Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM A (Ml 1, 14b.2b.8-10) 5/11/2017

"Các ngươi đã đi sai đường lối, và làm cho nhiều người vấp phạm lề Luật"

Trích sách Tiên tri  Ma-la-khi.

 

1, 14Ta là Đức Vua cao cả, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán -, và danh Ta được kính sợ giữa chư dân.

2 Nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Ta, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán -, Ta sẽ khiến các ngươi mắc tai hoạ, Ta sẽ biến phúc lành của các ngươi thành tai hoạ. Phải, Ta biến phúc lành ấy thành tai hoạ, vì các ngươi chẳng lưu tâm gì cả.

.8 Nhưng các ngươi, các ngươi đã đi chệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Các ngươi đã huỷ hoại giao ước với Lê-vi, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán.

9 Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi áp dụng Luật.

10 Tất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế mà sao chúng ta lại bội phản nhau mà vi phạm giao ước của cha ông chúng ta?

 

Tùy theo thứ bậc của mình, mỗi người nhận lãnh cho xứng một bài học từ Tiên tri Ma-la-khi: Các tư tế và dân chúng, mọi người bị khuyến cáo như nhau. Các tư tế bị trách «huỷ hoại giao ước» (c8), các giáo dân thì «vi phạm giao ước của cha ông» (c10). Điều thú vị: Hai loại người không nhận cùng một từ ngữ giống nhau, có nghĩa là trách nhiệm không cùng một thứ bậc. Đã nghe lời dữ dội của bài này, ta có thể đoán bối cảnh lúc ấy. Đó là thế kỷ thứ V trước CN, có lẽ vào năm 470 trước CN. Từ khi ở Ba-by-lon trở về, có sự thả lỏng về luân lý cũng như về tôn giáo, tức là trái ngược hẳn với những gì tưởng tượng. Từ lúc lưu đày ở xa, người ta lý tưởng hóa ngày hồi hương này: Trở về quê hương xứ sở, nhất là trở lại cuộc sống đức tin bình thường, cầu nguyện và tình huynh đệ, đó là lý tưởng của Giao Ước.

Còn Thiên Chúa, Ngài không thay đổi, Tiên tri Ma-la-khi bắt đầu sách bằng những chữ: «Ta đã yêu thương các ngươi» (Ml1, 2) và bằng cách xưng hô «Ta là cha» (Ml1, 6). Trên những nền tảng ấy, vị ngôn sứ nhắc lại cho dân Ít-ra-en những đòi hỏi của lòng tín trung vào tình yêu đó. Các tư tế là người phục vụ Lời Chúa, vì thế họ phải rao giảng không được làm méo mó. Lòng trung thành của họ đối với Giao Ước, được đo bằng sự trung tín lời Chúa khi họ rao giảng…Và, nếu theo lời bài này, các tư tế đương thời xứng đáng được một lời khuyến cáo nghiêm khắc. Còn về phần tất cả dân chúng, mức đo lòng trung tín với tình phu tử của họ đối với Thiên Chúa là phẩm chất sự giao hảo giữa họ với nhau. Điều thú vị là trong sách rất ngắn của Tiên tri Ma-la-khi đã nói lên ba yếu tố quan trọng nhất của đức tin Do Thái: Thiên Chúa là Cha; Ngài đề nghị Giao Ước; sống Giao Ước không thể tách rời với phục vụ Thiên Chúa, phục vụ anh em. Tất cả những điều ấy chúng ta nhận thấy được gom đủ trong bài hôm nay.

Trước tiên cũng phải nói đôi lời về câu: «14Ta là Đức Vua cao cả, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán -, và danh Ta được kính sợ giữa chư dân» (c1, 14) Đức Vua cao cả là tước hiệu dành cho các vua At-xua, trong những thời vinh quang của họ (còn dấu vết trong sách Các Vua); vì thế không lạ gì vị Tiên tri gán cho Thiên Chúa tước hiệu ấy, để xác quyết rằng chỉ có một Đức Vua Cao Cả thật sự, Chúa dân tộc Ít-ra-en. Nhưng thật sự, câu ấy đượm màu châm biếm, vì đó chính là những gì các tư tế cho người hành hương hát trong Đền Giê-ru-sa-lem: Các câu như: «CHÚA là Vua muôn thuở muôn đời» Tv10, 16); «Chúa Tể càn khôn: chính Người là Đức Vua vinh hiển» (Tv24, 10); «ĐỨC CHÚA là Chúa Trời cao cả, là Đại Vương trổi vượt chư thần,» (Tv95, 3) là những câu thường nghe trong Thánh vịnh. Chúng ta nhận ra các câu ấy có thể là các mẫu gương của bài Tiên tri Ma-la-khi: «Vì ĐỨC CHÚA là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu. Chính Người bắt muôn dân muôn nước» (Tv47) Hay hơn thế nữa: «CHÚA là Vua hiển trị: chư dân phải rụng rời; Người ngự trên các thần hộ giá: địa cầu phải chuyển rung. Ở Xi-on, CHÚA quả là vĩ đại, Người trổi vượt trên tất cả mọi dân. Chư dân hãy xưng tụng danh Ngài, danh vĩ đại khả tôn khả uý, danh thánh thiện dường bao!» (Tv99,1-3) Ở đây Tiên tri Ma-la-khi trắng trợn nói bóng gió xa gần. Thường hay hát lên những bài thánh ca như thế, nhưng các ông là những người đầu tiên, những tư tế là những người trước tiên đã phản bội kẻ các ông cho là vua …

Thế nhưng, phần của các tư tế đặc biệt quan trọng. Như sách Đê-nhị luật nói, nhiệm vụ chủ yếu của chi tộc Lê-vi (tức là các tư tế) là đảm nhận việc rao giảng và phụng tự: «Chi tộc Lê-vi đã tuân thủ lời Ngài và đã giữ giao ước của Ngài. Họ dạy những quyết định của Ngài cho nhà Gia-cóp, luật của Ngài cho Ít-ra-en. Họ dâng hương thơm để Ngài thưởng thức, và lễ toàn thiêu trên bàn thờ Ngài.» (Đnl 33, 9-10). Tất cả, có thể nói là chương trình…nhưng ai trong chúng ta có thể cho mình là trung tín trong mọi điều với sứ mạng của mình. Và nếu hiểu theo bài sách Tiên-tri Ma-la-khi này, các tư tế đương thời, đặc biệt xứng đáng với những lời cảnh báo khắt khe vừa nghe. Sứ vụ càng cao  quý, và quan trọng, thì trách nhiệm càng nặng. Trong những câu trong tài liệu không thuộc về phụng vụ hôm nay, Tiên tri Ma-la-khi nhắc lại sự cao quý của vai trò phụng vụ ban đầu của hai ông Mô-sê và A-a-ron: «Giao ước của Ta với nó là sự sống và sự bình an: Ta đã ban những thứ ấy cũng như sự kính sợ cho nó. Nó sẽ kính sợ Ta và kinh hãi trước Danh Ta. Miệng nó nói lời lẽ chân thật và môi nó không nói lời gian ác! Nó đi với Ta trên nẻo đường bình an và ngay thẳng; nó đã làm cho nhiều người cải tà quy chính. Thật vậy, môi của tư tế chất chứa sự hiểu biết và người ta tìm điều Luật dạy nơi miệng nó; quả thế, nó là thần sứ của ĐỨC CHÚA các đạo binh» (Ml2, 5-7)  

Nhưng đã là sứ vụ thì có trách nhiệm. Chính đối với những người được đặt nhiều tin cậy là những người sẽ bị nhiều khiển trách! Vì thế Tiên tri Ma-la-khi tiếp tục: «Nhưng các ngươi, các ngươi đã đi chệch đường…» (c8). Như thế chớ ngạc nhiên đến các hệ quả: Tiên tri nhận xét hàng giáo sĩ mất hết ảnh hưởng và lòng kính trọng. Đối với những người ngạc nhiên, ngài giải thích: Thái độ các ông làm méo mó đi hình ảnh Thiên Chúa, thì đừng ngạc nhiên khi dân chúng quay mặt đi với cái biếm họa của các ông. Vì thế mới có câu kinh khủng này: «Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân,» (c9)  

Trong sách Tiên tri Ma-la-khi, ta tìm lại những tiếng vang của sách Đệ-nhị-luật (biết rằng sách ĐNL được ra đời rất lâu sau đó); nhưng cũng một luồng tư tưởng thần học được phát biểu như thế: «Nếu anh (em) không lo đem ra thực hành tất cả những lời của Luật này, chép trong sách này, và kính sợ danh hiển hách và khả uý này: ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), thì ĐỨC CHÚA sẽ làm cho anh (em) và làm cho dòng dõi anh (em) phải mang những vết thương lạ, những vết thương nặng và dai dẳng, những bệnh ác độc và dai dẳng.» (Đnl28, 58-59) Và Tiên tri Ma-la-khi không phải là người đầu tiên nói lên điều này, ví dụ như Ngôn sứ Hô-sê: «Giữa ban ngày, chính ngươi sẽ vấp ngã, ban đêm, cả ngôn sứ cũng vấp ngã như ngươi. Ta sẽ bắt mẹ ngươi phải chết.» (Hs4, 5); và sau này, Ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng nói: «Hàng tư tế cũng chẳng thèm hỏi: "ĐỨC CHÚA ở đâu? Các chuyên viên Lề Luật chẳng biết đến Ta, các mục tử thì chống lại Ta, còn ngôn sứ lại nhờ Ba-an mà tuyên sấm, chúng đi theo những thần vô tích sự. Bởi vậy, Ta sẽ còn tố cáo các ngươi» (Gr2, 8-9a). Lời buộc tội của ngôn sứ Giê-rê-mi-a còn nặng hơn nữa: «…thiếu tư tế, lề luật không chết, thiếu hiền nhân, không thiếu ý kiến, thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo. Đến đây, ta hãy dùng lời nó mà hại nó, và phải hết sức để ý đến mọi lời nó nói…» (Gr18, 18b). Tức là uy quyền của họ chỉ dành để biện bạch cho bất cứ việc gì!

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com