Chúa, có lý nào Chúa ở trong tâm hồn con giữa khi con bị cám dỗ với những hình ảnh nhơ bẩn như thế? - Nhưng Cha hỏi con: cơn cám dỗ đó làm cho con vui sướng hay sầu khổ? - Ôi lạy Chúa, con cảm thấy kinh tởm và sầu khổ hết sức! - Tại sao như vậy? Con tin rằng nếu Cha không ở trong tâm hồn con và đóng cửa linh hồn con lúc đó, thì những hình ảnh nhơ bẩn kia có thể lọt vào linh hồn con được không? Cha ở trong tâm hồn con y như khi Cha ở trên cây thánh giá, đau khổ nhưng có pha vui sướng. Thôi được từ nay Cha sẽ sống thân mật với con hơn và sẽ năng thăm viếng con”.

Trong ba năm liền Chúa thường hiện ra thăm viếng người tôi tớ trung tín của Chúa như thế và dạy cô học đọc để có thể hát lời ca tụng Chúa. Từ đó Catarina thích đọc kinh nhật khóa hơn cả, vì nhờ đó cô được tiếp xúc thân mật với các vị thánh. Cô sống thân mật và kết hợp chặt chẽ với Chúa, đến nỗi như đời sống trần gian của cô là chỉ để truyền lan lửa bác ái hằng cháy rực trong tâm hồn cô.

Cô hòa mình trong đời sống thường ngày để giúp đỡ mọi người trong gia đình. Cô dịu dàng, khiêm nhường, vui vẻ với mọi người, và không bao giờ người ta thấy cô to tiếng gắt gỏng với ai. Những người đau yếu nghèo khổ được cô thương yêu săn sóc cách riêng. Người ta thường thấy cứ mỗi bữa ăn cô để dành lại một phần bánh cho người nghèo. Cô hay đến các bệnh viện để săn sóc bệnh nhân. Tại một bệnh viện cùi kia, chính tay cô hầu hạ, rửa và băng bó các vết thương cho một bà lão hầu như bị mọi người bỏ rơi; nhưng trái nghịch thay: bà này là người rất khó tính, bà thường hay gắt gỏng và chửi rủa Catarina. Dầu vậy cô vẫn một lòng nhẫn nhục và tận tâm giúp đỡ bà.

Thực ra có thể nói: chị Catarina đã đem tất cả nhiệt tâm hăng hái trong việc cứu giúp các linh hồn bằng lời cầu nguyện và sự khuyên bảo. Vì thế người ta thường thấy chị hay tới nói truyện ở những nơi công cộng có đông người và đã làm cho nhiều người trở lại. Nhưng rồi cũng có những kẻ manh tâm ghen tương công việc của chị, họ kết tội cho chị là đồ giả hình; cả đến các cha giải tội và các vị bản quyền cũng đã vì hiểu lầm mà cấm chị không được năng rước lễ. Điều đó làm cho chị khổ tâm hơn cả. Nhưng chị Catarina đã biết hy sinh danh dự của mình để chăm lo đến hạnh phúc của tha nhân.

Chị Catarina còn làm một việc đáng chú ý hơn cả là hòa giải được bao nhiêu gia đình từ bao đời đã chia rẽ nhau vì những mối thù truyền kiếp. Danh hiệu “Sứ giả của hoà bình, Thiên thần của hòa giải” mà người đời tặng cho chị quả rất xứng đáng. Đâu đâu người ta cũng ước ao chị đến ở với họ, vì có chị người ta cảm thấy như được nâng đỡ và an ủi nhiều. Tư cách hiền hòa và lời nói dịu dàng của chị đã thức tỉnh được cả những tâm hồn cứng cỏi và ngang ngược nhất. Lần kia người ta cho chị biết sắp xử tử một phạm nhân chính trị, tên là Nicôla Tulđô. Trước giờ chết, tù nhân đó đã tỏ ra bực tức, và phẫn uất đến nỗi như bất chấp cả tôn giáo; anh đã luôn miệng nói những lời lộng ngôn phạm thánh và khinh rẻ nhiều người. Chị Catarina đến thăm anh, và ngọn lửa căm hờn đốt cháy lòng anh đã bị dập tắt để nhường chỗ cho tâm tình nhẫn nhục và tình yêu, khiến anh đã phải ngỏ lời với chị: “Tôi sẽ rất vui vẻ bước lên đoạn đầu đài, nếu như trong lúc ấy chị có mặt ở đó”. Chị Catarina đã thi hành như ý anh xin. Tulđô đã vui vẻ bước lên máy chém và chính lúc anh bị chém đầu, chị Catarina đã được ơn xuất thần và trông thấy linh hồn anh Tulđô nhẹ nhàng như cánh chim bay về nơi vĩnh phúc.

Lo lắng cho phần rỗi cá nhân như thế, chị Catarina chắc phải băn khoăn đến mực nào trước vận mệnh của Giáo hội thời đó. Năm 1372, chị viết một bức thư cho Đức Phêrô Estaing, Đặc sứ Toà thánh tại Ý (các Đức Giáo hoàng thời đó ở Avignon), để giãi bày những nguyện vọng thánh thiện của chị. Và cũng từ đó chị bắt đầu công khai hoạt động nhằm ba mục đích:

* Chấn hưng lòng đạo đức của Giáo hội đã bị sa sút vì những gương xấu của hàng giáo sĩ, như tội buôn thần bán thánh và cuộc đời xa hoa phù phiếm của các ngài.

*Xin chuyển giáo đô về Rôma, nơi từ lâu đã trở nên chốn hiu quạnh và buồn tẻ vì vắng bóng các Giáo hoàng.

* Xin tổ chức Nghĩa binh Thánh giá để chống với quân Hồi giáo. Với ơn Chúa và thiện chí kèm theo nhiều cố gắng và hy sinh, chị đã thực hiện được một phần nào những ước vọng lành thánh trên đây.

Chị đã sống cuộc đời ngắn ngủi chưa đầy 33 năm, nhưng thực ra chị đã làm nhiều việc hữu ích cho Giáo hội và dân tộc Ý. Trong 33 năm đó sự việc siêu nhiên đã phát hiện mỗi lúc trong cuộc đời của chị. Rất nhiều lần Chúa đã hiện ra dạy chị học đọc. Một trong những lần hiện ra Chúa đã phán với chị rằng: “Con sẽ tưởng nhớ đến Cha thôi, nếu con giữ đúng như thế, thì cha cũng tưởng nghĩ đến con”. Lần khác, bằng một cuộc kết hôn thần bí, Chúa ban lời khuyến khích và nâng đỡ khi chị làm những việc hãm mình quá sức, khi chị lâm bệnh chị không ăn không uống được. Mình thánh Chúa lúc ấy là lương thực nuôi sống chị. Chị đã phân biệt được Mình Thánh Chúa với bánh thường mà người ta có lần đánh lừa chị. Lần kia chị nằm liệt giường, một linh mục ở Lucques đã cả dám kiệu bánh không truyền phép đến cho chị. Chị nghiêm nét mặt và nói thẳng với linh mục đó: “Cha chẳng lấy làm hổ thẹn vì đã mang đến cho tôi một bánh thường mà giả làm Mình thánh Chúa để ép tôi tôn thờ quấy quá sao?”

Lòng đạo đức thánh thiện của chị Catarina đã lôi cuốn được một số đông người thuộc đủ mọi giai cấp trong xã hội theo làm môn đệ, trong số đó có cả thân mẫu chị là bà Lapa. Trong những năm cuối đời, chị đi đâu người ta cũng theo đó để thu tập và ghi chép những lời của chị. Chị biết dùng con đường khiêm tốn và xả kỷ hầu nâng đỡ lòng mọi người lên cùng Chúa. Tất cả lý thuyết tu đức của chị được gồm tóm trong hai chữ: yêu mến và nhẫn nhục” lý thuyết đó thực ra chỉ là phản ảnh cuộc đời của chị.

Tất cả những môn sinh của chị, giáo dân hay tu sĩ ai nấy đều làm chứng rằng Chị Catarina ăn nói giảo hoạt lạ thường, dầu rằng trước đây chị là người tối tăm và không có học hành chi cả. Được vậy là do chính Chúa đã trực tiếp dạy bảo chị như lời thú nhận sau này. Chị thường đọc cho hai hoặc ba người thư ký viết cùng một lúc về những vấn đề hoàn toàn khác nhau mà chính chị không bị lầm lộn hay tỏ ra bối rối chút nào. Khi đề cập đến cuốn Đối thoại, một tác phẩm chị để lại, Đức Hồng Y Guidini đã viết trong cuốn hồi ký của ngài như sau: “Trong lúc xuất thần, nghĩa là lúc người ta mất hết sử dụng các giác quan, trừ ra cơ quan để phát thanh, thế mà chị đã đọc được cho người ta chép được một quyển sách giá trị và quan trọng không kém gì một quyển sách lễ. Thật cả là một sự lạ; những người không được mục kích chắc khó lòng mà công nhận được; nhưng chính tôi đây đã được mục kích, đã nghe và đã chép, thì đối với tôi không có chi là khó tin”.

Từ khi được Đức Giáo Hoàng Ubanô triệu vời đến Roma để làm cố vấn cho ngài, chị Catarina ở lại đó cho đến khi chết. Chủ nhật Sáu mươi, ngày 29-09-1380, Chúa Giêsu hiện ra với chị lần sau cùng và đặt lên vai chị một con thuyền nhỏ là hình ảnh Giáo hội. Từ đó chị cảm thấy yếu dần.

Trong vòng nửa tháng kể từ ngày đó chị còn trải qua nhiều cơn xuất thần liên tiếp. Nhưng đồng thời chị cũng phải chịu đựng những giây phút hãi hùng kinh sợ, vì quỉ ma tấn công dữ tợn. Ngày 16-02, chị đọc lời di chúc rất cảm động và bày tỏ ước vọng được dâng mạng sống cho Chúa. Dân chúng và các môn đệ đứng quanh giường chị, ai nấy đều ngậm ngùi như muốn khóc, vì biết rằng chị chẳng còn sống được mấy nỗi. Nhưng chị Catarina vẫn bình tĩnh lạ thường, chị dùng lời Chúa trong Phúc âm thánh Gioan mà khuyên bảo các môn đệ: “Anh chị em hãy thương yêu nhau”.

Chủ nhật trước lễ Thăng Thiên, chị ngỏ ý muốn được xưng tội. Sau khi chịu phép xức dầu, hình như chị còn bị ma quỉ tấn công gắt gao trong một tiếng rưỡi đồng hồ. Chị lại đòi xưng tội lần nữa, và ước ao được nhận phép lành của bà thân mẫu. Rồi người ta nghe chị cầu nguyện riêng cho Giáo hội, cho Đức Thánh Cha Ubanô VI. Dứt lời nguyện chị giơ tay làm dấu Thánh giá như để chúc lành cho mọi người hiện diện. Người ta chỉ còn nghe tiếng chị nói qua hơi thở: “Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay chúa”. Rồi mặt chị bỗng giãi sáng khác thường. Chị từ từ ngã đầu về một bên trút linh hồn. Hôm ấy là ngày 29-4-1380.

Trong khi đó, tại Gênes cha Raymunđô Capu (Raymond de Capoue) đang sửa soạn đi Pise; làm lễ xong cha nghe như có tiếng ai thầm bảo: “Đừng sợ, tôi đang ở trên trời để phù hộ cho cha”. Sau cha được tin chị Catarina đã tắt thở vào giờ đó và cha hiểu chính chị đã nói để khuyến khích cha.

Người ta mặc cho chị áo dòng thánh Đaminh, rồi liệm xác vào một quan tài quý giá, kiệu đến Minerva và để tại nhà nguyện. Năm 1461, Đức Giáo Hoàng Piô II đã phong chị lên bậc hiển thánh. Đức Ubanô lại dịch lễ kính thánh nữ sang ngày 30 tháng 04 năm 1866; Đức Piô IX còn đặt thánh nữ Catarina thành Siêna làm thánh quan thầy thứ hai của thành Rôma.

Nguồn: tinmung.net

Xem thêm:

Thánh Catarina Thành Siena


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com