Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN III PHỤC SINH NĂM B (Lc 24, 35-48) 15/04/2018

Alleluia, alleluia!

- Lạy Chúa Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh;
xin làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. -
Alleluia.

------------------

"Họ nhận ra được Người khi họ nhận bánh do Người bẻ trao cho".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em! "

37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.

38 Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?

39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? "

40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.

41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không? "

42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.

43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

44 Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm."

45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh

46 và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;

47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.

48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này

Câu chính yếu nằm giữa bài nói về « ứng nghiệm » :

 

44 Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm."

Đề tài « ứng nghiệm » có mặt luôn trong Thánh Kinh. Chúng ta có thể so sánh Chúa như một nhà họa sĩ thực hiện một sáng tác nghệ thuật. Tôi còn nhớ một nhà điêu khắc thực hiện cách đây vài năm cho một nhà thờ một thập giá vĩ đại bằng đồng mạ vàng. Vừa làm xong bản thảo sơ khởi ông đã thấy nó sẽ như thế nào và lòng ông tràn ngập niềm vui. Phải nhiều tháng, có thể nói nhiều năm để giấc mơ của ông trở nên hiện thực : còn phải nhờ đến lòng trông cậy nơi ông của các cộng tác viên của ông, vì chỉ có ông mà thôi mới biết bí mật của tác phẩm của mình. Rốt cùng tác phẩm cũng được ra đời sau bao nhiêu nỗ lực, mệt nhọc, chịu đựng sức nóng của lò đúc,  và tất cả mọi người đều ý thức những điều kỳ diệu họ đã cống hiến cho tác phẩm. Cuối cùng mọi người có thể thoả mãn nói, « Ờ ! phải cực nhọc như thế mới được chứ ! »

Kế hoạch yêu thương của Chúa- được thực hiện « trước khi vũ trụ được tạo dựng  », như thánh Phao-lô nói- còn vĩ đại hơn mọi tác phẩm nghệ thuật, dù có đẹp đến đâu. ! Suốt Thánh Kinh chúng ta có thể nhận ra cái kế hoạch ấy đang diễn biến : lòng nhẫn nại vô bờ bến của Chúa qua bao nhiêu thời đại, từng giai đoạn và những lúc khởi đầu công trình, với những thất bại, những khởi đầu lại, những cộng tác …

Nói rằng kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa được ứng nghiệm trong Lịch Sử Con Người, tức là nói Lịch Sử Con Người có một ý nghĩa, một chí hướng. Đây là một điều trong đức tin của chúng ta. Người có đức tin không bao giờ chịu theo sự ảm đạm u sầu của môi trường sống ! Người tín hữu phải hướng về tương lai, không về quá khứ ! Trong Kinh Lạy Cha chúng ta đọc « Nước Cha trị đến, ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời » , tức là một cách nói kế hoạch của Cha được ứng nghiệm.

Cũng như người nghệ sĩ điêu khắc, Chúa tìm những cộng tác viên cho kế hoạch của Ngài. Thánh Kinh nói rằng từ muôn thuở Thiên Chúa đề nghị cho nhân loại cộng tác vào công trình vĩ đại của Ngài : Có A-đam, No-ê, Ap-ra-ham…và dân It-ra-en làm những cộng tác với Thiên Chúa phục vụ cho tất cả nhân loại. Sự chọn lựa của Chúa, còn được gọi là sự chọn lựa It-ra-en vẫn còn giá trị đến ngày nay, Giao-ước với It-ra-en chưa bao giờ bị Thiên Chúa từ bỏ ! It-ra-en vẫn là dân Chúa chọn vì  « 12 Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta » ( 2Tm 2,13)

Thế rồi Đức Ki-tô nhập thể trong lòng dân Chúa chọn và sau cùng Ngài trao sứ mạng cho những ai muốn gia nhập Giáo Hội của Ngài. « Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em »  ( Ga 20,21) .  Thánh Phao-lô gọi sứ mạng tham dự vào công trình của Chúa là « Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức » ( Cl 1,24). Sứ mạng đó  là chúng ta cũng phải loan báo  kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô chép rằng : « 24 Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.

25 Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn,

26 rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa » ( Cl 1, 24-26)

Dĩ nhiên ta nói mãi đến kế hoạch của Thiên Chúa, thế thì còn đâu sự Tự Do của con người ?. Vì thế một trong những khám phá của dân It-ra-en là Chúa không quyết định mọi sự. Con người có phần trách nhiệm trong lịch sử. Không phải là một kịch bản đã viết trước. Trái lại Chúa tôn trọng sự tự do của con người. Theo thánh Phê-rô chính vì thế mà kế hoạch của Chúa không được tiến hành nhanh chóng. ! :

« 9 Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải » ( 2Pr 3,9) Khi người có đức tin đọc Thánh Kinh, mọi người khám phá ra lòng nhẫn nại vô bờ của Chúa. Thánh Phê-rô còn nói tiếp :

«8 Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày ».  ( 2Pr3,8)   

Khi Chúa Ki-tô nói với các tông đồ « Các con phải » là Ngài muốn dạy cho các Tông Đồ một ngày và hằng thế kỷ, sự trưởng thành từ từ của nhân loại mới, ngày kia sẽ được hội tụ lại thành một trong Chúa. Đó là « Sự Khôn Ngoan của Lời Chúa ». Không phải « Có lời viết, theo lập trình » nhưng là « theo kế hoạch của Thiên Chúa ». Vì thế đối với các Tông Đồ, mọi sự đều sáng rõ : Dĩ nhiên Chúa Tình Yêu và tha thứ chỉ có thể đi đến cùng của tình yêu và thứ tha ; dĩ nhiên Giao Ước tình yêu tuyệt hảo giữa Thiên Chúa và nhân loại chỉ được hoan tất trong Con Người-Chúa, Ngài chính là tình yêu.

Dĩ nhiên để đem chúng ta vượt qua cõi chết, trong ánh sáng Phục Sinh, thì Ngài cũng phải trải qua cái chết. Dĩ nhiên nếu Ngài muốn chúng ta vượt qua hận thù chỉ bằng mãnh lực của tình yêu thì Ngài phải chạm trán với hận thù và chê cười, khinh khi. Dĩ nhiên nếu Chúa muốn mặc khải  cho chúng ta về Chúa Cha thì Ngài phải tới mặc khải dung nhan thật của Thiên Chúa qua mặt con người của Ngài :

« Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha ».

Chính Chúa Giê-su đã giải thích cho Phi-la-tô trong cuộc thương khó « Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật » ( Ga 18,37) 

 

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com