Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH LỄ VỌNG GIÁNG SINH – Năm B (TV 95 (96)) 24/12/2017

Đáp: «Hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế và vinh quang»  

 

1 Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới, hát lên mừng CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu!

2 Hát lên mừng CHÚA, chúc tụng Thánh Danh! Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ,

3 kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người.

4 CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần,

5 vì chư thần các nước thảy đều hư ảo, còn ĐỨC CHÚA, Người sáng tạo trời cao.

6 Trước thiên nhan, toàn uy phong rực rỡ, trong thánh điện, đầy dũng lực huy hoàng.

7 Hãy dâng CHÚA, hỡi các dân các nước, dâng CHÚA quyền lực và vinh quang,

8 hãy dâng CHÚA vinh quang xứng danh Người. Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa,

9 và thờ lạy CHÚA uy nghiêm thánh thiện,  toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan.

10 Hãy nói với chư dân: CHÚA là Vua hiển trị, Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay, Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng

11 Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật,

12 ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ. Hỡi cây cối rừng xanh,

13 hãy reo mừng trước tôn nhan CHÚA, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian.
Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người.

 

Thật đáng tiếc, nếu chúng ta đọc bài Thánh vịnh 95 (96) tuyệt vời này chỉ vài câu như trong  phụng vụ Thánh Lễ hôm nay. Vì thế, chúng tôi chép toàn bài nơi đây. Có một lực rung động khó tả, phấn chấn xuất phát từ những câu này. Tại sao rung động? Tại sao thế, khi hát bài Thánh vịnh này trong Đền Giê-ru-sa-lem ở một giai đoạn không có gì hứng thú! Nhưng vì đức tin làm cho dân tộc này rung động - đúng hơn là lòng cậy trông - cậy trông là niềm vui trong đức tin…Lòng cậy trông làm cho có thể khẳng định vững vàng những gì ta chưa đạt được.

Vì lẽ mọi người sống trước hạn: Bài Thánh vịnh này, dẫn chúng ngay đến ngày cánh chung, ngày được chúc phúc; ngày ấy mọi dân tộc không trừ một ai sẽ nhận ra Thiên Chúa là Chúa duy nhất, ngày rốt cục toàn nhân loại đặt mọi tin tưởng chỉ nơi Ngài, Chúng ta hãy tưởng tượng cảnh ấy qua bài Thánh vịnh này.

Chúng ta đang ở trong thành Giê-ru-sa-lem, chính xác là trong Đền Thánh. Tất cả các dân tộc, mọi quốc gia, mọi chủng tộc chen nhau vào gần Đền Thánh. Quảng trường chen chúc người là người, bậc thang lên Đền đen kịt cả người. Thành Giê-ru-sa-lem không còn đủ chỗ nữa…nhìn mút tầm mắt còn thấy đám đông đổ về từ khắp nơi, từ tận cùng cõi đất. Và tất cả đám đông trùng trùng điệp điệp ấy hát lớn lên, như một bài hòa tấu. Họ hát những gì? «Thiên Chúa hiển trị» tiếng tán tụng vang lên khắp bầu trời, tuyệt vời, vĩ đại…Lời hoan hô như trong mỗi lễ đăng quang một tân vương, nhưng lần này không phải dân tộc Ít-ra-en tung hô một vua trái đất, nhưng là toàn nhân loại tung hô vua vũ trụ: «CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần» (c4) (những từ ngữ này thường dành cho hàng vua chúa)

Thật ra, còn lớn hơn cả nhân loại. Toàn thể địa cầu rung chuyển. Và đây, tất cả đại dương cùng hòa vào bài nhạc hòa tấu: Dường như bể cả gầm lên, và cây cối cũng nhập vào buổi lễ, cây cối nhảy múa. Có ai thấy cây múa bao giờ? Thế mà ngày ấy cây cũng nhảy múa! Dĩ nhiên, nếu nghĩ cho thấu, điều này bình thường thôi! Biển cả ít dại khờ hơn con người! Chúng biết ai làm ra chúng, ai là Đấng tạo hoá! Chúng gầm lên cho Ngài, chúng tán dương theo cách của chúng. Cây cối trong rừng cũng ít dại khờ hơn con người: Chúng biết nhận ra Đấng tạo hóa; giữa cả đám bụt thần, những vị chúa giả, không thể nào nhầm lẫn được; cây cối không để mình bị lừa.

Con người thì để mình bị ru ngủ thật lâu. Chỉ cần nhớ lại bài của Tiên tri I-sa-i-a về vua Ky-rô (bài đọc 1) và lời ngài nhấn mạnh: «chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta. Ta là ĐỨC CHÚA, không còn chúa nào khác.» (Is45, 5) - Điều này minh chứng rằng thời Ngôn sứ I-sa-i-a, thờ lạy bụt thần, dưới hình thức này hay hình thức khác không xa lạ gì! - Chúng ta nhận ra trong bài này, thỉnh thoảng một mũi nhọn chống lại thờ lạy bụt thần. «chư thần các nước thảy đều hư ảo» (c5). Thật khó tin, con người phải mất bao nhiêu thời gian mới nhận ra Đấng Tạo Hóa, Người Cha của họ…phải lặp lại hằng trăm lần điều hiển nhiên là Thiên Chúa «khả tôn khả uý hơn chư thần»; và Ngài là «ĐỨC CHÚA, Người sáng tạo trời cao» (c5) (ngụ ý nói không phải là một ai khác 

Nhưng lần này, mọi sự đã đến! Mọi người đến Giê-ru-sa-lem để ngợi khen Thiên Chúa, bởi vì rốt cục mọi người đã nghe Tin Mừng; và sở dĩ mọi người được nghe vì Tin Mừng được tung hô vào tai họ từ thế kỷ này sang thế kỷ khác! Thật vậy, Tin Mừng được «kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển» (c5) ngày qua ngày, Ít-ra-en thuật lại cho mọi nước hay những kỳ công của Người, những điều kỳ diệu - nên hiểu là kỳ công giải thoát liên tục của Chúa - ngày qua ngày, Ít-ra-en làm chứng cho Chúa; trước tiên Ngài đã giải thoát khỏi Ai-cập, và sau đó khỏi mọi hình thức nô lệ, và tồi tệ hơn hết là lầm tưởng vế Thiên Chúa, đặt niềm cậy trông vào những giá trị ảo, những thần thánh giả tạo chỉ đưa đến thất vọng. Đó là bụt thần…

Ít-ra-en có một cơ may vô cùng lớn lao, một vinh dự vô ngần, một niềm hạnh phúc được mặc khải và được trao sứ mạng nói lên Chúa là Thiên Chúa chúng ta, Đấng Vô Biên ấy là Chúa, là Thiên Chúa Duy Nhất. Như trong Kinh Tin Kính Ít-ra-en «Ít-ra-en hãy nghe đây, Thiên Chúa ngươi là Thiên Chúa Duy Nhất». Đó là mầu nhiệm sứ mạng dân tộc Ít-ra-en mà chúng ta không ngơi ngạc nhiên thán phục. Như sách Đệ Nhị luật nói: «Chính anh (em) đã được cho thấy những điều đó, để biết rằng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa» (Đnl4, 35). Nhưng dân được Chúa hứa không bao giờ quên, sở dĩ họ được mặc khải, là để chính họ phải mặc khải cho nhân lọai.   

Và rốt cục, Tin Mừng được nghe cho đến tận cùng trái đất…và mọi người chen nhau đi đến nhà Cha. Chúng ta đang trong tâm trạng kẻ sống trước sự kiện! Trong khi chờ đợi giấc mơ này trở nên hiện thực, dân tộc Ít-ra-en hát vang lên bài Thánh vịnh này để canh tân đức tin và lòng cậy trông của họ, để múc lấy mãnh lực thực hiện sứ mạng mang tin mừng đến muôn dân.

***

 

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com