Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC II CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN – NĂM C (1Cr 15, 1-11) 10/02/2019

"Chúa hiện ra với Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ"

 

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

 

1 Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững.

2 Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích.

3 Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh,

4 rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.

5 Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai.

6 Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ.

7 Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ.

8 Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.

9 Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa.

10 Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.

11 Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy.

 

Nếu chúng ta ngày nay còn đọc được các thư của thánh Phao-lô, là nhờ từ thế hệ này sang thế hệ khác, hơn 2000 năm nay, Tin Mừng được truyền lại: chúng ta có được đức tin cũng nhờ những bậc tiền bối để lại. Có thể so sánh sự truyền lại như một cuộc đua tiếp sức. Trên suốt quãng đường đua, các tay đua lần lượt được thay thế, ê-kíp này thay ê-kíp mới kia, trao tay nhau một vật (có thể là một vật đặc biệt cho việc đua tiếp sức). Ở đây Phúc Âm được trao lại không ngơi nghỉ, từ hơn hai nghìn năm: «3 Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: … lời Kinh Thánh» (c3)

Thánh Phao-lô không thuộc về ê-kíp đầu tiên lúc khởi hành. Ngoài hiện tượng Đa-mát, ngài chưa bao giờ biết Chúa Ki-tô, ngài không phải là chứng nhân trực tiếp những sự kiện về cuộc đời Đấng Giê-su thành Na-da-rét. Nhưng ngài có thể kể xuất xứ của Chúa: đó là nhờ từ các Tông đồ, có thể gọi Tông đồ thế hệ thứ nhất. Còn thánh Phao-lô, ngài nhận từ những chứng nhân rồi tới phiên ngài truyền lại. Những gì ngài truyền lại là Phúc Âm. Hai chữ ngắn gọn ấy có thể thay thế bằng hai câu rõ nghĩa hơn. Đó là: «Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, … và ngày thứ ba đã trỗi dậy» (c3…4). Chết/và trỗi dậy là hai cột trụ của Đức tin chúng ta.

Tất cả chương 15 trong thư gửi tín hữu thành Cô-rin-tô, dồn hết nỗ lực cho lời tuyên xưng Đức tin ấy. Lý do là, lạ thay dân thành Cô-rin-tô không thấy khó chấp nhận vế đầu: «Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta» nhưng là vế thứ hai «và ngày thứ ba đã trỗi dậy». Họ sẵn sàng chấp nhận cái chết của Chúa Giê-su là cho họ: «Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta» tức là chết để chuộc tội cho họ. Từ ngày Chúa Ki-tô chịu chết, hay có thể nói khác hơn, trong cái chết của đấng Ki-tô, tội lỗi làm xa cách với Chúa nay bị xoá đi, Giao Ước được nối lại (Hố sâu ngăn cách với Chúa đã được lấp lại). Ngược lại, tín hữu thành Cô-rin-tô có khuynh hướng xem sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô như một hiện tượng chỉ liên quan với Chúa mà thôi, như một kết cuộc đẹp cho cuộc thương khó bất công của Ngài.

Tất cả mục tiêu của thánh Phao-lô là làm cho hiểu sở dĩ Chúa chết cho chúng ta, Ngài cũng Phục Sinh cho chúng ta, Ngài kéo chúng ta theo sự Phục Sinh của Ngài… Chúa là người thứ nhất được phục sinh của một nhân loại mới, đi sau Ngài vào đời sống vĩnh cửu.

Để minh chứng điều ngài rao giảng, thánh nhân quả quyết những điều ấy phù hợp với Thánh kinh (theo thời ấy tức là ứng nghiệm với Cựu Ước) «tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, 4 rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh». Thật ra, các lời quả quyết ấy của thánh nhân, không có chỗ nào trong Thánh kinh nói rõ về cái chết và sự sống lại của Đấng Mê-si-a. Cụm chữ «đúng như lời Kinh Thánh» không có nghĩa là tất cả có viết trong Cựu Ước, nhưng nhờ Lời Chúa chúng ta có thể hiểu mầu nhiệm Chúa Ki-tô, tất cả những gì xảy ra đều đúng như kế hoạch thương yêu của Thiên Chúa.

Nơi đây chúng ta có thể thay thế chữ Kinh Thánh bằng chữ «Kế Hoạch Thiên Chúa» hay Lời Chúa hứa. Chúa Ki-tô đã chết cho tội lỗi chúng ta, tức là tội chúng ta được xóa đi… Đúng như Lời Chúa hứa. Chúa Ki-tô phục sinh tức là Chúa đã thắng sự chết. Khắp Cựu Ước còn vang lên những lời hứa ấy: lời hứa tha thứ tội lỗi, lời hứa cứu độ, lời hứa sự sống.

Ví dụ như cụm chữ «ngày thứ ba», chỉ cụm chữ ấy thôi trong Cựu Ước gợi lên lời hứa cứu độ, giải phóng. «và ngày thứ ba» (c4), có nghĩa là Chúa sẽ hành động. Ngày thứ ba trên núi Mô-ri-gia, Chúa đề nghị giải pháp cứu I-sa-ắc (St 22, 4); ngày thứ ba bên Ai-cập, Giu-se đã giải cứu anh em mình (St 42,18); ngày thứ ba Thiên Chúa mặc khải cho dân Mình tựu tập lại trên núi Si-na-i (Xh 19, 11-16); ngày thứ ba Giô-na đã hoán cải, được trở lại đất liền và tiếp tục sứ vụ (Gn 2, 1); và cũng như thế chúng ta hiểu lời sau đây của Hô-sê: «2 Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống; ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy, và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người» (Hs 6, 2). Cụm chữ ngày thứ ba, không phải chỉ con số thời gian mà là một biểu hiện của sự cậy trông: Vinh thắng của sự sống cho mọi người.

Tuyên bố: «Chúa Ki-tô… ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh», thật ra là lời xác quyết ơn cứu độ cho mọi người. Ơn cứu độ là sự vinh thắng cho sự sống. Một ơn cứu độ ngày nay, cho muôn thuở và cho tất cả mọi người, vì Chúa Ki-tô hằng sống mãi mãi. Động từ nguyên gốc tiếng Hy-lạp dùng chỉ sự phục sinh, không có nghĩa «Người đã phục sinh» như một sự kiện duy nhất và thức thời, nhưng có nghĩa «Người phục sinh và mãi mãi vẫn phục sinh». Với Chúa, loài người chiến thắng những mầm móng của chia rẽ (và sự chết) … loài người được hòa giải với nhau và với Thiên Chúa.

Tin Mừng ấy, thánh Phao-lô nói với chúng ta phải bằng bất cứ giá nào, trân trọng nó: «1 Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. 2 Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát…». Anh em được cứu thoát, tức là anh em có thể tham dự với Chúa Ki-tô, chiến thắng sự chết và tội lỗi nhờ Người; hay ở lại trong Ngài, anh em sẽ trở nên nhân loại mới, từ nay được khởi động bởi Chúa Thánh Thần. Thật ra, thánh Phao-lô chỉ lặp lại những gì Chúa Giê-su nói với các bệnh nhân Ngài chữa lành: «Tội con được tha» hay là: «Đức tin của con đã chữa lành con»

Ơn cứu độ ấy, chính thánh Phao-lô đã trải nghiệm, xưa kia ngài là kẻ bách hại được tha thứ, hoán cải và trở nên rường cột của Giáo Hội… ngài không bao giờ quên mình là kẻ bách hại các Ki-tô hữu: «9 Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa». Hơn ai hết, ngài mới là người có thể nói như thế! Chỉ cần tin vào sự tha thứ là được tha… Đó là điều tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa cho loài người, một tình yêu vô điều kiện, không ngừng được ban cho.

Về mặt lý thuyết, đó là «ân sủng». Ân sủng được ban cho, chỉ cần chấp nhận. Thánh Phao-lô cũng như I-sa-i-a, cũng như thánh Phê-rô rất ý thức mình tội lỗi, nhưng chấp nhận để ân sủng Chúa tác động trên mình: «10 Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi». Từ một «đứa con sinh non» Chúa làm nên một tông đồ, một tông đồ nhiệt thành nhất có thể; cũng như Giê-rê-mi-a, một thanh niên rụt rè, ngài làm nên một ngôn sứ dũng cảm, như I-sa-i-a miệng lưỡi bất toàn, Ngài làm cho trở nên «miệng của Chúa»; như thánh Phê-rô một người đã phản bội, Ngài cho trở thành nền tảng của Giáo Hội. Một ơn cứu độ chỉ cần chấp nhận: đó thật chính xác là một Tin Mừng! Chúng ta biết phải làm gì rồi: nhất thiết mạnh dạn rao giảng điều ấy khắp nẻo đường.

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com