Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN –NĂM C (Lc 6, 27-38) 24/02/2019

Alleluia, alleluia! Lạy Chúa Lời của Chúa là thần trí và là sự sống;

Chúa có những Lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

-----------------

Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót.

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca

 

27 "Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em,

28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.

29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.

30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.

31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.

32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.

33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế.

34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.

35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.

36 "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.

37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.

38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."

 

«Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ anh em sẽ là con Đấng Tối Cao,… vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.…» (c 36.35) Nghe như thế chúng ta không khỏi buột miệng nói, thật là một chương trình vĩ đại! Thế nhưng, chúng ta được gọi sống như thế. Nếu  đọc toàn Thánh Kinh, chúng ta khám phá ra rằng, đây là bài tường thuật con người tập sống cách tiệm tiến để chế ngự sự hung bạo của mình. Điều này không dễ, nhưng Chúa nhẫn nại, bởi vì đối với Ngài, như Thánh Phê-rô nói: «một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày» (2Pr 3, 8)

 Chúa giáo dục dân Ngài từ từ, đầy nhẫn nại. Sách Đệ Nhị Luật cũng nói: «Suy nghĩ lại, anh (em) phải nhận biết rằng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), giáo dục anh (em), như một người giáo dục con mình» (Đnl 8, 5). Cách loại bỏ thật chậm sự hung bạo ra khỏi trái tim con người được miêu tả một cách giàu hình ảnh trong sách Sáng Thế: bạo lực được xem như một hình thức  dã thú.

Tôi xin trở lại bài tường thuật về Vườn Địa Đàng. Chúa mời gọi Ađam đặt tên cho mỗi thú vật, điều này tượng trưng Ađam trên hết mọi thọ tạo. Và Chúa tạo nên Ađam như vua của tạo vật: «Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất» (St 1, 26). Và Chúa tạo ra Ađam như vua của tạo vật: «Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng» (St 2, 20). Các bạn hiểu nghĩa chữ «tương xứng» ở đây như «hài hòa»: con người không có một tạo vật ngang hàng với mình.

Thế nhưng, hai chương sau, đây là câu truyện của A-ben và Ca-en. Lúc Ca-en lúc bị một cơn cám dỗ cuồng nhiệt muốn giết người, Chúa nói: «tội lỗi đang nằm phục ở cửa, (như con vật) nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó» (St 4, 7c). Điều này nói lên từ những chương đầu của Thánh kinh, bạo lực được nhìn nhận, nó hiện hữu, nhưng bị lột mặt ra so sánh với  dã thú: con người không xứng được gọi là con người khi hung bạo.

Các sách Thánh kinh từ nay bắt đầu đảm nhận công việc thật khó khăn là hoán cải lòng con người. Trong công trình này có hai giai đoạn. Chúng ta hãy xem giai đoạn đầu: «mắt đền mắt, răng đền răng» (Xh 21, 25). Để đối lại kỷ lục hãi hùng của La-méc (Xh 4, 23), đứa cháu ba đời của Ca-in, khoe rằng đã giết cả người lớn cả lẫn trẻ con chỉ vì bị xây xát dưới chân, lề luật đặt ra giới hạn đầu tiên: «một cái răng đền một cái răng chứ không phải cả hàm, một mạng trả một mạng, chứ không phải cả làng». Luật phạt bằng ngang đã là một bước tiến, nhưng đối với chúng ta còn kém.

Sư phạm các ngôn sứ không ngừng đề cập vấn đề bạo lực này: nhưng các vị gặp phải một lực cản tâm lý rất lớn: người chấp nhận không báo thù thấy bị mất danh dự. Các sách Thánh kinh dần dần mạc khải vinh dự thật sự con người nằm chỗ khác; nhưng đó là khi chúng ta giống Chúa Giê-su Ki-tô: «Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác» (c 35)

Bài giảng của Chúa Giê-su hôm nay có thể xem là giai đoạn cuối cùng của chương trình sư phạm ấy. Từ luật bằng ngang, báo thù, nợ gì đòi nấy; chúng ta bước thêm một bước, kêu gọi phải nhẹ nhàng và vô vụ lợi, hoàn toàn cho nhưng không. Bài nhấn mạnh hai lần đầu bài và cuối bài, hai câu 27 và 35 nói rõ: «hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em… anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả». Như thế, câu cuối hẳn làm cho chúng ta khá ngạc nhiên.

Đến đây, mặc dù không dễ, nhưng còn lô-gíc, hợp lý: Chúa nhân từ, ngài muốn chúng ta bắt chước Ngài; thế nhưng, những dòng sau, hình như giọng Chúa thay đổi hẳn: «37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.

38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.» (c 37-38) Có phải chúng ta trở lại luật bằng ngang, nợ gì đòi nấy không?

Thưa không, dĩ nhiên rồi! Chìa khóa để hiểu nằm ở những câu sau: «phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao» (c 35) Điều tuyệt vời nhất, người tuân theo lý tưởng Ki-tô hiền lành và tha thứ, khám phá ra là sự biến đổi sâu xa nơi tâm hồn họ: bởi vì họ mở cánh cửa lòng họ cho Thánh Thần Thiên Chúa; Ngài sẽ ngự trong họ và dần dần linh ứng, họhọ sẽ cảm nhận lời hứa của Tiên tri Ê-dê-ki-en thể hiện nơi họ: «Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành» (Ek 36, 27)      

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com