Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XVII TN NĂM A (Mt 13, 44-46 hoặc 44-52) 30/07/ 2017

Alleluia, alleluia!

- Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em - Alleuia.

-----------------

«Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thử ruộng đó» 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

44 "Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

45 "Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.

46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

47 "Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá.

48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.

49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính,

50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

51 "Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?" Họ đáp: "Thưa hiểu."

52 Người bảo họ: "Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ."

 

Đây là ba - hay nói đúng hơn là bốn - câu truyện đầy lý thú và là bốn bài học. Nơi đây tìm thấy những nhân vật vĩ đại, đối phó với những tình huống mang đầy tính cách giáo dục trong Nước Trời. Có một người cày ruộng tìm thấy một kho tàng ẩn dấu trong thửa ruộng không thuộc về mình, một kho tàng làm ông hoa mắt. Một người bán buôn đứng trước một viên ngọc trai tuyệt vời ông hằng mơ ước, những người làm nghề chài lưới mang về một mẻ lưới đầy cá, đến nỗi phải mất thời gian để lựa, thứ nào giữ lại, thứ nào vứt xuống biển và sau cùng là một điền chủ có đầy đủ tiền để tậu những gì mình cần.

Hai bài dụ ngôn đầu rất giống nhau: Hai nhân vật có một khám phá. Đối với người đầu tiên, đây là một sự hoàn toàn ngẫu nhiên; ông đang làm việc trong cánh đồng của chủ, lưỡi cày chạm vào một thứ gì được chôn cất ở đấy và có thể bị bỏ quên từ lâu: một kho báu, một phúc lộc không bao giờ ngờ, sẽ thay đổi đời mình đây! Đối với người thứ hai, trái lại, sau một thời gian dài tìm kiếm, ông mới tìm được viên ngọc của đời mình. Tin Mừng khiến chúng ta chú ý đến sự khác biệt tính tình của hai nhân vật: Người thứ nhất nở rộ niềm vui của mình trước sự khám phá («rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy» (c44)), người thứ hai không tỏ ra gì, ông chỉ lạnh lùng tính toán tiền bạc «ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.» (c46) 

Cả hai người đứng trước giá trị của những gì mình tìm thấy, bán tất cả gì mình có để mua lấy. Bài học rất rõ ràng: Nước Trời đó, anh em có cơ hội để không đánh mất: «Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.» (Mc1, 15) Đối với người thanh niên giàu có của cải thế gian và thiêng liêng, đến hỏi Chúa: «Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?» (Mc10, 17) Chúa Giê-su trả lời «Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mc10, 18…21)  Đấy là những gì Ngài chờ đợi nơi những người nhận Tin Mừng của Nước Trời. Để đáp lại, tuỳ theo tình cảnh và ơn gọi riêng của mỗi người, nhưng không lợi dụng cơ may kỳ diệu trước mặt, để làm tất cả hầu nhận được món quà hồng ân Thiên Chúa, quả thật là một đìều ngu xuẩn: Tại sao cân nhắc từng tí? Tại sao phải tính toán trước món quà như thế? Làm như thế sẽ như người thanh niên giàu có, chỉ tìm cho mình sự sầu muộn.

Chính Chúa Giê-su giải thích ý nghĩa bài dụ ngôn tiếp theo, bài người đánh cá kéo lưới đầy cá và hối hả lựa cá: «Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (c49,50). Chúng ta tìm lại nơi đây, hình ảnh kinh khủng gợi lên cảnh phán xét tận thế, khi Chúa Giê-su giải thích bài dụ ngôn cỏ lùng: Chỉ có Chúa mới biết phần nào tốt, phần nào xấu trong mỗi người. Giai đoạn cuối cùng đời người tỏ ra như một cuộc thanh tẩy lớn lao. Tất cả những gì xấu, từ nay sẽ được loại ra để lại những gì là hình ảnh giống Thiên Chúa. Đó là những gì tiên tri Ma-la Khi đã nói «Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta…Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt.3 Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc.Bấy giờ, đối với ĐỨC CHÚA, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính.» (Ml3, 1…3)   

Còn bài dụ ngôn thứ tư, ngắn hơn nhiều, chỉ giản dị so sánh «kinh sư… đã được học hỏi về Nước Trời» với người «chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ» (c52). Thật vậy, cả hai đều cần trong nhà: những đồ mới, còn tốt đem ra sử dụng, những quần áo mới mặc những ngày lễ, và cả những dụng cụ cũ đã dùng rồi nhưng ta quen tay xử dụng, những giẻ lau cũ rất cần trong nhiều trường hợp. Tóm lại những món cũ kỹ luôn luôn sẵn sàng xử dụng. Đó là điều Chúa Giê-su miêu tả «kinh sư… đã được học hỏi về Nước Trời» Kinh sư là người quen thuộc với Thánh Kinh, tức là Cựu Ước. Người môn đệ là người gắn bó với Chúa Giê-su và được nghe Chúa nói «Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời» (Mt13, 11)  Chúng ta cũng biết những mầu nhiệm được Chúa Giê-su mặc khải múc lấy cội nguồn như thế nào trong Giao ước thứ nhất; chúng ta cũng biết Giao Ước có ý nghĩa như thế nào và được Chúa Giê-su hoàn tất ra sao. Biết cả cái này và cái kia, đó chính là kho báo vĩ đại và duy nhất ấy.

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com