Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN XXX THƯỜNG NIÊN NĂM A ( Mt 22, 34-40) 29/10/2017

Alleluia, alleluia!

- Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy,
và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy. -
Alleluia.

------------------

"Ngươi phải yêu mến Chúa, là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

34 Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. –

35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng:

36 "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất? "

37 Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.

38 Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất.

39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.

40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy."

 

Thoáng đọc qua đoạn này, ta thấy không có gì mới lạ trong cách trả lời các người Pha-ri-sêu của Chúa Giê-su. Ai cũng biết hoàn toàn hai điều răn ấy, cả hai đều có trong Lề Luật Ít-ra-en : « Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, ngươi phải yêu người thân cận …Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.» Điều răn này được viết trong sách Đệ Nhị Luật chương 6 ; điều này thuộc về kinh Tin Kính Ít-ra-en. Còn điều răn thứ hai  « Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình» nằm trong sách Lê-vi ( Lv19, 18). Nhưng thế tại sao câu hỏi này của người Pha-ri-sêu và cách trả lời của Chúa Giê-su được Thánh sử Mát-thêu giới thiệu như một giai đoạn quan trọng trong cuộc tranh cải giữa Chúa Giê-su và người Pha-ri-sêu?

Văn cảnh ở đây rất quan trọng: Trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu chúng ta hiện còn trong thời gian giai đoạn chót giữa cuộc tiến vào Giê-ru-sa-lem vinh hiển và cuộc Thương Khó. Các cuộc tranh cải kế tiếp nhau giữa người đám đông nhận ra là Đấng Mê-si-a  và các giáo quyền tin rằng họ, và chỉ có họ mà thôi, mới có thẩm quyền nhận ra đấng Mê-si-a thật. Chúa Giê-su đã kể ba bài dụ ngôn ( bài hai người con và các người làm vườn sát nhân, và sau cùng là buổi tiệc cưới với người không mặc áo lễ cưới). Bây giờ đến lược giáo quyền đặt lại ba câu hỏi, với ngụ ý gài bẩy Chúa : câu hỏi về nộp thuế cho Xê-da, câu về người chết sống lại và câu hôm nay: « Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất? »  (c36)

Người ta hỏi Chúa về Lề Luật, Ngài trả lời bằng hai câu trong Lề Luật, nhưng Ngài không cho một thứ bậc nào giữa 613 điều răn, ngay cả hai câu này, vì dưới mắt Ngài là như nhau. Chúa cho rằng hai câu này tóm lại ý nghĩa tất cả các câu trong Lề Luật : « Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy."»(c40).

Thật đúng vậy, các ngôn sứ và các điều răn đều nói lên rõ ràng hai điều răn này. Đối với Lề Luật chỉ cần đọc lại bia Thập Giới mà chúng ta gọi là mười điều răn : các điều răn đối với Chúa Trời được theo ngay các điều răn đối với tha nhân. Toàn bộ Luật ( Bài đọc 1) khi nói đến cách đối xử với tha nhân - đặc biệt với người nghèo, cô nhi quả phụ và những người ngoại kiều - đều nói hãy tuân theo nhân danh Giao Ước với Thiên Chúa, Chúa mà ta phải yêu hết lòng hết sức hết linh hồn…

Các ngôn sử chỉ nhắc lại mối liên quan giữa hai điều răn. Ví dụ như trong sách Tiên tri I-sa-i-a : « Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?»(Is58, 6) Hay là trong sách Tiên tri Mi-kha : « Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.»( Mk6, 8)

Tóm lại, trong Lề Luật cũng như theo các Ngôn sứ, bài học quan trọng nhất là : nếu anh em muốn là con cái Chúa đã cứu độ anh em, thì đến phiên anh em cũng phải là người giải thoát.  Điều này có nghĩa là câu  « ngươi phải yêu», đòi hỏi một thái độ thực tế, hơn chỉ là một tình cảm. Trên mọi phương diện ấy, các người Pha-ri-sêu hẳn đều đồng ý, nhưng đây câu hỏi khi nảy được đặt ra : tại sao phải tranh luận ?  Có thể tưởng tượng hai lý do.

Lý do thứ nhất, phải thoát ra khỏi não trạng lề luật. Các người Pha-ri-sêu suốt ngày cải nhau xem điều răn nào là lớn nhất ; một khi có những gì xảy ra, bị bó buộc phải có thứ bậc giữa các điều răn. Câu hỏi của họ rõ ràng về điểm này : « Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất? »(c36). Chúa Giê-su kêu gọi họ hoán cải hoàn toàn : đối với Chúa, không phải ở trong lĩnh vực tính toán, những gì phải làm mới đúng luật, ở đây chỉ có luật duy nhất là luật yêu thương. Thánh Phao-lô từng là người có trải nghiệm một người Pha-ri-sêu hoán cải, sau này viết cho tín hữu thành Rô-ma : «anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng. »(Rm6, 14). Và nếu chúng ta đi vào lô-gíc của tình yêu, hai điều răn ấy như nhau, cả hai đều cùng bản chất. Lẽ dĩ nhiên, vì không có hai loại tình yêu, một tình yêu Thiên Chúa và một tình yêu tha nhân. Điều thứ hai này minh chứng cho điều thứ nhất ; như Thánh  Gio-an nói : «  Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.»(1Ga4, 20)  

Lý do thứ hai, Chúa Giê-su trách họ làm hư hỏng Lề Luật. Có vài cách thực hành phản lại Lề Luật ; luật này Thiên Chúa trao ban để tìm con đường đi đến tự do và sự sống nhưng cũng có thể là con đường dẫn đến nô lệ, ngay cả đến chỗ chết : ví dụ như luật nghỉ ngày sa-bát dẫn tới bỏ rơi bệnh nhân hay một người sắp chết, điều này phản lại luật phục vụ tha nhân. Bằng chứng ngày nọ người Pha-ri-sêu trách các môn đệ Chúa bứt lúa, ăn trong một cánh đồng ngày Sa-bát : « Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát! »và Chúa Giê-su trả lời họ : « Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội»   ( Mt12, 1-8) Vì thế, điều Chúa trách những người Pha-ri-sêu, nhân danh Lề Luật, là họ quên luật yêu thương.

Chắc chắn đây là một đề tài Thánh Mát-thêu rất quan tâm, ngài là người duy nhất trong các thánh sử trích hai lần câu của Tiên tri Hô-sê : « Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ »(Hs6, 6) , và cũng chính ngài thuật lại bài dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng : « Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.»(Mt25, 40)  

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com