Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN XIV THƯỜNG NIÊN NĂM B (Ed 2, 2-5) 08/07/2018

"Đây là nhà phản loạn, và họ sẽ biết rằng giữa họ vẫn có một tiên tri".

 

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

 

2 Một thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời Người phán với tôi và làm cho chân tôi đứng

3 Người phán với tôi: "Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay

.4 Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng: "ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này."

5 Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng

 

Bài này là chỉ một phần nhỏ của một bài tường thuật dài về ơn gọi tiên tri Ê-dê-ki-en, trong những chương đầu của sách Ê-dê-ki-en. Nếu chỉ đọc vài câu trong bài đọc ngày Chúa nhật hôm nay thì thấy lời kêu gọi của Chúa có vẻ ngắn và nghiêm nghị. Những lời này có đủ chăng để đem lại cho Ê-dê-ki-en niềm phấn khởi bao nhiêu năm trường ? Hỏi như thế tức là không xem trong bầu khí nào lời gọi ấy đã vang vào tai người tiên tri. Khi Thiên Chúa gởi đi thực hiện một sứ mạng, Ngài luôn ban sức mạnh cần thiết để chu toàn : đối với Ê-dê-ki-en Ngài ban cho ông một thị kiến vĩ đại, không thể quên được, nhờ thế ông luôn nâng đỡ trong những cố gắng của ông.

Chúng ta đang ở Ba-by-lon trong thời kỳ ban đầu của cuộc lưu đày với đợt đầu tiên những người bị trục xuất khỏi Giê-ru-sa-lem do vua Na-bu-cô-đô-nô-do năm 597 trước CN. Ở thật xa bên kia, trên ngọn đồi Si-on, đền thờ còn đứng vững và Thiên Chúa vẫn ngự trong ấy vì Ngài đã hứa. Nhưng như thế còn gì cho những kẻ bị lưu đày ? Từ nay xem ra chỉ còn đôi mắt để khóc, chờ những ngày tươi sáng hơn.

Nhưng này đây, Thiên Chúa phán cho Ê-dê-ki-en,  tại nơi đây, xa đất mẹ, xa Đền Thánh : Đây là Tin Mừng nhất của Sách Thánh. Chúa không bị giam ở Giê-ru-sa-lem, Ngài cũng ở Ba-by-lon này, bên bờ sông Kê-ba, nơi dân Ngài bị đày đọa. Bỗng Ê-dê-ki-en nhìn thấy bầu trời mở ra  và ông được chìm đắm vào một thế giới đẹp vô cùng không thể nào tả được : sau này ông cũng thử kể lại thị kiến của ông, nhưng không chứng kiến không thể nào tưởng tượng được. Một thế giới với những lưỡi lửa, lửa, đá quý, những ngọn đuốc sống có hình mặt người, những súc vật có cánh, di động xoay một cái xe chở ngai Thiên Chúa, để hâm nóng lòng Ê-dê-ki-en, thế là ông được hoàn toàn trang bị cho sứ mạng của mình.

Một sứ mạng được hứa hẹn thật khó khăn : « Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta ». Chúng ta quen tin rằng dân bị đày ở Ba-by-lon họp thành một bầy chiên ngoan đạo chung quanh các đạo sĩ  và những tiên tri, với lòng trung tín với Lề Luật, hi vọng một ngày được hồi hương. Trên thực tế, theo bài hôm nay mọi việc không giản dị như thế. Rất có thể, ở đây gần gũi với bầu khí tôn sùng bụt thần, sự cám dỗ từ bỏ đạo Do Thái thật trầm trọng. Hơn nữa trong trường hợp này để có thể sống được phải biết thích nghi. Không khoan nhượng không phải là một kế hoạch tốt.   

Có thể đoán qua những câu này, người tiên tri thật còn có nhiều việc phải làm. Chữ « phản loạn » được lặp lại nhiều lần : « đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta… ;4 Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng :  5 Còn chúng, vốn là nòi phản loạn ». Có thể  nghĩ rằng họ bị mắc cái bệnh, có thể nói « phản loạn gia truyền con nối », một đề tài được nói tới nhiều trước Ê-dê-ki-en. Trước kia ông Mô-sê cũng đã than phiền, không phải ngẫu nhiên mà đoạn đường Rê-phi-đim được gọi là Ma-xa và Mơ-ri-va (thử thách và quở trách), để nhớ lại những lời kêu ca liên tục của dân chúng trong thời Xuất Hành.

Nhiều thế kỷ sau, lúc đầu thời bị lưu đày, chính vì để suy niệm về những trải nghiệm đau khổ của Mô-sê, sách Đê Nhị Luật chép rằng : « 7 Anh (em) phải nhớ, đừng quên rằng anh (em) đã chọc giận ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), trong sa mạc. Từ ngày anh (em) ra khỏi đất Ai-cập cho đến khi tới đây, anh em đã phản nghịch chống lại ĐỨC CHÚA…."13 ĐỨC CHÚA phán với tôi: "Ta thấy rằng dân này là một dân cứng cổ. » (Đnl 9,7.13)

Trong bài hôm nay, lời trách đặc biệt nặng nề, dân It-ra-en bị so sánh với chính Pha-ra-on, một  mẫu gương của sự cứng lòng ! Câu thứ tư có những chữ tiếng Do Thái dùng để chỉ chính vua Ai Cập trong sách xuất hành : «  .13 Dù vậy, Pha-ra-ô vẫn cứng lòng, không nghe ông Mô-sê » ( Xh 7,13) ) Đó là lời nguyền rủa nặng nhất. Bấy giờ Ê-dê-ki-en được cảnh báo : dân này rất phản loạn, phải rất khó để họ nghe và uy quyền của mình được thực hiện. Vì thế vị tiên tri nói rõ là không phải chính ông nói : « 2 Một thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời Người phán với tôi và làm cho chân tôi đứng » và lời ấy không phải của ông : « ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này." . Trong câu sau, Thiên Chúa mời gọi người phát ngôn của mình phải can đảm : « .6 Phần ngươi, hỡi con người, đừng sợ chúng, cũng đừng sợ những lời chúng nói, dù ngươi có bị chống đối, có gặp chông gai tứ bề, hay ngồi trên bò cạp. Những lời chúng nói, ngươi đừng sợ; có phải giáp mặt chúng, cũng đừng khiếp, vì chúng là nòi phản loạn » ( Ed 2,6)

Thế nhưng, giữa những lời trách thật trầm trọng của Thiên Chúa, lại có một Tin Mừng thật tuyệt vời thoát ra từ bài đọc ngày hôm nay : dân này thật cứng đầu và bất tuân, thế nhưng dù vậy Chúa vẫn trung tín với Giao Ước : mặc cho thái độ của chúng, nghe hay từ chối  «  5 Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng ». Chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục nói với họ và kêu gọi họ.

 

***

 

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com