Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN XIII THƯỜNG NIÊN Năm A (Mt 10, 37-42) 02/07/2017

Alleluia, alleluia!

Chúa phán: « Thầy là đường là sự thật, và là sự sống,
không ai đến được với Cha mà không qua Thầy » Alleluia!

-----------------

  "Kẻ nào không mang lấy thập giá, thì không xứng đấng với Thầy;
kẻ nào tiếp đón các con, là tiếp đón Thầy"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

37 "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.

38 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.

39 Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.

40 "Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.

41 "Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.

42 "Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu."

Thoáng nhìn qua, bài này là một loạt châm ngôn, không biết Chúa Giê-su có tuyên bố một cách liên tục như thế hay không, thấy không có vẻ gì có liên quan với nhau. Nhưng một khi đọc đi đọc lại, ta sẽ khám phá ra chỉ có một lời mời gọi, một lời mời gọi hãy có những chọn lựa cần thiết, những từ bỏ do sự trung thành với Tin Mừng đòi hỏi. Ai cũng biết Tin Mừng đòi hỏi phải yêu thương ( tất cả bài giảng trên núi đã nói). Ở đây Chúa Giê-su có những đòi hỏi khác. Tôi xin xem xét lần lượt bài này từ đầu.

 

« Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy » (c37). Không nên hiểu chữ yêu trong nghĩa tình cảm gia đình thông thường; nếu không thì đây là điều mới lạ lùng! Nhưng chúng ta đang ở trong bối cảnh bị bách hại, trong lúc Chúa Giê-su nói - vì Ngài sẽ chết - đồng thời lúc Thánh Mát-thêu viết những dòng Tin Mừng này cũng thế. Trên đây một chút, theo Thánh sử, Chúa Giê-su đã cảnh báo các Tông đồ: « Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết » (Mt 10, 21). Và thêm nữa: «Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. 35 Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng;Quả thật, con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà lại hoá ra thù địch » (Mt 10, 34-35, x Mk 7, 6)

Trong mọi thời bị bách hại, có những bi kịch thê thảm xảy ra giống như trong tiểu thuyết của Corneille: phải chọn lựa giữa trung thành hay chết. Ngay khi ngoài bối cảnh bách hại với bạo lực trong xã hội, trong gia đình hay giữa những người bạn thân nhất cũng khó làm chứng cho những xác tín của chúng ta. Và có khi xảy ra những tình cảnh xé lòng trong gia đình. « Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. » (c38-39).

Vác thập giá: có nghĩa gì từ miệng Chúa Giê-su trong thời điểm này ? Đóng đinh trên thập giá là một nhục hình thông thường dành cho những kẻ rối loạn trật tự công cộng. Suốt trên đường trải dài đến Đế quốc La-mã, có lúc có hàng trăm, hằng ngàn người bị đóng đinh. Nhục hình tởm lợm và khủng khiếp này làm nhục nhã trước đám đông và người qua đường cưởi nhạo kẻ đáng bị loại khỏi dân chúng. Hơn nữa, lúc Chúa Giê-su bị kết án: không có vấn đề đóng đinh ai trong nội thành. Mọi người đều thuộc câu trong sách Đệ Nhị Luật: « vì người bị treo (đóng đinh) là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa » (Đnl 21, 23). Thánh vịnh 21 cũng nói: « Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi, thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai » (c7,8)

Thế mà, nếu các môn đệ đi đến cùng làm chứng tá, các ông cũng có những nguy cơ va chạm với chính quyền không thể nào tránh khỏi. Phải chấp nhận được ít người biết và khiêm nhường. Dù sao đi nữa, Chúa Giê-su muốn trình bày trong đoạn này rằng Ngài ý thức sẽ bị bách hại, cũng như những ai theo Ngài. Chúa nói rõ rằng: « Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. » (Ga 15, 20)

« Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. » (c40). Hình như câu này được dùng củng cố các Tông đồ, như Chúa muốn nói « Hãy đứng vững, chấp nhận nguy cơ cho Tin Mừng, là làm cho các con gần Ta và Cha Ta »

« Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. » (c41,42). Nhìn thoáng qua dường như chúng ta có cái nhìn như phải xứng đáng phần thưởng, lĩnh vực của tương quan cho và nhận; nhưng ở đây không phải lãnh vực của sở hữu, bởi vì trong tình yêu không có việc tính toán. Những gì Chúa ban cho, không thể đếm được; đó là lãnh vực của bản thể. Đó là đời sống vĩnh cửu, tức là đời sống trong vòng mật thiết với Ngài. Tất cả các Thánh là chứng tá của hạnh phúc viên mãn, chứ không phải số lượng của cải. Ngay cả trong lãnh vực thuần tuý con người, những kẻ sống với tương quan tình yêu thật sự, bất cứ như thế nào, cũng biết rằng sở hữu không thể nào so với chiều sâu của tình cảm, sự hiệp thông giữa con người với con người. Trong đoạn sau, Chúa Giê-su cũng nói: «Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp. » (Mt 19, 29)  

Thánh Phao-lô giới thiệu trải nghiệm ấy: « Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi…Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết. Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt » (Pl 3, 7; 10-12)

« Được Chúa Ki-tô chiếm đoạt » như Thánh Phao-lô nói, đó là điều đáng được hay mất, điều cốt tử. Và có lẽ đó là mối liên quan giữa các câu của Chúa Giê-su: « Được Chúa Ki-tô chiếm đoạt », như một ngọn lửa nội tâm thúc đẩy từ bỏ do Thánh Kinh đòi hỏi (từ bỏ quyến luyến, lưu tâm đến mình, chiếm hữu…). Chúng ta nghe như vang lên những mối Phúc Thật: « Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ… Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.. » (Mt 5, 8…11,12)

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com