Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM B (Dt 4, 14-16) 21/10/2018

« Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng »

 

Trích thư gửi tín hữu Do Thái

 

14 Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.

15 Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.

16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.

 

Tất cả diễn ra như chúng ta đang chứng kiến hai nhóm thảo luận trên đề tài tôn giáo. Hai lý thuyết, hay đúng hơn là hai nhóm đối diện với nhau. Một bên là người Do Thái, sốt sáng, gắn bó với phụng vụ trong Đền Thánh và qui chế của thiên chức thành Giê-ru-sa-lem : ngoài họ không có ơn cứu độ. Bên đối diện là những Ki-tô-hữu mới, xác nhận nơi Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết đi và phục sinh, là Đấng cứu độ mà nhân loại hằng mong đợi. Cuộc đối thoại của hai nhóm càng trở nên khó khăn vì cả hai đều dùng một thứ ngôn ngữ nhưng mỗi bên hiểu một nghĩa khác nhau, thậm chí phản nghĩa nhau.

Đối với những người Do Thái, các kinh sư đặc biệt là vị thượng tế là người bắc cầu để nối liền giữa Thiên Chúa, Đấng không ai có thể với tới, và dân chúng. Khi nói đến « Chúa Chí Thánh »,  là người ta nghĩ tới Thiên Chúa xa cách, khó gần; trong lúc con người thuộc về trần tục, điều mà Cựu Ước gọi là ô uế ( lại một từ ngữ đã thay đổi nghĩa). Vì thế muốn chuyển lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, hay ngay cả lời tạ ơn, phải có người bắc cầu ( từ đấy mới có chữ Pontife , Pontifex, thượng tế,  bằng tiếng La-tinh) ( Người dịch chú giải : hai chữ La-tinh ấy có gốc là Pont có nghĩa là cái cầu). Vị ấy không phải là người thuộc thế giới trần tục, vì thế mới có những nghi lễ tấn phong vị Thượng Tế. Cũng vì lẽ ấy chữ « tấn phong » hay « cung hiến » có nghĩa là phân chia, cách ly. Mặc dù vậy, chúng ta biết rằng ngay từ Cựu Ước, người ta đã khám phá một cách tuyệt vời là Chúa rất gần gũi. Thế nhưng con đường đi đến chỉ một chiều : có thể nói, Thiên Chúa đã vượt qua vực thẳm xa cách giữa chúng ta và Ngài, nhưng đối với con người thì không thể được. Vì thế mới cần đến kinh sư, được tách riêng ra để làm việc ấy.

Trong cái lô-gíc ấy thì tất nhiên Chúa Giê-su không có một điều kiện nào của thiên chức người kinh sư. Thứ nhất là Ngài không thuộc về dòng dõi các kinh sư ( bộ tộc Lê-vi), mà từ vua Đa-vít, thuộc bộ tộc Giu-đa. Các môn đệ thường hay khoe rằng Ngài thuộc dòng vua Đa-vít. Còn hơn thế nữa, nếu làm kinh sư phải thuộc bộ tộc Lê-vi, dòng dõi A-a-ron, Chúa Giê-su càng không phải trong trường hợp này. Ngài không bao giờ được tấn phong Thượng Tế, đó là điều hiển nhiên rồi ! Điều quan trọng hơn nữa là Ngài đã chết như một người bị nguyền rủa : cái chết của Chúa Giê-su không phải một hành động có tính cách thiêng liêng gì: trái lại, đó là một cuộc hành quyết một kẻ bịp bợm, một tiên tri giả. Hơn nữa bằng chứng là Thiên Chúa không giải thoát Ngài khỏi cái chết ô nhục ấy. Ông đã nói dối, tự cho mình là con Thiên Chúa. Giết ông mới là một hành động thiêng liêng, diệt đi một kẻ phạm thượng làm lệch lạc dân chúng.

Đối với những Ki-tô hữu, trái ngược lại, tất cả dựa vào mầu nhiệm nhập thể. Chúa xuống thế làm Người, nơi Chúa Giê-su-Ki-tô, Người và Chúa chỉ là Một. Chính nơi Ngài, là Đấng thật sự bắc cầu làm trung gian một cách hữu hiệu. Nơi Ngài Thiên Chúa đến với nhân loại, vượt qua hố sâu phân cách với con người. Bài chúng ta nói : « …vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời ». Cũng nơi Ngài, cùng lúc với sự Phục Sinh của Ngài, một Người đã xuyên qua các tầng trời : Để hiểu cùng một hình ảnh ấy, con đường được dùng hai chiều. Nơi Chúa Giê-su, nhân loại từ nay vĩnh viễn nắm lấy tay Ngài. Còn chúng ta, chúng ta là thân của Ngài, bởi Ngài chúng ta có thể đến với Thiên Chúa. Vì thế từ nay không cần có thượng tế, kinh sư cũng không, chính Ngài là Thượng Tế, vĩnh viễn là thế : «  Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin », tác giả nói thế, tức là chúng ta không để một ai dọa nạt bằng một lý thuyết của thời đại xa xưa. Kể từ nay, tất cả đã thay đổi. Chúng ta không nhìn về quá khứ nữa, thời xưa kia chỉ là một giai đoạn của công trình Thiên Chúa. Kể từ nay : « 14 Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa »

Chúng ta đọc nơi đây, khi bài này được viết, cộng đồng Ki-tô đã gọi danh hiệu Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa. Nhưng cùng lúc ấy những Ki-tô hữu cũng có những khó khăn như chúng ta ngày nay : Con Thiên Chúa có thể nào cùng lúc là Người như chúng ta sao ? Đấy là mầu nhiệm Nhập Thể, và phải chấp nhận rằng đối với chúng ta còn là một mầu nhiệm : chúng ta không thể thấy và hiểu hết những kế hoạch của Thiên Chúa. Nơi chúng ta, ngay khi chúng ta nói lên một cách trung thành rằng Chúa Giê-su « vừa là Chúa thật, vừa là Người thật », Chúa là Đấng xa cách với chúng ta, đó là điều không thể nào cứu vãn đươc, và ý tưởng ấy hằng khắc ghi trong tâm trí chúng ta.

Có lẽ để đáp lại sự khó khăn đó nên tác giả thêm liền ngay sau đó : « 15 Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội » Sự thử thách của Đấng Ki-tô hẳn ngụ ý nhắc đến những thử thách Ngài đã trải qua trong đời, tất cả những lần các Tin Mừng nhất lãm kể lại những cám dỗ trong sa mạc : cám dỗ quyền lực, thành công, vinh quang ; cám dỗ được phục vụ thay gì làm người tôi tớ ( chúng ta có một tiếng vang trong bài Phúc Âm chúa nhật hôm nay) ; cám dỗ đến từ Phê-rô xúi Ngài tránh bị bách hại và sự chết đang chờ đợi Ngài ở Giê-ru-sa-lem ; cám dỗ trong vườn Giét-sê-ma-ni… ; cuối cùng cám dỗ tưởng rằng  mình bị bỏ rơi, trong giây phút quyết liệt nhất, tức là trên thập gía. Tất cả những cám dỗ đó chúng ta đều có như Ngài, nhưng Chúa không sa ngã. Không một lần nào Ngài đi xa khỏi ý của Chúa Cha. « Xin thực hiện ý Cha, đừng theo ý Con ». Ngài chính là Người anh chúng ta, chia sẻ thân phận con người của chúng ta, những thử thách những cám dỗ nhưng cũng vừa là Con Thiên Chúa, sống hoàn toàn theo thánh ý Chúa Cha.

Chúng ta chỉ còn theo gót của Ngài, chúng ta là chi thể của Ngài như thánh Phao-lô nói trong thư cho dân thành Cô-rin-tô và lập lại nơi đây dưới hình thức : «ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa ». Kể từ nay qui chế Do Thái của thiên chức thành Giê-ru-sa-lem không còn lý do gì tồn tại nữa. Nhưng, có người lại hỏi : thế sao còn các linh mục giữa chúng ta ? Thành thật mà nói trong thời điểm bài Thư Do Thái này được viết không ai trong cộng đồng Ki-tô thời ấy có chức linh mục. Sở dĩ sau này danh xưng linh mục được thiết lập là có một ý nghĩa khác hẳn. Người linh mục Ki-tô không có tham vọng bắc cầu giữa Chúa và giáo dân. Nhưng sự hiện diện của họ luôn nhắc lại với anh em rằng Chúa Giê-su Ki-tô, Người Trưởng Tế luôn ở giữa họ.

 

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures  Socéval Editions

***
Dịch giả: E. Máccô  Lương Huỳnh Ngân


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com