Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN III MÙA VỌNG NĂM C (Lc 3, 10-18) 16/12/2018

Alleluia, alleluia!

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. - Alleluia.

-----------------

"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?"

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

10 Đám đông hỏi ông Gio-an rằng: "Chúng tôi phải làm gì đây? "

11 Ông trả lời: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy."

12 Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? "

13 Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh."

14 Binh lính cũng hỏi ông: "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? " Ông bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình."

15 Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a!

16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.

17 Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi."

18 Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.

 

Những người đến với ông Gio-an Tẩy-giả là những người giai cấp thấp trong xã hội, những người đơn sơ, đám đông quần chúng, những người không được coi trọng lắm: (Người thu thuế, và có lẽ lính tráng theo bảo vệ) Đối với họ, cách nói thẳng thừng của vị ngôn sứ là Tin Mừng. Họ hỏi một cách khiêm nhường: Làm thế nào để trở lại đạo? Ông Gio-an đưa ra một câu trả lời giản dị: Sự trở lại đạo của chúng ta, tùy mức độ chúng ta đối xử với tha nhân. Sau này Chúa Giê-su cũng nói không khác gì hơn: «21 "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa…!» (Mt 7, 21)Nghĩ cho cùng, đám đông theo ông Gio-an và đặt câu hỏi "Chúng tôi phải làm gì đây?", có thể tự trả lời thay ông. Lý do là tất cả những gì ông rao giảng cũng như các ngôn sứ, đều nhấn mạnh: Hãy sống công chính, biết chia sẻ, không bạo lực, đó là những đề tài chính yếu. Chính vì ông Gio-an sống như một ngôn sứ, họ bắt đầu mơ tưởng: Phải chăng ông là Đấng Mê-si-a?  Đây rồi…từ lâu mọi người trông đợi: «15 Hồi đó, dân đang trông ngóng» thánh Lu-ca nói rõ như thế.

Cách trả lời của ông Gio-an không thể nhầm lẫn: Không, tôi không phải là Đấng Mê-si-a, nhưng tôi loan báo cho anh em Ngài sắp đến «Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến,…18 Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ». Khi thánh sử Lu-ca nói đến Tin Mừng, đấy là Tin Mừng ông Gio-an vừa loan báo: Tức là Đấng Mê-si-a sẽ đến. Ông Gio-an định nghĩa Đấng Mê-si-a bằng hai cách: Đầu tiên là Đấng làm phép rửa Trong Thánh Thần; sau đó Ngài đến để thực thi sự Phán Xét của Thiên Chúa.

Thứ nhất Đấng Mê-si-a làm phép rửa Trong Thánh Thần. Họ biết từ tiên tri Giô-en khi Đấng Mê-si-a đến, Thiên Chúa sẽ ban Thánh Thần Chúa cho mọi người.

Trước tiên chúng ta hãy dừng lại về phép rửa. Nhận xét đầu tiên là không phải Chúa Giê-su đã tạo ra cử chỉ làm phép rửa, tức là dìm tín hữu xuống nước, vì ông Gio-an đã làm như thế trước khi Chúa Giê-su bắt đầu cuộc đời công khai! Trước đó, đã có nghi thức làm phép rửa tại Kum-ran. Thật ra, thời Chúa Giê-su phép rửa mới vừa phát xuất và ít phổ biến. Cũng vì thế các bạn khó tìm gặp chữ «phép rửa» hay «rửa tội» trong Cựu Ước, gần như không bao giờ có, dù bằng tiếng Hy lạp hay tiếng Do Thái. Không bao giờ nghe nói đến phép rửa trong luật Do Thái: Lúc ấy nghi thức gia nhập cộng đồng là cắt bì. Vì thế, thời Chúa Giê-su người ta gọi một ông Gio-an nào đó là Gio-an Tẩy Giả, chính vì muốn phân biệt ông bằng một dấu chỉ đặc biệt .

Khó biết trong đạo Do Thái thời Chúa Giê-su ý nghĩa thật sự của phép rửa; có rất nhiều phong trào canh tân tôn giáo, ông Gio-an Tẩy Giả cũng là một phong trào ấy, nhưng không phải là duy nhất. Điều biết được là trong mọi thời, đạo Do Thái có những nghi lễ liên quan với nước, rưới lên đầu. (nhưng không bao giờ dìm cả người xuống nước như phép rửa ở đây) Tất cả đều mang ý nghĩa thanh tẩy theo nghĩa Thánh Kinh. Không phải rửa tội, nhưng làm cho người nhận phép rửa tinh tuyền, không còn vướng mắc với trần tục, hầu khả thi liên hệ trong lĩnh vực thần thiêng với Thiên Chúa.  

Với Gio-an Tẩy-Giả, ông vượt qua một bước mới. Ông cho một ý nghĩa mới của phép rửa: Đó là ơn trở lại, được xá tội. Thế nhưng ông loan báo, với Chúa Giê-su sẽ còn khác hơn:  "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa ». Với thế kỷ thứ XXI này, chúng ta không cảm nhận được sự vĩ đại của câu này. Không phải việc rửa tội là quan trọng, vì ông Gio-an đã làm phép rửa cho người Do Thái trong sông Gio-đan, nhưng những chữ sau cùng của câu: «làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa» có thể tác động như một quả bom nếu thời ấy chúng ta nghe ông Gio-an nói như thế

Chữ Thánh Thần gần như không có trong Cựu Ước, có chăng một vài lần được gọi là «thánh» nhưng có nghĩa là thần khí của Thiên Chúa cực thánh, nhưng người ta không nghĩ như một ngôi vị khác biệt. Tại sao thế? Vì lẽ ban đầu của Giao Ước Thiên Chúa trong sa mạc Si-na-i với đoàn dân ông Mô-sê, ưu tiên hàng đầu là giải thoát khỏi thuyết Đa Thần, và mặc khải cho họ Thiên Chúa duy nhất. Lúc ấy còn quá sớm để mặc khải cho họ Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi vị. Người ta thường nói Hơi Thở của Chúa, ban cho con người sinh khí hay thúc đẩy con người hành động theo thánh ý Chúa, nhưng chưa bao giờ được mặc khải như một Ngôi vị Thiên Chúa. Những lời của Gio-an Tẩy Giả vén màn cho sự mặc khải ấy: Ông loan báo phép rửa «trong Thánh Thần» mà không phải phép rửa «trong nước».

Điều thứ hai, Đấng Mê-si-a đến mang lại sự Phán Xét của Thiên Chúa. Khía cạnh này cũng được Cựu Ước nêu lên. Trước hết, trong mọi suy gẫm về một vị vua lý tưởng thời Mê-si-a, người ta chờ đợi một vị thắng mọi sự dữ, trị vì với lẽ công minh. Hơn nữa trong những Bài Ca Người Tôi Trung, sách I-sa-i-a Hai, điểm được nhấn mạnh nhất là Người Tôi Trung Thiên Chúa sẽ thực thi sự Phán Xét của Thiên Chúa. Thường sự phán xét ấy của Chúa được nêu lên như một sự thanh tẩy bằng lửa (chúng ta tìm thấy chữ «lửa» ở đây), và bằng một hành động chọn lựa như rê hạt: «17 Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.». Người nghe những lời này hiểu ngay hình ảnh được gợi lên, họ hiểu đây là Tin Mừng, sự tuyển chọn này không loại mất đi ai cả: Lửa này không phải lửa tiêu diệt mà thanh tẩy. Như vàng thô cần tẩy xỉ đi để vàng đẹp hơn nữa, lửa ấy tẩy khỏi ta những gì trong mỗi chúng ta không thích hợp với vương quốc của công chính và hoà bình do Mê-si-a tái lập.

***

Tác giả:  Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures  Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô  Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính : Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com