Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN XIV THƯỜNG NIÊN Năm A (Mt 11, 25, 30) 09/07/2017

Alleluia, alleluia!

- Chúa phán: « Con chien Ta thì nghe tiếng Ta ; Ta biết chúng và chúng theo Ta. - Alleluia.

------------------

"Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.

26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

27 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.

28 "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.

29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."

 

Thánh Mát-thêu đặt những Lời này của Chúa Giê-su ngay sau những lời cứng rắn khiển trách những thị trấn dọc bờ biển Hồ, các nơi này dù được ưu đãi với sự hiện diện của Ngài và những phép lạ Ngài ban, song cũng không vì thế mà họ chịu hoán cải. Chắc chắn dân ở đây rất bị ảnh hưởng của một nhóm đạo hữu ưu tú, Phúc Âm thường nêu lên, họ hay tranh luận về những hành động và những lời của Chúa Giê-su. Trái lại với những kẻ tự cho mình « khôn ngoan và thông thái », có cả một đám đông người bình dân bao quanh Chúa Giê-su, đó là những người nghèo, mang trên vai sức nặng của cuộc sống, sự nặng nề của những luật lệ quá tỉ mỉ do những người đại diện tôn giáo, những kinh sư và Pha-ri-sêu áp đặt. Chúa Giê-su nói cho đám đông về những kẻ ấy: « Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. » (Mt 23, 2-4)   

Thế nhưng những người « vất vả mang gánh nặng nề » lại đến với Chúa Giê-su. Họ nắm bắt sứ điệp của Chúa với một chiều sâu, chỉ có thể đến từ Chúa Cha: « Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. » (c25-26). Sau này Chúa Giê-su cũng nói như thế, khi Thánh Phê-rô, một nhân vật đơn sơ, ông cũng thế, ông tuyên xưng Ngài là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống: « Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. » (Mt 16, 17)

Mỗi lần Chúa Giê-su đứng trước một biểu hiện hiển nhiên của đức tin, Ngài biểu lộ niềm vui và lòng biết ơn của Ngài đối với Chúa Cha. Một đoạn tương tự trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca bắt đầu như sau: « Ngay giờ ấy, (lúc 72 môn đệ trở về sau khi hoàn tất sứ vụ) được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha » (Lc10, 21). Phúc Âm mặc khải cho chúng ta thế nào là một lời cầu nguyện tạ ơn thật sự: nói lên hạnh phúc đứa con, thán phục trước sáng kiến của Cha là Thiên Chúa, mặc khải cho con người. Điều làm Chúa Giê-su vui mừng nữa là sự gần gũi thân tình Chúa Cha ban cho Ngài. Ngài chiêm ngắm sự hiệp nhất kỳ diệu kết hiệp Chúa Cha và Ngài: « Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho » (c27). Nhưng Ngài quay ngay về hướng đám dân nghèo ấy. Lòng từ bi nhân hậu, Ngài chiêm ngắm trong lòng Chúa Cha, Ngài truyền ban cho họ: « hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng… Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường… Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng. » (c28…30). Lời này của thánh sử nghe hẳn như tiếng vang của Tiên tri Da-ca-ri-a (Dcr 9, 9-10 x Bài đọc 1)

« Mang lấy ách » là cách nói thường dùng trong Cựu Ước và trong Do Thái giáo; đề tài này được thấy nhiều lần trong những lời mời gọi trong Sách Khôn Ngoan. Sách Huấn ca cũng như Chúa Giê-su dùng hình ảnh của ách và sự ngơi nghỉ: « Vì cuối cùng, khôn ngoan sẽ cho con được nghỉ ngơi yên hàn, và sẽ trở thành niềm hoan lạc của con. 29 Xiềng xích của khôn ngoan sẽ là nơi nương tựa vững chắc, và dây cương của khôn ngoan sẽ như trang phục huy hoàng của con. 30 Ách của khôn ngoan là đồ trang sức bằng vàng, và dây buộc của khôn ngoan là dải điều quý giá. » (Hc 6, 28-30). Chúng ta biết cái ách là gì: một thỏi bằng gỗ, thật nặng, rất chắc, thắt vào hai con vật để kéo cày. Mang ách có nghĩa là luôn luôn thắt chặt vào với một ai để đi đồng bước, cùng làm một công việc. Một khi việc này sinh lợi ích, cả hai tìm thấy hạnh phúc. Vì thế không ngạc nhiên gì hai từ ách và nghỉ ngơi dính liền, phát xuất từ Chúa Giê-su.

Cựu Ước trình bày việc tiến vào Đất Hứa như sự nghỉ ngơi trong Chúa để thưởng sự tín trung của dân Ngài. Vì thế, như một cách đối âm, bài thánh vịnh 94 (95): Chúa buồn lòng trước những phiêu bạt trái với đạo lý của dân Ít-ra-en: « Ta đã nói: Đây là dân tâm hồn lầm lạc, chúng nào biết đến đường lối của Ta, nên Ta mới thịnh nộ thề rằng: Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta. » (c10,11). Sách Do Thái cũng lấy lại hình ảnh này trong bài thánh vịnh, loan báo một ngày mới, ngày ấy với Chúa Ki-tô chúng ta, đầy tự tin đi vào nơi an nghỉ của Chúa: « Vậy, chúng ta hãy cố gắng vào chốn yên nghỉ này » (Dt 4, 11).

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com