Bước ngoặt - Lm Tâm Giao

Bài viết của Lm Phanxico Xavie Bảo Lộc nhân dịp Năm Thánh 2.000

 

Hòa vào dòng du khách tuôn đổ về Eiffel, biểu tượng thủ đô của Pháp, tôi không xếp hàng mua vé lên tháp để chiêm ngắm Paris từ độ cao 276 m, nhưng dừng chân tại quảng trường phiá trước tháp để quan sát một nhóm bạn trẻ trổ tài. Với đôi patins của mình, các bạn chạy bắt trớn khoảng 15 m để nhảy qua một xà ngang cao hơn 1,5 m và đáp xuống một cách thăng bằng thật đẹp mắt. Độ cao được tăng dần lên mỗi lần khoảng 10 cm. Có chàng không vượt qua được và vấp ngã nhưng đến lần sau thì chinh phục được độ cao ấy. Không có phần thưởng nào khác, ngoài tiếng vỗ tay và sự trầm trồ thán phục của khán giả thuộc đủ mọi quốc tịch. Dường như, đối với các bạn này, phần thưởng chính là chinh phục được một độ cao do cố gắng của bản thân.

Vâng, không phải là kỷ lục quốc gia hay quốc tế, nhưng những cuộc vượt qua này dệt nên niềm vui cho một người hay một tập thể nhất định. Đó là những « bước ngoặt » nhỏ, nhưng không phải là không có ý nghiã. Tuy nhiên, có một bước ngoặt lớn hơn mà cả nhân loại đang hưóng về, đó là biến cố năm 2.000. Là Kitô hữu, chúng ta không hãnh diện sao, khi cả 6 tỷ người trên thế giới, mặc nhiên hay minh nhiên, đều xử dụng niên lịch mà cột móc thời gian là biến cố nhập thể của Con Một Thiên Chúa ! Con số được thắp sáng trên thân tháp Eiffel mỗi ngày mỗi giảm, nhắc tôi nhớ đến khoảng cách giữa hai thiên niên kỷ đang được rút ngắn. Nhiều dự định, chương trình thuộc đủ mọi lĩnh vực, đã hình thành và bắt đầu đi vào hoạt động để đón mừng thiên niên kỷ mới. Có lẽ mỗi người trong chúng ta cũng có dự án riêng của mình, nhưng là Kitô hữu, tôi đang và có thể làm gì để mừng 2.000 năm Thiên Chúa giáng sinh, chia sẻ thân phận con người  « vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi » ?

 

Cảm tạ

Đức Giáo hoàng mời chúng ta nhìn lại dưới ánh sáng Đức Tin và lòng biết ơn những gì diễn ra trong thiên niên kỷ thứ hai, nhưng đặc biệt là thế kỷ XX, để nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử con người. Công đồng Vatican II được xem như một biến cố Quan phòng của Thiên Chúa vì giáo huấn, đường hướng và việc áp dụng Vatican II đánh dấu một bước ngoặc trong đời sống Hội Thánh toàn cầu (1). Trong đời sống cá nhân, điểm lại những « bước ngoặt » trên chặng đường đời đã qua, dù vui hay buồn, thành công hay thất bại, khi mạnh khoẻ cũng như lúc ốm đau, tôi đều nhận ra bàn tay Cha quan phòng dẫn dắt. Ngay trong những giai đoạn truân chuyên, đôi khi mình không ý thức nỗi lòng từ ái của Cha hay không hiểu đường lối khôn ngoan mà Chúa Thánh Thần như người hướng đạo chỉ bảo. Nhưng khi trải qua những biến cố thường không được mong đợi ấy rồi đọc lại quá khứ trong ánh sáng niềm tin, tôi tái khám phá Thiên Chúa luôn hiện diện một cách sống động trong đời mình. Nhờ vậy, Emmanuel, «Thiên Chúa  ở cùng chúng ta » trở thành xác tín của bản thân chứ không chỉ là kiến thức giáo lý phổ thông.

Đàng khác, mọi biến cố đều ẩn chứa một sứ điệp hay mang tích cách giáo dục mà Cha dành cho từng người con. Chẳng hạn như tình trạng khó khăn tâm linh và nỗi đau của thân xác qua những lần được giải phẫu giúp tôi dễ gần gũi và cảm thông hơn với bao khó khăn của anh chị em  bệnh nhân tiếp xúc với mình. Tôi cũng nhận ra những « sứ giả » Cha gửi đến thật đúng lúc để nâng đỡ, cảnh tỉnh hay đồng hành với mình trên một đoạn đường đời đôi khi thật ngắn ngủi, nhưng rất thiết yếu. Như hai môn đệ trên đường Emmaus, khi Thầy khuất dạng rồi tôi chợt nhận ra Thầy đã cùng tôi song hành và đồng bàn với mình.

 

Hoán cải

Song song với việc khám phá bao điều kỳ diệu Cha thực hiện để cảm tạ, tôi cũng nhìn nhận những mảng tối trong Hội Thánh cũng như nơi bản thân để sám hối. Các Giám mục Việt Nam nêu rõ lý do : « Vì trong quá khứ ta đã sai phạm nhiều. Có những lầm lỗi của cá nhân các Tín hữu, các Tu sĩ , các Linh mục, các Giám mục. Có những lầm lỗi tập thể của cả Giáo Hội, của từng Giáo phận, của mỗi Giáo xứ. Có những lầm lỗi cố tình chống lại ơn Chúa, cản trở chương trình của Chúa. Có những lầm lỗi vô tình khiến ta trở thành vật cản ơn thánh, để lỡ cơ hội đón nhận ơn Chúa cho bản thân ta và cho mọi người (2)». Phải chăng tôi đã từng trở thành vật cản ơn thánh mà không hề ý thức ? Thực vậy, khi kiểm tâm, mình thường có khuynh hướng tập chú đến những hành động sai phạm trong quá khứ mà chưa nhận thức đủ về thiệt hại do « những điều thiếu sót ». Vì tôi chưa chân thành hay thiếu lòng vị tha mà anh chị em chưa nhận ra Đức Kitô sống trong tôi hay không tiếp cận được với Thiên Chúa -Tình Yêu. Người con thứ trong dụ ngôn « Người Cha nhân từ » (Lc 15) đã thực hiện một bước ngoặc lớn : trở về với Cha. Cha đang chờ tôi trở về, cánh cửa Nhà Cha luôn rộng mở, lẽ nào tôi lại ở bên ngoài ! Tôi muốn sống như anh.

 

Canh tân

Hoán cải là điều kiện để đổi mới tâm hồn. Những tiện nghi, kỹ thuật, phát minh khoa học…mới thu hút ước muốn của nhiều người. Trái lại, một số người khác lại quý chuộng đồ cổ. Mỗi người có tự do và chịu trách nhiệm về chọn lựa của mình. Nhưng làm sao mong muốn một con tim mới, một tâm hồn mới trổi vượt hơn các thứ mới mẻ nhân tạo khác ? Làm thế nào bảo tồn những giá trị truyền thống của Tin Mừng và dám dứt khoát với « con người cũ » ? Đây là một thách đố thường xuyên đối với người môn đệ Chúa Kitô trong một xã hội thế tục hóa và khuếch trương hưởng thụ. Trong thực tế, chúng ta dễ bị quyến rũ né tránh đổi mới nội tâm bằng cách chạy theo những đổi thay hình thức hoặc đòi tha nhân, xã hội phải cải cách thay vì nỗ lực canh tân chính mình. «Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ ». Rượu mới cần bầu da mới. Giakêu, Mađalêna đã đổi đời sau khi gặp gỡ Thầy, còn tôi có muốn tiếp xúc với Thầy qua kinh nguyện và các bí tích để được biến đổi ?  Hơn nữa, Thầy đã trao cho tôi chià khóa để canh tân : yêu thương nhau như Thầy yêu thương chúng ta. Chính Tình Yêu sáng tạo và đổi mới chúng ta từng ngày, từng giờ, từng phút. Mọi sự sẽ qua đi, chỉ có lòng mến là trường tồn. Tôi đang tích góp gì cho hành trang mang theo vào năm 2.000 ?

…Hình ảnh các bạn trẻ vượt qua những độ cao nhỏ bằng sức bật của mình trở về trong trí, tôi mong mình có thể từng bước, từng ngày nhảy lên gần Thiên Chúa hơn. Thực ra, Ngài đã đến, đang đến và sẽ đến. Ngài đến để đưa tôi lên cùng Ngài. Thiên Chúa đi bước trước rút ngắn mọi khoảng cách. Chính Ngài đã hạ cố đến viếng thăm tôi, Thiên Chúa đã xuống cắm lều giữa nhân loại chúng ta. GIÊSU chính là HÀNH TRANG và ĐƯỜNG vào thiên niên kỷ mới. Với EMMANUEL, chúng ta đồng tâm hiệp lực viết nên một trang sử mới, chan chứa Niềm vui và Hy vọng.

Tâm Giao

 


(1) x. ĐGH Gioan Phaolô I I, Tông Thư Tiến Tới Ngàn năm Thứ Ba (Tertio Millennio Adveniente), số 17-18

(2) x. ĐGH Gioan Phaolô I I, Tông Thư Tiến Tới Ngàn năm Thứ Ba (Tertio Millennio Adveniente), số 17-18


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com