Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN LỄ MÌNH MÁU THÁNH (Đnl 8, 2-3, 14-16) 18/06/2017

"Người sẽ ban cho các ngươi của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới."

Bài trích Sách Đệ Nhị Luật

 

2 Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em), xem anh (em) có giữ các mệnh lệnh của Người hay không.

3 Người đã bắt anh (em) phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh (em) ăn man-na là của ăn anh (em) chưa từng biết và cha ông anh (em) cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh (em) nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra

.14 Thiên Chúa của anh (em), Đấng đã đưa anh (em) ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.

15 Người đã dẫn anh (em) đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh (em) uống.

16 Trong sa mạc, Người đã cho anh (em) ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh (em) chưa từng biết, để bắt anh (em) phải cùng cực và thử thách anh (em), hầu làm cho anh (em) được hạnh phúc trong tương lai.

 

Ký ức một dân tộc, cũng như rễ cây: ngày nay ta thấy cây nhưng không thấy rễ cây… tuy nhiên, cây sống được nhờ rễ, có thể nói tất cả trông cậy vào rễ. Hãy tưởng tượng một cây nói: « Tôi muốn tách rời khỏi rễ, nó làm tôi không di chuyển được, hay tệ hơn, nó cản trở không cho tôi bay bổng lên. » Ta có thể tưởng tượng sau đó là gì, cây sẽ chết đi. Thật sự mà nói, tương lai của cây là trong rễ của nó.

Khi ông Mô-sê nói: « anh em hãy nhớ lại » hay « anh em đừng quên », cũng như ông nói « đừng cắt đi khỏi cội rễ của mình », tương lai của anh em nằm trong sự tín trung vào cội rễ của anh em. Ông Mô-sê không quay về quá khứ bằng tình cảm; nhưng ông hoàn toàn hướng về tương lai, và ông quan tâm đến sự trung tín vào cội rễ của dân tộc. Cũng như ông nói « nếu anh em muốn đứng vững ngày mai, đừng quên hôm nay, anh em có được ngày nay và nhờ ai anh em có được như thế ».

« Hãy nhớ », đây là cách ta thường nói trong gia đình. Muốn hai chữ này xuất phát từ môi ta, phải có những tình huống trọng đại, một quan hệ quan trọng. Trong trường hợp ấy, có những nơi, những đồ vật, những tháng ngày trở nên những nơi, những vật đáng ghi vào ký ức, những ngày tháng đáng ghi nhớ; có những khúc nhạc cũng tương tự như thế… Thế thì, « ghi nhớ vào ký ức » tức là chìm đắm vào trải nghiệm, tìm lại những lúc phấn chấn ban đầu, những lễ đính hôn, cũng như múc lấy nghị lực để tiếp tục lên đường. Khi Chúa nói (qua trung gian ông Mô-sê) « Hãy nhớ »; « Đừng quên » đó là Ngài gọi trở về nguồn cội của trải nghiệm nền tảng của Giao Ước.

Thật vậy, điều ông Mô-sê nhắc lại cho dân mình là trải nghiệm sống còn của Giao Uớc suốt những chuỗi ngày. Ông gợi lại những sự kiện hết sức cụ thể: « Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc » (c2). Dĩ nhiên đó là lịch sử trong « Xuất Hành ». Và ông nhắc lại tất cả những thử thách đời sống trong sa mạc: « phải cùng cực, phải đói… sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. » (c 3…15). Ông cũng nhắc lại chính Chúa đã cho họ vượt qua những khó khăn ấy: « … đã cho anh (em) ăn man-na là của ăn anh (em) chưa từng biết và cha ông anh (em) cũng chưa từng biết » (c3); Người đã dẫn anh (em) đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh (em) uống » (c15)… Đoạn này nhắc lại cho chúng ta tất cả thời gian vượt qua sa mạc Si-nai, được kể lại trong sách Xuất hành hay sách Dân số. Tất cả những điều ấy, đó là cái giá phải trả để được có tự do.

Nhưng thật lạ lùng, ở đây ông Mô-sê trình bày những thử thách ấy như thời gian tập sự Chúa đòi hỏi: « Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em) » (c2). Trong thử thách ấy ta tìm thấy sự thật, hai sự thật: sự thật về sự nghèo khó của chúng ta và sự thật về lòng trắc ẩn không đổi thay của Thiên Chúa. Không có những can thiệp liên tục của Thiên Chúa, dân chúng có lẽ đã phải chết dần chết mòn: trước hết vì đói và khát; còn những người sống sót không chết vì đói khát thì cũng sẽ chết vì rắn và bò cạp. Nhưng có Chúa hiện diện, mỗi lần như thế Ngài can thiệp vào và bài tường thuật nói rõ như một phép lạ trong mỗi lần Chúa hành động: bánh ma-na là một lương thực chưa bao giờ có trước đây « …cho anh (em) ăn man-na là của ăn anh (em) chưa từng biết và cha ông anh (em) cũng chưa từng biết » (c3) Còn nước: « Người đã dẫn anh (em) đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước (mà không chết). Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh (em) uống. » 

Tất cả những điều ấy là phương pháp sư phạm của Chúa. Một câu khác trong chương này nói: « Suy nghĩ lại, anh (em) phải nhận biết rằng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), giáo dục anh (em), như một người giáo dục con mình. »(Đnl 8, 5). Tất cả chương trình sư phạm ấy chỉ có một mục đích duy nhất: để cho chúng ta có thói quen tự nhiên nói « chính là Ngài »: « Anh (em) phải nhớ lại … Thiên Chúa của anh (em), Đấng đã đưa anh (em) ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. » 

Nhưng tại sao phải học những thứ ấy ? Có lợi ích gì cho ai ? Chúa cần chúng ta có lời cám ơn như thế sao ? Có phải Ngài như những ân nhân chờ đợi sự biết ơn đời đời không ? Dĩ nhiên là không. Nghĩ như thế là, một lần nữa chúng ta tưởng tượng một Thiên Chúa giống hình ảnh chúng ta. Sự thật là, sở dĩ Chúa muốn chúng ta nhìn nhận chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài, vì đó là lẽ sống của chúng ta. Sách Sáng Thế nói chúng ta sống nhờ vào hơi thở của Ngài; sách Đệ Nhị Luật nói cách khác: « người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra »  (c3), hơi thở của Ngài, Lời nói của Ngài.

Chúa muốn dân Ngài được tự do; Ngài không muốn chúng ta trở thành nô lệ người khác. Thế nhưng chúng ta biết rằng bài này, cũng như tất cả sách Đệ Nhị Luật không phải từ ông Mô-sê; sách được viết rất lâu sau ông, chính vào lúc sợ rằng từ từ dân được Chúa chọn rơi vào quên lãng. Cư ngụ trong đất Ca-na-an không còn đói khát hay những hiểm nguy của sa mạc… nhưng nay phải chống trả lại với một mối nguy mới, trầm trọng hơn nhiều: đó là sự tôn thờ bụt thần dân Ca-na. Chống lại sự lây lan ấy, chỉ có một loại thuốc ngừa: sự tín trung của dân với Giao ớc, đó là một cách cụ thể, tuân theo các điều răn.

Rõ ràng, được hay thua là chỗ ấy. Khởi đầu, bài chúng ta nói rõ: « Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em), xem anh (em) có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. » (c2). Hơn nữa câu ngay trước bài đọc chúng ta nói: « Tất cả mệnh lệnh mà tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh em hãy lo đem ra thực hành để anh em được sống, được trở nên đông đúc và được vào chiếm hữu đất mà ĐỨC CHÚA đã thề hứa với cha ông anh em. » (Đnl 8, 1).

« Người đã bắt anh (em) phải cùng cực » (c3), lời nhắc nhở có tính cứu độ vào lúc quá sung sướng, bỏ các điều răn của Giao ước vào xó các bảo tàng như những món đồ cũ. Thế kỷ này sang thế kỷ khác dân tộc It-ra-en tự xây dựng bằng cách tín trung với những gốc rễ của mình; Chúa Giê-su để chống lại kẻ cám dỗ, Ngài chỉ cần đọc lại những lời từ sách Đệ Nhị Luật: « người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra ».

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com