Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN LỄ CHÚA BA NGÔI Năm A (Xh 34, 4…9) 11/06/2017

"Thiên Chúa là Đấng thống trị, từ bi và nhân hậu"

Trích sách Xuất Hành.

 

4 Vậy ông Mô-sê đẽo hai bia đá giống như những bia trước; rồi sáng sớm ông thức dậy và lên núi Xi-nai theo lệnh của ĐỨC CHÚA, tay mang hai bia đá.

5 ĐỨC CHÚA ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là ĐỨC CHÚA.

6 ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng: "ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín

8 Ông Mô-sê vội vàng phục xuống đất thờ lạy

9 và thưa: "Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài."

 

Điều đầu tiên làm chúng ta ngạc nhiên khi đọc bài này là mặc dù các bài đọc đặc biệt mừng ngày Lễ Chúa Ba Ngôi nhưng chữ Ba Ngôi không thấy đâu, và trong nội dung cũng không có đề tài Chúa Ba Ngôi! Tuy nhiên nếu thất vọng như thế là chúng ta lầm! Bài chúng ta vừa đọc là một văn bản có lẽ quý nhất của lịch sử nhân loại! Tôi có khuynh hướng muốn nói lên « May thay, có những tai đã lắng nghe! » Vì chính Chúa cất lời, nói lên cho Mô-sê Ngài là ai. Ngài là Đấng Siêu Việt, chỉ có riêng Ngài mới có thể nói về Ngài.

Các bạn hẳn đã nghe câu sau đây của văn bản: « Người xưng danh Người » (c5). Câu này đáng ngàn vàng, là một bảo đảm cho chúng ta. Thiên Chúa Tình Yêu chúng ta từng tin, không do chúng ta sáng tạo ra, không phải suy từ ước mơ của chúng ta lấy làm thực tế. Hẳn các bạn biết câu của Voltaire: « Chúa tạo con người giống hình ảnh của Ngài, con người cũng làm như thế đối với Ngài ». Không phải như thế, nhất định là không! Chúng ta không bịa ra Thiên Chúa, chính Ngài đã mặc khải cho chúng ta, không phải mới đây, từ thuở ông Mô-sê. Và hơn nữa phải thành thật mà nói, nếu chính chúng ta tạo ra Thiên Chúa, chúng ta sẽ không gọi Ngài là « Đấng từ bi nhân hậu! »

Điều tuyệt vời nhất của văn bản này là, một lần nữa tác giả Thánh Kinh có khả năng cho chúng ta cảm nhận trong vài hàng Thiên Chúa vừa là Đấng Siêu Việt vừa là Đấng Gần Gũi nhất với chúng ta.

Vì lẽ sự mặc khải ấy chỉ chính Thiên Chúa mới có thể thực hiện (Ngài là Đấng Siêu Việt), sự mặc khải ấy đúng thật là từ một Thiên Chúa Gần Gũi, thật Từ Bi Nhân hậu. Từ lúc Ngài tác động đến nhân loại, sự mặc khải ấy thật bất ngờ. Không ai chờ đợi chính Thiên Chúa nói cho chúng ta biết.

Tôi xin lưu ý sự mặc khải ấy chỉ nằm trong chương thứ 34 sách Xuất Hành, tức là dân chúng trưởng thành hơn sau một trải nghiệm thật lâu dài. Trong chương thứ 3 có đoạn bụi gai bừng cháy. Chúa đã từng can thiệp vào lịch sử, trong những giai đoạn đau khổ của dân Ngài, Chúa nói: « Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập » (Xh 3, 7). Và thật vậy, Ngài đã cứu độ họ, Ngài đã giải phóng họ khỏi Ai-cập, Ngài đã đồng hành với họ trong mọi thử thách của đời sống trong sa mạc. Kể từ nay, dân Chúa cứu độ sẵn sàng nghe sự kỳ diệu về Thiên Chúa: một Thiên Chúa từ bi và nhân hậu. Và chắc chắn không phải sự ngẫu nhiên bài hôm nay tác giả dùng cụm chữ « đi qua trước mặt » (c6). Chúa đi qua trước mặt ông Mô-sê để mặc khải Tên Từ Bi Nhân hậu của Ngài, cũng như khi xưa Ngài đi qua trước mặt dân Ngài trong đêm vượt Biển Đỏ (Xh 12, 12). Cũng cùng cụm chữ ấy, khi Chúa đi qua là luôn luôn để cứu độ. Và lần bước qua thứ hai này còn quan trọng hơn lần trước. Ách nô lệ tệ hại nhất là những ý tưởng sai lầm về Thiên Chúa.

Ông Mô-sê biết rõ dân mình nên luận ra ngay: Chúng con là một dân tộc cứng đầu cứng cỗ, nhưng nếu Ngài là Đấng từ bi nhân hậu thì Ngài tha thứ chúng con luôn mãi, và chúng con, chúng con chỉ làm phần nhỏ bé của chúng con có thể, để đáp lại tình yêu của Ngài: « Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài » (c9). Từ ngày ấy, sự mặc khải này vang lên trong mọi lời cầu nguyện Ít-ra-en, trở nên nền tảng của kinh nguyện Ít-ra-en. Chúng ta tìm thấy điều này thật dồi dào trong các thánh vịnh.

Ví dụ như trong Tv78, 38-39: « Nhưng Người vẫn xót thương, thứ tha, không tiêu diệt, nén giận đã bao lần, chẳng khơi bùng nộ khí Chúa nhớ rằng: thân phận chúng: bọt bèo mỏng mảnh, gió thoảng qua, không hẹn ngày về »;

Tv86, 15: « Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín »;

Tv 103, 8-13: « CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta. Như người cha chạnh lòng thương con cái, CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn »;

Tv111, 4: « Chúa đã truyền tưởng niệm những kỳ công của Người. CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu »;

Tv 145, 8: « CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. »

Sau bao nhiêu điều ấy không thể nào nói Cựu Ước không mặc khải Thiên Chúa là Thiên Chúa tình yêu!

Chúa từ bi là một điều phải tin khi đối tượng là chính chúng ta, nhưng cũng là điều chúng ta không ưa thích khi áp dụng cho kẻ thù chúng ta! Một minh chứng rõ nhất về điều này là câu truyện của Giô-na. Được phái đến những người ngoại đạo thành Ni-ni-vơ, ông ta khẳng định không có thể làm gì được để hoán cải họ… Và rốt cục cũng là một điều hay, theo cái nhìn của Giô-na: để yên cho họ tiếp tục trong tội lỗi, hậu quả là họ sẽ bị những hình phạt xứng đáng; mọi sự đâu vào đó … đâu vào đó hiểu theo loài người. Nhưng người bạn Giô-na của chúng ta cũng biết Chúa từ bi nhân hậu, và nghĩ bụng rằng Chúa từ bi nhân hậu sẽ làm phép lạ và tất cả dân chúng Ni-ni-vơ sẽ hoán cải. Và khi người ngoại thành Ni-ni-vơ bất ngờ hoán cải thật sự, Giô-na rất phật lòng, rất bực và phản đối: « con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ cho họ. »…(Gn 4, 2)  

Các bạn đã nghe không biết bao nhiêu lần chữ trung tín. Chữ này cũng như thế, vang dội trong suốt lịch sử Ít-ra-en như một cột trụ vững chắc cho lòng cậy trông của chúng ta. Ít-ra-en đã trải nghiệm biết bao lần lòng tha thứ của Thiên Chúa. Đó là một đề tài vĩ đại, ví dụ như trong sách Đệ Nhị Luật. « ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em) là Thiên Chúa từ bi: Người sẽ không bỏ mặc anh (em), sẽ không tiêu diệt anh (em), sẽ không quên giao ước Người đã thề với cha ông anh (em) » (Đnl 4, 31)

Tôi xin luận ra một điều mà người Ki-tô hữu chúng ta không bao giờ được quên, Ít-ra-en vẫn là và luôn luôn là dân Chúa chọn, như Thánh Phao-lô nói: « khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý. » (Rm 11, 24) …  « Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình. » (2Tim 2, 13) 

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com