Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN II MÙA CHAY NĂM B (Mc 9,2-10) 25/02/2018

Alleluia, Alleluia!

Từ trong đám mây sáng chói, có tiếng Chúa Cha phán rằng:
"Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người" - 
Alleluia

------------------

"Đây là Con Ta rất yêu dấu".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

 

2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.

3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.

4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.

5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a."

6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.

7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."

8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.

10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì

 

Chúa Giê-su hiện ra vinh hiển trên một ngọn núi giữa hai nhân vật vĩ đại của It-ra-en : Mô-sê người giải phóng dân tộc, được Thiên Chúa trao bảng Lề -luật, và Ê-li-a vị tiên tri trên núi Hô-rép. Trong khi một ít thời gian sau, trên một ngọn núi khác Chúa Giê-su sẽ bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp. Điều khó nhất cho đức tin của hai tông đồ của Chúa có lẽ là làm sao nhận ra nơi hai mặt của đấng Mê-si-a dung nhan Chúa Cha như Chúa Giê-su nói cho Phi-líp-phê hôm trước ngày Chúa chết : « Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha » ( Ga 14,9). Và cũng chính vị Gio-an Tông Đồ này, đấng có đặc quyền chứng kiến Chúa Hiển linh sau này viết trong lời mở đầu của sách Tin Mừng :

«  Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. 
( G 1,14)

18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết. » 
(Ga 1,18)

Tuy nhiên hai mặt, vinh quang và đau khổ chính là hai mặt của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Cũng như thánh Phao-lô nói, tình yêu của  Thiên Chúa được « thể hiện »  nơi Chúa Giê-su Ki-tô.( Rm 8, 39). Chính đích thân Chúa Giê-su đã kết nối vinh quang và đau khổ khi nói về Con Người, mà thánh sử Mác-cô thú nhận rằng họ không hiểu gì: « 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người » ( Mc 9,32)

Thật không thể hiểu là phải ! Trích dẫn về Con Người như thế thật là bí ẩn đối với các môn đệ Ngài. Trong lúc Hiển Linh, Chúa Giê-su vẫn không triển khai thêm. Ngài chỉ bảo « không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại ». Sống lại, đấy là hình ảnh của vinh quang…Thế nhưng lời ấy thốt ra giữa hai lần tuyên báo của đấng Giê-su về những đau khổ mà Con Người phải gánh chịu. Lần đầu Ngài báo trước khi Hiển Linh:

« 31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại » (Mc 8, 31)

Và trong chương 9, tức là sau Hiển Linh:

 « 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." (Mc 9,31)

Không phải viễn ảnh đau khổ của Con Người làm các ông ngạc nhiên nhất : Xin đừng quên Con Người trong Cựu-ước không chỉ có vinh quang, hay nói đúng hơn là vinh quang sau khi chiến thắng quân địch ghê gớm. Và chiến thắng ấy không đến do cố gắng của con người mà nhờ Thiên Chúa ban tặng.

Điều đáng ngạc nhiên là Chúa Giê-su hình như tự ban cho mình danh hiệu ấy. Thế nhưng trong sách tiên tri Đa-ni-en, Con Người vừa là một cá thể, vừa là một tập thể. :

 « 13 Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa:
có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.
Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành
và được dẫn đưa tới trình diện » 
( Đn 7,13)

Ở đây Con Người là một cá thể, vừa tham gia trong thế giới của người trần, vì là « con người », và cũng là con của Thiên Chúa vì «Con Người đang ngự giá mây trời mà đến »…Trong lúc đó quyền tối thượng, vinh quang và vương quyền được ban cho Ngài chính là những gì có Lời Hứa dành cho đấng Mê-si-a.

Thế nhưng, ngay sau đó tiên tri Đa-ni-en nói lại « 18 Rồi chư thánh của Đấng Tối Cao sẽ lãnh nhận vương quyền và nắm giữ vương quyền ấy mãi mãi muôn đời. » ( Đn 7,18) Đây là sự chiến thắng của đấng Mê-si-a nhưng là của tập thể « chư thánh của Đấng Tối Cao ». Và sau rốt, sách Đa-ni-en miêu tả những đau khổ của các chư thánh phải gánh chịu, trong một viễn ảnh của cuộc chiến không thể nào tránh khỏi, trước khi chiến thắng hoàn toàn:                   ( Đn 7, 27).

Dẫn trích về Con Người trong sách này cũng cho thấy rõ con  đường đang chờ đợi Chúa Giê-su và dân Ngài: Cùng chung một con đường thánh giá và vinh quang. Tại Xê-da-rê Chúa Giê-su đã loan báo : \

« Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo » ( Mc 8,34). Có lẽ cũng vì thế mà  đám mây bao phủ các ông, không những bao phủ Chúa Giê-su, ông Mô-sê và Ê-li-a mà cả ba môn đệ nữa. Trong Cựu Ước đám mây luôn có hai nghĩa vừa là dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa vừa là màn che phủ lấy Ngài…Đám mây cùng đến với Con Người – Con Người ở đây chỉ định Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài – dù là Giao Ước cũ hay Mới - hết thảy là một dân tộc vinh quang của chư thánh của Đấng Tối Cao.

« Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: » dĩ nhiên câu này nhắc chúng ta ngày Chúa Giê-su nhận phép Rửa nơi ông Gio-an Tẩy Giả:

«11 Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con." ( Mc 1,11)

Trái lại ở đây tiếng nói hướng về các môn đệ "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." Câu hãy vâng nghe lời Người trong tai các tông đồ luôn còn như một tiếng vang của lời tuyên xưng đức tin của các ông. Vì các ông là người Do Thái : « Sê-ma It-ra-en », có nghĩa là « It-ra-en hãy nghe đây ». đây là một lời kêu gọi hãy cậy trông, bất cứ giá nào. Lòng Cậy Trông sẽ bị thử thánh cam go trong những tháng sắp đến, bởi vì lễ Hiển Linh xảy ra giữa hai sứ vụ của Chúa Giê-su : Sứ vụ ở Ga-li-lê vừa chấm dứt, Ngài bước sang con đường đi đến Giê-ru-sa-lem và con đường thập giá. Tước hiệu  Con Ta yêu dấu, nêu ở đây cũng nói lên điều đó. Điều này nhắc lại Đấng Mê-si-a sẽ là một Tôi Trung, như trong I-sa-i-a, sẽ bị đau khổ, bách hại để cứu dân của Ngài.

Nhưng tất cả điều đó phải còn giữ kín. Chính vì các môn đệ chưa sẵn sàng hiểu ( Và dân chúng càng không hiểu ) mầu nhiệm Con Người Chúa Ki-tô. Lóe sáng của vinh quang trong sự Hiển Linh này không để đánh lạc hướng những người chứng kiến : Nhưng là sự toả sáng của tình yêu. «  Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha »( Ga 14,9). ..Khác với những mong ước chiến thắng chính trị và quyền lực huyền bí còn trong đầu các tông đồ và vẫn còn cho đến phút cuối cùng.  Chúa cho lệnh im lặng, là một cách cho thấy chỉ có sự Phục Sinh mới có thể soi sáng mầu nhiệm này. Bây giờ phải xuống núi, chống lại cám dỗ sống cách biệt, như xây lều ở riêng, chống lại sự đối nghịch, bách hại và cái chết. Câu sau đây báo rằng thị kiến chấm dứt : «  8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi » và câu này đến ngay khi Chúa được gọi là Con là Con yêu dấu của Cha. Điều này rất quan trọng vì câu này tiên báo Chúa Giê-su, và chỉ Chúa mà thôi chu toàn Lề Luật và những lời dạy của các tiên tri.

 

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com