Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN XXII THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt 16, 21-27) 03/09/2017

Alleluia, alleluia!

- Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống, Chúa có những lời ban sự sống đới đời. - Alleluia.

-----------------

 « Nếu ai muốn theo Thầy thì từ bỏ mình» 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu

 

21 Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.

22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! "

23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

24 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.

25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.

26 Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?

27 "Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.

 

Bài tường thuật xảy ra sau sự kiện đáng ghi nhớ, Thánh Phê-rô tuyên xưng đức tin và được Chúa Giê-su đáp lại: «Này anh Si-môn, con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời» (Mt16, 17). Cũng như các mối phúc thật, câu «anh thật là người có phúc» nghe như lời khen và một lời khuyến khích. Và, thật vậy, phải có nhiều can đảm lắm, Thánh Phê-rô mới có thể giữ lòng trung tín với lời tuyên xưng đầu tiên ấy. Vì thánh nhân chưa đo lường được tầm quan trọng của lời tuyên xưng này; Chúa Giê-su không ngớt làm anh ngạc nhiên. Thật vậy, Chúa đã chấp nhận, hơn nữa chỉ ngầm thôi, để Thánh Phê-rô nhận ra Mình là Đấng Mê-si-a (Cha của Thầy mặc khải cho anh điều ấy) và liền lúc ấy, Chúa trình bày chương trình của Ngài, chương trình này không khớp chút nào với ý nghĩ mọi người về Đấng Mê-si-a: «Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ …» (c21), đây là thế giới đảo ngược: Một vị vua không khí giới, không đặc quyền…, còn tệ hơn nữa, một vị vua bị hành hạ và còn có vẻ ưng thuận như thế…Chúa nói phải đau khổ nhiều và còn bị giết chết! Lạ thật!

Thánh Phê-rô có lý khi nổi dậy. Cũng như mọi người thời ấy, thánh nhân chờ đợi một Đấng Mê-si-a - Vua vinh thắng, oai phong, uy quyền và đánh đuổi quân ngoại bang La-mã ra khỏi vĩnh viễn đất Pa-lét-tin. Trong lúc những gì Chúa Giê-su tuyên bố thì không chấp nhận được. Thiên Chúa uy quyền không thể nào để xảy ra như thế! Có thể đặt cho bài này tựa đề: «Lời chối Chúa đầu tiên của Thánh Phê-rô», lần đầu từ chối theo Đấng Mê-si-a trong đau khổ. Chúa Giê-su tiếp nhận sự từ chối bộc phát ấy của Thánh Phê-rô như một sự cám dỗ chính Ngài, và Chúa trả lời một cách mãnh liệt: «Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người» (c23)

Cách nhìn tự phát của chúng ta, dù rất có tính cách «đời thường», điều đó không có gì tự nhiên hơn! Thế nhưng phải để Chúa Thánh Thần biến đổi, có khi phải xáo trộn hẳn, nếu muốn trung thành với dự án Thiên Chúa. Dự án ấy của Thiên Chúa rất khác với cách chúng ta nhìn «tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi» (Is55, 8) thường được phát biểu bằng cách nói «phải chi», với nghĩa «than ôi phải chi…» Dự án Thiên Chúa, không có gì khác hơn là để thế gian được cứu độ, tức là nhân loại mới được sinh ra, một nhân loại sống nhờ lòng từ bi nhân hậu Thiên Chúa, là hình ảnh của chính Ngài. Thế nhưng, sự cứu độ không xảy ra do tác động của chiếc đũa thần: Trong trường hợp này, sự tự do chúng ta ở đâu? Sự cứu độ đòi hỏi không thể nào không có sự hoán cải con người; thế nhưng, làm sao hoán cải nếu không chỉ đường cho họ? Vì thế, Chúa Giê-su phải  đi đến cùng con đường êm dịu, hiền từ, tha thứ, để rồi đến phiên chúng ta cũng theo con đường ấy.

Dự án cứu độ Thiên Chúa, không thể nào hợp với con đường một Đấng Mê-si-a vinh thắng. Để «mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý» (1Tm2, 4), phải để cho họ được mặc khải Thiên Chúa từ bi nhân hậu giàu lòng tha thứ. Điều này, không thể nào truyền đạt bằng những hành động uy quyền, mà bằng sự dâng hiến tuyệt đỉnh sự sống của Chúa Con: «Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình» (Ga15, 13)   

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com