Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN XV THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 6, 7-13) 15/07/2018

Alleluia, alleluia!

Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta.
Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa.
 - Alleluia.

 -----------------

"Người bắt đầu sai các ông đi".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

 

7 Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.

8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng;

9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.

10 Người bảo các ông: "Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi.

11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ."

12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.

13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

 

Đây là Nhóm Mười Hai ngay từ lúc đầu của đời sống rao giảng. Chúa Giê-su đã huấn luyện lâu nay cho kế hoạch gởi các ông ra đi. Ngay trong chương 3 thánh sử Mác-cô đã kể rằng Chúa đã chọn các ông trong mục đích đó : « 16Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô,17 rồi có ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an, em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-,18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích,19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người »    ( Mc3,16-19). Từ ngày ấy các ông theo Chúa khắp nơi và lãnh nhận giáo huấn của Ngài. Các ông được chứng kiến quyền năng của Chúa ; trong những chương đầu thánh Mác-cô thuật lại nhiều phép lạ đủ loại của Chúa.

Và bây giờ đến lúc Chúa gửi các ông đi cũng với khả năng trừ quỷ :  «7 Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ » Ngài cũng ban cho các ông ba chỉ thị : Đi từng hai người một, chỉ mang theo những gì thật cần thiết, không để bị nao núng bởi những bách hại, không thể nào tránh được.

Chỉ thị thứ nhất : đi từng nhóm hai người : hình như đây là cách hành sự thông thường của Chúa Giê-su. Sau này thánh Mác-cô cho chúng ta vài thí dụ. Như lúc chuẩn bị vào thành Giê-ru-sa-lem : « 1 Khi Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem, gần làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ2 và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây » ( Mc 11,1-2).

 Lúc chuẩn bị lễ Vượt Qua cũng như thế : « 13 Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ:  « Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó » ( Mc 14,13). Hình như đây là tàn dư của tập quán Do Thái, lời chứng, chỉ có thể tin được khi ít nữa có hai người thuật lại.  «15 Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội một lỗi nào; về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét. »  ( Đnl 19,15). Việc loan truyền Phúc Âm cũng thế, đây là những chứng tá, không phải một việc riêng tư. Sau này, các Tông Đồ cũng giữ thói quen đó : vì thế Phê-rô và Gio-an cùng đi rao giảng ở đền thờ Giê-ru-sa-lem, Phao-lô và Ba-na-ba thường cùng làm ê-kíp qua xứ Sy-ri-a và Nam- Á ( Cv 13,15) ; sau cuộc chia tay Phao-lô tiếp tục hành trình với ông Xi-la. ( Cv 16,17) .

Chỉ thị thứ hai là chỉ mang theo những gì thật cần thiết : « 8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; 9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo » Những khí cụ duy nhất chỉ phải là để dùng vào sứ vụ đi rao giảng. Khi nghe chỉ thị ấy các Tông Đồ có lẽ đã hồi tưởng lại cuộc hành trình dài trong đức tin của cha ông, trong đêm lễ Vượt Qua lúc lìa Ai-cập, « 11 Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA » ( Xh 12,11) . Cuộc hành trình dài của Giáo hội, dân của Chúa cũng bắt đầu từ đây. Việc này đòi hỏi phải lưu động, sẵn sàng, lòng trí thanh thản.

Chỉ thị thứ ba Chúa ban là : đừng để bị nao núng bởi những bách hại không thể nào tránh được. Theo tuờng thuật của thánh sử Mác-cô, các Tông Đồ vừa chứng kiến cuộc thất bại của Chúa Giê-su tại Na-da-rét. ( Mc 6,1-6), ngoài ra, ở đầu Tin Mừng các ông đã dần dần nhận thấy sự chống đối của các kinh sư và những người Pha-ri-sêu. Hình như các người đi rao giảng hay các tiên tri nào cũng bị bách hại. : Bài Đọc Một cho ta một ví dụ đau đớn về ông A-mốt bị đuổi về nhà chỉ sau mấy tháng đi rao giảng : «  12 Bấy giờ A-mát-gia nói với ông A-mốt: "Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu-đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! » ( Am7,12). Chúng ta có thể tự hỏi tại sao sự bách hại lại không thể nào tránh được, tại sao  « Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình »  như Chúa Giê-su đã nói tại Na-da-rét trong  ( Mc6,4) . Tại sao rao giảng Phúc Âm là loan báo khắp nơi Tình Yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa lại gặp sự phản đối ? Vì chúng ta « cứng cổ » như ông Mô-sê đã nói ; vì chúng ta có những tư tưởng khác về Thiên Chúa thực. Sau cùng vì chúng ta có con tim chai đá. Thế nhưng nếu Chúa là Tình Yêu và Tha Thứ, Ngài sẽ đòi hỏi chúng ta giống hình ảnh của Ngài và hãy suy nghĩ lại. Và cũng chính vì những lý lẽ sai lầm ấy mà Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, và biết bao nhiêu người lần lượt bị tử vì đạo.

Để đối diện lại những sự chối từ ấy Chúa Giê-su không khuyên đáp trả bằng bạo lực, cũng chẳng bằng sự khinh bỉ mà bằng sự nhẫn nại, và thanh thản : «  11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ ». Cũng xin nhắc sơ qua lại thánh Phao-lô và Ba-na-ba đã làm như thế tại Ăn-ti-o-kha khi mọi việc không ổn.  ( Cv 13,51)

Phải hiểu như thế nào về những người đi làm « chứng nhân » ?  Có lẽ một cách để nói « chúng tôi tôn trọng sự tự do của quý bạn, chúng tôi không lấy một thứ gì của các bạn thậm chí bụi cũng không. ». Thánh Lu-ca có cách nói như sau đây : « 11 "Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông.Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. (Lc10,11)

Nhưng may thay, các Tông Đồ không gặp nhiều chống đối và lòng chai đá. Sự tăng trưởng không cưỡng lại được của các cộng đồng Ki-tô sau sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô là một bằng chứng.  Sách Công Vụ Tông Đồ có kể lại tên những nhân vật đã mở cửa tiếp đón những người rao giảng Tin Mừng. Trong trường hợp này lời khuyên của Chúa Giê-su rất giản dị : « 10 …"Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi » Nhận vào nhà ai là vinh dự cho người ấy.

 

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com