Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM A (1Tx 2, 7b-9.13) 05/11/2017

"Chúng tôi muốn giao phó cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa,
mà còn mạng sống chúng tôi nữa."

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

 

(Xin chú ý, câu (1Tx2, 7b) thiếu trong bản Thánh Kinh “Lời Chúa cho Mọi Người” và trong File của Vietcatholic, có thể tìm trong “Kinh Thánh trọn bộ”, nhà xuất bản TPHCM 1999)

7 Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ

8 Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.

9 Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em.

13 Bởi thế, về phần chúng tôi, chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu

 

Nếu đọc đoạn này từ Thánh kinh, chúng ta sẽ đọc: «Trái lại, Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ.» Chữ trái lại ở đây là một gạch nối với những gì được nêu lên trước, đó là một danh sách các điều cám dỗ mà các anh em trong cộng đoàn không sa ngã: «Không bao giờ chúng tôi đã dùng lời xu nịnh, như anh em biết; không bao giờ chúng tôi đã viện cớ để che đậy lòng tham, có Thiên Chúa chứng giám;6 không bao giờ chúng tôi đã tìm cách để được một người phàm nào tôn vinh, dù là anh em hay người khác,7 trong khi chúng tôi có thể đòi anh em phải trọng đãi, với tư cách là Tông Đồ Đức Ki-tô,…Trái lại, khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng.» (1Tx2, 5-7)  

Từ ngữ Hy-lạp được dịch ở đây là dịu dàng chỉ được Thánh Phao-lô dùng hai lần, lần thứ hai là trong Thư thứ hai gửi Ti-mô-thê: «người tôi tớ Chúa thì không được cãi cọ, nhưng phải dịu dàng với mọi người» (2Tm2, 24); đây là một lời khuyên nhủ cho những ai thực hiện uy quyền. Dịu dàng không có nghĩa là chải chuốt màu mè, nhưng thường được xem là đức tánh của kẻ mạnh. Hơn nữa, người mẹ chăm sóc trẻ thơ không nhất thiết là không cương nghị: Một người mẹ thật sự phải biết có uy quyền trong nghĩa tốt đẹp của nó, có nghĩa là «làm cho lớn lên». Hình ảnh người mẹ ấy, Thánh Phao-lô vốn là người Pha-ri-sêu từng thông thạo Lời Chúa, múc lấy từ Cựu Ước: Ví dụ như trong Thánh vịnh 130, chúng ta được đề nghị nghe trong phụng vụ Chúa nhật hôm nay. Nhưng cũng có trong lời Tiên tri I-sa-i-a: «Vì ĐỨC CHÚA phán như sau: Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về.» (Is66, 12-13)   

Và như người mẹ đầy lòng trìu mến, các Tông đồ chẳng những trao một sứ điệp, các ngài còn trao hoàn toàn chính mình nữa: «Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa» (c8). Để cho các tín hữu thành Thê-xa-lô-ni-ca không mất đi Tin Mừng, Thánh Phao-lô và các môn đệ sẵn sàng hiến cả thân mình. Và đó không chỉ là những hình ảnh: Chúng ta còn nhớ cuộc rao giảng của các Thánh Phao-lô, Si-la, và Ti-mô-thê, trong các thành ngài đi qua - đặc biệt là Thê-xa-lô-ni-ca - họ đều gặp đối kháng, bách hại và nguy cơ đến tính mạng. Vì thế họ phải gấp rút ra khỏi một cộng đồng vừa mới được thành lập để đi rao giảng Tin Mừng nơi khác.

Ta không khỏi ngạc nhiên, trong một đoạn ngắn này, Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến các từ ngữ: «đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa» (c8); «suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em»(c9); «khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa» (c13). Từ cách nhấn mạnh ấy chúng ta có thể rút ra ba điều.

Thứ nhất là tính cấp bách phải loan truyền Lời Chúa.  Lời Ngài trao gởi cho chúng ta. Nếu chúng ta không loan báo, ai sẽ làm đây? Trong thư gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô nói đến một gánh nặng cho ngài: «Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.» (1Cr9, 16-18). Trong bài này, Thánh Phao-lô cũng nói như thế cho tín hữu thành Thê-xa-lô-ni-ca: «Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em.» (c9).

Điều thứ hai, lời các Thánh Tông đồ rao giảng không phải lời của con người: «khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy» (c13). Tông đồ của Tân Ước là ngôn sứ thời Cựu Ước, tức là «Lời từ miệng Thiên Chúa»; con người nói, nhưng Thần Khí Thiên Chúa làm cho nghe được qua con người. Vừa là tính vĩ đại, và vừa là giới hạn của vai trò người rao giảng: Con người nói lên lời từ lòng tin, nhưng lòng tin chính Thiên Chúa ban cho.

Sau này Thánh Phao-lô nói cho tín hữu thành Cô-rin-tô: «Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.» (1Cr2, 4-5) Các bạn hẳn còn nhớ lời của  Bernadette Soubirous nói với linh mục chánh xứ Lộ Đức, ông không tin vào lời của Bà: «Bà không đòi hỏi ngài phải tin, Bà chỉ bảo tôi nói lại mà thôi» Chúng ta nhận ra nơi đây, sự từ bỏ và lòng khiêm nhu của người Tông đồ. Lời ấy không mấy thuộc về các ngài, nên các ngài không cả dám làm chủ được hậu quả các lời ấy.  

Điều thứ ba, bởi một khi lời ấy được đón nhận và ý thức là Lời của Chúa, lời ấy có tác dụng biến đổi lòng người và đời sống người tín hữu: «Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ» (Rm1, 5). Chúng ta biết rõ từ ngữ «vâng phục» của Thánh Phao-lô. (Theo gốc tiếng La-tin trong Pháp ngữ) «vâng phục» là đặt tai nghe dưới lời nói, tức là nghe với lòng tin tưởng, bởi vì đó là một lời yêu thương. Người Tông đồ chỉ đem người nghe đến với Lời Chúa; từ đó lệ thuộc vào sự tự do của người nghe. Trong giai đoạn thứ hai, tận trong đáy lòng, lắng nghe có thể là «vâng phục vào đức tin» tức là tin tưởng và tự nguyện phục tùng. Từ đó mọi sự sáng lên và mang lấy ý nghĩa. Qua trải nghiệm đều biết thế: mỗi lần chúng ta cố gắng khám phá thêm Lời của Chúa, chính hành động của đức tin tiên khởi giúp chúng ta được mặc khải tốt hơn mầu nhiệm kế hoạch yêu thương Thiên Chúa. Có lẽ đó là loại đất tốt được nói trong bài dụ ngôn người gieo giống.

Rốt cục, các bài đọc Chúa nhật hôm nay có tính cách hết sức hội tụ. Sau các lời khiển trách của Tiên tri Ma-la-khi hướng về các tư tế dân tộc It-ra-en, Thánh Phao-lô trong thư gửi Giáo hội Tê-xa-lô-ni-ca, ngài tỏ ra là người mục tử gương mẫu; người mang lời không phải của chính mình mà là Lời của Chúa, ngài sống chỉ để mang của ăn cho cộng đồng các môn đệ của mình. Một sự âu yếm tình mẫu tử, gắn liền với cộng đồng ấy, không còn kể gì đến khó nhọc mệt mỏi nữa: Ngài hoàn toàn quên mình. Niềm vui lớn nhất của ngài là nhận thấy dân thành Tê-xa-lô-ni-ca được mặc khải nhờ lời ngài, sứ điệp Lời Chúa làm cho họ được sống.

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com