Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN PHỤC SINH NĂM B (Cv 10, 34, 37-43) 01/04/2018

"Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại".

 

Trích sách Tông đồ Công vụ.

 

34 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng nói:

37 Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng.

38 Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.

39 Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi.

40 Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường,

41 không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.

42 Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết.

43 Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội."

 

Chúng ta đang ở chương 10 Sách Công Vụ Tông Đồ. Điều này rất lạ, Hội Thánh không đề nghị trong phụng vụ bài đọc đầu tiên ngày lễ Phục Sinh một bài tường thuật về Giáo Hội sơ khai ngay sau khi Chúa Giê-su phục sinh… Chúng ta chỉ nghe hôm nay một bài giảng của thánh Phê-rô, mà cũng không phải bài giảng đầu tiên của ngài! Bài này đã đến chương 10 của Sách Công Vụ Tông Đồ. Đã có biết bao nhiêu sự kiện đã xảy ra từ lúc Chúa Phục Sinh, từ lúc các Tông Đồ của Chúa, những người đã chứng kiến sự Phục Sinh của Chúa Giê-su, đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần ngày Lễ Ngũ Tuần, từ đó các ông không ngớt đi rao giảng Tin Mừng.

Không những như thế, và lẽ tất nhiên cộng đồng Ki-tô hữu sơ khai, cũng như Thầy của họ đã bắt đầu bị bách hại, như cái chết của Tê-pha-nô. Cộng đồng muốn tồn tại phải sơ tán ra khắp xứ… Rồi đến Sao-lô, người bách hại Ki-tô hữu nay trở thành Phao-lô Tông Đồ… Ngay trước chương 10 này, thánh Lu-ca - cũng là tác giả Sách Công Vụ - nhật xét Giáo Hội nay đã phát triển. Các Thánh Tông Đồ trắc nghiệm những lời hứa của Chúa Giê-su: như Ngài và nhân danh Ngài, các ông trừ quỷ, chữa lành bệnh nhân, làm cho người chết sống lại. Thánh Phê-rô vừa làm cho một người sống lại, ông Ê-nê ở Lốt và một phụ nữ tên Ta-bi-tha, thành Gia-phô (Cv 9, 32-43)

Có lẽ nhờ hai phép lạ đó đã đem lại cho ông nghị lực để vượt qua giai đoạn kế tiếp, là giai đoạn quyết định: có lẽ hôm nay là một phép lạ còn khó hơn nữa! Vì lần này, Phê-rô người Do Thái đã trở nên Ki-tô hữu, bước qua thềm nhà một người lương, Co-nê-li-ô, một viên đại đội trưởng La-mã. Chúng ta nên hiểu Tin Mừng đang vượt qua biên giới Ít-ra-en ! Người ta thường nói thánh Phao-lô là Tông Đồ người ngoại, nhưng bây giờ phải tái lập công bằng với thánh Phê-rô: chính ngài đã khởi đầu, và ngay tại Xê-da-rê này trong nhà người đại đội trưởng La-mã Co-na-li-ô.

Những gì chúng ta vừa nghe là bài giảng thánh Phê-rô tại nhà Co-nê-li-ô. Đây là một ngày đáng ghi nhớ, trái hẳn với giáo dục từ trước của thánh nhân, trái hẳn với niềm tin trước đó, Phê-rô lấy quyết định làm Phép Rửa Tội cho một dân ngoại. Vì thế mới có câu rất quan trọng: « phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.". Phàm ai tin vào Người, tức là không chỉ người Do Thái, ngay cả những người ngoại cũng có thể nhận phép Rửa Tội, nhân danh Chúa Giê-su. Ban đầu ơn Cứu Độ được mặc khải cho dân It-ra-en, và từ nay chỉ cần tin vào Chúa Giê-su Ki-tô là được nhận sự tha tội, tức là bước vào Giao Ước với Thiên Chúa.

Bài giảng này là cả một tóm lược của Giáo Hội sơ khai. Thật vậy, nơi đây chúng ta nhận ra, một đàng là những sự kiện về đời sống, cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô, dưới ánh sáng của Cựu Ước, và đàng khác Giáo Hội sơ khai này truyền lại đức tin được đổi mới cho mọi người, kể cả dân ngoại !

Việc truyền lại đức tin này, thánh Phao-lô ví như cuộc đua tiếp sức. Những người bắt đầu chạy là những tông đồ: « 39 Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc ». Hẳn các bạn còn nhớ lúc thay thế Giu-đa trong Nhóm 12 tông đồ, họ tìm một người thực là nhân chứng những biến cố, những hành động liên quan trực tiếp với Chúa Giê-su, trong giai đoạn cuối đời công khai của Ngài. Để hướng dẫn sự chọn lựa ấy, thánh Phê-rô giải thích: « có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta,22 kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh. »Sau đó Tê-pha-nô được chọn (Cv 1, 21-22)

Để làm chứng cho sự Phục Sinh thì phải  thấy: «  mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. 40 Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, 41 không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Kể từ nay, các tông đồ tiếp tục sứ vụ các ngôn sứ « 43 Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội. » ( Cv10, 43) « 42 Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết ». Các tông đồ đúng là những rường cột đức tin của chúng ta. Họ đã trông thấy… 2000 năm sau, đức tin chúng ta dựa vào họ!

Một khía cạnh thật sự tuyệt vời của bài này là thánh Phê-rô nhấn mạnh chính Chúa Giê-su hành động. « xức dầu tấn phong Người ; Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy;Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, 41 không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước ». Ở đây chúng ta thực sự chạm đến vấn đề khác biệt giữa thế hệ tín hữu sơ khai (những Tông Đồ) và thế hệ chúng ta! Họ từng biết, từng sát cánh với Con Người Giê-su, thế nhưng thánh Phê-rô chưa gọi được dễ dàng « Chúa Giê-su Ki-tô », như chúng ta ngày nay. Ngài gọi đức Giê-su thành Na-da-rét. Chúa là một Người như mọi người… và cũng chết như mọi người. Còn tệ hơn nữa, Ngài chết như cái chết của người bị nguyền rủa! Vì thế tất cả những điều gì phi thường trong đời Ngài, đó là công trình của Thiên Chúa nơi Ngài ! Đó là kỳ công của Chúa Thánh Thần vì «Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người » (c38). Vấn nạn của thế hệ đầu tiên Ki-tô hữu là nhận ra Ngài là Thiên Chúa. Vì lẽ đó thánh Phê-rô nhấn mạnh: «chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết ». Thẩm phán, là đặc quyền của Chúa. Vấn đề của chúng ta là ngược lại! Đối với nhiều Ki-tô hữu hiện nay, chúng ta biết, chúng ta tin Ngài là Thiên Chúa nhưng lắm khi chúng ta quên rằng Ngài cũng là Người!

Tôi xin trở lại câu hỏi ở đầu bài: tại sao buổi sáng ngày Lễ Phục Sinh, Giáo Hội lại cho chúng ta nghe đọc về một sự kiện xảy ra rất trễ đối với ngày Chúa Phục Sinh ? Có lẽ để chúng ta hiểu kỳ vọng thật sự của Chúa xuống thế giữa chúng ta: « Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi » (Ga 18, 37) Phàm bất cứ ai cũng có thể nghe tiếng gọi này, ngay cả những người ngoại giáo. Thánh Phê-rô vừa hiểu như thế .

 

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com