Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN II MÙA VỌNG NĂM C (Pl 1, 4-6, 8-11 ) 09/12/2018

« Anh em hãy ăn ở trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Đức Kitô »

 

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

 

4 Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy,

5 vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng.

6 Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm.

8 Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Ki-tô Giê-su.

9 Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên,

10 để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm.

11 Như thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.

 

Thánh Phaolô gầy dựng cộng đồng Philípphê ngay trước cộng đồng Thêxalônica, chúng ta được nghe trong tuần trước ; nhưng ngài có thể ở lại Philípphê lâu hơn. Thánh nhân được ông Sila và Thánh Luca đi cùng : Thánh Luca thuật lại cuộc hành trình này trong sách Công vụ Tông đồ : « Chúng tôi ở lại thành đó mấy ngày» (Cv16, 12)

Một nhóm nhỏ nhanh chóng được thành lập chung quanh họ ; trong nhóm có một bà tên Ly-đi-a, chuyên buôn bán giải điều, bà mời các ông ngụ lại nhà bà. Nhưng nơi đây Thánh Phaolô  làm một phép lạ, nhưng có người không tán thành. Thánh Luca kể lại : « 16 Một hôm, đang khi chúng tôi đi tới nơi cầu nguyện, một đầy tớ gái đón gặp chúng tôi; cô ta bị quỷ thần ốp, và thuật bói toán của cô làm lợi nhiều cho các chủ của cô.17 Cô lẽo đẽo theo ông Phao-lô và chúng tôi mà kêu: "Các ông này là tôi tớ Thiên Chúa Tối Cao; họ loan báo cho các người con đường cứu độ."18 Cô cứ làm thế trong nhiều ngày. Bực mình, ông Phao-lô quay lại bảo quỷ: "Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, ta truyền cho ngươi phải xuất khỏi người này! " Ngay lúc ấy, quỷ thần liền xuất.

19 Các chủ của cô thấy hy vọng kiếm lợi đã tiêu tan, liền túm lấy ông Phao-lô và ông Xi-la mà lôi đến quảng trường, đưa ra trước nhà chức trách.20 Họ điệu hai ông đến các quan toà và nói: "Những người này gây xáo trộn trong thành phố chúng ta; họ là người Do-thái,21 và họ truyền bá những tập tục mà người Rô-ma chúng ta không được phép chấp nhận và thi hành."» (Cv16, 16-21) 

Sau sự việc này Sila và Thánh Phaolô bị đánh đòn nhừ tử và bị tống vào ngục, nhưng ngay hôm sau hai ông được giải thoát một cách phi thường bởi một trận động đất : mấy thẩm phán xem đó như một điềm gỡ từ trời và thấy buộc phải thả họ ra nhưng lễ phép đề nghị hai ông không nên trở lại.

Sách Công vụ Tông đồ không nói gì thêm về thành Philípphê ; nếu Thánh Phaolô không viết thánh thư hôm nay chúng ta đọc, không ai biết gì về cộng đồng này. Rõ ràng một trong những cộng đồng ngài quyến luyến nhất : «  Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Ki-tô Giê-su.» (c8). Chữ «  lòng yêu quý »  theo nghĩa nguyên gốc « ruột gan». Một lần nữa, ở đây Thánh Phaolô dùng cách nói rất gần gũi như  người Do Thái. Hãy chú ý Thánh nhân nói «  lòng yêu quý của Đức Ki-tô Giê-su». Chính Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải xuất phát từ một thứ cảm xúc nào là nguồn mạch của tình huynh đệ trong cộng đồng Kitô.

Bấy giờ chúng ta quay về bài thánh thư của chúng ta. Không ai biết Thánh nhân viết thư này cho những tín hữu yêu mến thành Philipphê ở đâu : trong thư ngài chỉ nói đang bị cầm tù, nhưng ngài bị ở tù nhiều nơi, chắc chắn tại Xêdarê, ở Roma và rất có thể ở cả Êphêxô, không ai biết chính xác ở đâu và khi nào.

Dù sao đi nữa mặc dù ở tù nhưng ngài vẫn chia sẻ niềm vui với anh em tín hữu Philípphê: « Nhưng nếu tôi phải đổ máu ra hợp làm một với hy lễ mà anh em lấy đức tin dâng lên Chúa, thì tôi vui mừng và cùng chia sẻ niềm vui với tất cả anh em.18 Anh em cũng vậy, anh em hãy vui lên và cùng chia sẻ niềm vui với tôi.» (2, 17-18). Và niềm vui ấy toả ra xuyên suốt bài thánh thư : « 4 Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy» (c4)  

Thánh Phaolô liệt kê từng chi tiết nội dung lời cầu nguyện, có thể làm một mẫu gương lời cầu nguyện của chúng ta cho một người thân yêu : « 9 Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên,» (c9).

Chúng ta hãy chú ý : ngài nói lòng yêu mến trước tiên, và chính tình yêu làm cho thêm dồi dào ơn hiểu biết  «  cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên» ; và khi Thánh Phaolô nói đến sự hiểu biết, là ngài nói theo nghĩa Thánh Kinh. Hơn nữa Thánh Phaolô không dùng ở đây một danh từ thông thường theo tiếng Hy lạp mà ngài dùng một danh từ của ngài, có nghĩa mới là sự hiểu biết ở một cấp độ cao hơn sự thông minh.  Ngài cũng dùng chữ ấy trong thư gửi Timôthê. « Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý» (1Tm2, 4) Và chúng ta cũng hiểu ngài muốn nói  «  được cứu độ, có nghĩa là nhận biết chân lý  »,

Còn khi Thánh Phaolô nói về tài trực giác phải hiểu theo nghĩa Thánh Kinh là sự trực giác siêu nhiên : ở đây không phải lý luận tri thức nhưng bằng con tim, có thể nói «  cặp mắt của đức tin » Có cả cái nhìn tượng trưng được triển khai trong Thánh Kinh. Bắt đầu bằng cái nhìn của Ađam bị con rắn làm lệch hướng ; và có con cái của Ađam có mắt để nhìn mà không thấy, như các ngôn sứ nói. ; và cũng có hậu duệ của ông Ápraham biết ngước mắt lên nhìn Thiên Chúa , như trong bài Thánh vịnh, tức là yêu mến, tôn thờ và cậy trông vào Ngài.

Vì thế, các  tín hữu mở mắt tiến về ngày của Đấng Kitô không vấp ngã. Trong bài này cũng như trong thư gửi tín hữu thành Thêxalônica tuần trước, viễn ảnh theo Thánh Phaolô là ngày của Đức Kitô. Người Kitô hữu là kẻ chờ đợi… Chờ Ngày của Đấng Kitô, tức là ngày vinh thắng của Tình Yêu. Mọi lịch sử cá nhân cũng như lịch sử nhân loại múc lấy ý nghĩa từ đó. Trong lịch trình tiến triển của thế giới mới, được xây dựng chỉ bằng tình yêu, chúng ta có một vai trò : cùng lúc với Thánh Phaolô khi ngài cảm nhận niềm vui với thái độ các tín hữu thành Philípphê ( Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy,  vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng.(c4-5) ). Đồng thời ngài xác định « Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm.»(c6) .

Có nghĩa là công trình của Thiên Chúa và công trình con người, không có mâu thuẫn ! Trái lại đây là một sự hợp tác. Một sự hợp tác được Thánh Phaolô biểu trưng trong thư gửi tín hữu thành Côrintô, có thể gọi là bài dụ ngôn người làm vườn : « Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể» (1Cr3, 6-7). Có nghĩa là chúng ta thực hiện điều bé nhỏ gì có thể và Chúa sẽ hoàn tất. 

 

***

Tác giả:  Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures  Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô  Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính : Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com