Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B – LỄ CHÚA KITÔ VUA (Ga 18, 33-37) 25/11/2018

Alleluia, alleluia!

Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Đavít tổ phụ chúng ta đã đến! - Alleluia.

----------------- 

"Quan nói đúng: Tôi là Vua".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

 

33 Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su và nói với Người: "Ông có phải là vua dân Do-thái không? "

34 Đức Giê-su đáp: "Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi? "

35 Ông Phi-la-tô trả lời: "Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì? "

36 Đức Giê-su trả lời: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này."

37 Ông Phi-la-tô liền hỏi: "Vậy ông là vua sao? " Đức Giê-su đáp: "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi."

 

Đây là một bài đáng ngạc nhiên cho một ngày lễ Chúa Ki-tô Vua ! Trong Thánh Kinh có rất ít đoạn khẳng định tính cách vương giả của Chúa Ki-tô. Phải tìm trong đoạn tường thuật cuộc Khổ Nạn Chúa Giê-su mới thấy chính Chúa khẳng định rõ ràng vương quyền của Ngài. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao Chúa không nói trước Ngài là Vua. Điều này có thể thay đổi nhiều sự. Biết đâu ấy ? Mỗi lần mọi người muốn tôn Ngài làm vua, Ngài lại tìm cách thoát. Mỗi lần người ta muốn quảng bá, sau những phép lạ đặc biệt ấn tượng, Ngài lại ra lệnh im lặng nghiêm nhặt. Sau « Hiển Linh » cũng thế. Và bây giờ, lúc Ngài bị xiềng xích, nghèo nàn, bị người kết án, Ngài lại xưng Vua! Tức là chính lúc Ngài không còn gì vẻ dáng bề ngoài là vua…ít nữa theo quan niệm của thế gian.

Có lẽ điều này muốn nói…Không, chắc chắn, điều này muốn nói là chúng ta cần phải xem lại quan niệm của chúng ta về vương quyền. Chúng ta nên nhớ lại những gì Chúa nói cho các môn đệ Ngài: « 42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10, 42-45)

Điều mà thánh Gio-an muốn nói ở đây cho chúng ta khi ngài thuật lại việc Phi-la-tô khảo hạch Chúa Giê-su, là: Chúa chỉ là Vua nhân loại, chính lúc Ngài ban sự sống của Ngài cho nhân loại. Vị vua ấy không có tham vọng gì khác hơn là phục vụ. Nói rằng cuộc phỏng vấn, nhưng thực ra là sự đối diện, mặt giáp mặt giữa người đại diện cho Đế Chế Rô-ma vĩ đại và một tử tội - cũng như cả trăm trường hợp khác - ở đây trở nên một cuộc « đối thoại ». Vì, thật vậy, thế giới bị đảo ngược: Suốt cuộc Tử Nạn, thánh sử Gio-an nhấn mạnh khía cạnh thú vị của sự đảo ngược tình thế. Ở đây chính xác là chính quyền Rô-ma công nhận Đức Vua thật sự, chính là Chúa Giê-su Ki-tô: Khi Phi-la-tô hỏi: «Vậy ông là vua sao?» Chúa Giê-su trả lời « Chính ngài nói rằng tôi là vua », có nghĩa là: «ông đã hiểu tất cả, chính ông nói như thế ».

Nhưng vương quốc ấy, không có liên quan gì đến các vương quốc của chúng ta dưới thế này, có quân lính bảo vệ. « Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. ». Nước của Chúa là sự thật, không cần có gì để bảo vệ ngoài sự thật. «Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi ». Trong Bài Đọc 2 Chúa nhật hôm nay, trích từ Sách Khải Huyền, chúng ta đã nghe thánh Gio-an nói rằng Chúa Giê-su là « vị Chứng Nhân trung thành » (Kh 1, 5) và Chúa còn là: « Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật » (Ga 1, 14b) như ngài nói trong phần mở đầu Tin Mừng về Chúa Giê-su Ki-tô.

Phi-la-tô sống giữa văn minh Hy-lạp và Rô-ma, chưa hiểu lắm nên hỏi: « Sự thật là gì?». Còn người Do Thái, họ hiểu từ thời phôi thai của Giao Ước giữa họ với Thiên Chúa, sự thật chính là Thiên Chúa. Chữ «Sự Thật » trong Thánh Kinh có nghĩa là « lòng trung tín sắt son » vào Thiên Chúa. (theo tiếng Do thái, từ ngữ này có cùng gốc với chữ «Amen», có nghĩa là chắc chắn, vững bền, trung tín, thật, như chúng ta đã thấy trong bài thánh vịnh 92 (93) ngày Lễ hôm nay). Lý do là Sự Thật, chính xác là một nhân vị - đó là Thiên Chúa - không ai có thể nói tôi nắm sự thật! Chúng ta thuộc về sự thật, sự thật không thuộc về chúng ta. Biết bao nhiêu cuộc tranh luận vô ích, và ngay cả những cuộc chiến chết người có thể tránh được, trong quá khứ cũng như trong tương lai, nếu chúng ta luôn ý thức rằng chúng ta không chiếm hữu sự thật! Điều quan trọng là lắng nghe sự thật và từ đó mà học hỏi.

« Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi » Chúa Giê-su khẳng định như thế với Phi-la-tô, giống như Ngài vừa nói với người Do Thái : «47 Ai thuộc về Thiên Chúa, thì nghe lời Thiên Chúa nói; còn các ông, các ông không chịu nghe, vì các ông không thuộc về Thiên Chúa. » (Ga 8, 47). Chỉ có Chúa mới có thể nói với chúng ta : « Hãy nghe đây ». Mỗi ngày Chúa Giê-su cùng với các môn đệ đọc một loại kinh Tin Kính rút từ sách Tô-ra: « Hãy nghe đây It-ra-en ». Từ ngữ ấy từ miệng Chúa Giê-su, đó là một cách mặc khải Ngài là Thiên Chúa (Trong Phép Rửa ở sông Gio-đan và khi Ngài Hiển Linh trên núi, có tiếng từ trời nói về Đấng Giê-su : « Hãy nghe lời Ngài », đó là cách nói Ngài là Thiên Chúa)  

Phi-la-tô không cảm thấy tất cả các âm điệu tế nhị trong các câu ấy, nhưng khi thánh Gio-an thuật lại cho các tín hữu thời sơ khai, họ hiểu hết các ẩn dụ nằm trong các từ ngữ này. Phi-la-tô vẫn còn ở lại với những câu hỏi của ông, rõ ràng ông đánh mất đi cơ hội khám phá ra Thiên Chúa. Ông lý luận về sự thật thay vì phó thác vào đó, một cách đơn giản, để tin. Tất cả Tin Mừng theo thánh Gio-an miêu tả cái song đề, đặt ra cho mọi người : « tin hay không tin ». Mác-ta thành Bê-ta-mi-a đã có sự chọn lựa đứng đắn, đó là lòng khiêm nhường và cậy trông. Cô Mác-ta đáp: "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian." (Ga 11, 27). Tại sao Mác-ta, một phụ nữ đơn sơ xứ Pa-lét-tin kia mà có thể thấu được sự thật? Và tại sao Phi-la-tô thì lại không? Mặc dù Chúa Giê-su lưu ý ông ta đã gần sự thật : « Chính ngài nói rằng tôi là vua »  trong câu 37 , thế  Phi-la-tô còn thiếu gì?

Có lẽ, thiếu chấp nhận không chiếm hữu sự thật, nhưng được sư thật chiếm hữu và thuộc về sự thật ấy. Hẳn là điều duy nhất đòi hỏi nơi chúng ta để thuộc về vương quốc Chúa Ki-tô: « 3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ » (Mt 5, 3).

 

***

 

Tác giả:  Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures  Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô  Lương Huỳnh Ngân


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com