Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CN III TN B (TV 24, 4-5a.6 và 7c.8-9) 21/01/2018

Đáp: Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết.

 

4Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
5aXin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.

6Lạy Chúa, nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời,
giờ đây xin nhớ lại.
7cXin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.

8Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
9dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.

 

Dân thành Ni-ni-vê trong truyện Giô-na là những tội phạm. Thành Ni-ni-vê thật sa đoạ đến nỗi Chúa nói  « sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta » ( Gn 1 :2b) , đó là một cách nói trong Thánh Kinh để chỉ những « trường hợp nặng ». Thế mà Chúa đã tha thứ ngay sau khi dân thành Ni-ni-vê có những cử chỉ hoán cải. Sách Giô-na viết« Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại »( Gn 3 :10). Đó có nghĩa là : ai cũng có thể quay về, từ bỏ lối sống cũ, không ai bị kết án vĩnh viễn. Chỉ cần quay về với Chúa ; « quay lại » đó là ý nghĩa của  sự hoán cải theo tiếng Do Thái.

Tv 24 là lời cầu nguyện của kẻ tội lỗi, người có tội muốn thay đổi về đường ngay, hoán cải, và biết rằng mình có thể trông cậy vào lòng thương xót của Chúa.

 « Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, 9dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính » ( Tv24 : 8-9)

Đó là muốn nói điều gì Chúa đòi hỏi, không phải vì  nhân đức nhưng vì lòng khiêm nhường. Chữ khiêm nhường rất thường gặp trong Thánh Kinh, tiếng Do Thái gọi là « Anawi »đó là những người mà chúng ta gọi là « Có tâm hồn nghèo khó », đó là những ai nhận mình là kẻ bị tước đi mọi của cải, nghèo khó, bất lực; còn gọi là những người « khòm lưng, bất hạnh ». Những người mà lời khẩn cầu của họ chỉ biết nói « Xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi » giống như người thu thuế trong Thánh Kinh.

Chính Chúa soi đường dẫn lối cho những người ấy. Không phải vì Chúa chọn hay ưa chuộng như thế, nhưng vì những người khác có lẽ sẽ không nghe, cho rằng những lời này không nhắm tới họ. Chữ cầu nguyện và chữ bấp bênh có cùng gốc La-tinh với nhau. Hãy lấy ví dụ sau đây : Chúng ta ai cũng có lúc đi lạc trong một thành phố, bắt buộc phải hỏi đường…Chuyện gì xảy ra nếu chúng ta không nghe theo ? Là chúng ta lại đi lạc. Còn nếu ai thấy thật tình mình không biết, cần hỏi đường nên nghe theo lời chỉ dẫn ; người ấy tìm thấy đường mình muốn tới.

Đề tài về con đường luôn trở lại trong Tv 24, ngay trong phụng vụ chúa nhật hôm nay, có nhiều chữ như «lối đi » ;  « đường » ;  « nẻo » và động từ « chỉ lối »

8Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, 9dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người.

Đây là một đề tài cổ điển của các thánh vịnh sám hối vì lề luật của Chúa ( các điều răn) được sánh như bộ luật đi đường. đầu tiên Thiên Chúa giải thoát dân Ngài, sau đó - và chỉ sau đó mà thôi - Ngài mới ban bố phương thức để gìn giữ sự tự do đó suốt đời tu trì, đời sống gia đình và trong xã hội, như ta thường nói từ A tới Z .

Bấy giờ chúng ta hiểu vì sao thánh vịnh 24 được gọi là « Thánh Vịnh Chữ Cái ». Bài này gồm có 22 câu, mỗi câu bắt đầu bằng một chữ cái theo thứ tự A,B,C, theo ngôn ngữ Do Thái; trong một vài bản Kinh Thánh để báo hiệu điều đó có đề chữ cái bên lề. Thể văn này thường được dùng, tiếng Pháp gọi là  « Acrostiche » ; nhưng ở đây không phải luận về văn chương mà là một cách tuyên xưng đức tin. Người tín hữu Do Thái tin rằng Chúa ban Luật của Ngài là để cho dân Ngài hạnh phúc : Lề Luật là một món quà của Thiên Chúa. Thật ra chữ « Tô-ra » hay Lề Luật Ngũ Thư không có nguồn gốc là « cấm đoán », nhưng từ một động từ có nghĩa là « dạy bảo » : Lề Luật là thầy dạy về tự do ; dạy con đường đi đến Thiên Chúa :  5aXin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ,  vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sẵn đây tôi xin lưu ý bài Tv hôm nay hiến cho chúng ta một loạt cữ trong đề tài kỹ niệm và quên lãng :xin nhớ lại. ; nhớ đến con cùng. ;nghĩa nặng với ân sâu ;nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. ; 7cXin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.

Đây là cách nói vừa táo bạo, vừa khiêm nhu ! Táo bạo vì nhờ Giao Ước mới cho phép nói như thế và kẻ tội lỗi thốt lên lời này không phải một cá nhân mà cả dân được Chúa chọn. Chữ « Con »ở đây là chữ con tập thể. Chúa đã chọn và giải thoát, và toàn dân tuyên xưng Ngài  là « Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín »( Xh 34 :6)
Bài này không chỉ là lời nguyện cá nhân mà là bài thánh vịnh được viết cho nghi lễ sám hối trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.

Ngược lại với lời Giao -ước không bao giờ phai của Thiên Chúa, dân Ngài thì cứ luôn luôn bất trung ; ngay giữa bài Tv câu 11 có lời nguyện :

« 11 Lạy CHÚA, tội con thật nặng nề, vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con »

Điều này rất hợp lý, lô-gíc, khi mình yêu ai, chính nhờ tình yêu mà mình tha thứ người ấy !. Và nếu không tha thứ …đó là không thật lòng yêu !

Sau cùng, bài Tv này còn dành thêm cho chúng ta một bài học. Không phải trong các câu chúng ta đọc hôm nay, hay cả bài Tv, nhưng chỉ trong lúc chúng ta xét mình, nhìn lại chính trong thâm tâm chúng ta. ;  điều trung tâm của lời cầu sám hối này không phải tội lỗi của chúng ta, nhưng là Thiên Chúa và công trình cứu độ và giải thoát của Ngài :

« đường nẻo Ngài » … « chân lý của Ngài »… « nghĩa nặng với ân sâu của Ngài »

 đó đã là ơn hoán cải rồi, ước gì chúng ta thôi tự nhìn chúng ta để hướng về Thiên Chúa.

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com