Lời Chúa CN

Bài Thương Khó Chúa Giêsu Kitô - Lễ Lá ( Mc 15,1-39) 29/03/2015

 

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Pl 2, 8-9

Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.  

 

Bài Thương Khó Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta theo thánh Mac-cô.

 

1 Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng. Sau đó, họ trói Đức Giê-su lại và giải đi nộp cho ông Phi-la-tô.

2 Ông Phi-la-tô hỏi Người: "Ông là vua dân Do-thái sao? " Người trả lời: "Đúng như ngài nói đó."

3 Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội,

4 nên ông Phi-la-tô lại hỏi Người: "Ông không trả lời gì sao? Nghe kìa, họ tố cáo ông biết bao nhiêu tội! "

5 Nhưng Đức Giê-su không trả lời gì nữa, khiến ông Phi-la-tô phải ngạc nhiên.

6 Vào mỗi dịp lễ lớn, ông thường phóng thích cho dân một người tù, tuỳ ý họ xin.

7 Khi ấy có một người tên là Ba-ra-ba, đang bị giam với những tên phiến loạn đã giết người trong một vụ nổi dậy.

8 Đám đông kéo nhau lên yêu cầu tổng trấn ban ân xá như thường lệ.

9 Đáp lời họ yêu cầu, ông Phi-la-tô hỏi: "Các ông có muốn ta phóng thích cho các ông vua dân Do-thái không? "

10 Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Người.

11 Nhưng các thượng tế sách động đám đông đòi ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba thì hơn.

12 Ông Phi-la-tô lại hỏi: "Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do-thái? "

13 Họ la lên: "Đóng đinh nó vào thập giá! "

14 Ông Phi-la-tô lại hỏi: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác?" Họ càng la to: "Đóng đinh nó vào thập giá! "

15 Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba, truyền đánh đòn Đức Giê-su, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá.

16 Lính điệu Đức Giê-su vào bên trong công trường, tức là dinh tổng trấn, và tập trung cả cơ đội lại.

17 Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người.

18 Rồi chúng bái chào Người: "Vạn tuế đức vua dân Do-thái! "

19 Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy.

20 Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá.

21 Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giê-su.

22 Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ.

23 Chúng trao rượu pha mộc dược cho Người, nhưng Người không uống.

24 Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì.

25 Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba.

26 Bản án xử tội Người viết rằng: "Vua người Do-thái".

27 Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái.

(28 Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp.)

29 Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: "Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được,

30 có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi! "

31 Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình.

32 Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin." Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.

33 Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín.

34 Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: "Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni! " Nghĩa là: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? "

35 Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: "Kìa hắn kêu cứu ông Ê-li-a."

36 Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: "Để xem ông Ê-li-a có đến đem hắn xuống không."

37 Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở.

38 Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới.

39 Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa."

Trước hết chúng ta nhận xét hai đặc điểm trong Cuộc Thương Khó theo thánh Mác-cô : đó là sự cô đọc và sự thinh lặng của Chúa Giê-su.

Cô độc của Chúa Giê-su : trong cuộc thương Khó theo thánh Mác-cô : Chúa Giê-su cảm thấy thật lẽ loi. Sau những lời chối Chúa của thánh Phê-rô, thánh sử Mác-cô không ghi lại một sự hiện diện thân tình nào cạnh Chúa nữa ; các phụ nữ được nói đến, nhưng chỉ sau khi Chúa phục sinh.

Còn sự thinh lặng của Chúa thật gây ấn tượng : chỉ có vài lời mà thôi trong cuộc xử án, thánh Mác-cô viết « 5 Nhưng Đức Giê-su không trả lời gì nữa »chính ông Phi-la-tô cũng phải ngạc nhiên. :

« 4 nên ông Phi-la-tô lại hỏi Người: "Ông không trả lời gì sao? Nghe kìa, họ tố cáo ông biết bao nhiêu tội! »

Và sau cùng có một Lời trên thập giá :

« Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni! »  lời này được tên lính Rô-ma hiểu như những lời tuyệt vọng, nhưng một người Do Thái không thể lầm : đó là những lời đầu tiên của một bài ca vinh thắng. Chúng ta đã hiểu qua Thánh Vịnh 21 ( 22), câu này không phải một lời tuyệt vọng cũng không phải một lời hoài nghi. !

Trước sự cô độc và thinh lặng của Chúa Giê-su chúng ta tự hỏi « đâu là bí mật » của Ngài ? . Chúa trải qua trong một thời gian thật ngắn, từ được mọi người hoan hô tới sự sa sút, và từ tiến vào thành trong vinh quang tới bị ruồng bỏ, từ được nhìn nhận là đấng từ Trời ngự xuống :« Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! » ( Mc 11,9) tới việc bị kết án là phạm thượng và bị hành quyết chiếu theo lề luật, tức là trước mặt mọi người ngài bị Thiên Chúa nghuyền rủa. Sau khi được nhìn nhận là đấng Mê-si-a, vua Do Thái, đấng Giải thoát, đấng Cứu Độ theo các môn đệ của Ngài và cả một đám đông phấn khởi, ngài rã rời sau một cuộc xử án hoàn toàn bị dàn cảnh.

Ngài đã thản nhiên trong vinh quang, Ngài càng thản nhiên khi bị bách hại. Làm như thế ngài giữ một  bí mật mà suốt đời Ngài giữ ; chỉ sau khi Phục sinh các môn đệ của Ngài cuối cùng sẽ được hiểu. Bài Tin Mừng thánh Mác-cô gần như trần trụi là nhằm để làm nổi bật lên hai khía cạnh của mầu nhiệm của Đức Giê-su : Đấng Mê-si-a Vua và Mê-si-a Tư Tế.

Đấng Mê-si-a Vua mọi người chờ đợi .

Mê-si-a Vua : Tính vương giả của Chúa luôn luôn là trung tâm của mọi câu hỏi, mọi lời châm bím, mọi xác nhận trong bài tường thuật này. Câu đầu tiên mà Phi-la-tô hỏi một người được giải tới, tay bị còng « Ông là vua dân Do-thái sao? » và chỉ nhận được một câu trả lời bí ẩn«Đúng như ngài nói đó. »( Mc 15,2). Kế một lúc sau Phi-la-tô tuyên xưng vương chức đó cho đức Giê-su hai lần « Các ông có muốn ta phóng thích cho các ông vua dân Do-thái không? ( câu 9) và (câu 12) :  « Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do-thái? » . Lạ lùng thay, không ai phản đối ! Sau đó là những trò đùa lố bịch của bọn lính, áo choàng, mủ gai, và lời hoan hô « Vạn tuế đức vua dân Do-thái! » (15, 18). Và sau đó bản ghi trên thập giá thật ra với gian ý, nhưng cũng loan báo cho kẻ qua lại « Vua người Do-thái ». Các thượng tế và kinh sư chế giễu nhưng cũng cho vương chức đó «  32 Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin »

Đấng Mê-si-a – Tư Tế mà mọi người chờ đợi.

Đặc điểm thứ hai của mầu nhiệm Đức Giê-su được Tin Mừng thánh Mác-cô đem ra ánh sáng, đó là Đấng Mê-si-a Tư Tế.  Có những thượng tế đang tại chức đóng vai trò quan trọng trong phiên toà kết án và cái chết của Chúa Giê-su. Chính họ đã điệu Chúa Giê-su ra trước Phi-la-tô và  lo cho mọi việc xảy ra như họ muốn.

1 Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng. Sau đó, họ trói Đức Giê-su lại và giải đi nộp cho ông Phi-la-tô.

Sau đó họ kích thích đám đông đòi thả Ba-ra-ba thay vì Chúa Giê-su.  « 11 Nhưng các thượng tế sách động đám đông đòi ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba thì hơn »

Phi-la tô không bị lừa, vì thánh Mác-cô viết rằng « 10Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Người ». Một sự ganh tỵ có thể nói là chính đáng, họ thật tình lo sợ rằng sự thành công của Đức Giê-su sẽ dẫn dân chúng tới một lòng tin sai lạc, theo cách nhìn của họ.

Nhưng nguời tư tế thật, Đấng Mê-si-a Linh Mục mà mọi người chờ đợi, chính là Ngài. Lý do  chỉ có thánh Mác-cô và thánh Gio-an nói tới màu đỏ khi nói tới áo họ buộc đức Giê-su mặc vào để chế giễu Ngài. Thế nhưng màu đỏ là màu áo các vua và các thượng tế. Đúng là sự cười nhạo tuyệt vời : Những người mặc áo đỏ mà bỏ qua đi không nắm bắt một sự thật , để cho một người ngoại đạo thốt lên lời tuyên xưng đầu tiên «  Quả thật, người này là Con Thiên Chúa »

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com