Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CN VII PHỤC SINH Năm A (Tv26, 1.4.7-8a) 28/05/2017

"Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh."

 

1 CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào?
CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa?

4 Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền CHÚA tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.

7 Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu,
xin thương tình đáp lại.

8 Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.

 

Chỉ cần nghe câu đầu: « CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? » cũng biết bài thánh vịnh này được viết trong một thời kỳ khó khăn. Chỉ trong bóng đêm mới cần đến lòng tin vào ánh sáng. Điều làm cho tôi luôn ngạc nhiên, là khi mặt trời khuất đi - lắm khi ngày này qua ngày khác - mây mưa mù mịt, chúng ta không một phút giây ngờ vực, trời cứ tiếp tục như thế… Chúng ta chắc chắn trời quang mây tạnh sẽ trở lại và chúng ta sẽ được ấm áp, nắng chiếu chan hòa… Chính ngay trong mùa đông các cửa hiệu mới đề nghị thời trang mùa hè; mọi người đều biết lúc ấy rồi sẽ có nắng!

Thế nhưng sự hiện diện của Chúa ít mặc nhiên như thế, chúng ta lại khó tin rằng Ngài không ngừng hiện diện và tác động. Chính lúc ấy chúng ta mới cần đến đức tin. Bài thánh vịnh này cốt để duy trì lòng tin chúng ta những lúc khó khăn. Quả quyết rằng: « CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? » tức là tự thú tôi bị đe doạ sợ sệt và phải bám vào lòng xác tín. Và ở đây chữ « tôi » để thầm chỉ toàn dân Ít-ra-en. 

Ít-ra-en đã trải qua biết bao nhiêu thời khó khăn, nhưng từ những đêm trong sa mạc Si-nai, với ông Mô-sê, họ không bao giờ quên đám mây soi sáng đường đi và thể hiện sự hiện diện của Thiên Chúa: « CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi ». Ơn cứu độ thời ấy là thoát khỏi tay vua Pha-ra-ôn. Mỗi thời đại lịch sử, tập thể hay cá nhân, bài thánh vịnh gợi lên những hình ảnh nhiều ý khác nhau. Ví dụ như nói « CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi », tức là gợi lên thời còn chiến tranh, thế nhưng chúng ta biết rằng những thành luỹ kiên cố nhất không phải những lâu đài, những lỗ châu mai, những hành lang có lỗ ném đá, nhưng là mãnh lực Chúa ban: « Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững. » (Is 7, 9), tiên tri I-sa-i-a nói với vua A-khát như thế. Chỉ có đức tin là sức mạnh duy nhất để đối phó với mọi sự: « tôi khiếp gì ai nữa? » nói lên Chúa bảo vệ chúng ta khỏi phải sợ chi. Và chúng ta cũng không « sợ » Ngài.

Không lạ gì bài thánh vịnh này được đề nghị trong các nghi thức an táng. Hơn nữa câu điệp khúc chúng ta thường hát bài thánh vịnh này là « CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi- Alleluia! » tức là câu đầu bài thánh vịnh được thêm chữ Alleluia! Không thể nào làm tốt hơn vì nghĩa của chữ « Alleluia », chính là « Chúa là Đấng cứu độ tôi, Ngài nâng tôi lên ». Dịch sát nghĩa là « Hãy ngợi khen Thiên Chúa » , nhưng có nghĩa là « Ngợi khen Thiên Chúa cứu độ tôi ». Đây là ý nghĩa chữ Alleluia trong truyền thống Do Thái: « Chúa đã đem chúng ta từ nô lệ được Cứu độ, từ buồn phiền đến niềm vui từ bóng tối đến ánh sánh chiếu loà, từ tang tóc đến lễ hội, từ tôi đòi đến tự do, vì thế hãy mừng hát ngợi khen trước dung nhan Ngài, Alleluia » 

« Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền CHÚA tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng. » (c4) Như người Lê-vi, được nhận sống trong thân mật trong đền thờ, Ít-ra-en xin ơn được ở trong đền Chúa.

Câu sau cùng trong bài thánh vịnh được đọc chúa nhật hôm nay (vì chúng ta chỉ trích vài câu của bài thánh vịnh), làm thay đổi hẳn sắc thái của bài. Đây là lời kêu cầu cứu, một lời van xin: « Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu » (c7), có nghĩa là « Lạy Chúa nghe con kêu đây » và dĩ nhiên, đối với dân được Chúa chọn, chỉ vỏn vẹn câu này thôi, cũng đủ nhắc lại một mặc khải vĩ đại của cả lịch sử dân tộc họ: « Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta » (Xh 3, 9). Chúng ta nhớ lại giai đoạn bụi gai bừng cháy: Thiên Chúa mặc khải là Đấng nghe những kẻ đau khổ kêu cầu.

« xin thương tình đáp lại » (c7), là tiếng kêu người ăn xin. Cũng có thể là một lời xin lỗi, vì nguyên câu là: « Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu, xin thương tình đáp lại. »

Dù sao đi nữa không nên lẫn lộn, hiểu trái nghĩa. Có những lời như trên đây không phải vì Chúa khao khát lời tán tụng của ta (LND = bản dịch của chúng ta có khác lời văn Pháp ngữ đôi chút). Những lời khuyên bảo của Chúa luôn là để chúng ta hạnh phúc: thường chúng ta tưởng Chúa giống chúng ta, khi đòi hỏi một điều gì là vì tư lợi. Nhưng Chúa là Đấng Siêu Việt. Tất cả những điều răn của Ngài là để chúng ta hạnh phúc. Thánh Au-gút-ti-nô nói: « Tất cả những gì con người làm cho Chúa là lợi cho con người chứ không cho Chúa. »

Đối với Thiên Chúa, trung tâm của vũ trụ là loài người. Ngài không có chủ đích nào khác hơn là hạnh phúc con người. Nhưng còn chúng ta, chúng ta chỉ tìm được hạnh phúc, một khi chúng ta đặt Ngài làm trung tâm đời sống chúng ta. Thánh Au-gút-ti-nô cũng nói: « Lạy Chúa, Chúa dựng chúng con cho Ngài, và lòng chúng con không bao giờ ngơi nghỉ một khi không ở trong Chúa »

Để kết thúc, tôi mời anh chị em hãy cùng đối chiếu bài Thánh vịnh 26 này và bài ca ông Za-ca-ri-a mà nhiều người trong chúng ta đọc trong Kinh Phụng Vụ Giờ Sáng.

"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!

Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,

như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham

và cho con cháu đến muôn đời."

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com