Cùng Mẹ Maria, dọn đường đón Chúa

 

MÙA VỌNG LÀ THỜI GIAN CHUẨN BỊ MÙNG lễ Chúa Giáng Sinh. Chuẩn bị là mở tâm hồn ra một cách kính cẩn, để đón ơn Giáng sinh. Chuẩn bị là dọn dẹp tâm hồn một cách chu đáo, để đón tiếp chính Chúa Giáng sinh.

Nếu muốn chuẩn bị với ai, thì ít là có ba nhân vật quan trọng được nhắc tới. Đó là thánh Gioan Tiền Hô, thánh Giuse và Đức Mẹ Maria.

Hôm nay, xin được chuẩn bị lễ Giáng sinh với Đức Mẹ. Tôi đến bên Đức Mẹ, cậy nhờ Đức Mẹ, xin Đức Mẹ giúp tôi dọn dẹp tâm hồn tôi.

Đức Mẹ rất vui lòng. Nhưng Đức Mẹ muốn có sự cộng tác của tôi. Cộng tác bằng thinh lặng hồi tâm, sốt sáng cầu nguyện, tỉnh thức lắng nghe, khiêm nhường đón nhận. Tất cả mọi công việc như thế sẽ được thực hiện trong tâm tình đơn sơ của người con bé nhỏ.

Với sự dịu dàng của người mẹ, Mẹ chỉ cho tôi con đường, mà Thiên Chúa đã chọn, để Ngôi Hai đi vào nhân loại. Con đường đó là chính tâm hồn Mẹ. Tâm hồn Mẹ là thế nào? Ước muốn biết sự thực về tâm hồn Mẹ là một ước muốn tốt. Ước muốn này sẽ không thể đạt được do lý luận, do nghiên cứu, nhưng sẽ do ơn thánh Chúa ban cho những ai thiện chí đi tìm.

Phải tìm trong chính nguồn là Phúc Âm.

Từ Phúc Âm, Mẹ hé mở tâm hồn Mẹ qua ba lời quan trọng Mẹ nói trong biến cố Thiên Chúa giáng trần.

Lời thứ nhất là “Con tà tôi tớ Chúa” (Lc 1,38)

Mẹ tự xưng minh là người đầy tớ của Chúa. Người đầy tớ ngoan là người luôn để mắt hướng về chủ. Hướng về một cách chăm chú và khiêm nhường. Để nắm bắt mau lẹ bất cứ sự gì chủ muốn sai bảo.

Khi xưng mình là tôi tớ Chúa, có thể Mẹ đã muốn nhắc lại tâm tình người đầy tớ chờ mong lòng thương xót, như được tả trong thánh vịnh 122: “Quả thực, như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, và như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng ta củng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tới khi Người xót thương chút phận” (Tv 122,21)

Mẹ đã nhìn lên Chúa. Và có một lúc, cái nhìn của Mẹ đã bắt gặp cái nhìn khác thường của Chúa dành cho Mẹ. Cái nhìn của Chúa toả tình thương đầy ánh sáng. Trong ánh sáng đó Mẹ linh cảm được Mẹ được Chúa yêu thương một cách đặc biệt.

Biết mình là người đầy tớ được yêu thương, Mẹ nhận thức rõ mình nghèo khó hèn mọn. Tất cả bản thân mình với những gì mình có đều do Chúa ban. Ngài ban tặng nhưng không. Đặc biệt là tình thương. Được Chúa yêu thương, và được Chúa ở cùng, đó là hạnh phúc không gì sánh được.

Biết mình là người đầy tớ được yêu thương, Mẹ chắc chắn Chúa là nơi mình nương tựa, là Đấng sẽ cứu mình khỏi cái tôi cũ đầy bất xứng, là Đấng sẽ gỡ mình ra khỏi lưới ma quỉ, thế gian, xác thịt.

Biết mình là người đầy tớ được yêu thương, Mẹ như cảm được thái độ mình phải có trên đường thánh thiện. Đó là vui nhận để tình Chúa dẫn đưa theo con đường Chúa muốn, hơn là tìm cách yêu mến Chúa theo con đường mình tự chọn. Điều này đòi phải có một đức tin mạnh mẽ và rất mực phó thác.

Biết mình là người đầy tớ được yêu thương, Mẹ cố gắng phục vụ Chúa trong mọi việc lớn nhỏ. Phục vụ dưới sự soi sáng của Thần Linh trong tâm hồn. Phục vụ với sự bén nhạy trước những dấu chỉ của thời đại, hợp với nhu cầu từng nơi, từng lúc, từng người, từng sứ mạng sai đi.

Với mấy chia sẻ trên đây, Mẹ đã cho thấy tâm hồn Mẹ đầy khiêm tốn khó nghèo. Tâm hồn khiêm tốn khó nghèo chính là con đường Chúa chọn, để đến với nhân loại. Tâm hồn khiêm tốn khó nghèo cũng chính là con đường tôi phải xây đắp trong tâm hồn tôi, để đón Chúa. “Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường(Lc 1,52).

Điều này sẽ càng được rõ hơn ở lời quan trọng thứ hai Mẹ đã nói.

Lời thứ hai là: “Con xin vâng theo lời Chúa truyền” (Lc 1,38)

Lời Mẹ Xỉn vâng gói ghém một số chi tiết về khiêm nhường.

Xin vâng là khiêm tốn hân hoan chấp nhận kế hoạch của Lời Chúa. Xin vâng, chủ yếu không phải là sẽ vâng làm việc này việc nọ, mà là xin vâng đi vào chương trình của Chúa. Mặc dầu Mẹ chưa hiểu hết chương trình đó. Nhưng vì Chúa truyền, nên Mẹ xin vâng.

Xin vâng là khiêm tốn vui mừng tiếp đón chính Đấng là hồn của chương trình cứu độ. Đấng đó sẽ không ngại giới thiệu mình là kẻ hiền lành khiêm nhường. Ngài sẽ dùng máng cỏ Bêlem và Thánh giá trên núi Calvariô là những phương tiện khó nghèo khiêm tốn để mạc khải tình yêu cứu độ và quyền năng vô biên của Thiên Chúa khôn ngoan vô cùng.

Xỉn vâng là khiêm tốn can đảm từ bỏ mình, xin đi ra khỏi cái tôi cũ của mình, để mặc lấy cái tôi có Thần Linh hướng dẫn. Để từ đó biết bỏ ý riêng mình, đón nhận ý Chúa, với xác tín Lời Chúa đã dạy trong tiên tri Isaia: “Tư tưởng của các ngươi không phải tư tưởng của Ta, đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi như vậy” (Is 55, 8-9).

Xin vâng là khiêm tốn chấp nhận cuộc chiến đấu hằng ngày trong nội tâm và trong cuộc đời. Bởi vì sẽ không thiếu những cản trở, dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả dưới hình thức đạo đức, trên đường vâng phục thánh ý Chúa.

Qua một chút đi sâu vào lời xin vâng, Mẹ cho thấy tâm hồn Chúa chọn để như con đường Chúa đi vào thế gian vẫn là tâm hồn khiêm tốn. Con đường khiêm tốn cũng chính là con đường tôi phải xây đắp, để đón Chúa vào đời tôi và vào cộng đoàn của tôi.

Nội dung về khiêm tốn sẽ được nhìn rõ thêm nữa trong lời quan trọng thứ ba của Mẹ.

Lời thứ ba là: “Linh hồn con chúc tụng Chúa(Lc 1,46)

Lời chúc tụng của Mẹ không chỉ là lời cảm ơn, nhưng là sự đem đặt tất cả bản thân mình và cuộc đời mình trước thánh nhan, để tôn thờ Chúa.

Tôn thờ Chúa bằng sự dâng mình làm của lễ. Sau này thánh Phaolô củng đã nói: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa xót thương chúng ta, tôi khuyên anh em hãy hiến dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp, để anh em thờ phượng Thiên Chúa” (Rm 12,1).

Của lễ Mẹ dâng để thờ phượng Chúa là chính bản thân mình. Trong đó Mẹ không ngừng chăm sóc tinh thần khiêm nhường và bác ái. Chăm sóc bằng cầu nguyện, bằng suy gẫm, bằng hy sinh. Đế rồi ra đi vào đời.

Vào đời như một hiện diện âm thầm khiêm tốn của tình yêu cứu độ.

Vào đời như một thiện chí chia sẻ hy vọng của Đấng cứu thế làm người, gần gũi con người, chịu mọi thử thách như mọi người.

Vào đời như một mời gợi thân thương của Đấng cứu độ, Đấng sẽ nói: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi” (Lc 5,33).

Vào đời như một sứ mạng canh thức, bảo vệ chân dung đặc biệt của Đấng cứu thế, một chân dung khiêm nhường sẽ được thánh Phaolô mô tả như sau: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên Thánh giá: Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người” (Pl 2, 6- 9).

Như vậy, với tâm tình cảm tạ, một lần nữa Mẹ cho thấy con đường Chúa chọn để vào nhân loại, vẫn là tâm hồn khiêm tốn. Ai muốn đón Chúa cũng phải khiêm tốn, rất khiêm tốn.

Khiêm tốn trong cảm tạ,

Khiêm tốn trong vâng phục,

Khiêm tốn trong mến yêu.

Riêng đối với tôi, còn phải khiêm tốn trong sám hối, ăn năn, trở về.

*

**

Tới đây, Mẹ muốn chúng ta phải có một quyết định chắc chắn và rõ ràng về sự dọn mình đón Chúa.

Một khi biết con đường Chúa muốn đi vào là con đường khiêm tốn, chúng ta không nên trốn tránh con đường đó.

Lucifer đã bị đuổi xuống hoả ngục vì tội kiêu ngạo. Hai ông bà nguyên tổ bị đuổi ra khỏi địa đàng, cũng vì tội kiêu ngạo. Bao người cũng đã bị loại ra khỏi Nước Trời, vì tội kiêu ngạo.

Đang khi đó, khiêm nhường là bước đầu của sự trở về. Khiêm nhường là con đường để đón ơn Chúa và đón Chúa.

Xung quanh ta, nhiêu người đang là những con đường khiêm tốn, xinh đẹp. Ơn Chúa đang được chuyển tải qua những con đường âm thầm đó. Chính Chúa cũng đang đi vào các tâm hồn qua những con đường bé mọn đó.

Còn chúng ta thì sao?

Xin Mẹ thương giúp chúng ta biết nghe lời Mẹ, để theo gương Mẹ, chúng ta cũng trở thành những con đường khiêm tốn, đầy ánh sáng tâm linh của khiêm nhường và tình thương. Những con đường đó sẽ âm thầm chuyên chở ơn thánh. Những con đường đó sẽ đón Chúa hiền lành và khiêm nhường đến với nhân loại hôm nay. Những con đường đó sẽ được Mẹ dùng để Mẹ dẫn đưa những người thiện chí về với Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.

Ngày 27 tháng 11 năm 2002

ĐGM G.B Bùi Tuần

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com