Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 8, 27-35) 16/09/2018

 Alleluia, alleluia!

Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

-------------------

"Thầy là Đấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

 

27 Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai? "

28 Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó."

29 Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? "Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô."

30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.

32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.

33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.

35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

 

Giai đoạn Sê-da-rê Phi-líp-phê này hẳn là một khúc quanh quan trọng trong đời Chúa Giê-su, vì ngay sau đó, Ngài phán với các Tông Đồ : «31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại » (Mc 8,31), có nghĩa là một giai đoạn mới bắt đầu. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là không có gì là mới lạ! Chúa Giê-su xưng mình danh hiệu « Con Người » - như Ngài đã làm như thế tất cả mười bốn lần trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô và chín lần trong Tin Mừng theo thánh Ma-thêu - ông Phê-rô gọi Ngài là Con Thiên Chúa - nhưng Phê-rô cũng không phải người đầu tiên gọi Chúa Giê-su như thế. (Cùng một giai đoạn này Tin Mừng theo thánh Ma-thêu có nhiều chi tiết hơn, chúng ta có dịp đọc trong Thánh Lễ thứ XXII Thường Niên năm A (Mt 16, 13-27)

Danh hiệu đầu tiên : « Con Người ». Cụm từ đến thẳng từ tiên tri Đa-ni-en, chương 7 :

 « 13 Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa:
có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.
Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành
và được dẫn đưa tới trình diện.

14 Đấng Lão Thành trao cho Người
quyền thống trị, vinh quang và vương vị;
muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ
đều phải phụng sự Người.
Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu,
không bao giờ mai một;
vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong »
(Đn7,13-14)

Vài câu sau tiên tri Đa-ni-en nói rõ hơn «Con Người » này không phải một nhân vật đơn độc , nhưng là một dân tộc : «18 Rồi chư thánh của Đấng Tối Cao sẽ lãnh nhận vương quyền và nắm giữ vương quyền ấy mãi mãi muôn đời…27 Còn vương quốc với quyền thống trị cũng như địa vị cao cả của các vương quốc khắp thiên hạ sẽ được trao cho dân thánh của Đấng Tối Cao. Vương quyền của dân ấy là vương quyền vĩnh cửu, và mọi quyền thống trị sẽ phụng sự và vâng phục dân ấy. » (Đn7,18,27) Khi Chúa Giê-su tự xưng là «Con Người » Ngài tuyên xưng mình là người đứng đầu dân của Chúa.

Danh hiệu thứ hai được trao cho Ngài là «Con Thiên Chúa ». Đây cũng không phải lần đầu tiên. Ngay từ đầu Phúc Âm (ch1) chính từ Xa-tan cám dỗ Chúa trong sa mạc, nó dùng đúng danh hiệu này nhưng lại sai lầm về nội dung. «  Nếu ông là Con Thiên Chúa » (Mt4,3), nó tưởng tượng một «Con Thiên Chúa » quyền lực và không thể bị tổn thương, và lợi dụng quyền lực ấy cho riêng mình. Đối với Chúa Giê-su, trái hẳn lại, Con Thiên Chúa tức là hoàn toàn tin tưởng vào Đức Chúa Cha và được nuôi dưỡng bằng Lời Ngài. Sau đó cũng thế, hai người bị quỷ ám trên bờ hồ Ti-bê-ri-át, gọi hỏi Chúa "Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? » (Mt8,29), nhưng Chúa không trả lời. Sau đó trong giai đoạn Chúa đi trên mặt biển hồ cũng thế.

« Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su.30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với! "31 Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi? "32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay.33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa! » (Mt 14, 30-32).

Điều đáng ngạc nhiên là các Tông Đồ có vẻ đã nhận ra căn tính Chúa Giê-su, nhưng Chúa nói Phê-rô là kẻ « kém tin ». Thì ra lòng tin của các Tông Đồ không phải là đã dứt khoát, rõ ràng : Chỉ vì quyền lực của Chúa trên sóng gió gây ấn tượng trên các ông mà thôi ! Còn một giai đoạn dài các ông phải vượt qua nữa mới sẽ khám phá rõ Chúa Giê-su thật là ai.

Điều mới lạ tại Xê-da rê này là Phêrô tuyên xưng đức tin không vì một biểu lộ uy quyền nào của Chúa Giê-su, trái lại trước đó vài câu, Chúa vừa từ chối không cho những dấu chỉ để thuyết phục những người Pha-ri-sêu và những người…saduccéens. Từ bấy giờ một giai đoạn mới vừa được khởi đầu : danh hiệu « Con Thiên Chúa » không còn mập mờ nữa, Phê-rô đang trên đường đến đức tin : « Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời » (Mt 16,17)

Ngay khi Phê-rô khám phá Thầy là ai, Chúa Giê-su liền gởi ông thực hiện sứ vụ cho Giáo Hội : « …anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy » (Mt16,18). Chúng ta vừa thấy trong phần trên « Con Người » không phải một nhân vật riêng rẻ mà là một dân tộc. Nhưng Chúa xây Giáo Hội Ngài trên gì ? Trên một người mà đức tính duy nhất là đã nghe những gì Chúa Cha mặc khải. Điều này có nghĩa là cột trụ duy nhất của Giáo Hội là lòng tin vào đức Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su còn thêm : «19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy. » (Mt 16,19) Điều này không phải Phê-rô và các đấng kế vì ngài nắm toàn quyền lực ! Câu này chỉ có nghĩa Chúa Giê-su cam kết ở cùng họ. Thật vậy, chúng ta chỉ cần hiệp nhất với Giáo Hội để có thể hiệp nhất với Thiên Chúa.

Điều sau cùng để chúng ta an tâm. « Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy » . Chính Chúa Giê-su xây Hội thánh. Chúng ta không có sứ vụ xây Hội Thánh của Ngài nhưng chỉ nghe những gì Chúa Hằng Sống muốn mặc khải cho chúng ta. Và chính vì Chúa Ki-tô Phục Sinh, Con Thiên Chúa đã xây Giáo Hội, thì chúng ta chắc chắn là : « quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (Mt 16,18)

 

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com