Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN V PHỤC SINH Năm A (Cv 6, 1-7) 14/05/2017

"Họ chọn bảy người đầy Thánh Thần."

Trích sách Tông Đồ Công vụ.

 

1 Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.

2 Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải.

3 Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó.

4 Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa."

5 Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái.

6 Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.

7 Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.

 

Có nhiều khi chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng Giáo Hội sơ khai không có vấn đề nội bộ: bài này làm chúng ta am tường hơn. Rõ ràng có những tranh chấp và thật ra điều thú vị cho chúng ta trong bài này là cách các Tông đồ xử lý các cuộc tranh chấp đó.

Trước tiên vấn đề từ đâu đến trong câu truyện được kể ở đây ? Rất đơn giản, đó là những khó khăn bắt nguồn từ các nhóm khác nhau chung sống trong cộng đoàn; chắc chắn, chúng ta không lạ gì! « Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp kêu trách những tín hữu Do Thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên » (c1). Nếu tôi không lầm, lý do xảy ra vấn đề cho cộng đồng Ki-tô mới này đến chính từ sự thành công của họ: « khi số môn đệ thêm đông » họ trở nên đông đúc làm cho sự hiệp nhất trở nên khó khăn; tất cả các nhóm đang phát triển đều phải đối đầu với vấn đề này: làm thế nào hiệp nhất khi chúng ta quá đông ?... đông tức là khác nhau. Nghĩ cho cùng, nếu suy ra sự khó khăn này đã nảy mầm từ buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần. Hẳn các bạn biết phần cuối bài tường thuật lễ Ngũ Tuần trong sách Công vụ Tông đồ: « Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do Thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? » (Cv 2, 5-8). Lúc ấy chúng ta đang thời kỳ còn phấn chấn ngạc nhiên, nhưng sau đó những vấn đề mới có nguy cơ bắt đầu.

Ngay sáng hôm ấy có những trường hợp hoán cải - hình như có ba ngàn người - và có thêm nhiều người khác vào những tháng, những năm sau đó. Những người mới trở lại toàn là gười Do Thái (vấn đề chấp nhận những người không phải gốc Do Thái, sau này mới được đặt ra) nhưng rất có thể nhiều người trong họ chính là những người Do Thái từ mọi nơi đến Giê-ru-sa-lem hành hương, tiếng mẹ đẻ của họ không phải tiếng Do Thái mà cũng không phải tiếng A-ram. Cũng có thể là những Do Thái kiều, phân tán khắp nơi về định cư ở Giê-ru-sa-lem (có những đền thờ trong Giê-ru-sa-lem cho những nhóm như thế đến cầu nguyện). Vì lẽ ấy cái cộng đồng trẻ, mới tinh phải đương đầu với cái gọi là « thách đố ngôn ngữ » .

Trong đầu đề một quyển tự điển, tôi gặp câu sau đây: « một ngôn ngữ là một mạng lưới phủ lên những thực tế. Một ngôn ngữ khác là một mạng lưới khác, ít khi các mắt lưới trùng hợp với nhau. » Chúng ta cũng biết hàng rào ngôn ngữ ấy vượt qua cách phiên dịch các ngôn ngữ. Tiếng mẹ đẻ khác nhau, có nghĩa là giáo dục, tập quán, nhân sinh quan khác nhau, cách nhìn ra và xử lý một vấn đề cũng hác nhau…

Để trở về với cộng đồng non trẻ Giê-ru-sa-lem, có vấn đề chung sống giữa những anh em nói tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái. Rất cụ thể, giọt nước làm tràn bình, là sự bất công rõ ràng đối với sự giúp đỡ hằng ngày các phụ nữ góa chồng. Không lạ gì cộng đồng rất quan tâm đến việc chăm sóc các phụ nữ góa chồng, đó là một điều răn của giới Do Thái; nhưng cũng phải tin rằng những người có bổn phận (được tuyển chọn từ người Do Thái) có khuynh hướng thiên vị các bà góa của nhóm họ. Loại cãi cọ như thế, mặc dù có cơ sở, ngày qua ngày đâm ra nhiễm độc, cho đến lúc tới tai các Tông đồ. Phản ứng của các ngài gồm ba điểm.

Các ông tụ tập tất cả các môn đệ: chính trong buổi họp khoáng đại của cộng đồng mới lấy ra quyết định. Hình như ở đây chúng ta nhìn ra sự hoạt động cổ điển của Giáo-hội… có lẽ cũng nên cố gắng vươn tới cách này. Sau đó các ông nhắc lại mục tiêu: đó là trung thành với ba đòi hỏi của đời sống tông đồ (cầu nguyện, phụng vụ Lời Chúa, và phục vụ anh em). Sau cùng các ông không ngần ngại đề nghị một tổ chức mới; đổi mới không phải thiếu trung thành. Trái lại, trung thành đòi hỏi thích nghi với điều kiện mới. Trung thành không phải cứng nhắc với quá khứ (ở đây có nghĩa là vẫn giao toàn bộ công việc cho nhóm Mười Hai, bởi vì họ được Chúa Giê-su chọn); trung thành là luôn giữ mắt nhìn đến mục tiêu.

Mục tiêu chính xác như Thánh Gio-an nói, họ « phải là Một để thế gian tin ». Chắc chắn vì thế mà các Tông đồ không dự định cắt cộng đồng ra làm hai, một bên là anh em nói tiếng Hy Lạp, một bên tiếng Do Thái. Chấp nhận tính đa dạng là một thách đố cho mọi cộng đồng đang phát triển (và tôi biết, đâu đó có những ê-kíp không muốn mở rộng để không có nguy cơ bất đồng); nhưng khi có bất đồng việc chia ra chắc chắn không phải giải pháp tối ưu. Chính Thánh Thần Chúa đã gợi lên nhiều cuộc thảo luận và đa dạng như thế; chính Ngài đã linh ứng cho các Tông đồ để có ý tổ chức khác hơn hầu đảm nhận các hậu quả.

Nhưng họ không sợ canh tân. Chính vì phải chung sống lâu dài nên phải tổ chức: giải pháp các ông tìm ra là nói lên: chính vì chúng tôi không thể đảm nhận mọi công tác, hãy tìm cho chúng tôi những người trợ giúp: « thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa." » (c3).

Đấy là quy chế một tổ chức mới được sáng lập. Các người phục vụ mới của cộng đồng chưa được xưng danh. Tôi xim lưu ý chữ « phó tế » không được dùng trong bài này. Chúng ta không nên sớm đồng hóa các phó tế của chúng ta ngày nay với các người này, họ phục vụ bàn ăn ở Giê-ru-sa-lem. Chúng ta chỉ nên nhớ Chúa Thánh Thần luôn luôn biết linh ứng cho mỗi thời đại, những đổi mới cần thiết để trung thành chu toàn mọi sứ vụ và mọi ưu tiên cho Giáo Hội.

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com