Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN IV PHỤC SINH Năm A (1Pr 2, 20b-25) 07/05/2017

"Anh em đã trở về cùng Đấng canh giữ linh hồn anh em".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phê-rô Tông đồ .

 

20 Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban.

21 Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người.

22 Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối.

23 Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình.

24 Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.

25 Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em.

 

Mấy hàng này thật tình quá xúc tích! Nơi đây có đầy đủ đời sống và đức tin người Ki-tô. Hướng tới những người nô lệ chịu mọi cực hình chỉ làm thú tiêu khiển của những người chủ của họ, thánh Phê-rô nói cho họ một cách thực tế: Chúa Ki-tô là người tôi trung trong Cựu Ước; Ngài cũng chịu đau khổ của những sự bách hại vô cớ, hãy bắt chứơc sự hiền hậu và nhẫn nại của Ngài: « Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban. Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người » (c20. 21)

Điều đáng chú ý ở đây là những lời khuyên về luân lý ở đời, dựa trên chứng tá của Chúa Ki-tô. Có lẽ đây cũng là một lời mời gọi chúng ta có những tư tưởng luân lý ở đời chỉ đơn giản theo gương Đức Ki-tô.

« anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban… Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế »: Ở đây Thánh Phê-rô kêu gọi chúng ta kiên tâm chịu đựng chứ không phải kêu gọi  phải khổ. Không thể nào nói cho đủ rằng Ki-tô hữu chúng ta không có ơn gọi để đau khổ, nhưng trong đau khổ được kêu gọi theo gương sáng Đức Ki-tô. Theo dấu Đức Ki-tô, theo gương của Ngài, không phải đau khổ để đau khổ, nhưng kiên tâm chịu đựng như Ngài. Một cách cụ thể, gương của Ngài là: « Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình » (c23) 

Nghe như đâu đây tiếng vọng của bài ca thứ ba của Người Tôi Trung trong sách I-sa-i-a: « ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. 6 Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. 7 Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. 8 Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi! » (Is 50, 5-8). Sở dĩ chúng ta kiên tâm chịu đựng được trong đau khổ chỉ nhờ một điều duy nhất là chúng ta biết Ngài gần gũi chúng ta « Đấng xét xử công bình » (c23)  

Phần sau của bài được linh ứng từ bài ca thứ tư Người Tôi Trung. Trong bài này là « Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. » (c22). Còn tiên tri I-sa-i-a nói: « Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa. » (Is 53, 9). Cũng tiên tri I-sa-i-a đã tạo cảm hứng cho Thánh Phê-rô suy gẫm về mầu nhiệm thập giá Đức Ki-tô. Thánh Phê-rô nói: « Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em » (c24-25). Tiên tri I-sa-i-a nói: « Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. » (Is 53, 4). Rõ ràng những Ki-tô hữu tiên khởi tìm thấy nơi những bài ca Người Tôi Trung chìa khoá để mở ra hầu hiểu khổ nạn thập giá. Vì đầu tiên thập gíá là một cớ làm vấp ngã, theo nghĩa chính xác của nó (theo tiếng Hy-lạp scandalon là hòn đá trên đường làm vấp ngã)

Điều làm hoang mang - và cũng là một trong những nghịch lý của đức tin chúng ta - chúng ta chạm vào đây là cốt lõi của mầu nhiệm Ki-tô và đồng thời là nội dung, chúng ta rất nghèo nàn về ngôn ngữ làm cho thoát ý! Chúng ta quả quyết « Chúa cứu độ chúng taChúa Ki-tô chết vì tội lỗi chúng ta» thế rồi làm sao nói tiếp, xa hơn. Làm sao giải thích ? Ngài cứu chúng ta khỏi điều gì ? Như thế nào ?

Trước tiên phải nhất quyết tự kiềm chế có những giải thích, tạo ra một tThiên Chúa giống hình ảnh chúng ta, một Thiên Chúa cần phải báo oán trong máu của Con Mình, cho tất cả tội lỗi loài người. Thánh Phê-rô nói: « Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. » (c24), ngụ ý nói chữa lành các vết thương chúng ta. Những vết thương của chúng ta, dĩ nhiên là những đau khổ, cái chết của con người, thêm nữa - và có lẽ là điều ác độc hơn nữa - chính là tình trạng không có khả năng yêu thương và cho đi, tha thứ, thiếu tự chủ trên nhiều yếu tố, trên nhiều sự kiện, giới hạn những đam mê của chúng ta. Đó là một nhân loại mất định hướng: thay vì quy hướng vào tâm điểm là Thiên Chúa, nhân loại đánh mất địa bàn, lạc hướng; Thánh Phê-rô nói: «… trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc » (c25).

Theo Thánh nhân cũng như tiên tri I-sa-i-a, chính những vết thương của Chúa Ki-tô đã chữa lành các vết thương của chúng ta. Thế nhưng cũng đừng quên những vết thương của Chúa Ki-tô, chính từ con người gây ra. Hãy nhớ lại bài giảng Thánh Phê-rô buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần: « Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô » (Cv 2, 36). Chúa Ki-tô chết vì tội lỗi loài người, phép lạ của tình yêu Thiên Chúa: nhờ Đức Ki-tô, từ nơi khủng khiếp tuyệt đối, hận thù tuyệt đối trở nên nơi của tình yêu tuyệt đối, trong sự tha thứ của Chúa Ki-tô cho những đao phủ của Ngài. Kể từ nay, chỉ cần tin vào tình yêu của Chúa cho loài người, được mặc khải qua thánh giá Chúa Ki-tô để được biến đổi, hoán cải, định đúng hướng đi. Như lời tiên tri Da-ca-ri-a nói: « Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một… Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế » (Dcr 12, 10…13, 1)  

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com