Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN XIX THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt 14, 22-33) 13/08/2017

Alleluia, alleluia !- Ngôi Lời đã làm người và đã ở gữa chúng ta.
Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia .

------------------

Xin Chúa cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

 22 Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng.

23 Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.

24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió.

25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.

26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy! ", và sợ hãi la lên.

27 Đức Giê-su liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! "

28 Ông Phê-rô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài."

29 Đức Giê-su bảo ông: "Cứ đến! " Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su.

30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với! "

31 Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi? "

32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay.

33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa! "

 

Bốn thánh sử đều viết bài tường thuật hóa bánh ra nhiều. Thánh Gio-an nói để kết luận bài Tin Mừng: «Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.» (Ga6, 15) Thánh Mát-thêu nói rõ rằng Chúa Giê-su: « liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng.» (c22). Chúa Giê-su biết rằng Vương quốc của Ngài «không thuộc về thế gian này» (Ga18, 36), vì thế Ngài không để mình bị lôi cuốn theo họ. Nhưng Ngài cũng thừa biết các môn đệ cũng chưa hiểu Mình. Ngay cả sau Phục Sinh, họ cũng còn hy vọng Đấng Mê-si-a sẽ khởi đầu một triều đại mới, bảo đảm cho một sự vinh thắng về mặt chính trị cho dân tộc Ít-ra-en. Ngày Chúa Thăng Thiên, sách Công vụ Tông đồ kể lại rằng: «Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?» (Cv1, 6) Vì lẽ ấy, không lạ gì Chúa Giê-su - để tránh cho các môn đệ bị cuốn theo lòng hồ hởi của dân chúng - bắt họ nhanh chóng lìa khỏi nơi ấy trước khi đám đông giải tán.

Thế nhưng Ngài không bỏ rơi họ. Ngài bắt đầu lánh vào cảnh tịch mịch trên núi, Thánh sử chép: «Người lên núi một mình» (c23). Chúng ta cũng biết những giây phút ấy mãnh liệt chừng nào, mỗi lần Chúa Giê-su rút đi lánh mặt: Ngài múc lấy từ cõi lòng Chúa Cha, ánh sáng và sức mạnh, để tiếp tục sứ mạng của mình. Có nhiều lần cầu nguyện với Chúa trên núi trước những lúc Ngài cần quyết định. Ví dụ: Như lúc thực hiện sứ vụ khắp xứ Ga-li-lê (Mc1, 35) hay hôm trước khi chọn các Tông đồ (Lc6, 12).

Thật vậy, đêm hôm ấy Chúa Giê-su buộc các Tông đồ bước thêm một quyết định, cho lòng tin của Phê-rô và các môn đệ, Ngài gọi họ bước «qua bờ bên kia» (c22), nơi ấy con đường của Thiên Chúa không phải con đường của chúng ta, tư tưởng của Thiên Chúa không phải tư tưởng của chúng ta. Bờ bên kia, nơi ấy các môn đệ có thể nói: «Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!» (c33) Thánh sử Mát-thêu dựng lên phim truờng đêm ấy: Cơn bão nổi lên mặt hồ, ghe thuyền đi lại khó khăn và nguy hiểm, đêm đã thâu mà thuyền chưa cập bên kia bờ.

«Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.» (c25) Cả ba Thánh sử, Mát-thêu, Mác-cô và Gio-an - cẩn thận ghi rõ sự kiện xảy ra: «Vào khoảng canh tư » tức là lúc hừng sáng. Đối với họ, từ nay mọi buổi hừng đông là buổi ban mai tốt nhất, Phục Sinh là buổi ban mai của sự sống thật. Sau khi chiến đấu cho cuộc sống trong bảo táp và bóng tối, Chúa Giê-su trở về với các Tông đồ…và Ngài làm như thế bằng cách: «đi trên mặt biển mà đến» (c25). Đối với người am hiểu Thánh Kinh, biển - và nhất là khi biển động - biểu hiện cho sự chết. Dưới ánh sáng mầu nhiệm Phục sinh, các Thánh sử nhận ra nơi sự kiện này, một tiên tri Mô-sê vừa giải thoát dân khỏi sóng gió Biển Đỏ, hay tiên tri Giô-su-ê đem dân vào Đất hứa, vượt qua sông Gio-đan, cả hai đều qua «bờ bên kia», bên bờ của tự do và phì nhiêu. Một lần nữa, đây là những điều kỳ diệu Thiên Chúa «không ướt chân» đã dựng lên một hành lang lạ lùng giữa hai bức tường nước. Còn Chúa Giê-su, Ngài đi trên mặt biển, có nghĩa là quyền lực của sự chết, nằm trong sóng nước, không thể nào cản được Ngài. Ngài chế ngự chúng.

Thế nhưng lúc bấy giờ, cảm xúc chế ngự tất cả người trên thuyền là sự sợ hãi: «Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy", và sợ hãi la lên.» (c26). Những lời ấy ít ra có tác dụng trấn an Phê-rô. Ông hết lòng tin tưởng nơi Thầy mình nên không ngần ngại nói với Ngài: «Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài» (c28). Chúng ta biết đoạn sau xảy ra như thế nào: Phê-rô bước ra khỏi thuyền, đi vài bước, nhưng vì hoãng sợ, bắt đầu chìm xuống nước và gọi Chúa Giê-su cứu mình. Ngay lúc ấy, Chúa đưa tay đỡ lấy người môn đệ, miệng thốt ra như một lời, rõ ràng là một lời mắng yêu: «Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi? » (c31)

Những cộng đồng Ki-tô tiên khởi từng bị những làn sóng bách hại. Qua trải nghiệm, biết thế nào là khó khăn để đi đến cùng đức tin. Thật không thừa, để nuôi dưỡng lòng tin của họ bằng những bài tường thuật như thế này.

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com