Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN V PHỤC SINH Năm A (Ga 14, 1-12) 14/05/2017

Alleluia, alleluia!

- Chúa phán: « Thầy là đường, là sự thật, là sự sống;
không ai đến được với Cha mà không qua Thầy ». - Alleluia.

-----------------

"Thầy là đường, là sự thật, là sự sống."

Tin Mừng Chúa Gie-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

 

1 Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.

2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.

3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.

4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi."

5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường? "

6 Đức Giê-su đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.

7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người."

8 Ông Phi-líp-phê nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."

9 Đức Giê-su trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"?

10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.

11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.

12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.

 

Câu đầu tóm lược tốt nhất toàn bài giảng: « Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy ». Sở dĩ Chúa Giê-su khởi đầu nói Anh em đừng xao xuyến, đó là vì các môn đệ không dấu được sự lo âu của mình. Chúng ta thông cảm được: họ biết mình bị thù nghịch bủa vây, họ biết đồng hồ đếm ngược đã bắt đầu.

Đối với vài người, sự lo lắng ấy lại còn thêm nỗi thất vọng ghê gớm, vài ngày sau các môn đệ trên đường Emmau nói: « Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en » (Lc 24, 21) (Ngụ ý nói quân La mã). Các Tông đồ cũng tin vào những hy vọng chính trị ấy, vậy mà thủ lãnh họ bị kết án và hành quyết… Không còn ảo tưởng nào nữa. Vì thế Chúa Giê-su không còn là đối tượng của niềm hy vọng của họ: Ngài không thay thế điều trông chờ của họ bằng các phép lạ Ngài làm, Ngài không dẫn đầu quốc gia nỗi dậy chống ngoại xâm. Trái lại Ngài không ngớt kêu gọi bất bạo động. Nhưng cuộc giải phóng của Ngài nằm trên một phương diện khác. Ngài không bù lại sự chờ đợi dưới thế gian của dân Ngài, nhưng Ngài là Đấng mọi người trông chờ.

Ngài bắt đầu kêu gọi đến lòng tin của họ, đến thái độ nền tảng của dân tộc Do Thái mà chúng ta tìm thấy ví dụ như trong các thánh vịnh. Lòng cậy trông chỉ dựa vào đức tin, và Chúa Giê-su trở lại nhiều lần đến chữ « đức tin »: « Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy » (c1). Chỉ có một điều thôi, là tin vào Thiên Chúa - điều này đã được rồi - điều kia là phải tin vào Đức Giê-su, vào chính lúc Ngài có vẻ vĩnh viễn thua thiệt. Vì vậy nội dung chính yếu bài giảng của Ngài là: « Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy (c1) …Anh em hãy tin Thầy (c11) … ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm (c12) » 

Nhưng để tuân theo Đức Giê-su với một niềm tin với Thiên Chúa, đối với những người đương thời phải làm một bước nhảy vọt đáng kể. Vì thế họ phải cảm nhận sự hiệp nhất thâm sâu giữa Chúa Cha và Ngài. Đây là ý nghĩa cốt lõi thứ ba « Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha » (c9); « Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy » (câu này Chúa lặp lại hai lần) « Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. » (c10)

Có lẽ phải có nhiều thời gian để dừng lại từng câu, từng chữ một, tất cả đều mang nhiều ý nghĩa của những trải nghiệm Thánh Kinh: « biết », « thấy », « ở lại », « đến cùng »… Lời nói cùng là công trình… cách nói « Ta là », tất cả những từ ngữ ấy, vào tai người Do Thái không thể nào không gợi lên chính Thiên Chúa. Dám nói « Ta là sự thật, và là sự sống » tức tỏ ra chính Mình là Thiên Chúa. Và đồng thời đó là hai ngôi vị khác nhau vì Chúa Giê-su nói: « Ta là con đường » (ngụ ý nói dẫn đến Chúa Cha).

« Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. »(c6): đây là để nói cách khác: « Ta là con đường » hay « Ta là cửa ngõ » như trong bài người Mục tử Nhân lành. Đây không phải một lời cảnh báo cũng không phải một điều bắt buộc: hình như còn thâm sâu hơn nữa. Đây là mầu nhiệm sự kết hiệp giữa chúng ta và Chúa Giê-su Ki-tô; thật sự là một mầu nhiệm, khó có một khái niệm nào về mầu nhiệm ấy… thế nhưng đây là cốt yếu của kế hoạch Thiên Chúa. Đấng « Ki-tô toàn diện » như thánh Augustino nói, đây là cả nhân loại.

Tiến vào mầu nhiệm ấy đòi hỏi nơi chúng ta một sự hoán cải thâm sâu và không ngừng; các nhân tính thường xâm nhập vào phản ứng của chúng ta. Chúng ta chỉ mở rộng, nới chân trời ra cho những người rất thân cận chúng ta, nhưng cái vòng ấy của chúng ta thông thường rất giới hạn: chỉ cần nhìn cộng đoàn phụng vụ chúng ta, để nhận ra nhiều dấu vết của cá nhân tính, đó là điều trái ngược với tinh thần phụng vụ. Sự liên đới với Chúa Giê-su Ki-tô được nói lên trong mỗi trang của Tân Ước. Ví dụ như Thánh Phao-lô, khi ngài nói về Ađam mới và khi ngài nói Đấng Ki-tô là « đầu của thân thể » (Cl1, 18) trong đó chúng ta là các chi. « muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở » (Rm 8, 22): việc sinh nở ngài nói nơi đây chính là Thân Mình Chúa Ki-tô. Chúa Giê-su thường dùng từ Con Người (từ tiên tri Đa-ni-en) để loan báo chiến thắng cuối cùng của nhân loại, qui tụ chung quanh Ngài như một người.

Nếu tôi tin tưởng vào câu - « Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy » (c6) và tôi cũng tin sự hiệp nhất của nhân loại trong Chúa Giê-su Ki-tô, thế thì cũng phải tin ngược lại: Chúa Ki-tô không đến với Chúa Cha mà không có chúng ta, đó là ý nghĩa những câu đầu: « Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. » (c3). Thánh Phao-lô cũng nói như thế bằng cách khác: « trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. » (Rm 8, 39).

Chúa Giê-su kết thúc bằng một lời hứa trịnh trọng: « ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm » (c12). Sau những gì Chúa nói về Ngài, « những việc Thầy làm » chắc chắn là không chỉ là các phép lạ. Trong suốt Cựu Ước khi nói « công trình » Thiên Chúa luôn luôn để nhắc đến công trình vĩ đại của Ngài giải thoát dân Ngài khỏi Ai-cập. Điều này có nghĩa là từ nay các môn đệ của Ngài được kết hợp vào công trình Thiên Chúa để giải thoát nhân loại khỏi nô lệ thể lý cũng như luân lý. Lời hứa ấy lẽ ra cũng đủ để thuyết phục chúng ta mỗi ngày rằng sự giải thoát ấy rất khả thi.

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com