Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt13, 24-30 hoặc 24-43) 23/07/2017

Alleluia, alleluia!

- Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

-----------------

"Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

24 Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.

25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.

26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.

27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?"

28 Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó!" Đầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?"

29 Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.

30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."

31 Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình.

32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được."

33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.

34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn,

35 hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe."

37 Người đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.

38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.

39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.

40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.

41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người,

42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.

 

Bài học từ bài dụ ngôn người gieo giống, chúng ta được nghe trong Chúa Nhật vừa qua có thể được phát biểu như sau: «Sự nảy mầm cuối cùng của Nước Trời không thể nào không có những thất bại nặng nề» Bài dụ ngôn cỏ lùng tiếp theo đúng lúc, đặt vấn đề: những lý do cội nguồn của sự thất bại ấy, phải chăng có thể được nhanh chóng lọai trừ?

Chúng ta chỉ tìm thấy trong thửa ruộng ấy người gieo giống. Trong bài tường thuật trước nói về phẩm chất đất, có tốt hay không tốt cho mùa gặt; trong bài dụ ngôn hôm nay, có sự can thiệp của một kẻ thù ban đêm gieo cỏ dại giữa đám lúa, lúa có nguy cơ bị bóp nghẹt. Người chuyển ngữ gọi đó là cỏ lùng, theo tiếng Hy-lạp là Zizanion, từ đó trong tiếng Pháp nói gieo «Zizanie», tức là gieo bất hòa. Thế nhưng khó mà thay đổi phẩm chất đất, nhưng có thể can thiệp để lọai sâu bọ. Thế nhưng câu truyện nói rằng chủ nhân không đồng ý làm như thế.

Bài dụ ngôn này cho chúng ta ít nữa hai bài học. Bài đầu tiên khởi đầu giải thích vấn đề sự dữ: không phải Thiên Chúa tạo nên sự dữ, cũng như không phải ông chủ điền gieo cỏ lùng. Từ bài tường thuật cuộc Tạo Dựng cũng đã nhấn mạnh điều này: trong lúc các tôn giáo khác cho rằng các thần thánh tạo nên sự lành cũng như sự dữ, tác giả bài hôm nay quả quyết rằng tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt đẹp! (St1, 3). Về sau, sách Gióp triển khai rất dài vấn đề đau khổ khiến không ai có thể buộc tội Chúa là nguồn cội sự dữ; ông Gióp được mời gọi chấp nhận và tín thác vào Chúa, để Ngài cứu độ chúng ta. Chúa Giê-su cũng có khuynh hướng ấy, vì thế Ngài quả quyết là chủ nhân chỉ gieo hạt giống tốt.

Bài học thứ hai: chỉ có người chủ mùa gặt mới được lựa, khi nào ông quyết định là đúng lúc phải lựa. Chỉ có Thiên Chúa, và không có ai khác hơn Ngài được nhổ tận gốc sự dữ: «Bạn là ai mà xét đoán người nhà của kẻ khác?» Thánh Phao-lô nói trong thư gửi tín hữu Rô-ma (Rm14, 4). Chúa Giê-su gọi chúng ta chấp nhận thân phận là những tạo vật, trong chúng ta xen lẫn thường trực của sự dữ và sự lành. Có thể Ngài muốn nhắm đến khuynh hướng tinh hoa chủ nghĩa hiện có đây đó trong vài cộng đồng. Ví dụ như nhiều người Pha-ri-sêu, khinh miệt những người họ gọi là lớp bình dân trong xứ, những kẻ khó tuân giữ tất cả lề luật, hết các điều răn; ngoài ra những người «Quá khích» có khi chống đối những người họ cho là nguội lạnh (bây giờ chúng ta hiểu vì đâu là nguồn gốc cuộc chiến năm 70 sau CN). Thế nhưng chỉ có Thánh Mát-thêu là thánh sử duy nhất trong các thánh sử thuật lại bài dụ ngôn này: chúng ta có thể luận ra từ đó, cộng đồng của ngài là cộng đồng đặc biệt cần nghe bài học ấy.

Một ngày kia, sẽ đến lúc người chủ mùa gặt sẽ nói giờ của sự chọn lựa đã điểm. Chúa Giê-su để giải thích cho các môn đệ, Ngài dùng thể văn, và hình ảnh cổ điển của mọi cuộc phán xét trong Thánh Kinh. Luôn luôn trong cuộc phán xét, được chia làm hai bên, một bên kẻ lành, bên kia là kẻ dữ, nhưng đừng ai nhầm: Không ai dám tự cho mình hoàn toàn tốt, mà cũng không ai có thể tự cho mình hoàn toàn xấu! Biên giới phân chia sự lành và sự dữ, trên thực tế nằm ngay trong chính chúng ta! Chúng ta tất cả đều là những bản thể bị phân chia. Khi tiên tri Ma-la-khi đối chiếu những người khiêm nhu với những kẻ kiêu ngạo (Ml3, 19), khi các thánh vịnh nói đến người công chính và phường gian ác (Tv1), khi Chúa Giê-su nói đến hạt giống tốt và cỏ lùng, tất cả đều liên quan đến chúng ta: vừa khiêm nhu vừa kiêu ngạo, công chính và gian ác, hạt giống tốt và cỏ lùng; chúng ta tìm thấy chính xác sự đối chiếu ấy trong bài dụ ngôn ngày phán xét cánh chung và trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu (Mt25, 31-46).

Như thế, trên thực tế làm sao hiểu được, và làm sao dung hòa tính thô bạo dành cho kẻ dữ và phần thưởng cho người lành, một khi mỗi chúng ta đều có trong chúng ta cả hai? Chính tiên tri Ma-la-khi cho chúng ta giải đáp: mặt trời công chính sẽ làm nẩy nở những gì là tốt, và sự dữ biến đi trong nháy mắt. Bài thánh vịnh 1 cũng nói như thế nhưng với một hình ảnh khác: hạt giống tốt sẽ được gặt hái, sự dữ sẽ bị gió cuốn đi. Chúa Giê-su giải thích: người chủ mùa gặt không đồng ý một bông lúa tốt nào bị nhổ lên cùng với cỏ lùng (13, 19), vì thế Ngài không kết án chúng ta chung cái tốt cùng với cái xấu.

Sau câu truyện cỏ lùng, Chúa Giê-su còn thêm hai bài dụ ngôn khác rất ngắn: hạt cải và men bột; hai bài dụ ngôn này dường như để cân lại với hai bài dụ ngôn quan trọng trước, đó là những cản trở của sự phát triển Nước Trời. Ngược lại, hai bài này nói lên mãnh lực nội tâm thế nào cũng sẽ triển khai một cách tuyệt vời: hạt cải và nắm men đều bị vùi xuống và biến đi, hạt cải phần nó sẽ trở nên cây to lớn, còn men làm cho bột dậy lên. Qua việc này, Chúa Giê-su gọi chúng ta phải có lòng tin, kiên nhẫn và khiêm nhường: Hãy lưu ý sự mong manh lúc ban đầu, sự nhỏ bé của hạt cải hay của men, so với tầm vóc của kết quả. Hãy nhẫn nại: mùa gặt sẽ đến.

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com