Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN LỄ CHÚA BA NGÔI Năm A (Ga3, 16-18)) 11/06/2017

Alleluia, alleluia

- Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần;
sáng danh Đấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.

-----------------

"Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian được nhờ Người mà được cứu độ"

Tin Mừng theo Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an

 

16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.

 

Sau khi đọc từ nhiều tuần lễ vừa qua bài giảng từ biệt các môn đệ của Chúa Giê-su, như một di chúc, hôm nay ngược lại, chúng ta được đọc ngay đoạn khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an, qua cuộc đàm thoại với ông Ni-cô-đê-mô. Nếu tôi không lầm, Chúa Giê-su nói với ông sự cứu độ đã đến gần hơn chúng ta cả dám tưởng tượng: « Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ » (c17). Và để cho dễ hiểu Chúa dùng hai bài trong Cựu Ước: con rắn bằng đồng và lời tiên tri của ông Da-ca-ri-a.

Trước tiên, ngay bài chúng ta đọc hôm nay, Chúa nhắc lại giai đoạn con rắn bằng đồng khi vượt qua sa mạc Sinai trong sách Xuất Hành. Lúc ấy có họa rắn độc lan tràn; trong những trường hợp tương tự người ta treo trên cái sào hình con rắn, xem như một thần chữa lành (xin mở ngoặc, biểu tượng các bác sĩ ngày nay rút ra từ đó). Theo lệnh Thiên Chúa, ông Mô-sê lập lại truyền thống, đúng ra là một hành động ma thuật không thể chối cải, nhưng Chúa biến thành một hành động đức tin. Bài trong sách Dân Số nói: « Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó (ngụ ý nói tin tưởng vào Chúa), sẽ được sống » (Ds 21, 8)  

Khi ấy Chúa Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô: « Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời » (Ga 3, 14-15). Có nghĩa là ơn cứu độ của chúng ta (điều Thánh Gio-an gọi là sự sống muôn đời) chỉ vỏn vẹn lệ thuộc vào lòng tin chúng ta nơi Chúa Ki-tô. Từ đó, khởi đầu bài chúng ta đọc hôm nay bằng những chữ sau đây: « Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một », ngụ ý nói, hãy ngước mắt nhìn lên Ngài để được cứu độ. Từ đấy bài tiên tri của Da-ca-ria can thiệp vào để hứa ơn cứu độ và sự hoán cải thành Giê-ru-sa-lem. Chúa nói: « Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng. » (Dc 12, 10). Lời tiên tri ấy Thánh Gio-an không trích ra ở đây (nhưng ngài sẽ nói đến trong Phúc Âm của ngài, trong cuộc thương khó của Chúa Giê-su Ki-tô ngay sau khi Chúa chết), tuy nhiên sự kiện này luôn hiện diện được thầm ám chỉ trong suốt bài hôm nay.

Tôi nghĩ rằng đối với Thánh Gio-an, lời tiên tri của ông Da-ca-ri-a rất quan trọng. Một khi thánh nhân suy niệm về mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô, thì ngài luôn dựa vào đó. Chúng ta cũng thấy trong sách Khải Huyền: « Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế! A-men! » (Kh 1, 7). Tại sao ? bởi vì trên gương mặt Người Bị Đóng Đinh, Đấng đã tự nguyện ban sự sống của mình, nhân loại rốt cục khám phá ra dung nhan thật sự của Thiên Chúa từ bi nhân hậu và hay tha thứ, trái ngược hẳn với một Thiên Chúa thống trị, hay báo oán mà chúng ta vô tình thường nghĩ. « Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha » (Ga 14, 9), Chúa Giê-su nói với các môn đệ cũng trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an.

Điều duy nhất Chúa đòi hỏi là tin vào Chúa cứu độ, để được cứu độ. Chỉ cần đưa mắt lên nhìn với đức tin để được cứu độ. Chỉ cái nhìn đức tin ấy, và chỉ có đó mà thôi để Chúa có thể cứu chúng ta. Điều này giúp chúng ta hiểu mỗi lần trong Phúc Âm Chúa Giê-su đỡ một kẻ nào trổi dậy, Ngài nói « Đức tin của con đã cứu con »

Chữ « tin » ông Chouraqui dịch là tán thành, gia nhập vào: không chỉ đơn thuần là một ý kiến. Tin, nơi Thánh Gio-an có ý nghĩa rất mạnh. Gia nhập vào Chúa Giê-su, tức là ghép vào Ngài Không thể xa cách với Ngài được. Không phải ngẫu nhiên mà cũng chính Thánh Gio-an này gợi lên hình ảnh cây nho và cành nho. Còn Thánh Phao-lô, ngài dùng hình ảnh đầu và chi thể.

Nhờ thế đột nhiên, bây giờ chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa từ ngữ « con một »: « Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. » (Ga 1, 14). Ngài là Con Một, đầy tràn ân sủng và sự thật; Ngài chỉ có một, trong tư tưởng của Da-ca-ri-a, bởi vì Ngài là nguồn suối duy nhất của sự sống vĩnh cửu; chỉ cần ngước mắt nhìn Ngài để được cứu độ; Ngài chỉ có một vì Ngài là đấng dẫn đầu nhân loại mới.

Một lần nữa, nơi đây tôi gặp gỡ Thánh Phao-lô: kế hoạch của Thiên Chúa, là toàn thể nhân loại quy tụ chung quanh Chúa Giê-su và sống đời sống của Ngài, đó là tiến vào sự hiệp nhất của tình yêu Chúa Ba Ngôi. Đó là điều Ngài gọi là ơn cứu độđời sống vĩnh cửu, tức là đời sống thật. Không phải đời sau của đời sống hôm nay, nhưng là đời sống với chiều kích khác, khởi đầu ngay từ trần thế này. Trong đoạn khác Thánh Gio-an cũng nói rõ: « Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô. » (Ga 17, 3), nhận biết Chúa tức là ý thức Ngài từ bi nhân hậu.

Đó là ý nghĩa của cụm chữ « không bị lên án » (Ga 3, 18), chỉ cần tin vào lòng từ bi nhân hậu của Chúa để được như thế. Nếu tôi xúc phạm một người nào đó và tôi tin người ấy có thể tha thứ cho tôi thì tôi sẽ mau mắn chạy vào vòng tay kẻ ấy và chúng tôi có thể làm hoà với nhau; nhưng nếu tôi tin rằng người ấy không thể tha thứ cho tôi, tôi sẽ giữ mãi gánh nặng lương tâm cắn rứt trong lòng. Như thánh vịnh 50 nói: « lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. » (Tv 50, 5). Nó cứ ám ảnh trong tôi ngày đêm. Nhưng chỉ cần nó thoát khỏi tôi và tin vào sự tha thứ của Chúa thì sẽ được thứ tha.

Thế thì chỉ cần tin để được cứu độ, nhưng chúng ta sẽ không được cứu độ nếu chúng ta không muốn. Chúng ta tự do tin hay không tin, thế nhưng như thế, một cách nào đó chúng ta tự kết án lấy mình, « kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa » (Ga 3, 18). Nhưng « Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ». Đó là điều người trộm lành đã làm: đời sống của anh ta không có gì là gương mẫu, nhưng anh ngước mắt nhìn lên Đấng con người đâm thâu, và để đáp lại, anh nghe câu mà tất cả chúng ta đều mơ ước được nghe: « Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng. » (Lc 23, 43).

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com