Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – NĂM C (Ga 2, 1-12) 20/01/2019

Alleluia, alleluia!

Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến, 
bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

-----------------

"Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Ga-li-lê-a".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

 

1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su.

2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.

3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: "Họ hết rượu rồi."

4 Đức Giê-su đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến."

5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo."

6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.

7 Đức Giê-su bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi!" Và họ đổ đầy tới miệng.

8 Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông.

9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại

10 và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ."

11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.

12 Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày.

 

Chúng ta cùng làm quen với thể văn của thánh sử Gio-an: Ngài chèn những điều quan trọng trong vài chữ giữa những câu thông thường! Đối với ngài, «dấu chỉ» đầu tiên (như ngài nói) của Chúa Giê-su tại Ca-na rất quan trọng. Chỉ phép lạ này gợi lên một lúc mầu nhiệm vĩ đại chương trình Thiên Chúa dành cho nhân loại, mầu nhiệm Tạo Dựng, mầu nhiệm Giao Ước, mầu nhiệm Hôn Phối. Phần Thánh kinh gọi là «Lời Tựa» của Tin Mừng theo thánh Gio-an, tức là phần đầu của Sách Thánh dành cho một suy niệm sâu sắc về mầu nhiệm này. Lần này, ngài kể về phép lạ Ca-na, chính là bài suy niệm ấy, nhưng với hình thức một bài tường thuật. Có vẻ như hai bài viết trong phần đầu của Tin Mừng sẽ dẫn chúng ta hiểu rõ tất cả những gì diễn ra sau đó. Tôi xin đề nghị chúng ta đọc bài tường thuật dưới ánh sáng của Phần Mở Đầu Phúc Âm theo thánh Gio-an.

Giữa hai đoạn tường thuật có ý nghĩa gì? Có những sự kiện xảy ra trong cái gọi là «tuần khởi đầu» cuộc đời công khai của Chúa Giê-su. Bắt đầu bằng những gì xảy ra trên bờ sông Gio-đan, các người Pha-ri-sen đến hỏi về sứ vụ ông Gio-an Tẩy-giả, và ông đã loan báo Chúa Giê-su sẽ đến. Ngày hôm sau, ông Gio-an vui mừng thấy Chúa đến với ông, và ông nhận ra nơi Ngài là «Con Thiên Chúa, đấng làm phép Rửa trong Thánh Thần». Ngày hôm sau nữa, có cuộc gặp gỡ thứ hai bên bờ sông, thánh sử nói rõ như thế (dường như ngài muốn xác định thời gian như trong sách Sáng Thế; «Qua một buổi chiều và một buổi sáng») Lần này, có hai môn đệ ông Gio-an từ bỏ nhóm để theo Chúa Giê-su, và được mời về chiều hôm đó với Ngài.

Sau một ngày nữa, Chúa Giê-su đi về miền Ga-li-lê cùng với vài môn đệ. Và sau ba ngày nữa mới có phép lạ tiệc cưới Ca-na: «1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê». Chúng ta cũng muốn thử đếm các ngày trải qua từ ban đầu: điều này dẫn đến con số «bảy ngày». Việc nêu lên con số bảy ngày trong tuần, không phải là ngẫu nhiên. «Bảy ngày» luôn gợi lên sự kết thúc chương trình tạo dựng. Cũng như câu cuối bài «11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê»

Trong Phần Mở Đầu Tin Mừng theo thánh Gio-an, ngài viết: «1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… 3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.» (Ga 1, 1.3) Chúng ta đang ở trong bầu khí của bảy ngày Tạo Dựng. Giai đoạn lễ cưới Ca-na, xảy ra ngày thứ Bảy, có thể xem như một tiếng vang về công trình Tạo dựng; vì thật ra tại Ca-na, Chúa Giê-su không chỉ muốn hóa nước thành rượu, nhưng Ngài hành động như bắt đầu tạo dựng mọi sự. Ngôi Lời quay về Thiên Chúa để tạo dựng vũ trụ, một thời đại mới khởi đầu tại Ca-na: sự tạo dựng mới bắt đầu.

Ở đây là một đám cưới! Chúng ta có thể tiếp tục làm một nghiên cứu song song: ngày thứ Sáu Thiên Chúa kết thúc chương trình tạo dựng khi tạo nên đôi vợ chồng con người, giống hình ảnh của Ngài. Ngày thứ Bảy, Chúa Giê-su tham dự một đám cưới. Nói cách khác, dự án của đấng tạo hoá rốt cục là một dự án giao ước, dự án đám cưới. Bấy giờ chúng ta hiểu rõ hơn tại sao chúng ta đọc trong Bài Đọc 1, một bài trong I-sa-i-a Ba (Is 62), trong ấy, Chúa nói với dân Ngài: Ta yêu ngươi, Ta cưới ngươi, cũng như trước đó I-sa-i-a Hai nói: «5 Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi» (Is 54, 5). Các Nghị Phụ Giáo Hội không ngần ngại xem phép lạ Ca-na là một thể hiện của lời hứa Thiên Chúa: Ngày lễ Thiên Chúa «sánh duyên cầm sắt» với nhân loại bắt đầu từ đó.

Sau cùng, thánh Gio-an nói rõ Ca-na là tại Ga-li-lê, không phải để định vị thành này trên bản đồ! Nhưng đó là cho một tầm nhìn thật xa hơn: Ga-li-lê là một xứ được xem là của dân ngoại, nơi gặp gỡ của nhiều dân tộc. I-sa-i-a gọi là «1 Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng» (Is 9, 1) Matthêu nói: «Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại!» (Mt 4, 15) Thiên Chúa «sánh duyên» với cả nhân loại, chứ không chỉ vài người dân Do Thái đặc biệt.

Chúng ta hãy trở về cụm chữ «1 Ngày thứ ba» (Ga 2, 1a), chỉ mấy chữ này thôi chắc chắn cũng là một sứ điệp. Ở đây cũng thế, không phải mấy chữ tầm thường về thời gian để đánh dấu một tập nhật ký, nhưng là một suy niệm thần học. Trí nhớ của các môn đệ đã được khắc ghi khái niệm về ngày thứ ba, ngày Chúa Phục Sinh. Điều này có thể nói, dẫn ngay chúng ta đến tận đầu kia, từ cuộc đời công khai của Chúa Giê-su, đến Cuộc Thương Khó; cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô. Đó là một cách thánh Gio-an muốn nói cho chúng ta: ở đấy và chính ở đấy mà thôi, Giao Ước với nhân loại được vĩnh viễn thực hiện, lễ «sánh duyên» được cử hành. Hơn nữa câu sau cùng: «… Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người» (c 11), là để gợi lên sự Phục Sinh. Trong Phần Mở Đầu Tin Mừng thánh Gio-an nói: «14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người» (Ga 1, 14). Thật vậy, tại Ca-na các môn đệ đã chứng kiến lần đầu tiên vinh quang của Chúa Giê-su. Trong khi chờ đợi sự tỏ hiện vĩnh viễn vinh quang Thiên Chúa trên tôn nhan Chúa Ki-tô, chết và phục sinh.

Vì thế chữ «Giờ» trong câu số 4 «Giờ của tôi chưa đến», đối với thánh sử Gio-an rất quan trọng: đó là Giờ dự án của Thiên Chúa được hoàn tất trong Chúa Giê-su Ki-tô. Khi Chúa trả lời với Đức Mẹ: «Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến» là Ngài nghĩ tới điều ấy. Quả thật, điều Chúa quan tâm vượt qua các vấn đề vật chất thiếu rượu. Ngài không bao giờ quên sứ vụ của Ngài là cuộc đính hôn của Thiên Chúa và nhân loại.

Nhưng câu đầu («Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà») đáng ngạc nhiên, và là đề tài của nhiều tranh luận. Trên thực tế, trong bản tiếng Hy-lạp là: «Chuyện đó can chi đến mẹ và đến Con», có nghĩa là mẹ không thể hiểu được đâu. Chúa Giê-su phải đương đầu một mình, vấn đề vĩ đại là sứ mạng của Ngài. Để thích hợp với sứ mạng thực tế, Ngài phải làm sao đây? Phải làm ra rượu để mặc khải Ngài là Con Thiên Chúa chăng? Nơi đây chúng ta chạm vào chiều sâu của mầu nhiệm nhập thể của Chúa Ki-tô (Chính Ngài cũng ý thức dần dần: nhân tính hoàn toàn của Thiên Chúa, Ngài cũng lớn lên, trưởng thành như mọi người chúng ta khám phá sứ mạng của mình).

Có lẽ nơi đây, trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, chúng ta tìm thấy như một tiếng vang của những cơn Cám Dỗ trong các Phúc Âm nhất lãm: điều này giải thích phần nào tính cách khô khan câu Ngài trả lời cho mẹ Ngài. Trong sa mạc, lúc Ngài bị Cám Dỗ, vấn đề được đặt ra là: «trên thực tế, Con Thiên Chúa là gì?». Và quỷ cám dỗ rỉ tai Ngài: «Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!» (Lc 4, 3) Chúng ta lưu ý một điều: Chúa từ chối không làm phép lạ từ quỷ đề nghị, vì Ngài là Người duy nhất được hưởng phép lạ ấy. Tại Ca-na, trái lại, Ngài hóa nước ra rượu cho niềm vui mọi người. Điều này nói lên Con Thiên Chúa chỉ làm phép lạ để cho hạnh phúc con người.

Chỉ sau này các môn đệ mới khám phá ra phép lạ hôm nay. Nhưng những người thực sự kín đáo được trong ở cuộc – và thánh Gio-an cẩn thận nhấn mạnh điều ấy- đó là những gia nhân (câu 9): Họ được mặc khải, có thể nói tận trong xương thịt họ. Bởi vì, chính họ đi lấy nước đem tới, tất cả trong một niềm tin mù quáng. Thật vậy, có ai đâu lúc thiếu rượu đi giải quyết vấn đề bằng hằng trăm lít nước!

Nhưng dĩ nhiên chúng ta không quá ngạc nhiên, chính những người nghèo mới là những người đầu tiên khám phá ra kế hoạch của Thiên Chúa…

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com