Tại sao Thánh Phao-lô được gọi là “Tông đồ dân ngoại”?

Hàng năm, vào ngày 25 tháng giêng dương lịch, phụng vụ kính lễ Thánh Phaolô tông đồ trở lại. Tại sao gọi là “trở lại”? Phải chăng là “trở lại đạo”, từ ngoại đạo sang đạo Chúa Kitô? Và tại sao Thánh Phaolô lại được gọi là “tông đồ dân ngoại”: dân ngoại là ai?

Trong những thập niên gần đây, người ta đã đặt lại nhiều vấn đề chung quanh cuộc trở lại của Thánh Phaolô. Những vấn nạn được nêu lên vừa thuộc tính cách lịch sử và nhất là vừa thuộc tính cách thần học. Dưới khía cạnh lịch sử, trình thuật về biến cố này được ghi lại 3 lần trong sách Tông Đồ Công Vụ (9,1-20; 22,1-21; 26,2-23) với nhiều chi tiết không hoàn toàn đồng nhất. Tại sao có sự khác biệt đó? Nên biết là dựa theo nhiều bức hoạ, chúng ta quen hình dung ông Saulô đang cỡi ngựa và bị ngã; nhưng đó là óc tưởng tượng của các hoạ sĩ. Tân Ước chỉ nói là ông bị ngã (Cv 9,4), nhưng không hẳn là ngã ngựa! Vì thời giờ eo hẹp, tôi không muốn đi sâu vào cuộc tranh luận này, bởi vì muốn chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh thần học. Vấn nạn được đặt ra như thế này: biến cố này phải được đặt tên là “sự trở lại” hay là “ơn gọi”?

Tại sao vấn đề được đặt ra như vậy?

Có ít là hai lý do chung quanh vấn đề từ ngữ. Lý do thứ nhất, từ “trở lại” thường bao hàm nghĩa hoán cải từ nếp sống bê tha sang nếp sống đức hạnh (thí dụ như khi nói đến tình trạng của một người rượu chè trác táng nhận biết lầm lỗi của mình, và dứt bỏ đường cũ); hoặc thay đổi tín ngưỡng, từ chỗ đi theo một tà đạo sang chỗ chính đạo (như chúng ta thường hiểu về việc “trở lại đạo”). Thử hỏi hai nghĩa đó có thể áp dụng cho ông Saulô không? Đang khi đó, đây là lý do thứ hai, chính Thánh Phaolô trong các thư của mình (đặc biệt là Galat 1,11-17), thường đánh giá biến cố xảy ra tại Đamascô như là việc Chúa Kitô hiện ra với ông để kêu gọi làm tông đồ. Vì thế, thay vì nói đến cuộc “trở lại” của ông Saulô, cần phải nói là “ơn kêu gọi Phaolô” thì mới đúng.

Tuy vậy, khi đi về Đamascô, ông Saulô đi truy nã những môn đệ của Đức Giêsu, nhưng sau đó, ông chuyển hướng, và trở nên tông đồ nhiệt thành rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô. Như vậy là “trở lại” chứ còn gì nữa?

Đúng thế. Chính Thánh Phaolô trong các thư của mình cũng thú nhận rằng trước đây mình đã lầm lẫn, và được Chúa thương mở mắt cho ông thấy sự thật, thí dụ như 1Timôthêô 1,12-16. Hiểu như vậy thì quả thật đã có một cuộc “trở lại” hoặc “cải hoán” hay “thay lòng đổi dạ” quan trọng trong đời ông Saulô với biến cố Đamascô. Tuy nhiên, như đã nói trên đây, tiếng “trở lại” thường áp dụng cho hai hoàn cảnh đặc biệt. Thứ nhất, cho người trước đây sống bê tha và nay quay về với đức hạnh (điều này không đúng cho Saulô); thứ hai, hoặc cho người thay đổi tín ngưỡng (chẳng hạn từ đạo Phật sang đạo Kitô). Liệu có thể áp dụng ý nghĩa thứ hai cho ông Saulô hay không?

Có chứ. Ông Saulô đã từ bỏ đạo Do Thái và trở lại đạo Chúa Kitô.

Chắc chắn rồi, ông Saulô đã nhìn nhận Đức Kitô như là Đạo, theo nghĩa là con đường (dựa theo Công vụ tông đồ 9,2 và 22,4). Tuy nhiên, chúng ta đừng vội nghĩ rằng ông Phaolô đối chọi đạo Do Thái với đạo Kitô như là hai tổ chức hoàn toàn đối lập như đen với trắng, bắt buộc mình phải lựa chọn một trong hai chứ không thể nào bắt cá hai tay. Không phải thế, Thánh Phaolô trong hành trình truyền giáo cũng như trong các lá thư, đều thâm tín rằng Đức Kitô là Đấng đến để thực hiện các lời hứa của Thiên Chúa cho các tổ phụ Do Thái. Vì thế ai chấp nhận Đức Kitô thì sẽ trở thành người Do Thái chân chính. Ngược lại, nếu người Do Thái không chấp nhận Đức Kitô thì sẽ thành “giáo gian”. Tiếc rằng đó là điều mà ông Phaolô bị chụp mũ, khiến cho ông buồn rã rượi, tuy vẫn xác tín rằng một ngày nào đó, người Do Thái sẽ nhìn nhận Đức Kitô (như chúng ta đọc thấy trong chương 11 của thư gửi Rôma). Vì thế, theo ông Phaolô, khi theo đạo Chúa Kitô thì không cần phải từ bỏ đạo Do Thái, bởi vì Chúa Kitô giúp cho mình hiểu sâu xa hơn giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với Môsê.

Thế còn những người không theo đạo Do Thái thì sao? Thí dụ như người Phật tử. Họ có thể vừa tin Đức Phật vừa tin Đức Kitô không?

Thánh Phaolô không bàn đến vấn đề đó. Duy có điều là trên đường truyền giáo, Thánh Phaolô nhận thấy rằng đang khi người Do Thái không chấp nhận Đức Kitô, thì những người ngoài Do Thái lại đón nhận Tin Mừng. Điều này khiến cho thánh nhân bắt đầu nghĩ ngợi (chương 9 thư gửi Rôma): phải chăng đó là kế hoạch của Thiên Chúa muốn cho mình dồn sức lực để đi rao giảng Tin Mừng cho người ngoài Do Thái?

Từ đó, Thánh Phaolô được đặt tên là “tông đồ của Dân ngoại” phải không?

Trước khi trả lời cho câu hỏi này, thiết tưởng nên lưu ý về từ ngữ. Trong tiếng Việt, khi nói đến “dân ngoại” (hay người ngoại), chúng ta liên tưởng ngay đến người ngoại đạo (ở ngoài Giáo Hội), đôi khi mang nghĩa xấu: người ngoại đạo là người không biết Chúa, thờ bụt thần ma quỷ. Sự đối chọi tương tự cũng gặp thấy giữa “lương dân” và “giáo dân”, tuy nguồn gốc có lẽ không tốt đẹp như chúng ta nghĩ. (Theo vài sử gia, sự đối chọi giữa lương dân và giáo dân bắt nguồn từ vua Tự Đức: lương dân có nghĩa là người lương thiện, tuân theo lệnh của vua; còn giáo dân là bọn ngang bướng đi theo tà đạo cho nên cần phải giáo hóa). Sự phân biệt “nội / ngoại” hoặc “lương / giáo” thuộc tư tưởng Việt Nam chứ không hoàn toàn phù hợp với tư tưởng Kinh Thánh. Thực vậy, nếu muốn dịch sát nghĩa thì phải nói rằng Thánh Phaolô là “tông đồ của muôn dân” (apostolus gentium). Tiếng “gentes” trong La-tinh tương đương với ethnê trong Hy-lạp, chỉ có nghĩa là “dân tộc” (từ đó mà có ngành ethnologia: dân tộc học). Thực ra, trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước, nhiều lần chúng ta thấy có sự đối chọi giữa Israel (dân Thiên Chúa, laos), với các dân tộc khác (ethnê). Do những kinh nghiệm chua chát trong lịch sử, người Do Thái được lệnh cấm không được giao lưu với các dân tộc khác, bởi vì sợ lây nhiễm các tục lệ trái nghịch với giao ước, đặc biệt trong việc thờ ngẫu tượng. Việc tiếp xúc với các dân tộc khác bị coi là ô uế, như ta còn thấy một trường hợp điển hình nơi Thánh Phêrô, được kể lại nơi sách Tông Đồ Công Vụ chương 10 và 11. Khi ông Phêrô đi vào nhà ông Cornêliô và trọ lại ở đây, thì ông bị một số tín hữu chỉ trích là nhiễm ô uế chiếu theo luật Môsê. Trong bối cảnh như vậy, các dân tộc không thuộc về dân Do Thái sẽ không được thông dự vào ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Như vậy, Thánh Phaolô được gọi là tông đồ Dân ngoại bởi vì người đã giảng Tin Mừng cứu độ cho những người không thuộc dân Do Thái, phải không?

Đúng thế. Biệt hiệu “tông đồ dân ngoại” (hay đúng hơn, “tông đồ của chư dân” hoặc của các dân tộc) không phải là do hậu thế đặt cho Thánh Phaolô nhưng là do chính người tự nhận như vậy (thí dụ Rm 1,5; 11,13; 15,16; Gl 2,8). Điều này giả thiết một ơn gọi riêng, mà Thánh Phaolô cho rằng mình đã lãnh nhận trực tiếp từ Chúa Kitô trên đường đi Đamascô. Ơn gọi này bao hàm một cái nhìn mới về lịch sử cứu độ, khác với cái nhìn của người Do Thái trước đây. Như vừa nói, người Do Thái cho rằng họ được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng, và lãnh nhận giao ước cứu độ. Các dân khác không nằm trong kế hoạch này, đừng kể khi nào họ chấp nhận gia nhập đạo Do Thái, và tuân hành luật lệ Môsê. Nhưng Thánh Phaolô mở rộng nhãn giới ơn cứu độ ở hai điểm. Thứ nhất, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mở rộng đến hết các dân tộc, chứ không chỉ giới hạn vào dân tộc Israel mà thôi. Thứ hai, để được lãnh hơn cứu độ không cần phải tuân giữ luật Môsê, nhưng chỉ cần tin Đức Kitô là Đấng Cứu thế. Điều kiện này cũng được đặt ra cho người Do Thái nữa. Như vậy, từ nay sẽ không còn phân biệt giữa “Do Thái” và “các dân” nữa, nhưng tất cả sẽ họp thành một Dân mới của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh. Xem ra đó là hai kết luận đơn giản, nhưng quả thực là một cuộc cách mạng tư tưởng lớn đối với Thánh Phaolô, nếu chúng ta biết rằng trước đây không những ông là người Do Thái nhưng còn là người Biệt Phái, nghĩa là có thái độ bảo thủ trong việc tiếp xúc với người ngoại đạo. Do đó, biến cố tại Đamascô đánh dấu một cuộc chuyển hướng lớn trong cuộc đời của ông, một sự thay đổi não trạng (mà ta gọi là trở lại hay cải hoán cũng được) không thể giải thích được do sự nghiên cứu học hỏi, nhưng là nhờ mạc khải của Thiên Chúa. Đối với Phaolô, ông lãnh nhận mạc khải này do chính Chúa Kitô trực tiếp trao cho ông (Gl 1,12). Để thi hành sứ vụ “tông đồ muôn dân”, như ta đã biết, Thánh Phaolô không những phải đương đầu với những khó khăn vất vả do những cuộc hành trình đầy gian truân, vượt núi trèo đèo, nhưng còn phải tranh đấu ngay trong cộng đoàn các tông đồ, để các tín hữu không buộc phải tuân hành các luật lệ Do Thái khi gia nhập Hội Thánh, như ta đọc thấy chứng tích trong chương 15 sách Tông Đồ Công Vụ và chương 2 của thư gửi Galát.

Lm. Phan Tấn Thành, O.P.

 

Xem thêm: THÁNH PHAOLÔ được chọn là QUAN THẦY CỦA PT - Tại sao và trong trường hợp nào ?


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com