Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT XVII TN NĂM A (Rm 8, 28-30) 30/07/2017

"Người đã tiền định cho chúng ta trở nên giống hình ảnh Con Người"

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma

 

28 Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định

29 Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.

30 Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.

 

Hôm nay các phi hành gia bay vụt lên tận không trung, đủ độ cao so với trái đất, để chiêm ngắm nó trọn vẹn qua một ánh mắt. Các nhà thiên văn có những viễn vọng kính đủ mạnh để nhìn xuyên thấu đêm tối và có ý tưởng về tổ chức vũ trụ. Cũng tương tự như thế, Thánh Phao-lô, trong vài hàng, ngài nói cho chúng ta tầm nhìn của ngài về kế hoạch muôn thuở Thiên Chúa đang thực hiện trong lịch sử nhân loại.

Chính Chúa là Đấng có sáng kiến, dĩ nhiên rồi; và có một điều cũng tất nhiên, Thánh Phao-lô nói, đề án Thiên Chúa là một đề án tình yêu «Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người» (c28). Thế nào cũng có người buộc miệng phản đối: Thế đối những ai không yêu mến Thiên Chúa, dự án tình yêu ấy không có à? Đây là một cách hiểu sai thư Thánh Phao-lô và cả Thánh Kinh. Thật vậy, Thánh Phao-lô giải thích ngay «những ai yêu mến Chúa»: là «những ai được gọi theo kế họach của Ngài» (Dịch theo Thánh Kinh Đa Tôn TOB). Và chúng ta cũng biết «kế họach» của Chúa là qui tụ tất cả loài người, ngay cả toàn vũ trụ. Theo như bài, mọi người đều biết trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô: «Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô,» (Ep1, 9-10). Chính xác. Thánh Phao-lô chiêm ngắm điều ấy trong bài này.

Thế nhưng đây là kế họach yêu thương, thì chỉ có thể thực hiện được khi có tình yêu đáp trả. Vì lẽ ấy, từ khi khởi đầu mặc khải, Chúa nói: Hãy yêu mến Ta, hãy tin tưởng nơi Ta vì Ta yêu các con. Đó là, đối tượng của điều răn cốt tử được trao qua ông Mô-sê cho dân tộc Ít-re-en. «Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em).» (Đnl6, 5)

Thánh Phao-lô nói «những ai Người đã biết từ trước» (c29). Ở đây cũng thế, có nguy cơ làm cho hiểu lầm Chúa chọn lựa như con người thường làm: thừa nhận hay không thừa nhận một đứa trẻ, tỏ ra quay về không thờ ơ hay chống đối về đứa trẻ ấy. Chúng ta đều biết, qua Thánh Kinh ý nghĩa của chữ «biết». Chữ này có nghĩa là một cuộc gặp gỡ thân tình, sâu thẳm nhất, và cuộc gặp gỡ ấy, chính là điều Chúa đề nghị cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai. Trước hết cho dân tộc Ít-re-en, Chúa loan báo, mặc cho những lỗi lầm và chối bỏ của họ, Chúa cho toàn dân đi vào trong vòng mật thiết với Ngài: «giao ước Ta đã lập với cha ông chúng... Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: "Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA", vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Ít-ra-en sẽ tồn tại mãi» (Gr31, 32-34)  

Lời hứa ấy không chỉ dành cho dân Ít-re-en. Biết bao lần, ông Mô-sê loan báo rằng kế họach ấy của Thiên Chúa dành cho cả loài người: «Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc…Ngày ấy, người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là ĐỨC CHÚA chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ.» (Is25, 6…9) Và chỗ khác: «nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân.» (Is56, 7) (x bài suy niệm CN XX TN)  

Thánh Phao-lô miêu tả chương trình cứu độ tuyệt vời ấy bằng nhiều giai đoạn. Đây không phải diễn biến theo thời gian, nhưng là cái nhìn như một bức hình toàn cảnh, giúp khám phá ra cái lô-gíc tuyệt vời qua những sáng kiến của Thiên Chúa. Đầu tiên Ngài gửi Con của Mình; chính Chúa Con: «Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.» (Cl1, 18). Như thế, những kẻ đáp trả tình yêu của Chúa, giống Người Con đã thực hiện thiên ý cứu độ của Chúa Cha. Giống như họ bị thu hút bởi tình yêu tuyệt vời ấy để trở thành: «con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô» (Rm8, 17) Thánh Phao-lô có thể nói cuộc gặp gỡ ấy làm cho họ hoàn toàn hài hoà với Thiên Chúa (công chính), nhờ thiên tính (thánh hóa) có thể làm cho họ trở thành những tham dự viên, và ngay từ bây giờ thừa hưởng vinh quang của Ngài. Lúc bấy giờ, ta hiểu trong câu sau sự chiêm ngắm này, tại sao Thánh Phao-lô viết: «Vậy còn phải nói gì thêm nữa?» (Rm8, 31)

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com