Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN XVIII THƯỜNG NIÊN NĂM A (Rm 8, 35, 37-39) 06/08/2017

"Không một tạo vật nào có thể tách biệt chúng ta khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa
trong Đức Ki-tô, Chúa chúng ta."

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

 

35 Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?

37 Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.

38 Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,

39 trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

Những hàng này là lời kết của cả một đoạn tuyệt vời, Thánh Phao-lô kinh ngạc thán phục tình yêu Thiên Chúa. Trong chương 5 ngài nói: «Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta» (5, 5). Ở đây ngài thả hồn theo lòng, phấn chấn tràn ngập tim người tín hữu, một khi nhận rõ công trình Thiên Chúa thực hiện cho mình: «Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?» (8, 32) Không còn ai có thể bẻ gãy Giao Ước giữa thiên Chúa và chúng ta. Mọi mưu định làm chia cách tất phải bị thất bại.

Một lần nữa, Thánh Phao-lô trở lại một đề tài chính của ngài gọi là «Văn tự» hay Thánh Kinh (đối với chúng ta ngày nay là Cựu Ước): điều cốt tử của con cái A-đam là giữ nối chặt với Chúa, với hơi thở của Ngài không để Quỷ, kẻ làm chia rẽ, tách rời khỏi Thiên Chúa. Chúa Giê-su, trong sa mạc đã có lần bị quỷ tấn công, gợi ý cho Ngài tìm quyền lực, sự dễ dàng, vinh dự. Chính Thánh Phao-lô cũng làm vai trò ấy đối với Chúa khi xui Ngài phải lẩn trốn lúc nguy nan bị bách hại. Nhưng không có gì, dù là đói khát, dù là ảo tưởng thành công, có thể chia cách Người Con với Chúa Cha.

Đến phiên Thánh Phao-lô và các Tông đồ múc lấy Thần Khí Chúa Ki-tô sức mạnh để được ghép vào Ngài.

Hơn nữa, Thánh Phao-lô là mẫu gương sống động: Không «ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?...» (c35) vì tất cả những điều ấy, ngài đã trải qua…ngài kể lại các chi tiết trong thư thứ hai gửi tín hữu thành Cô-rin-tô: «Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một;25 ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi!26 Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em.27 Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng» (2Cr11, 24-27)

Sự kết hiệp mật thiết ấy, giữa Chúa Ki-tô và Thiên Chúa, được triển khai đầy đủ buồi chiều Tiệc ly: «Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy» (Ga15, 1-4) Động từ «ở lại» được Thánh Gio-an dùng rất thường dưới ngòi bút của ngài, dù trong Tin Mừng theo ngài, dù trong các thư ngài viết cho các tín hũu: Chúa Giê-su nói «Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em» (Ga15, 4). Như một tiếng vang, Thánh Gio-an viết cho các Ki-tô hữu tiên khởi: «Giờ đây, hỡi anh em là những người con bé nhỏ, anh em hãy ở lại trong Người, để khi Người xuất hiện, chúng ta được mạnh dạn» (1Ga2, 28). Thế nhưng, trong các câu ấy, có một chữ luôn luôn hiện diện, đó là chữ « tình yêu» hay động từ «yêu».

«Ở lại trong» và «yêu» là đồng nghĩa: «Đức Giê-su đáp: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.» (Ga14, 23). «Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người» (Ga15, 9-10). Đây thật sự là tình thân mật thiết giữa những Đấng thần thiêng, và chính các Ngài lấy sáng kiến. Vì thế Thánh Phao-lô nói không có gì có thể tách lìa chúng ta ra được: «Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến ….» (1Ga4, 10).

Thế nhưng, sự tự do của chúng ta vẫn trọn vẹn, và chỉ có thế, mới có thể làm trở ngại sáng kiến Đức Chúa Cha. Đặc biệt trong quan hệ của chúng ta với tha nhân, thể hiện sự gắn bó hay sự bất trung của chúng ta đối với tình yêu Thiên Chúa: «Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?» (1Ga3, 15-17). Nhưng Thánh nhân lại thêm: «Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự.» (1Ga3, 20). Ngài đã viết trước đó: «Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.» (1Ga1, 9)

Thật vậy: Chúa làm tất cả để chúng ta có thể xa lìa với tình yêu của Chúa. Chỉ cần chúng ta tin như thế và để chúng ta yêu thương .

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com