Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA NĂM C (Tv127, 1-5) 30/12/2018

"Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người"


1…Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA,

ăn ở theo đường lối của Người.

2 Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,
bạn quả là lắm phúc nhiều may.

3 Hiền thê bạn trong cửa trong nhà
khác nào cây nho đầy hoa trái;
và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,
xúm xít tại bàn ăn.

4 Đó chính là phúc lộc CHÚA dành cho kẻ kính sợ Người.

5 Xin CHÚA từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.
Ước chi trong suốt cả cuộc đời
bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh,

6 được sống lâu bên đàn con cháu.
Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình.

 

Nếu các bạn đọc bài thánh vịnh này trong Thánh Kinh, các bạn sẽ thấy đầu bài có đề tựa «Ca Khúc Lên Đền», có nghĩa là bài này là một thánh ca được hát trong các cuộc hành hương lên đền Giê-ru-sa-lem. Nội dung cho ta hiểu rằng, bài này được hát trong giai đoạn cuối của cuộc hành hương, lúc lên những bậc thang sau cùng để vào Đền Thánh.

Trong đoạn đầu bài Thánh Vịnh, các tư tế tiếp đón những người đi hành hương, khi vào đến cửa và giảng bài giáo lý sau cùng:

«Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, ăn ở theo đường lối của Người. 2 Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. 3 Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn.

Ca đoàn (Hoặc toàn thể cộng đồng hành hương) đáp lại:

«4 Đó chính là phúc lộc CHÚA dành cho kẻ kính sợ Người». Lúc ấy các tư tế đọc lời nguyện ban phép lành:

«5 Xin CHÚA từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh, 6 được sống lâu bên đàn con cháu. Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình.

Nhân dịp đọc đoạn này, tôi xin lưu ý một câu có thể làm khó chịu một số người: «2 Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may», đọc câu này làm cho chúng ta nghĩ hồi ấy không có vấn đề thất nghiệp!

Nội dung lời phép lành có vẻ rất thực tế, theo đời thường. Suốt quá trình Thánh Kinh cũng đều nhấn mạnh đến hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Những khát khao hạnh phúc rất «đời», những ước ao thành công trong gia đình cũng qui hướng về công trình của Chúa dành cho chúng ta …nếu không, Ngài không lập ra bí tích hôn phối !!! Chúa sáng lập chúng ta để chúng ta hạnh phúc, không có mục đích chi khác. Chúng ta hãy vui mừng lên! Cụm chữ «hạnh phúc thay» hay được nhắc thường xuyên trong Thánh Kinh. Rất thường đến độ làm cho có kẻ trách điều đó quá xa với thực tế con người. Trước những cảnh tượng sa cơ thất thế, những đau khổ, chúng ta chứng kiến hằng ngày, hoặc chính chúng ta là nạn nhân, nói như thế có trơ trẽn lắm không? Các bạn hẳn cũng nhận ra ngay trong bài thánh vịnh này những từ ngữ như «hạnh phúc thay» «hạnh phúc» «ơn phúc»: «Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, ăn ở theo đường lối của Người»; «4 Đó chính là phúc lộc CHÚA»; «Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh».

Thật ra chữ «hạnh phúc» không có ý muốn nhận xét cách dễ dãi, một thực trạng, như người nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đười lối của Người là tự động được hạnh phúc. Chỉ cần mở mắt ra để thấy nhiều người làm điều ngay lẽ phải mà chỉ gặt lấy cho mình những khổ đau. Sự thật ở đây chỉ có một hạnh phúc đáng giá nhất là được gần gũi Chúa.

Đúng ra tĩnh từ «hạnh phúc» có hai mặt: Vừa là một lời khen, vừa là một lời khuyến khích. Ông André Chouraqui một nhà dịch thuật luôn thông hiểu các bài viết bằng tiếng Do Thái, ông dịch chữ «hạnh phúc» bằng chữ «hướng đến» (có ngụ ý nói, bạn đang trên đường đến đó, hoan hô, và hãy can đảm lên, tiến tới!). Điều đặc biệt là dân Ít-ra-en ý thức từ lâu, Thiên Chúa đồng hành với họ trên đường đi tìm hạnh phúc và Ngài mở đường mở lối cho họ.

Chúng ta hãy lắng nghe ngôn sứ Giê-rê-mi-a: «11 Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng» (Gr 29, 11). Và tất cả Thánh Kinh luôn xác tín đến độ cho rằng phải có cái «lưỡi rắn độc» mới ngờ vực ý định Thiên Chúa tạo dựng con người, nam cũng như nữ để họ sống hạnh phúc. Đó là ý nghĩa của câu truyện về Vườn Địa Đàng. Nghĩ như một chuyên gia về Cựu Ước như Thánh Phao-lô, ngài thường tóm tắt trong Tân Ước bằng một cụm chữ về ý định của Chúa: «Kế hoạch yêu thương Thiên Chúa».

Như thế luôn luôn có hai phương diện trong chữ «Hạnh phúc» trong Thánh Kinh: Đó là dự án, kế hoạch của Chúa, đó là hạnh phúc phải xây dựng, nhưng đó cũng là sự chọn lựa của con người, có nghĩa là hạnh phúc con người phải xây dựng. Con đường đã được vạch sẵn, cứ đi thẳng: Chỉ cần trung thành giữ lề luật Thiên Chúa, được tóm gọn trong điều răn mến Chúa yêu người. Chúa Giê-su cũng chỉ vỏn vẹn theo luật ấy: «Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng» (Ga 13, 1). Và Ngài mời gọi các môn đệ mình hãy làm theo như thế để được hạnh phúc: «17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!» (Ga13, 17). Thế nhưng, có một câu làm cho bài chúng ta phức tạp một chút: «Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA». Cách trình bày như thế có vẻ nghịch lý khác thường. Có thể nào người ta có thể vừa sợ vừa hạnh phúc? Một lần nữa chúng ta hãy nghe André Chouraqui chuyển ngữ câu này: «Lòng rung rinh xúc động vì Chúa, hãy tiếp tục tiến bước». Đó là lòng run lên vì xúc động không phải sự sợ hãi. Thỉnh thoảng chúng ta cũng có trải nghiệm ấy đứng trước một hạnh phúc lớn lao: Chúng ta cảm thấy thật nhỏ bé.

Người của Thánh Kinh đã khám phá ra từ lâu, Thiên Chúa là tình yêu. Một khi họ khám phá ra được điều ấy họ không còn sợ nữa. Dân Ít-ra-en có cái diễm phúc được mặc khải, cùng lúc vừa sự vĩ đại của Thiên Chúa vượt xa con người và vừa sự gần gũi trìu mến của cùng một Thiên Chúa ấy. Tất nhiên «kính sợ Chúa» hiểu theo Thánh Kinh, không còn là sợ hãi nữa đối với con người thời sơ khai (vì không thể nào sợ một vị, tôi có thể nói vì bản chất là nhân từ). Không, kính sợ Chúa ở đây là thái độ của một đứa bé cảm nhận nơi cha mình uy lực và tình yêu trìu mến. Chính vì thế Sách Lê-vi dùng những chữ Do Thái nói lên điều này: «3 Mỗi người trong các ngươi phải kính sợ cha mẹ» (Lv 19, 3), có nghĩa là cho đến cuối lịch sử Thánh Kinh, «kính sợ Chúa» đồng nghĩa với tình phụ tử giữa cha-con. Đứa trẻ hang Bê-lem mang đến cho chúng ta mẫu gương ấy.

Đức tin, trước hết là sự xác tín căn bản Chúa muốn con người hạnh phúc, và vì thế chỉ cần nghe Ngài, an tâm theo Ngài một cách đơn sơ. Theo Ngài rất giản dị, có nghĩa là trung thành với lề luật của Ngài. Câu «Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, ăn ở theo đường lối của Người», thật ra là một trùng lặp, thật vậy, đối với người hiểu Thánh Kinh ,« kính sợ CHÚA» và «ăn ở theo đường lối của Người» là đồng nghĩa.

Một khi tất cả dân thành Giê-ru-sa-lem trung thành với chương trình ấy, họ sẽ chu toàn sứ mạng của thành phố mang tên: «Thành Phố Hoà Bình». Vì lẽ đó, bài ca lên đền của chúng ta loan báo trước một chút, bằng những lời khẳng định trong câu thứ 5: «trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh»

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com