Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – NĂM C (Lc 9, 28b-36) 17/03/2019

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM

Từ trong đám mây sáng chói có tiếng Chúa Cha phán rằng:
"Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người".

-----------------

"Đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

 28 Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê.

29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà.

30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a.

31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người.

33 Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Ông không biết mình đang nói gì.

34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ.

35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!"

36 Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

 

Vài hôm, trước khi bài tường thuật Đức Giê-su Hiển Dung hôm nay, trong khi cầu nguyện với các môn đệ, Chúa đặt câu hỏi cốt yếu sau đây với các ông : «Dân chúng nói Thầy là ai» (Lc 9, 18) Phê-rô trả lời: «Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.» (Lc 9, 20). Liền sau đó Chúa nói ra mọi sự: thật vậy, Ta là Đấng Mê-si-a nhưng không như mọi người chờ đợi. «Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy» (Lc 9, 22). Ngay từ bây giờ vinh quang của Con Người không thể tách rời với Thánh Giá.

Thánh Luca nói khoảng tám ngày sau, Chúa Giê-su dẫn môn đệ lên núi. Một lần nữa, Ngài muốn đi cầu nguyện với họ; chính lúc ấy, Chúa chọn để mặc khải cho các môn đệ mầu nhiệm Con Thiên Chúa. Vì trong truyện kể Chúa hiển dung, không phải con người, đám đông hay các môn đệ về quan niệm của họ với Chúa, nhưng chính Ngài đưa ra lời đáp và cho chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Ki-tô: «Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!» (Mt 17, 5). Mầu nhiệm Chúa Giê-su chứa đựng trong ba ngôn từ:

- «Con», đây là danh xưng Đấng Mê-si-a «Đây là Con yêu dấu của Ta»

- «được chọn», đây là một trong danh xưng của người tôi trung của Thiên Chúa trong sách I-sa-i-a II «1 Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng» (Is 42, 1)).

- «hãy vâng nghe lời Người!» Công thức này chỉ dành cho Thiên Chúa.

Hơn nữa, bài tường thuật thánh Luca đem chúng ta về bối cảnh sự mặc khải của Thiên Chúa trong sa mạc Xi-nai: núi, cát bụi, vinh quang, tiếng nói vang từ trời, các lều… Tất cả làm cho chúng ta ít ngạc nhiên khi thấy sự hiện diện của Mô-sê và Ê-li-a cạnh bên Chúa Giê-su. Chúng ta còn nhớ rằng Mô-sê đã ở với Chúa trên núi Xi-nai bốn mươi ngày và khi xuống, dung nhan ông sáng rực, làm cho mọi người ngạc nhiên: «29 Ông Mô-sê từ trên núi Xi-nai xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước, khi xuống núi, ông Mô-sê không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa. 30 Khi ông A-ha-ron và toàn thể con cái Ít-ra-en thấy ông Mô-sê, thì này đây da mặt ông sáng chói, nên họ sợ không dám lại gần ông» (Xh 34, 29-30)

Ông Ê-li-a cũng vậy: «8 Ông dậy, ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa» (1V 19, 8)… và có lời Chúa phán: «Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt ĐỨC CHÚA. Kìa ĐỨC CHÚA đang đi qua» (1V 19, 11). Lúc ấy có cơn gío mạnh, đất rung chuyển, ngọn lửa bùng cháy; thế nhưng Chúa không trong gió lốc, không trong trận động đất, không trong đám lửa… Nhưng trong «tiếng gió hiu hiu.13 Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông: "Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây?» (1V 19, 12b-13). Hai nhân vật trong Cựu Ước có vinh dự được Chúa mặc khải vinh quang của Ngài, nay có mặt ở đây, trong ngày Chúa Giê-su hiển dung.

Chúa Giê-su cũng thế, Ngài lên núi, và chúng ta thấy Ngài lên núi với một mục đích chính xác. Thánh Luca nói: «Đức Giê-su lên núi cầu nguyện» (c28). Ngài là thánh sử duy nhất ghi nhận Chúa Ki-tô cầu nguyện trong cuộc Hiển Dung. Các môn đệ có dịp khám phá nơi Chúa Giê-su, cầu nguyện là một cuộc gặp gỡ «hiển dung» với Thiên Chúa.

Trước đó một thời gian, khi Chúa giải thích bài dụ ngôn Người Gieo Giống, Ngài nói với các môn đệ: «Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa» (Lc 8, 10). Điều này thật chính xác, đặc biệt cho ba chứng nhân: Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Nhân đây tôi xin lưu ý  ba môn đệ này: Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê là chứng nhân, sự sống lại của con gái ông trưởng hội trường Gia-i-a, và cũng ba Vị này có mặt trong đêm cầu nguyện quan trọng trong vườn Ghét-sê-ma-ni.

Chúng ta hãy trở về với Ê-li-a và Mô-sê; Luca là thánh sử duy nhất xác nhận rõ về nội dung các ngài với Chúa Giê-su: «31 Hai vị hiện ra,… và nói về cuộc «ra đi» Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem» (Trong bản gốc thánh Luca dùng chữ «Xuất hành», Thánh Kinh VN cũng dùng chữ «Xuất hành», trong lúc bản dịch tiếng Pháp dùng chữ «ra đi»). Thật vậy, không thể nào tách lìa vinh quang Chúa Ki-tô và Thánh Giá. Không phải ngẫu nhiên mà thánh Luca dùng chữ «Xuất hành» để nói đến sự Phục Sinh đấng Ki-tô. Như sự phục sinh, ông Mô-sê đã khởi đầu cuộc xuất hành của dân chúng khỏi ách nô lệ Ai-cập để tiến về miền đất tự do, sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô cũng khởi nguyên con đường giải thoát cho cả nhân loại.

Trong đám mây sáng ngời của cuộc Hiển Dung, tiếng nói của Chúa Cha nài nỉ: «hãy vâng nghe lời Người!». Hai chữ Do Thái «Sê-ma It-ra-en», đối với người Do Thái là cả một chương trình. «It-ra-en, hãy nghe đây»; đó là một loại kinh tin kính hằng ngày của dân tộc It-ra-en, nhắc lại Chúa Duy Nhất đã giải thoát It-ra-en. Trước tiên là giải thoát khỏi Ai-cập, nhưng đây chỉ là giai đoạn đầu của một cuộc cách mạng giải phóng dài, nhiều thế kỷ của Thiên Chúa với Áp-ra-ham; được Mô-sê kế tiếp, và được Chúa Giê-su hoàn tất. Đối với những ai nghe lời kinh «Sê-ma It-ra-en» không ai nghĩ đây là một mệnh lệnh đầy quyền uy… Nhưng là một lời cầu xin: «Hãy vâng nghe lời Người!», có nghĩa là hãy trông cậy nơi Người.

Phê-rô rất ấn tượng vì Hiển Dung của Chúa, muốn ở lại: «Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều». Nhưng thánh Luca nói: «Ông không biết mình đang nói gì». Vấn đề không phải sống xa thế gian và những vấn nạn của thế gian: thời gian cấp bách rồi Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê, ba người được đặc ân phải mau mau về với anh em khác. Dự án của Thiên Chúa không giới hạn ở vài người đặc biệt… Như thánh Phao-lô nói trong thư  gửi tín hữu thành Phi-líp-phê (Bài đọc 2 hôm nay): «20 Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời» (Ph 3, 20)

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính:Phê-Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com