Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CN II MÙA VỌNG - Năm B (Tv 84, 9-14) 10/12/2017

Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con

(Chúng ta đã xem bài này ngày Chúa nhật XIX năm A (13/8/2017)

 

9 Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán,
điều CHÚA phán là lời chúc bình an
cho dân Người, cho kẻ trung hiếu
và những ai hướng lòng trí về Người.

10 Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa,
để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.

11 Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,
hoà bình công lý đã giao duyên.

12 Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,
công lý nhìn xuống tự trời cao.

13 Vâng, chính CHÚA sẽ tặng ban phúc lộc
và đất chúng ta trổ sinh hoa trái.

14 Công lý đi tiền phong trước mặt Người,
mở lối cho Người đặt bước chân.

 

Bài Thánh vịnh 84 (85) được sáng tác sau khi dân Ít-ra-en bị đày từ Ba-by-lon, ngày về ấy sau bao nhiêu năm chờ đợi, bao năm hằng mong ước; lẽ ra phải là một sự canh tân tuyệt vời: Trở về quê nhà, làm lại cuộc đời mới…Chúa xóa hết quá khứ…làm mới lại tất cả…Thực tế không mấy tốt đẹp như thế.

Trước hết, thường người ta lấy những quyết định tốt đẹp, ước mơ làm lại từ đầu (phải chăng tất cả chúng ta đều từng làm như thế?), rốt cục chúng ta đều luôn quay trở lại gần như ban đầu…Thật đáng thất vọng! Thoạt đầu, dĩ nhiên là  lỗi với Lề Luật, bất trung với Giao Ước. Sau đó, cũng phải nói cuộc lưu đày Ba-by-lon kéo dài gần 50 năm (từ 587 đến 538 trước CN). Thế nhưng, lúc ấy người bị đày là những người nam, người nữ mạnh giỏi, đa số đã lớn tuổi, họ sống sót sau một hành trình gian khổ: Vượt sa mạc, chia cách giữa Ít-ra-en và Ba-by-lon. Điều này có nghĩa 50 năm sau, lúc hồi hương, nhiều người trong họ đã chết; những người quay về - hoặc là người còn trẻ lúc ra đi năm 587 - dĩ nhiên trí nhớ của họ về quê hương rất mập mờ - hoặc là người từ thế hệ sanh ra trong thời bị lưu đày. Trên đường về phần lớn là thế hệ mới ấy. Điều này nói lên họ không phải là người sốt sắng lắm, cũng không có đức tin mạnh cho lắm, cũng không mấy ai được học giáo lý…Cha mẹ họ đã rất cố gắng để truyền lại đức tin của tổ tiên. Họ ao ước trở về quê hương nơi cha mẹ hằng yêu mến. Nóng lòng muốn xây lại Đền thờ và bắt đầu một cuộc sống mới. Thế nhưng, trong nước, đa số không ai biết họ, họ không được tiếp đón như hằng mơ ước. Vì vậy việc xây lại đền thờ bị phản đối kịch liệt.

 Bài Thánh vịnh hôm nay, chúng ta cảm nhận nhiều tình cảm lẫn lộn. Việc hồi hương sau kiếp lưu đày là một điều hẳn đã có: «Lạy CHÚA, Ngài đã tỏ lòng thương thánh địa, tù nhân nhà Gia-cóp, Ngài dẫn đưa về. Tội vạ dân Ngài, Ngài tha thứ, mọi lỗi lầm, cũng phủ lấp đi. Ngài dẹp trận lôi đình và nguôi cơn thịnh nộ.» (c2- 4) Nhưng, mọi việc vẫn chưa tốt đẹp, họ tự hỏi Chúa còn giận chăng: «Phải chăng Ngài giận mãi không thôi, đời lại đời cứ nuôi cơn thịnh nộ?» (c6) Rồi van xin: «Lạy CHÚA, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con.» (c8) Và họ xin ơn được hoán cải hoàn toàn: «Lạy Chúa Trời, Đấng cứu độ chúng con, xin dẫn chúng con về, đừng hận chúng con nữa.» (c5) 

Tất cả phần đầu của bài Thánh vịnh xoáy quanh động từ trở về, trở về theo nghĩa sau lưu đày, thì hẳn rồi; còn trở về với nghĩa quay về Thiên Chúa, «hoán cải», điều này khó hơn! Biết rằng sức mạnh, lòng mong muốn hoán cải là ân sủng, món quà nhưng không từ Thiên Chúa. Sự hoán cải đòi hỏi một cam kết của tín hữu: «Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán.» (c9) Lắng nghe, hiểu theo Thánh Kinh, đó là thái độ người tín hữu quay về Thiên Chúa, sẵn sàng tuân theo các điều răn, bởi vì đó là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc do Thiên Chúa vạch ra: «điều CHÚA phán là lời chúc bình an cho dân Người» (c9b), nhưng tác giả bài Thánh vịnh rất thực tế, liền thêm: «mong rằng họ không trở về rồ dại như thế nữa» (LND: câu 9c này không được dịch trong Thánh Kinh VN thường dùng của chúng ta)     

Phần cuối bài Thánh vịnh là một bài ca tuyệt vời ngợi khen lòng phó thác, có thể nói «bài ca lòng phó thác trở lại», xác tín rằng dự án Thiên Chúa, một dự án hòa bình cho muôn dân, đang xúc tiến không có gì cản được; đi đến hoàn tất. «Vinh quang (tức là sự hiện diện rạng rỡ của Thiên Chúa) hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta (c10)…Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân (c14) Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên.» (c11). Bài Thánh vịnh dùng động từ trong  thì hiện tại, nhưng tác giả không lầm đâu, không mơ đâu! Bài hát chỉ làm như để sống trước những điều ấy! Làm như ngày ấy đang đến, sau bao nhiêu cuộc chiến và những đau khổ vô ích, những hận thù ngu xuẩn, cuối cùng mọi người trở nên anh em!

Đối với những Ki-tô hữu, Ngày ấy đây rồi, ngày ấy đã đến, ngày Chúa Giê-su Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đến lượt họ hát bài Thánh vịnh này. Đối với họ, dưới ánh sáng Chúa Ki-tô, bài Thánh vịnh tìm lại mọi ý nghĩa của nó. Bài ca nói lên: «Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa,» (c10) và chính vì thế tên Chúa Giê-su là: «Chúa cứu độ» hay «Chúa giải thoát». Bài Thánh vịnh nói: «Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp» (c12) và chính Chúa Giê-su đã nói «Ta là sự thật » (Ga). Xin đừng quên chữ «Mầm» là một trong các tên gọi Đấng Mê-si-a trong Cựu Ước. Thánh vịnh trong (c10): «vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta »,trong Tin Mừng Thánh Gio-an: «Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.» (Ga1, 14) Bài Thánh vịnh: «Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán» (c9) Thánh Gio-an gọi Chúa Giê-su là Ngôi Lời Thiên Chúa. Bài Thánh vịnh: «CHÚA phán là lời chúc bình an cho dân Người» (c9); khi vừa gặp các môn đệ lúc Phục sinh, câu đầu tiên Chúa nói với họ là: «Bình an cho anh em!» (Ga20, 19) Chắc chắn, tất cả Thánh Kinh nói cho chúng ta, hòa bình là một thành quả có vẻ không thể nào con người đạt được, thế nhưng hòa bình là tương lai chúng ta, với điều kiện đừng quên là một ân huệ Chúa ban.

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com